Thượng đỉnh G20 nêu bật những quan tâm về thương mại toàn cầu (VOA, 29/06/2019)
Các nhà lãnh đạo thế giới hôm 28/6 khai mạc hai ngày họp thượng đỉnh tại Osaka Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/06/2019.
Tất cả đều mỉm cười trước ống kính trong ngày đầu của cuộc họp, trong đó có cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi vào bàn hội nghị.
Tại đây, dường như Tổng thống Trump hạ nhiệt những cáo buộc về chuyện Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên, các phái đoàn cho Reuters biết các nhà lãnh đạo G20 không đạt được thỏa thuận về nhiều vấn đề quan trọng trong nghị trình thượng đỉnh.
Họ bày tỏ quan ngại về hậu quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Chủ nhà của hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói những căng thẳng thương mại có thể đưa đến bất lợi cho tất cả mọi người.
Tokyo thúc đẩy một thông cáo chung của G20 nhấn mạnh đến việc quảng bá thương mại tự do như là một phương thức đẩy mạnh tăng trưởng toàn cầu, theo truyền thông Nhật Bản.
Tuy nhiên, các đại diện của Nga và Nhật nói với Reuters là kế hoạch "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thốn Trump và việc chính quyền ông không thích chủ nghĩa đa phương là những thách thức khó khăn đối với sự đoàn kết của G20.
Trong số những rạn nứt lớn nhất là bất đồng ý kiến về làm cách nào cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để đẩy mạnh hơn nữa kinh tế toàn cầu.
An ninh thông tin, biến đổi khí hậu và di dân cũng là những vấn đề gai góc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói nước ông sẽ không ký thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh nếu không đề cập đến thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh tiếp tục vào ngày thứ Bảy 29/6, với cuộc gặp bên lề hội nghị giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình được theo dõi chặt chẽ xem liệu có những dấu hiệu tích cực hay tiêu cực về tương lai thương mại toàn cầu hay không.
*********************
Thượng đỉnh Osaka : 19 nước G20 cam kết thực thi Hiệp định Khí hậu Paris (RFI, 29/06/2019)
Sau nhiều thương lượng cam go, rốt cuộc khối G20 đã ra được một thỏa thuận chung về vấn đề khí hậu, tái khẳng định các cam kết thực thi Hiệp định Paris 2015, theo công thức 19+1. Tức tất cả các quốc gia thành viên G20, ngoại trừ Hoa Kỳ.
Thượng đỉnh G20 tại Osaka. Ảnh 29/06/2019.G20 Osaka Summit Photo/Handout via Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel xác nhận là G20, sau nhiều đàm phán căng thẳng, rốt cục đã đạt được một "văn bản tương tự" khẳng định "tính chất không thể đảo ngược" của các mục tiêu về Khí hậu, như hồi năm ngoái 2018, tức tại thượng đỉnh của khối tại Buenos Aires. Theo AFP, văn bản chỉ đã được thông qua ngay trước phiên bế mạc thượng đỉnh sáng hôm nay, 29/06/2019, tại Osaka, Nhật Bản.
Trong những ngày gần đây, giới quan sát nhiều lần nêu khả năng thượng đỉnh sẽ không ra được thỏa thuận chung, do các chia rẽ trong vấn đề khí hậu. Một số cường quốc, như Brazil, Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ, có thể ngả theo Mỹ, quốc gia tuyên bố rút khỏi một hiệp định, vốn đã nhận được sự đồng thuận của toàn bộ cộng đồng quốc tế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải lên tiếng cảnh báo là Paris sẽ không ký vào Tuyên bố chung, nếu G20 không đạt đồng thuận về vấn đề Khí hậu.
Theo phủ tổng thống Pháp, Liên Hiệp Châu Âu đã hết sức nỗ lực để "tối thiểu là duy trì được các cam kết (về khí hậu) tương tự với các thượng đỉnh trước".
Trong cuộc họp báo sau khi G20 ra được Tuyên bố chung, hướng tới các lãnh đạo thế giới, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu :
"Tôi cho rằng chúng ta đang ngày càng thoát ly khỏi thế giới. Các nhà khoa học mỗi ngày liên tục nhắc lại với chúng ta về các nghĩa vụ đối với vấn đề khí hậu, cũng như về lĩnh vực đa dạng sinh thái. Giới trẻ của chúng ta tại nhiều quốc gia thường xuyên nhắc nhở chúng ta về các nghĩa vụ. Trong khi đó, chúng ta tiếp tục tranh luận xem : Liệu chúng ta còn có quyền nói đến Thỏa thuận khí hậu Paris hay không.
Nhờ sự nỗ lực của Nhật Bản, với tư cách là chủ tọa, chúng ta đã đạt được các yếu tố cho phép duy trì mục tiêu của chúng ta. Cụ thể là tất cả các thành viên G20, bao gồm 19 nước, không kể Hoa Kỳ, đã tái khẳng định trong bản Tuyên bố chung các cam kết nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris. Nhưng chúng ta sẽ phải đi xa hơn. Đó chính là thách thức của những tháng tới".
Thượng đỉnh của khối G20 năm tới sẽ được tổ chức tại Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đứng đầu thế giới, và đối tác chiến lược chính của Hoa Kỳ.
Bên cạnh khí hậu, khối 20 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới cũng tìm được một thỏa hiệp trong lĩnh vực thương mại, cụ thể là "cam kết vì một nền thương mại toàn cầu công bằng, minh bạch và không kỳ thị", cũng như mệnh lệnh khẩn cấp cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO)", như nhận định của thủ tướng Đức Angela Markel.
Trọng Thành
****************
Trump nói hiệp ước phòng thủ ‘bất công’ với Nhật Bản phải thay đổi (VOA, 29/06/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy cho biết ông đã nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng một hiệp ước an ninh hàng thập niên giữa hai nước phải thay đổi, nhắc lại chỉ trích của ông đối với hiệp ước này là không công bằng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc họp bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019.
