Tin từ Wall Street, trung tâm tài chính của Mỹ hôm thứ Sáu 28/6 nói các đại ngân hàng như Citi, Bank of America đều chờ xem có cuộc hưu chiến khi Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề G20 ở Osaka hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay nhau tại Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản 29/06/2019
Nhưng các nhà băng Mỹ cũng tin rằng dù hai bên có đồng ý không gia tăng độ nóng của thương chiến thì các vấn đề cơ bản đối chọi nhau giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn đó.
Thực tế như nhiều người đã rõ, lập trường hai bên đã quá khác nhau, và đòi hỏi của Mỹ vượt quá mức sơ khởi là Trung Quốc phải nhập hàng Mỹ nhiều hơn để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Tin tức về tài liệu 150 trang của ký kết sơ khởi giữa hai bên (bị gác lại do Bắc Kinh đổi ý giờ chót vào cuối tháng 3) cho thấy Mỹ đòi hỏi những tái cấu trúc căn bản của nền kinh tế và luật lệ thương mại của Trung Quốc, bao gồm các nhượng bộ quan trọng về tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, ngăn ngừa chuyện ăn cắp thông tin công nghệ Mỹ, và các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nếu Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận đã đồng ý.
Nếu ông Tập đã không đồng ý với các nhượng bộ quan trọng này vào cuối tháng Ba, khó có lý do nào để ông đổi ý bây giờ, dù nền kinh tế Trung Quốc đã đi vào những khó khăn rõ nét hơn. Nhất là vì cấp chuyên viên cao hai bên đã ngưng hẳn cuộc đàm phán giằng co từ 3 tháng nay, không thể có ngay một bản thỏa thuận chi tiết sẵn sàng khác để hai nhà lãnh đạo ký ngay trong kỳ họp G20 này.
Điều gì dễ xảy ra nhất : Một tuyên bố chung để xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa hai bên và không tiếp tục tăng thêm thuế biểu nhập cảng (tariffs) như đã dọa nhau nữa, trong một thời gian ngắn làm mát dịu "short cooling-off period" độ 2-3 tháng để thay đổi bản nháp thỏa ước lần chót.
Thương chiến ra sao nếu không có thỏa thuận ?
Nhận xét đầu tiên là có rất ít phân tích xác đáng và khả tín về ảnh hưởng trên nền kinh tế Mỹ do cuộc thương chiến gây ra. Phe Dân chủ và các nhà trí thức phe tả trong xã hội Mỹ, chuyên tài về chỉ trích bất cứ chính sách nào của Trump, cũng chỉ tuyên bố rời rạc như kinh tế Mỹ sẽ suy yếu đi nhiều, lạm phát Mỹ tăng nhanh vì áp lực thuế quan cao trên hàng nhập Trung Quốc, nông dân bất mãn vì hàng nông sản Mỹ không bán được...
Nhưng gần một năm qua từ lúc thuế quan tăng được áp đặt, các chuyện này đã không xảy ra như họ "mong muốn" để làm yếu đi thế đứng của ứng viên Trump trong kỳ tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ, đã bắt đầu từ tháng 6 năm nay cho tới hè năm tới 2020.
Nếu áp thuế 25% xảy ra trên 300 tỷ hàng Trung Quốc còn lại vì thương chiến tiếp tục, ảnh hưởng đáng kể nhất là tăng trưởng Mỹ sẽ chậm lại độ 0,3-0,5% trong năm 2019 và 0,5-1,0% trong năm 2020, nhưng ngay điều này cũng chưa chắc chắn vì Ngân hàng Trung ương FED của Mỹ đang sửa soạn hạ lãi suất 1-2 lần trong năm nay. Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn vững mạnh là nhà tiên tri cho điều đó !
Còn về phía Trung Quốc, các tin tức cho thấy tác động lớn hơn nhiều. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn độ 6%, chúng khoán sụp đổ và tiền được tháo chạy mãnh liệt với các hãng Trung Quốc và hãng đầu tư ngoại quốc rời khỏi xứ sang các nước lân cận (như Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam…) và dân thường chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài. Tỷ giá tiền RMB xuống thấp là 6,9 RMB/1 USD. Nếu tỷ giá này nhích thêm xuống mức báo động 7 RMB sẽ là mức "panic" được dự báo để gây cuộc hỗn loạn tiền tệ đáng kể cho Trung Quốc.
