Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/06/2019

Trung Quốc thực sự nhìn cuộc chiến mậu dịch như thế nào ?

Andrew J. Nathan

Tập Cận Bình vẫn tin mình ở thế thượng phong

Khi chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka vào cuối tuần này để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại, có thể Tập sẽ mềm mỏng theo lệ thường trong đường lối ngoại giao của Trung Quốc bằng cách gọi tổng thống Mỹ là "bạn của tôi".

tradewar1

Tập và Trump sắp bắt tay sau khi đưa ra tuyên bố chung tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, tháng 11/2017 - Damir Sagolj / Reuters

Tuy vậy, dưới bề mặt thân mật, Tập sẽ không nhường nhịn gì cả. Rồi Trump hoặc phải chấp thuận đề nghị của Trung Quốc đã có sẵn trên bàn đàm phán ngay từ đầu năm 2017 và chấm dứt cuộc chiến mậu dịch hay cứ để hai nền kinh tế Mỹ -Trung trôi tách rời nhau xa hơn.

"Chúng ta sẽ thắng bằng mọi cách", Trump thích nói thế. Tuy nhiên, theo hai đồng nghiệp Trung Quốc đã đóng góp cho bài viết này nhưng muốn giấu tên, các nhà hoạch đính chính sách tại Bắc Kinh tin rằng ông ta đang nhận định sai hay đang tháu cáy.

Đường lối cốt yếu của Trung Quốc

Quan điểm cơ bản của Trung Quốc về cuộc chiến mậu dịch không thay đổi từ năm 2017. Trung Quốc sẽ đề xuất mua thêm sản phẩm của Mỹ nhằm cố gắng thu hẹp thâm hụt thương mại và tái khẳng định cam kết lâu dài của mình đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng nếu các công ty nước ngoài tự nguyện quyết định chia xẻ bí mật thương mại với các công ty Trung Quốc để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc - một thực trạng mà Mỹ mô tả là "chuyển giao cưỡng bức" - Trung Quốc sẽ không chen vào can thiệp.

Trung Quốc sẽ vẫn theo đuổi quỹ đạo đã thiết lập của mình qua việc mở cửa thị trường cho các ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài nhưng không đẩy nhanh tốc độ mở cửa. Đồng tiền của họ vẫn chốt vào giỏ ngoại tệ và Bắc Kinh sẽ không hạ giá nó một cách giả tạo bởi vì Trung Quốc thấy chẳng lợi gì trong cuộc chiến tiền tệ. Chính phủ Trung Quốc đã hạ giọng tuyên truyền về chương trình Made in China 2025 theo đó sẽ thúc đẩy sự thống trị của Trung Quốc trong các lãnh vực công nghệ hiện đại như robot và trí tuệ nhân tạo. Nhưng họ sẽ không giảm bớt các dự án nghiên cứu và phát triển vốn tạo thành bản chất của chương trình đó. Tóm lại, Trung Quốc đã đề nghị không thay đổi cấu trúc trong mô hình phát triển của mình nhưng họ sẵn sàng trao cho Trump một một chiến thắng hư cấu để ông có thể sử dụng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.

Lúc khởi đầu cuộc đàm phán, phía Trung Quốc đã tin rằng Trump có thể chấp thuận đề nghị của họ, theo lời khuyên của các khuôn mặt trong chính quyền như bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin và những kẻ vẫn thường rỉ tai Trump như ông trùm sòng bài Steve Wynn. Nhưng rồi những người cứng rắn như cố vấn thương mại Peter Navarro và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã được tổng thống nghe theo. Hai ông này thuyết phục Trump rằng chỉ những thay đổi cơ bản trong mô hình kinh tế Trung Quốc mới cho phép Hoa Kỳ duy trì vị thế kinh tế hàng đầu thế giới. Nền kinh tế và thị trường chứng khoán mạnh mẽ của Mỹ cũng khuyến khích Trump có lập trường cứng rắn hơn.