Ông Trump nói ông không định rút khỏi hiệp ước, vốn lâu nay được xem là rường cột cho sự ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng nói nó đặt gánh nặng quá lớn lên Mỹ.
"Tôi nói với ông ấy rằng, chúng ta sẽ phải thay đổi nó", ông Trump nói trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh hai ngày của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở Nhật Bản.
"Tôi nói, nếu ai đó tấn công Nhật Bản, chúng tôi sẽ đáp trả toàn lực", ông nói thêm. "Nếu có ai đó tấn công Mỹ, họ không phải tấn công lại. Như vậy là bất công".
Hiệp ước, được kí kết sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai, quy định Mỹ có nghĩa vụ phòng vệ Nhật Bản.
Đổi lại, Nhật Bản cung cấp các căn cứ quân sự mà Washington sử dụng để đưa sức mạnh của mình vào sâu ở Châu Á, bao gồm số lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tập trung đông nhất ở Okinawa, và một nhóm hàng không mẫu hạm tấn công tại căn cứ hải quân Yokosuka gần Tokyo.
Việc chấm dứt hiệp ước an ninh này được nhiều người xem là sẽ làm tăng nguy cơ buộc Washington phải rút một phần lớn lực lượng quân sự khỏi Châu Á vào thời điểm sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng.
Tin từ Wall Street, trung tâm tài chính của Mỹ hôm thứ Sáu 28/6 nói các đại ngân hàng như Citi, Bank of America đều chờ xem có cuộc hưu chiến khi Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề G20 ở Osaka hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay nhau tại Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản 29/06/2019
Nhưng các nhà băng Mỹ cũng tin rằng dù hai bên có đồng ý không gia tăng độ nóng của thương chiến thì các vấn đề cơ bản đối chọi nhau giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn đó.
Thực tế như nhiều người đã rõ, lập trường hai bên đã quá khác nhau, và đòi hỏi của Mỹ vượt quá mức sơ khởi là Trung Quốc phải nhập hàng Mỹ nhiều hơn để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Tin tức về tài liệu 150 trang của ký kết sơ khởi giữa hai bên (bị gác lại do Bắc Kinh đổi ý giờ chót vào cuối tháng 3) cho thấy Mỹ đòi hỏi những tái cấu trúc căn bản của nền kinh tế và luật lệ thương mại của Trung Quốc, bao gồm các nhượng bộ quan trọng về tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, ngăn ngừa chuyện ăn cắp thông tin công nghệ Mỹ, và các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nếu Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận đã đồng ý.
Nếu ông Tập đã không đồng ý với các nhượng bộ quan trọng này vào cuối tháng Ba, khó có lý do nào để ông đổi ý bây giờ, dù nền kinh tế Trung Quốc đã đi vào những khó khăn rõ nét hơn. Nhất là vì cấp chuyên viên cao hai bên đã ngưng hẳn cuộc đàm phán giằng co từ 3 tháng nay, không thể có ngay một bản thỏa thuận chi tiết sẵn sàng khác để hai nhà lãnh đạo ký ngay trong kỳ họp G20 này.
Điều gì dễ xảy ra nhất : Một tuyên bố chung để xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa hai bên và không tiếp tục tăng thêm thuế biểu nhập cảng (tariffs) như đã dọa nhau nữa, trong một thời gian ngắn làm mát dịu "short cooling-off period" độ 2-3 tháng để thay đổi bản nháp thỏa ước lần chót.
Thương chiến ra sao nếu không có thỏa thuận ?
Nhận xét đầu tiên là có rất ít phân tích xác đáng và khả tín về ảnh hưởng trên nền kinh tế Mỹ do cuộc thương chiến gây ra. Phe Dân chủ và các nhà trí thức phe tả trong xã hội Mỹ, chuyên tài về chỉ trích bất cứ chính sách nào của Trump, cũng chỉ tuyên bố rời rạc như kinh tế Mỹ sẽ suy yếu đi nhiều, lạm phát Mỹ tăng nhanh vì áp lực thuế quan cao trên hàng nhập Trung Quốc, nông dân bất mãn vì hàng nông sản Mỹ không bán được...
Nhưng gần một năm qua từ lúc thuế quan tăng được áp đặt, các chuyện này đã không xảy ra như họ "mong muốn" để làm yếu đi thế đứng của ứng viên Trump trong kỳ tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ, đã bắt đầu từ tháng 6 năm nay cho tới hè năm tới 2020.
Nếu áp thuế 25% xảy ra trên 300 tỷ hàng Trung Quốc còn lại vì thương chiến tiếp tục, ảnh hưởng đáng kể nhất là tăng trưởng Mỹ sẽ chậm lại độ 0,3-0,5% trong năm 2019 và 0,5-1,0% trong năm 2020, nhưng ngay điều này cũng chưa chắc chắn vì Ngân hàng Trung ương FED của Mỹ đang sửa soạn hạ lãi suất 1-2 lần trong năm nay. Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn vững mạnh là nhà tiên tri cho điều đó !
Còn về phía Trung Quốc, các tin tức cho thấy tác động lớn hơn nhiều. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn độ 6%, chúng khoán sụp đổ và tiền được tháo chạy mãnh liệt với các hãng Trung Quốc và hãng đầu tư ngoại quốc rời khỏi xứ sang các nước lân cận (như Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam…) và dân thường chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài. Tỷ giá tiền RMB xuống thấp là 6,9 RMB/1 USD. Nếu tỷ giá này nhích thêm xuống mức báo động 7 RMB sẽ là mức "panic" được dự báo để gây cuộc hỗn loạn tiền tệ đáng kể cho Trung Quốc.