Hai vấn đề nghiêm trọng nhất đang xảy ra ở Trung Quốc : Nạn thất nghiệp thành thị (do các hãng đóng cửa hay rời xứ) gây cho dân chúng ào ạt kéo về nông thôn tìm việc và vấn đề lạm phát cho giá cả lương thực, cả hai đều gây áp lực chính trị đáng kể cho cá nhân ông Tập.
Cùng lúc, vòng vây siết chặt công nghệ qua hãng Huawei và cả trăm hãng khác đang và sẽ làm tê liệt công nghệ và sản xuất Trung Quốc.
Các tác dụng trên đến nền kinh tế Trung Quốc như là tác động của cả trăm "sư đoàn" giả tưởng của Mỹ được gửi đến Trung Quốc, như nhận xét của một số nhà phân tích.
Nhưng trong thực tế, Mỹ cũng đã điều động hải quân thật sự, phối hợp với liên minh hải quân các nước khác trong vùng, để tạo lập vòng vây ở Biển Đông và eo biển Đài Loan như là các biện pháp quân sự tương lai lúc cần thiết.
Trung Quốc không thể không thấy những điều này của Mỹ và liên minh Phương Tây, Ấn Độ và Nhật-Úc, để ngăn chặn giấc mơ bành trướng của họ trong tương lai, qua "Nhất Đới Nhất Lộ', hay Trung Quốc năm 2025 hay 2035.
Chính sách khôn ngoan "Nằm yên, chờ thời" của Đặng Tiểu Bình đã bị bỏ qua, thay vào đó móng vuốt của Rồng Trung Quốc đã làm cả thế giới e ngại và ra tay ngăn chặn dưới sự lãnh đạo của Mỹ.
Ảnh hưởng đến Việt Nam ?
Tất nhiên không thể không bàn đến Việt Nam khi phân tích tình hình thương chiến Hoa Kỳ-Trung Quốc. Trong một bài phỏng vấn khác, chúng tôi đã bàn đến câu tuyên bố "nóng" và bất chợt của Tổng thống Trump bàn đến Việt Nam như "kẻ lợi dụng tình thế thương chiến Mỹ-Trung Quốc để tăng xuất khẩu vào Mỹ".
Tuyên bố này hàm ý cả việc Mỹ mua thêm hàng của Việt Nam và cả chuyện nhiều hàng Trung Quốc tuồn sang mang mác Việt Nam để tránh thuế, như báo Wall Street Journal (27/06/2019) đã điều tra báo cáo cả tỷ đô la hàng Trung Quốc đã tiếp tục sang Mỹ bằng cửa này.
Chúng tôi đã bàn đến cả một chiến lược thương mại mà Việt Nam cần áp dụng để giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam, cũng như ngăn chặn ngay các hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam lấy mác Việt. Nhưng tựu chung, có hai điều căn bản mà Việt Nam phải làm :
• Trong chiến lược thương mại toàn cầu, mua thêm hàng Mỹ đơn giản sẽ là cách "thoát Trung dần dần", giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, mà lại giúp bớt đi xuất siêu sang Mỹ hầu tránh áp lực chính trị Mỹ đang tăng dần qua lời tuyên bố mạnh mẽ, hơi bất chợt của Tổng thống Trump, trước thềm cuộc viếng thăm chính thức Hoa Kỳ của một nguyên thủ Việt Nam.
• Một điểm khác là để phản ứng lại chỉ trích của ông Trump, Việt Nam cần sẵn sàng soạn cuốn sách trắng về xuất cảng, "A White Book on Vietnam's exports to the US in the last 5 years 2013-2018". Giải thích rõ tính cách gia công trong các hàng Việt Nam xuất cảng điện tử chẳng hạn, thí dụ rõ nhất là điện thoại Samsung, trong đó giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ là 5-10%. Vì vậy con số xuất cảng sang Mỹ thực , "true Việt Nam exports to the US" thấp hơn con số thống kê xuất bản nhiều. Điểm này được rất ít các chuyên viên bên Mỹ biết đến, đừng nói gì là nhà chính trị như Tổng thống Trump.
Việt Nam nên sẵn sàng với các tài liệu này khi trần tình hay đàm phán chính thức với Mỹ, trong cuộc viếng thăm nêu trên, về các biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.