Hai vấn đề nghiêm trọng nhất đang xảy ra ở Trung Quốc : Nạn thất nghiệp thành thị (do các hãng đóng cửa hay rời xứ) gây cho dân chúng ào ạt kéo về nông thôn tìm việc và vấn đề lạm phát cho giá cả lương thực, cả hai đều gây áp lực chính trị đáng kể cho cá nhân ông Tập.
Cùng lúc, vòng vây siết chặt công nghệ qua hãng Huawei và cả trăm hãng khác đang và sẽ làm tê liệt công nghệ và sản xuất Trung Quốc.
Các tác dụng trên đến nền kinh tế Trung Quốc như là tác động của cả trăm "sư đoàn" giả tưởng của Mỹ được gửi đến Trung Quốc, như nhận xét của một số nhà phân tích.
Nhưng trong thực tế, Mỹ cũng đã điều động hải quân thật sự, phối hợp với liên minh hải quân các nước khác trong vùng, để tạo lập vòng vây ở Biển Đông và eo biển Đài Loan như là các biện pháp quân sự tương lai lúc cần thiết.
Trung Quốc không thể không thấy những điều này của Mỹ và liên minh Phương Tây, Ấn Độ và Nhật-Úc, để ngăn chặn giấc mơ bành trướng của họ trong tương lai, qua "Nhất Đới Nhất Lộ', hay Trung Quốc năm 2025 hay 2035.
Chính sách khôn ngoan "Nằm yên, chờ thời" của Đặng Tiểu Bình đã bị bỏ qua, thay vào đó móng vuốt của Rồng Trung Quốc đã làm cả thế giới e ngại và ra tay ngăn chặn dưới sự lãnh đạo của Mỹ.
Ảnh hưởng đến Việt Nam ?
Tất nhiên không thể không bàn đến Việt Nam khi phân tích tình hình thương chiến Hoa Kỳ-Trung Quốc. Trong một bài phỏng vấn khác, chúng tôi đã bàn đến câu tuyên bố "nóng" và bất chợt của Tổng thống Trump bàn đến Việt Nam như "kẻ lợi dụng tình thế thương chiến Mỹ-Trung Quốc để tăng xuất khẩu vào Mỹ".
Tuyên bố này hàm ý cả việc Mỹ mua thêm hàng của Việt Nam và cả chuyện nhiều hàng Trung Quốc tuồn sang mang mác Việt Nam để tránh thuế, như báo Wall Street Journal (27/06/2019) đã điều tra báo cáo cả tỷ đô la hàng Trung Quốc đã tiếp tục sang Mỹ bằng cửa này.
Chúng tôi đã bàn đến cả một chiến lược thương mại mà Việt Nam cần áp dụng để giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam, cũng như ngăn chặn ngay các hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam lấy mác Việt. Nhưng tựu chung, có hai điều căn bản mà Việt Nam phải làm :
• Trong chiến lược thương mại toàn cầu, mua thêm hàng Mỹ đơn giản sẽ là cách "thoát Trung dần dần", giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, mà lại giúp bớt đi xuất siêu sang Mỹ hầu tránh áp lực chính trị Mỹ đang tăng dần qua lời tuyên bố mạnh mẽ, hơi bất chợt của Tổng thống Trump, trước thềm cuộc viếng thăm chính thức Hoa Kỳ của một nguyên thủ Việt Nam.
• Một điểm khác là để phản ứng lại chỉ trích của ông Trump, Việt Nam cần sẵn sàng soạn cuốn sách trắng về xuất cảng, "A White Book on Vietnam's exports to the US in the last 5 years 2013-2018". Giải thích rõ tính cách gia công trong các hàng Việt Nam xuất cảng điện tử chẳng hạn, thí dụ rõ nhất là điện thoại Samsung, trong đó giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ là 5-10%. Vì vậy con số xuất cảng sang Mỹ thực , "true Việt Nam exports to the US" thấp hơn con số thống kê xuất bản nhiều. Điểm này được rất ít các chuyên viên bên Mỹ biết đến, đừng nói gì là nhà chính trị như Tổng thống Trump.
Việt Nam nên sẵn sàng với các tài liệu này khi trần tình hay đàm phán chính thức với Mỹ, trong cuộc viếng thăm nêu trên, về các biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.
Tóm lại Việt Nam đanh hưởng lợi nhiều từ chính sách hiện nay của Hoa Kỳ và dù quan hệ với Trung Quốc là rất hệ trọng, như nó luôn luôn là thế, giao thương mọi mặt với Hoa Kỳ lại đang đóng vai trò bản lề cho Việt Nam nếu muốn nâng tầm của nền kinh tế lên đẳng cấp cao hơn và tạo vị thế vững chắc hơn về ngoại giao những năm tới.
Thương mại Mỹ-Trung : Donald Trump và Tập Cận Bình lại đồng ý hưu chiến (RFI, 29/06/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm nay 29/06/2019 đã chấp thuận một cuộc hưu chiến mới trong cuộc chiến thương mại kéo dài một năm nay giữa hai bên. Hai lãnh đạo đã quyết định như trên nhân một cuộc họp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản. Ảnh 29/06/2019. Reuters/Kevin Lamarque
Phát biểu tại trong một cuộc họp báo, tổng thống Mỹ xác định rằng các loại thuế quan mà Hoa Kỳ đã áp đặt rồi trên một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì, nhưng mức thuế mới mà ông đe dọa sẽ đánh trên hàng tỷ đô la hàng hóa khác của Trung Quốc sẽ không được kích hoạt trong "thời điểm hiện tại". Theo ông Donald Trump, hai bên sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình hoãn.
Tổng thống Mỹ đã có những tuyên bố như trên sau một cuộc tiếp xúc kéo dài với ông Tập Cận Bình. Theo đặc phái viên RFI, Mounia Daoudi tại Osaka, cuộc gặp song phương Trump-Tập đã kết thúc một cách tương đối tích cực.