Tóm lại Việt Nam đanh hưởng lợi nhiều từ chính sách hiện nay của Hoa Kỳ và dù quan hệ với Trung Quốc là rất hệ trọng, như nó luôn luôn là thế, giao thương mọi mặt với Hoa Kỳ lại đang đóng vai trò bản lề cho Việt Nam nếu muốn nâng tầm của nền kinh tế lên đẳng cấp cao hơn và tạo vị thế vững chắc hơn về ngoại giao những năm tới.
Thương mại Mỹ-Trung : Donald Trump và Tập Cận Bình lại đồng ý hưu chiến (RFI, 29/06/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm nay 29/06/2019 đã chấp thuận một cuộc hưu chiến mới trong cuộc chiến thương mại kéo dài một năm nay giữa hai bên. Hai lãnh đạo đã quyết định như trên nhân một cuộc họp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản. Ảnh 29/06/2019. Reuters/Kevin Lamarque
Phát biểu tại trong một cuộc họp báo, tổng thống Mỹ xác định rằng các loại thuế quan mà Hoa Kỳ đã áp đặt rồi trên một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì, nhưng mức thuế mới mà ông đe dọa sẽ đánh trên hàng tỷ đô la hàng hóa khác của Trung Quốc sẽ không được kích hoạt trong "thời điểm hiện tại". Theo ông Donald Trump, hai bên sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình hoãn.
Tổng thống Mỹ đã có những tuyên bố như trên sau một cuộc tiếp xúc kéo dài với ông Tập Cận Bình. Theo đặc phái viên RFI, Mounia Daoudi tại Osaka, cuộc gặp song phương Trump-Tập đã kết thúc một cách tương đối tích cực.
Đúng là như vậy, tổng thống Mỹ đã mô tả là "rất tốt" cuộc trao đổi của ông với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ Trung bế tắc từ tháng 5 đến nay.
Dấu hiệu cho thấy là tình hình đã cải thiện hơn một chút giữa hai cường quốc kinh tế là việc Washington đã quyết định không áp thêm thuế lên hàng nhập từ Trung Quốc. Ông Donald Trump từng đe dọa áp thuế lên 300 tỷ đô la hàng chưa bị thuế, tức là áp thuế trên toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Tổng thống Mỹ đã hoan nghênh việc hai bên "đã trở lại đúng hướng" và thông báo đàm phán Mỹ Trung sẽ tiếp tục trở lại.
Diễn biến ở Osaka cũng giống như kịch bản ở Buenos Aires. Hai địch thủ vào tháng 12 năm ngoái, sau buổi ăn tối làm việc ở thủ đô Argentina, đã quyết định hưu chiến trong vài tháng để rồi sau đó lại đối đầu nhau trở lại.
Cuộc hưu chiến lần này và thái độ lạc quan của ông Trump không có nghĩa là hai bên chắc chắn đạt được một thỏa thuận thương mại…
Riêng về một yêu cầu cụ thể từ phía Trung Quốc là muốn Mỹ thôi trừng phạt tập đoàn Hoa Vi, tổng thống Donald Trump hôm nay nhấn mạnh rằng ông không rút Hoa Vi ra khỏi danh sách các công ty nước ngoài có thể gây nguy cơ cho an ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, ông sẽ cho phép các công ty Mỹ bán trở lại linh kiện cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
************
G20 : Mỹ - Trung tái khởi động đàm phán thương mại (BBC, 29/06/2019)
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại, làm giảm bớt một cuộc tranh cãi kéo dài đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Trump mô tả kết quả cuộc gặp với Chủ tịch Tập hôm 29/6/2019 bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka là "tuyệt vời"
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hôm 29/6/2019.
Ông Trump nói rằng các cuộc đàm phán là "tuyệt vời", trong khi ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời nói hai nước không nên "rơi vào cái bẫy xung đột và đối đầu".
Tổng thống Trump từng đe dọa sẽ áp thêm thuế quan trị giá 300 tỷ đôla lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp ở Osaka, ông xác nhận rằng Washington sẽ không tăng thêm thuế quan bổ sung và ông sẽ tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố rằng các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán hàng hóa, dịch vụ cho công ty công nghệ Trung Quốc Huawei, hãng mà Washington đã ra lệnh cấm vì lo ngại về an ninh.
Nhưng ông Trump nói rằng tranh chấp sẽ được giải quyết 'vào cuối cuộc đàm phán thương mại.
Tranh chấp leo thang thế nào ?
Người biểu tình hiện diện ở G20 tại Osaka ngay trước cuộc gặp Trump & Tập hôm 29/6/2019 để phản đối Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đã đụng độ trong một cuộc chiến thương mại gây thiệt hại trong năm qua.