Đúng là như vậy, tổng thống Mỹ đã mô tả là "rất tốt" cuộc trao đổi của ông với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ Trung bế tắc từ tháng 5 đến nay.
Dấu hiệu cho thấy là tình hình đã cải thiện hơn một chút giữa hai cường quốc kinh tế là việc Washington đã quyết định không áp thêm thuế lên hàng nhập từ Trung Quốc. Ông Donald Trump từng đe dọa áp thuế lên 300 tỷ đô la hàng chưa bị thuế, tức là áp thuế trên toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Tổng thống Mỹ đã hoan nghênh việc hai bên "đã trở lại đúng hướng" và thông báo đàm phán Mỹ Trung sẽ tiếp tục trở lại.
Diễn biến ở Osaka cũng giống như kịch bản ở Buenos Aires. Hai địch thủ vào tháng 12 năm ngoái, sau buổi ăn tối làm việc ở thủ đô Argentina, đã quyết định hưu chiến trong vài tháng để rồi sau đó lại đối đầu nhau trở lại.
Cuộc hưu chiến lần này và thái độ lạc quan của ông Trump không có nghĩa là hai bên chắc chắn đạt được một thỏa thuận thương mại…
Riêng về một yêu cầu cụ thể từ phía Trung Quốc là muốn Mỹ thôi trừng phạt tập đoàn Hoa Vi, tổng thống Donald Trump hôm nay nhấn mạnh rằng ông không rút Hoa Vi ra khỏi danh sách các công ty nước ngoài có thể gây nguy cơ cho an ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, ông sẽ cho phép các công ty Mỹ bán trở lại linh kiện cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
************
G20 : Mỹ - Trung tái khởi động đàm phán thương mại (BBC, 29/06/2019)
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại, làm giảm bớt một cuộc tranh cãi kéo dài đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Trump mô tả kết quả cuộc gặp với Chủ tịch Tập hôm 29/6/2019 bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka là "tuyệt vời"
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hôm 29/6/2019.
Ông Trump nói rằng các cuộc đàm phán là "tuyệt vời", trong khi ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời nói hai nước không nên "rơi vào cái bẫy xung đột và đối đầu".
Tổng thống Trump từng đe dọa sẽ áp thêm thuế quan trị giá 300 tỷ đôla lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp ở Osaka, ông xác nhận rằng Washington sẽ không tăng thêm thuế quan bổ sung và ông sẽ tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố rằng các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán hàng hóa, dịch vụ cho công ty công nghệ Trung Quốc Huawei, hãng mà Washington đã ra lệnh cấm vì lo ngại về an ninh.
Nhưng ông Trump nói rằng tranh chấp sẽ được giải quyết 'vào cuối cuộc đàm phán thương mại.
Tranh chấp leo thang thế nào ?
Người biểu tình hiện diện ở G20 tại Osaka ngay trước cuộc gặp Trump & Tập hôm 29/6/2019 để phản đối Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đã đụng độ trong một cuộc chiến thương mại gây thiệt hại trong năm qua.
Ông Trump cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ và rằng Trung Quốc đã buộc các công ty Mỹ chia sẻ bí mật thương mại để có thể kinh doanh tại Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc cho rằng yêu cầu cải cách kinh doanh của Mỹ là không hợp lý.
Tình thế đối địch leo thang suốt nhiều tháng ngay trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, sau khi các cuộc đàm phán giữa hai nước sụp đổ vào tháng 5/2019.
Đột phá sẽ thay đổi ra sao ?
Leo thang thương chiến Mỹ - Trung theo một quan sát của BBC
Phát biểu sau cuộc gặp với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh Osaka , Tổng thống Mỹ nói các cuộc đàm phán đã "trở lại đúng hướng".
"Chúng tôi đã có một cuộc gặp rất tốt với Chủ tịch Tập của Trung Quốc, tuyệt vời, tôi có thể nói là tuyệt vời, tốt đẹp như sẽ diễn ra", ông Trump nói với các phóng viên.
"Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều điều và chúng tôi đã trở lại đúng hướng và chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra".
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các nhà đàm phán từ cả hai bên sẽ thảo luận về các chi tiết cụ thể, nhưng không nêu chi tiết.
Tân Hoa Xã cũng dẫn lời ông Tập nói : "Trung Quốc và Mỹ có lợi ích tích hợp cao cùng các lĩnh vực hợp tác rộng rãi và hai nước không nên rơi vào điều được gọi là cái bẫy xung đột và đối đầu".
****************
Mỹ và Trung Quốc đồng ý tái khởi động đàm phán
Mỹ và Trung Quốc vào ngày thứ Bảy đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại và Washington sẽ khoan áp đặt thuế quan mới đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, báo hiệu một sự hòa hoãn tạm thời trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp song phương tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019.
Bình luận về cuộc tranh chấp kéo dài liên quan đến công ty Huawei của Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump nói các công ty Mỹ sẽ có thể bán linh kiện cho hãng sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới này trong những lĩnh vực không có vấn đề an ninh quốc gia.
Hai bên hưu chiến sau gần một năm đối đầu về thương mại. Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên hàng tỉ đôla hàng nhập khẩu của nhau, gây gián đoạn nguồn cung toàn cầu, làm thị trường chao đảo và khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
"Chúng tôi quay lại đúng hướng và sẽ xem chuyện gì xảy ra", ông Trump nói với các phóng viên sau cuộc họp kéo dài 80 phút với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn của Nhóm 20 (G20) tại Osaka, Nhật Bản.
Ông Trump nói dù ông sẽ không dỡ bỏ thuế quan hiện tại, ông sẽ không áp đặt thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỉ đôla - có nghĩa là sẽ mở rộng thuế quan đối với toàn bộ hàng mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
"Chúng tôi sẽ khoan đánh thuế và họ sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp", ông nói tại một cuộc họp báo, không đưa ra thêm chi tiết nào về việc Trung Quốc sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp trong tương lai.