Ông Trump cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ và rằng Trung Quốc đã buộc các công ty Mỹ chia sẻ bí mật thương mại để có thể kinh doanh tại Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc cho rằng yêu cầu cải cách kinh doanh của Mỹ là không hợp lý.
Tình thế đối địch leo thang suốt nhiều tháng ngay trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, sau khi các cuộc đàm phán giữa hai nước sụp đổ vào tháng 5/2019.
Đột phá sẽ thay đổi ra sao ?
Leo thang thương chiến Mỹ - Trung theo một quan sát của BBC
Phát biểu sau cuộc gặp với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh Osaka , Tổng thống Mỹ nói các cuộc đàm phán đã "trở lại đúng hướng".
"Chúng tôi đã có một cuộc gặp rất tốt với Chủ tịch Tập của Trung Quốc, tuyệt vời, tôi có thể nói là tuyệt vời, tốt đẹp như sẽ diễn ra", ông Trump nói với các phóng viên.
"Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều điều và chúng tôi đã trở lại đúng hướng và chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra".
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các nhà đàm phán từ cả hai bên sẽ thảo luận về các chi tiết cụ thể, nhưng không nêu chi tiết.
Tân Hoa Xã cũng dẫn lời ông Tập nói : "Trung Quốc và Mỹ có lợi ích tích hợp cao cùng các lĩnh vực hợp tác rộng rãi và hai nước không nên rơi vào điều được gọi là cái bẫy xung đột và đối đầu".
****************
Mỹ và Trung Quốc đồng ý tái khởi động đàm phán
Mỹ và Trung Quốc vào ngày thứ Bảy đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại và Washington sẽ khoan áp đặt thuế quan mới đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, báo hiệu một sự hòa hoãn tạm thời trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp song phương tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019.
Bình luận về cuộc tranh chấp kéo dài liên quan đến công ty Huawei của Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump nói các công ty Mỹ sẽ có thể bán linh kiện cho hãng sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới này trong những lĩnh vực không có vấn đề an ninh quốc gia.
Hai bên hưu chiến sau gần một năm đối đầu về thương mại. Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên hàng tỉ đôla hàng nhập khẩu của nhau, gây gián đoạn nguồn cung toàn cầu, làm thị trường chao đảo và khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
"Chúng tôi quay lại đúng hướng và sẽ xem chuyện gì xảy ra", ông Trump nói với các phóng viên sau cuộc họp kéo dài 80 phút với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn của Nhóm 20 (G20) tại Osaka, Nhật Bản.
Ông Trump nói dù ông sẽ không dỡ bỏ thuế quan hiện tại, ông sẽ không áp đặt thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỉ đôla - có nghĩa là sẽ mở rộng thuế quan đối với toàn bộ hàng mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
"Chúng tôi sẽ khoan đánh thuế và họ sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp", ông nói tại một cuộc họp báo, không đưa ra thêm chi tiết nào về việc Trung Quốc sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp trong tương lai.
"Nếu chúng tôi đạt được thỏa thuận, đó sẽ là một sự kiện mang tính lịch sử lớn".
Ông không đưa ra mốc thời gian cho điều mà ông gọi là một thỏa thuận phức tạp nhưng nói ông không vội. "Tôi muốn làm cho đúng".
Về Huawei, ông Trump cho biết bộ thương mại Mỹ sẽ họp trong vài ngày tới về việc có nên đưa công ty này ra khỏi danh sách các công ty bị cấm mua linh kiện và công nghệ từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ hay không.
Trung Quốc hoan nghênh bước đi này.
"Nếu Mỹ làm đúng như những gì họ nói thì dĩ nhiên chúng tôi hoan nghênh điều đó", Vương Tiểu Long, phái viên đặc trách sự vụ G20 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Huawei cũng hoan nghênh bước đi này của Mỹ.
Huawei đã bị săm soi ráo riết trong hơn một năm qua, dẫn đầu bởi các cáo buộc của Mỹ nói rằng những "cửa sau" trong các thiết bị định tuyến, thiết bị chuyển mạch và các thiết bị khác của công ty này có thể cho phép Trung Quốc do thám thông tin liên lạc ở Mỹ.
Mặc dù công ty đã phủ nhận các sản phẩm của họ đề ra mối đe dọa an ninh, Mỹ đã làm áp lực với các đồng minh của mình loại bỏ Huawei ở khỏi các mạng lưới 5G của mình và đã gợi ý rằng đây có thể là một yếu tố trong thỏa thuận thương mại.