"Nếu chúng tôi đạt được thỏa thuận, đó sẽ là một sự kiện mang tính lịch sử lớn".
Ông không đưa ra mốc thời gian cho điều mà ông gọi là một thỏa thuận phức tạp nhưng nói ông không vội. "Tôi muốn làm cho đúng".
Về Huawei, ông Trump cho biết bộ thương mại Mỹ sẽ họp trong vài ngày tới về việc có nên đưa công ty này ra khỏi danh sách các công ty bị cấm mua linh kiện và công nghệ từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ hay không.
Trung Quốc hoan nghênh bước đi này.
"Nếu Mỹ làm đúng như những gì họ nói thì dĩ nhiên chúng tôi hoan nghênh điều đó", Vương Tiểu Long, phái viên đặc trách sự vụ G20 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Huawei cũng hoan nghênh bước đi này của Mỹ.
Huawei đã bị săm soi ráo riết trong hơn một năm qua, dẫn đầu bởi các cáo buộc của Mỹ nói rằng những "cửa sau" trong các thiết bị định tuyến, thiết bị chuyển mạch và các thiết bị khác của công ty này có thể cho phép Trung Quốc do thám thông tin liên lạc ở Mỹ.
Mặc dù công ty đã phủ nhận các sản phẩm của họ đề ra mối đe dọa an ninh, Mỹ đã làm áp lực với các đồng minh của mình loại bỏ Huawei ở khỏi các mạng lưới 5G của mình và đã gợi ý rằng đây có thể là một yếu tố trong thỏa thuận thương mại.
Trong một thông cáo dài về các cuộc đàm phán hai chiều, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói với ông Trump rằng ông hi vọng Mỹ có thể đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc.
Về các vấn đề chủ quyền và tôn trọng, Trung Quốc phải bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình, ông Tập được dẫn lời nói.
"Trung Quốc chân thành về việc tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ ... nhưng các cuộc đàm phán nên bình đẳng và thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau", bộ ngoại giao dẫn lời ông Tập.
*****************
Trung Quốc lên giọng cứng rắn trước cuộc gặp Trump-Tập (VOA, 29/06/2019)
Trung Quốc có giọng điệu cứng rắn với Mỹ trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập và một số nhà phân tích cho rằng thời gian đang đứng về phía họ nếu cuộc chiến thương mại này kéo dài nên họ không vội đạt được một thỏa thuận với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương vào trưa ngày 29/6 bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka ở Nhật Bản, sự kiện được cả thế giới theo dõi sát sao với hy vọng nó sẽ phá vỡ thế bế tắc giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox Business Network hôm 26/6, ông Trump tiếp tục có giọng điệu cứng rắn khi đe dọa rằng ông sẵn sàng áp thuế đối với 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, nếu nước này không đồng ý ký vào một thỏa thuận thương mại.
"Kế hoạch B của tôi là nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ đánh thuế và có thể không ở mức 25%, nhưng có thể là 10%", ông Trump cho biết và nói thêm rằng Hoa Kỳ có thể ‘ngày càng bớt làm ăn với Trung Quốc’.
Tuy nhiên, lời đe dọa của ông Trump dường như không làm cho Bắc Kinh thay đổi lập trường mà trái lại họ còn có giọng điệu mạnh mẽ hơn nữa ngay trước thềm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
"Người dân Trung Quốc không sợ bất kỳ kẻ xấu hay áp lực nào. Chúng tôi sẽ không chấp nhận lời đe dọa này", ông Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 27/6 khi ông nhắc đến lời đe dọa của ông Trump.
Không mong có thỏa thuận ?
Tờ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo nổi tiếng với lập trường diều hâu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không đặt hy vọng vào triển vọng đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp Trump-Tập tại G20.
"Có khả năng hai nhà lãnh đạo ra về mà không đạt được bất kỳ đột phá nào", ông Tống Quốc Hữu, giám đốc Trung tâm Ngoại giao Kinh tế của Đại học Phúc Đán, được Hoàn cầu Thời báo dẫn lời và lưu ý rằng đe dọa của Mỹ làm xấu đi triển vọng của cuộc gặp và các cuộc đàm phán thương mại sau đó.
Theo tờ báo này, cuộc gặp Trump-Tập diễn ra ‘theo yêu cầu từ phía Mỹ’, chứ không phải từ Trung Quốc.
Hoàn cầu Thời báo cũng dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng chính Trump là người đang cần một thỏa thuận hơn ai hết vì nền kinh tế Mỹ đang tổn thương.
"Trump đang hứng chịu đau đớn, đó là lý do tại sao ông ấy muốn nói chuyện với Trung Quốc", ông Lương Hải Minh, viện trưởng khoa Viện Vành đai và Con đường tại Đại học Hải Nam, người theo theo dõi các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, được dẫn lời nhận định.
Tại một cuộc họp báo hôm 28/6, ông Cao Phong phát ngôn nhân Bộ Thương mại Trung Quốc, nói rằng 96% đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chống lại đề xuất thuế quan của Hoa Kỳ trong các phiên điều trần đang diễn ra và cho rằng chúng có thể gây thiệt hại 1 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Hoa Kỳ, cũng theo tờ báo Trung Quốc có tinh thần dân tộc chủ nghĩa này.
Tờ báo này cũng cho biết ‘toàn xã hội Trung Quốc đang nỗ lực để chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ’ và ‘tình cảm chống Mỹ và tinh thần yêu nước đang tăng cao ở Trung Quốc’.
"Đối với Trung Quốc, kịch bản tồi tệ nhất đã được dự báo và nó sẽ không trở nên tồi tệ hơn nữa", ông Lương được dẫn lời nói và lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc đủ kiên cường để chịu được áp lực.