Trong một thông cáo dài về các cuộc đàm phán hai chiều, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói với ông Trump rằng ông hi vọng Mỹ có thể đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc.
Về các vấn đề chủ quyền và tôn trọng, Trung Quốc phải bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình, ông Tập được dẫn lời nói.
"Trung Quốc chân thành về việc tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ ... nhưng các cuộc đàm phán nên bình đẳng và thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau", bộ ngoại giao dẫn lời ông Tập.
*****************
Trung Quốc lên giọng cứng rắn trước cuộc gặp Trump-Tập (VOA, 29/06/2019)
Trung Quốc có giọng điệu cứng rắn với Mỹ trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập và một số nhà phân tích cho rằng thời gian đang đứng về phía họ nếu cuộc chiến thương mại này kéo dài nên họ không vội đạt được một thỏa thuận với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương vào trưa ngày 29/6 bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka ở Nhật Bản, sự kiện được cả thế giới theo dõi sát sao với hy vọng nó sẽ phá vỡ thế bế tắc giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox Business Network hôm 26/6, ông Trump tiếp tục có giọng điệu cứng rắn khi đe dọa rằng ông sẵn sàng áp thuế đối với 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, nếu nước này không đồng ý ký vào một thỏa thuận thương mại.
"Kế hoạch B của tôi là nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ đánh thuế và có thể không ở mức 25%, nhưng có thể là 10%", ông Trump cho biết và nói thêm rằng Hoa Kỳ có thể ‘ngày càng bớt làm ăn với Trung Quốc’.
Tuy nhiên, lời đe dọa của ông Trump dường như không làm cho Bắc Kinh thay đổi lập trường mà trái lại họ còn có giọng điệu mạnh mẽ hơn nữa ngay trước thềm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
"Người dân Trung Quốc không sợ bất kỳ kẻ xấu hay áp lực nào. Chúng tôi sẽ không chấp nhận lời đe dọa này", ông Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 27/6 khi ông nhắc đến lời đe dọa của ông Trump.
Không mong có thỏa thuận ?
Tờ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo nổi tiếng với lập trường diều hâu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không đặt hy vọng vào triển vọng đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp Trump-Tập tại G20.
"Có khả năng hai nhà lãnh đạo ra về mà không đạt được bất kỳ đột phá nào", ông Tống Quốc Hữu, giám đốc Trung tâm Ngoại giao Kinh tế của Đại học Phúc Đán, được Hoàn cầu Thời báo dẫn lời và lưu ý rằng đe dọa của Mỹ làm xấu đi triển vọng của cuộc gặp và các cuộc đàm phán thương mại sau đó.
Theo tờ báo này, cuộc gặp Trump-Tập diễn ra ‘theo yêu cầu từ phía Mỹ’, chứ không phải từ Trung Quốc.
Hoàn cầu Thời báo cũng dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng chính Trump là người đang cần một thỏa thuận hơn ai hết vì nền kinh tế Mỹ đang tổn thương.
"Trump đang hứng chịu đau đớn, đó là lý do tại sao ông ấy muốn nói chuyện với Trung Quốc", ông Lương Hải Minh, viện trưởng khoa Viện Vành đai và Con đường tại Đại học Hải Nam, người theo theo dõi các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, được dẫn lời nhận định.
Tại một cuộc họp báo hôm 28/6, ông Cao Phong phát ngôn nhân Bộ Thương mại Trung Quốc, nói rằng 96% đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chống lại đề xuất thuế quan của Hoa Kỳ trong các phiên điều trần đang diễn ra và cho rằng chúng có thể gây thiệt hại 1 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Hoa Kỳ, cũng theo tờ báo Trung Quốc có tinh thần dân tộc chủ nghĩa này.
Tờ báo này cũng cho biết ‘toàn xã hội Trung Quốc đang nỗ lực để chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ’ và ‘tình cảm chống Mỹ và tinh thần yêu nước đang tăng cao ở Trung Quốc’.
"Đối với Trung Quốc, kịch bản tồi tệ nhất đã được dự báo và nó sẽ không trở nên tồi tệ hơn nữa", ông Lương được dẫn lời nói và lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc đủ kiên cường để chịu được áp lực.
Thời gian đứng về phía Trung Quốc ?