Thời gian đứng về phía Trung Quốc ?
Ngoài Trung Quốc, quyết định của ông Trump tiến hành chiến tranh thương mại với hầu hết các nền kinh tế lớn đã làm suy yếu vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là tại G20, nơi chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa kinh tế vẫn là chủ đề chính, các nhà phân tích Trung Quốc được dẫn lời cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business, Trump không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn đả kích ‘gần như tất cả các quốc gia trên thế giới này’ mà ông cho là đã ‘lợi dụng nước Mỹ một cách khủng khiếp’. Các đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á không hề được Trump bỏ qua.
"Tôi không nghĩ rằng thế giới có thể chấp nhận điều này từ [Trump] nữa", ông Lương nói thêm và lưu ý rằng khi Mỹ bước vào chu kỳ bầu cử Tổng thống, ‘thời gian đang đứng về phía Trung Quốc’.
Theo tờ báo này thì những yêu cầu của Trung Quốc đối với Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại đã được giới chức nước này công khai : gỡ bỏ toàn bộ thuế quan, Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Mỹ phải ở mức hợp lý và câu chữ trong thỏa thuận thương mại phải tôn trọng phẩm giá và chủ quyền của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đối với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei như một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại tiềm năng nào.
"Trừ khi Mỹ đưa ra những nhượng bộ lớn, Trung Quốc sẽ không lùi bước trước những yêu cầu then chốt", tờ báo này viết.
‘Rủi ro đối với Trump’
Đài NBC dẫn lời một số phân tích gia của Mỹ cũng cho rằng ông Trump sẽ không thực sự hành động như những lời nói mạnh miệng của ông ấy.
"Câu hỏi thực sự về việc liệu chính quyền Mỹ có thực sự sẵn sàng áp tất cả các thuế quan này hay không - tôi nghi ngờ vì điều này sẽ có nghĩa là áp thuế đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc", ông Mike Jakeman, chuyên gia kinh tế cao cấp tại PwC, công ty kế toán và tư vấn có trụ sở ở London, được NBC dẫn lời nói.
"Điều đó sẽ dẫn đến lạm phát trong nước và đột nhiên anh sẽ thấy những người tiêu dùng giận dữ tại sao giá chiếc iPhone mà họ mua mới lại tăng đáng kể, ông nói.
"Và trong năm bầu cử, khi Trump đã nói rất nhiều về thành tựu kinh tế của mình, có lẽ ông ấy không muốn có rủi ro đó".
Trêm Twitter, ông Trump ca ngợi thành công kinh tế của Mỹ mỗi ngày, từ số lượng việc làm kỷ lục đến chỉ số cao trên thị trường chứng khoán. Và chính gia tài về kinh tế đó đã cho phép ông đối xử với Trung Quốc theo kiểu chính sách đối ngoại, chứ không đơn thuần chỉ là kinh tế, Jakeman nói thêm.
"Một điều đáng chú ý là Trump đã đi được gần 3/4 chặng đường trong nhiệm kỳ của mình mà không thực sự có một quyết định khó khăn nào về nền kinh tế - ông đã có một lợi thế thực sự vững chắc vốn cho phép ông theo đuổi chiến lược chính sách đối ngoại của mình", ông Jakeman nói.
Còn đối với Trung Quốc, tranh chấp thương mại với Mỹ cũng là vấn đề tự hào dân tộc như thành công kinh tế.
Và theo James McGregor, một tác giả, nhà báo và doanh nhân người Mỹ đã sống ở Trung Quốc hơn 25 năm và hiện là chủ tịch của công ty tư vấn APCO Worldwide, Trung Quốc có thể có nhiều thời gian hơn Mỹ, mặc dù kinh tế trong nước chậm lại.
"Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhớ : Tập Cận Bình không cần phải tái đắc cử vào năm 2020. Nhưng Donald Trump thì cần. Và khi có thêm thuế quan và chúng thực sự làm tổn thương nền kinh tế Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán sẽ lao dốc, Trump muốn thị trường chứng khoán tăng trở lại trước cuộc bầu cử", ông phân tích.
"Vì vậy, tôi nghĩ Trung Quốc có thể kiên nhẫn hơn Mỹ trên vấn đề này, bởi vì bây giờ nó bị bao trùm chặt chẽ trong tinh thần dân tộc Trung Quốc vì vụ Huawei, ông nói với ý nhắc đến tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc vốn đã bị cấm mua thiết bị của các công ty Mỹ.
(Theo NBC, Global Times)
Thương chiến Mỹ-Trung : Donald Trump gặp Tập Cận Bình trong thế mạnh (RFI, 28/06/2019)
Giống như cách nay hơn nửa năm tại Buenos Aires, xứ Argentina, cuộc gặp song phương ngày mai, 29/06/2019 giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là cái "đinh" của Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Với mục tiêu là tìm thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên, cuộc tiếp xúc được cho là một cuộc đấu mới giữa hai lãnh đạo. Theo một số chuyên gia phân tích được báo Le Monde hôm nay 28/06 trích dẫn, thì lần này, ông Trump đến Osaka trong thế thượng phong.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Đại sảnh đường nhân dân, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017. Ảnh tư liệu. Reuters/Thomas Peter/File Photo
Trước lúc lên đường sang Nhật Bản dự hội nghị, như thông lệ, tổng thống Mỹ không ngần ngại khẳng định : "Nền kinh tế Trung Quốc đang suy sụp, họ muốn có một thỏa thuận". Và cũng như thông lệ, tổng thống Mỹ đe dọa là trong trường hợp Trung Quốc không chịu thỏa thuận, ông đã có sẵn một "kế hoạch B", đó là áp thuế ồ ạt trên hàng hóa Trung Quốc !
Theo các nhà quan sát, sau một thời gian coi thường ông Trump và cuộc tấn công do ông khởi động chống Trung Quốc, giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được rằng thâm hụt thương mại chỉ là một phần trong một cuộc tấn công toàn diện hơn mà chính phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã loan báo công khai vào tháng 10 năm 2018, theo đó Hoa Kỳ cần phải chống lại "các nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá vỡ lợi thế địa chính trị của Mỹ và trật tự quốc tế".
Với Donald Trump, nước Mỹ đã từ bỏ hẳn chiến lược thuyết phục lôi kéo Trung Quốc, với hy vọng là thông qua việc mở cửa ra thế giới bên ngoài và tiếp nhận đầu tư ngoại quốc, Bắc Kinh sẽ áp dụng các quy tắc, chuẩn mực quốc tế. Và sau đó, Mỹ đã cứng rắn với Trung Quốc trên mọi phương diện, từ vấn đề Đài Loan, Tân Cương, cho đến Biển Đông, và mới đây là Hồng Kông, với những quyết định hầu như lúc nào cũng được cả hai đảng tại Mỹ hậu thuẫn.
Bắc Kinh từng lầm tưởng rằng kinh tế Mỹ có thể gặp khó khăn do chiến tranh thương mại, khiến ông Trump gặp khó khăn chính trị. Thế nhưng, theo bà Valérie Niquet, chuyên gia Pháp về Trung Quốc, hiện nay có "hai điều rất đáng ngại cho Trung Quốc là nền kinh tế Mỹ tiếp tục hoạt động tốt. Và ông Trump có khả năng được bầu lại".
Trong chiều hướng đó, theo bà Niquet Bắc Kinh sẽ phải "gồng mình chịu đựng các biện pháp trừng phạt đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc và nêu bật mức độ lệ thuộc của Trung Quốc vào các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và Châu Âu".
Trung Quốc cũng nghĩ rằng họ có thể khai thác sự chia rẽ giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia là Châu Âu cùng Nhật Bản, thế nhưng, thực tế lại khác. Theo chuyên gia Niquet, Trung Quốc đang phải đối phó với một mặt trận, vì Châu Âu và Nhật Bản có cùng một đánh giá với Mỹ về Trung Quốc, cho dù phương pháp hành động khác nhau : Châu Âu muốn cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, trong khi Hoa Kỳ chỉ muốn hành động đơn phương.
Trước những đòn tấn công của Mỹ, Trung Quốc vẫn sử dụng những chiêu bài xưa cũ : Bộ máy tuyên truyền của chế độ cố kích động tinh thần dân tộc, thi nhau lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ, đồng thời ca tụng "sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc".
Trong bối cảnh đó, ông Tập Cận Bình đã phải cố gắng hòa hoãn để tìm đồng minh, như sưởi ấm quan hệ với Nhật Bản, từng bị ông làm khó dễ trước đây, hay hòa dịu hơn với Liên Hiệp Châu Âu, mà gần đây đã thể hiện một lập trường phê phán hơn với Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên cũng đột nhiên được nâng cấp trở lại thành một nước anh em, trong lúc tình hữu nghị Nga - Trung thì được ca ngợi đến tận mây xanh.
Nhìn chung, cuộc tấn công của Mỹ đã khiến niềm tin của Trung Quốc vào sức mạnh của mình bị lung lay. Đối với chuyên gia Valérie Niquet, "vấn đề tế nhị đối với ông Tập Cận Bình là để lộ vẻ bị buộc phải chiều theo áp lực từ nước ngoài. Các cuộc tấn công của Mỹ đã tác hại đến lập luận về tự hào dân tộc và xoáy vào những điểm yếu của Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
*****************
Tổng thống Donald Trump sắp gặp và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Osaka, Nhật Bản, vào lúc 11g30 sáng ngày 29/6, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho các phóng viên biết hôm 26/6.
Theo Reuters, cuộc gặp song phương, vốn nhằm xử lý cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ là sự kiện được theo dõi nhiều nhất tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Nhật.
Tin cho hay, trong thời gian ở Nhật Bản, ông Trump sẽ có tổng cộng 9 cuộc gặp song phương, trong đó còn có cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào lúc 2 giờ chiều ngày 28/6.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley nói rằng các cuộc gặp sẽ bắt đầu ngay ngày 27/6, khi ông Trump đáp xuống Nhật và dùng bữa tối với Thủ tướng Australia Scott Morrison.
Vào ngày 28/6, ông Trump sẽ gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và sau đó với ông Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trước khi gặp riêng ông Modi.
Ngoài ra, cùng ngày, ông Trump sẽ gặp song phương với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
********************
Trump và các cuộc gặp gai góc tại Thượng đỉnh G20 (VOA, 26/06/2019)
Chỉ một tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này sẽ tới quốc gia Đông Á này một lần nữa.
Ông Trump dự kiến sẽ có các cuộc gặp song phương với ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin ở Osaka
Tại Osaka, ông Trump sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Trong thời gian này, ông dự kiến sẽ có các cuộc gặp trực tiếp bên lề với các nhà lãnh đạo thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Tổng thống khá thoải mái với vị thế của ông khi tham gia cuộc gặp với ông Tập sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ và Washington tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc", một quan chức cao cấp của Mỹ nói với các phóng viên hôm 24/6.
Các quan chức Mỹ nói rằng không có chương trình nghị sự cố định cho cuộc gặp của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin mặc dù họ thừa nhận các vấn đề liên quan đến Iran, Ukraine, Trung Đông và Venezuela gần như chắc chắn sẽ được thảo luận
Phủ bóng các thảo luận ở thượng đỉnh G20 sẽ là sự lo lắng về tình hình xấu đi giữa Washington và Tehran. Các nhà lãnh đạo ở cả nước đều nhắc lại rằng họ muốn tránh chiến tranh nhưng cũng nhiều lần tuyên bố họ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích của mình nếu bị khiêu khích.