Ngoài Trung Quốc, quyết định của ông Trump tiến hành chiến tranh thương mại với hầu hết các nền kinh tế lớn đã làm suy yếu vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là tại G20, nơi chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa kinh tế vẫn là chủ đề chính, các nhà phân tích Trung Quốc được dẫn lời cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business, Trump không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn đả kích ‘gần như tất cả các quốc gia trên thế giới này’ mà ông cho là đã ‘lợi dụng nước Mỹ một cách khủng khiếp’. Các đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á không hề được Trump bỏ qua.
"Tôi không nghĩ rằng thế giới có thể chấp nhận điều này từ [Trump] nữa", ông Lương nói thêm và lưu ý rằng khi Mỹ bước vào chu kỳ bầu cử Tổng thống, ‘thời gian đang đứng về phía Trung Quốc’.
Theo tờ báo này thì những yêu cầu của Trung Quốc đối với Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại đã được giới chức nước này công khai : gỡ bỏ toàn bộ thuế quan, Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Mỹ phải ở mức hợp lý và câu chữ trong thỏa thuận thương mại phải tôn trọng phẩm giá và chủ quyền của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đối với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei như một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại tiềm năng nào.
"Trừ khi Mỹ đưa ra những nhượng bộ lớn, Trung Quốc sẽ không lùi bước trước những yêu cầu then chốt", tờ báo này viết.
‘Rủi ro đối với Trump’
Đài NBC dẫn lời một số phân tích gia của Mỹ cũng cho rằng ông Trump sẽ không thực sự hành động như những lời nói mạnh miệng của ông ấy.
"Câu hỏi thực sự về việc liệu chính quyền Mỹ có thực sự sẵn sàng áp tất cả các thuế quan này hay không - tôi nghi ngờ vì điều này sẽ có nghĩa là áp thuế đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc", ông Mike Jakeman, chuyên gia kinh tế cao cấp tại PwC, công ty kế toán và tư vấn có trụ sở ở London, được NBC dẫn lời nói.
"Điều đó sẽ dẫn đến lạm phát trong nước và đột nhiên anh sẽ thấy những người tiêu dùng giận dữ tại sao giá chiếc iPhone mà họ mua mới lại tăng đáng kể, ông nói.
"Và trong năm bầu cử, khi Trump đã nói rất nhiều về thành tựu kinh tế của mình, có lẽ ông ấy không muốn có rủi ro đó".
Trêm Twitter, ông Trump ca ngợi thành công kinh tế của Mỹ mỗi ngày, từ số lượng việc làm kỷ lục đến chỉ số cao trên thị trường chứng khoán. Và chính gia tài về kinh tế đó đã cho phép ông đối xử với Trung Quốc theo kiểu chính sách đối ngoại, chứ không đơn thuần chỉ là kinh tế, Jakeman nói thêm.
"Một điều đáng chú ý là Trump đã đi được gần 3/4 chặng đường trong nhiệm kỳ của mình mà không thực sự có một quyết định khó khăn nào về nền kinh tế - ông đã có một lợi thế thực sự vững chắc vốn cho phép ông theo đuổi chiến lược chính sách đối ngoại của mình", ông Jakeman nói.
Còn đối với Trung Quốc, tranh chấp thương mại với Mỹ cũng là vấn đề tự hào dân tộc như thành công kinh tế.
Và theo James McGregor, một tác giả, nhà báo và doanh nhân người Mỹ đã sống ở Trung Quốc hơn 25 năm và hiện là chủ tịch của công ty tư vấn APCO Worldwide, Trung Quốc có thể có nhiều thời gian hơn Mỹ, mặc dù kinh tế trong nước chậm lại.
"Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhớ : Tập Cận Bình không cần phải tái đắc cử vào năm 2020. Nhưng Donald Trump thì cần. Và khi có thêm thuế quan và chúng thực sự làm tổn thương nền kinh tế Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán sẽ lao dốc, Trump muốn thị trường chứng khoán tăng trở lại trước cuộc bầu cử", ông phân tích.
"Vì vậy, tôi nghĩ Trung Quốc có thể kiên nhẫn hơn Mỹ trên vấn đề này, bởi vì bây giờ nó bị bao trùm chặt chẽ trong tinh thần dân tộc Trung Quốc vì vụ Huawei, ông nói với ý nhắc đến tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc vốn đã bị cấm mua thiết bị của các công ty Mỹ.
(Theo NBC, Global Times)