Trump sẽ nhắc lại với những người đồng cấp của mình tại G-20 rằng Hoa Kỳ dự định sẽ tiếp tục tăng áp lực kinh tế đối với Iran, nước đang phải chịu các lệnh trừng phạt leo thang của Hoa Kỳ và loại bỏ toàn bộ xuất cảng xăng dầu của nước này.
"Tôi không nghĩ Iran là một vấn đề gây xao lãng", ông James Jay Carafano, phó chủ tịch viện an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quỹ Di sản, nói. "Tôi nghĩ tình hình đã được kiểm soát. Ông Trump nên cố gắng làm sao cho G20 không xảy ra điều gay cấn".
Bản thân nhóm G20 đã không còn có ý nghĩa như trước sau một vài kỳ thượng đỉnh đầu tiên của nhóm vào cuối thập kỷ trước khi các nước cùng hợp tác để ngăn chặn sự hỗn loạn của nền kinh tế toàn cầu.
Ông Trump thích thảo luận và thỏa thuận song phương hơn là các cuộc họp đa quốc gia. Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền ông đang cố gắng đảo ngược quan niệm rằng họ không còn xem các cuộc họp kiểu này là quan trọng và chỉ ra sự lãnh đạo của Mỹ trong việc thúc đẩy các vấn đề kinh tế của thế kỷ 21.
"Chúng tôi tin rằng các nền kinh tế G20 cần làm việc cùng nhau để thúc đẩy các chính sách kỹ thuật số cởi mở, công bằng dựa trên thị trường, bao gồm dòng chảy dữ liệu tự do", một quan chức Mỹ cấp cao nói với các phóng viên hôm 24/6 và nhấn mạnh việc đẩy mạnh trao quyền kinh tế cho phụ nữ .
Cô Ivanka Trump, ái nữ của tổng thống và là cố vấn Nhà Trắng, sẽ có bài phát biểu chủ đề về trao quyền kinh tế cho phụ nữ tại một sự kiện bên lề hội nghị G20 ở Osaka.
Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe và nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu đang cố gắng duy trì hệ thống quốc tế và các nguyên tắc của nó.
"Đây là điểm mà sự vắng mặt của Mỹ đang thật sự làm tổn hại họ", bà Heather Conley, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế đồng thời là giám đốc chương trình Châu Âu của trung tâm này, cho biết. "Chúng ta đang chứng kiến cái chết chậm chạp của chủ nghĩa đa phương ở nhiều khía cạnh. Đó là một cái chết bởi hàng ngàn vết cắt".
Trong khi Mỹ rút lui khỏi các diễn đàn như vậy, thế giới đang chứng kiến Trung Quốc sử dụng các tổ chức quốc tế rất hiệu quả để xác định các chương trình nghị sự, ông Conley, cựu phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao, cho biết.
Một số nhà phân tích dự đoán cuộc gặp Trump-Tập ở Osaka sẽ là sự lặp lại bữa ăn tối của họ vào năm ngoái tại Buenos Aires, Argentina khi hai nhà lãnh đạo đồng ý đàm phán về thương mại và giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng thương mại của họ đạt được thỏa thuận trong vòng 90 ngày.
"Tôi nghĩ rằng đó là kết quả rất có thể xảy ra, rằng họ sẽ đạt được một số điểm đáp ứng lẫn nhau, một thỏa thuận ngưng chiến giống như vậy và thúc đẩy tiến trình về phía trước", ông Matthew Goodman, phó chủ tịch cấp cao của CSIS và cố vấn cao cấp về kinh tế Châu Á, nhận định.
"Cách làm này không thể giải quyết vấn đề trước mắt", ông Goodman, người trước đây từng là giám đốc kinh tế quốc tế trong nhóm Hội đồng An ninh Quốc gia vốn giúp cựu Tổng thống Barack Obama khi đó chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh G20 và G8, lập luận. "Ngay cả khi chúng ta có được một thỏa thuận, không có khả năng giải quyết một số khác biệt cấu trúc sâu sắc giữa chúng ta trong vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, quản trị công nghệ và dữ liệu".
Nhiều sự chú ý cũng đổ dồn vào cuộc gặp Trump-Putin.
"Bất cứ khi nào Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau, sau đó sẽ có phản ứng dữ dội trong lòng nước Mỹ", ông Conley lưu ý. "Một phần, đó là vì sự thiếu minh bạch hoàn toàn về các chủ đề thảo luận và chương trình nghị sự là gì, và tôi nghĩ rằng tổng thống sẽ có cách tiếp cận chính sách tốt hơn ở trong nước nếu, một lần nữa, có sự rõ ràng về chương trình nghị sự, rằng sẽ có những người tham dự vào cuộc họp đó - bộ trưởng Ngoại giao, cố vấn an ninh quốc gia và những người khác".
Ông Trump Trump cũng dự kiến sẽ có cuộc hội đàm tại Osaka với các nhà lãnh đạo Úc, Đức, Ấn Độ, Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ Nhật Bản, ông Trump bay đến Seoul , nơi ông sẽ được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đón tiếp để thảo luận về cách tiếp tục giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên.
Các quan chức Nhà Trắng xóa bỏ suy đoán Trump có thể gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên bán đảo Triều Tiên. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ thứ ba của họ sau các hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội. Các quan chức Mỹ không bình luận về chuyến thăm có khả năng của ông Trump đến Khu phi quân sự, nơi ngăn cách hai miền Triều Tiên.
Theo ông Carafano, ông Trump gặp ít áp lực đối phải có bất kỳ đột phá nào trong chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc. "Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đang ở vị trí dẫn dắt trong cả hai quộc đàm phán về Triều Tiên và Trung Quốc", Carafano nói với VOA. "Nếu họ đến bàn đàm phán bây giờ thì tốt thôi. Nếu không cũng vẫn tốt. Ông Trump có thể đợi đến sau cuộc bầu cử năm 2020".