Vào tháng Tư, các nhà đàm phán Mỹ đã đưa ra một dự thảo thỏa thuận yêu cầu Trung Quốc chấm dứt sự hỗ trợ đặc biệt dành cho các xí nghiệp quốc doanh, cho phép các doanh nghiệp Mỹ phục vụ thị trường Trung Quốc mà không phải chia xẻ kỹ thuật công nghiệp với các đối tác Trung Quốc, sửa đổi các luật lệ không phù hợp với những yêu cầu của Mỹ và cho phép Washington đặt một văn phòng ớ Bắc Kinh để giám sát sự tuân thủ của Bắc Kinh. Đội ngũ của Trump đề nghị dở bỏ thuế quan của Mỹ từng bước một, dựa trên bằng chứng Trung Quốc đã thực thi các điều khoản trong thỏa thuận. Phía Trung Quốc không bằng lòng và gạt bỏ nhiều yêu cầu viết trong bản dự thảo thỏa thuận của Mỹ. Người Mỹ cáo buộc họ đã thất hứa.

Trong một cuộc phỏng vấn ít được quan tâm dành cho truyền thông Trung Quốc ngày 10 tháng Năm, cái ngày cuộc đàm phán thương mại bất ngờ dừng lại, người cầm đầu phái đoàn đàm phán Trung Quốc, phó thủ tướng Lưu Hạc, thừa nhận phía Trung Quốc đã gạch bỏ nhiều điều khoản người Mỹ đã thêm vào. Việc làm này hoàn toàn hợp lý, ông nói. "Không có gì kết thúc trước khi thỏa thuận được ký kết. Vì vậy, chúng tôi không đồng ý với chuyện người Mỹ nói rằng chúng tôi đã thất hứa".

Lưu Hạc cũng giải thích rõ ba vấn đề, theo quan điểm của Trung Quốc, đã cản trở các cuộc đàm phán. Trước nhất, Trung Quốc muốn tất cả các thuế quan trừng phạt phải dở bỏ trước khi thỏa thuận được ký kết, không phải trải qua các giai đoạn trong quá trình thực hiện. Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp với một cái gậy trên đầu. Kế đến, người Mỹ đã cố gắng diễn giải lại - và phóng đại thêm - đề nghị về việc tăng số lượng nhập khẩu mà Tập đưa ra vào năm 2018. Nhưng lời đề nghị, Lưu Hạc nói "không thể thay đổi một cách thiếu thận trọng được". Cuối cùng, Trung Quốc muốn lời lẽ trong văn bản thỏa thuận phải "cân bằng" vì "tất cả các quốc gia đều có phẩm cách của mình".

Trung Quốc sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát nền kinh tế của mình. Mọi cấp lãnh đạo Trung Quốc đều đàm phán trong nỗi ám ảnh về các hiệp ước bất bình đẳng, không công bằng mà Trung Quốc đã bị cưỡng ép phải ký kết với các cường quốc Tây phương trong thế kỷ 19. Nhiều thập niên phát triển kinh tế mau chóng không chữa lành những vết thương được biết đến như "một thế kỷ tủi nhục". Tập sẽ chỉ ký một thỏa thuận dựa trên nguyên tắc bình đẳng và có đi có lại. Sau đó, trong một sách trắng với lời lẽ diều hâu hơn được xuất bản vào đầu tháng Sáu, Bắc Kinh đã lập lại rằng "Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trong các vấn đề mang tính nguyên tắc" và đổ lỗi cho Mỹ đã làm đổ vỡ các cuộc đàm phán, cáo buộc Mỹ đã thay đổi lập trường của mình ba lần kể từ đầu năm 2018.

Sự tự tin của Tập

Mặc dù các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc cần một thỏa thuận hơn là Mỹ, Tập vẫn tin rằng Trung Quốc có ưu thế hơn trong việc đàm phán. Thuế quan của Mỹ làm tổn hại nền kinh tế Trung Quốc không quá nhiều như chính quyền Trump nghĩ. Cho dù thuế quan đánh vào mặt hàng Trung Quốc tăng và các nhà bán lẻ buộc phải tính phí vào đầu người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn, các nhà nhập khẩu cũng không thể tìm được các nguồn khác thay thế cho nhiều sản phẩm mà người Mỹ muốn mua. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ giảm 4,8% trong 5 tháng đầu năm 2019. So với cùng thời kỳ, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU - đối tác thương mại chính của Trung Quốc - tăng 14,2% và nhập khẩu từ EU tăng 8,3%. Trong khi đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (the Association of Southeast Asian Nations, ASEAN) đã thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc. Hiệp định đầu tư song phương EU-Trung Quốc (the EU-China Bilateral Investment Agreement), có hiệu lực vào năm 2020, sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Châu Âu. Ở Châu Á, Trung Quốc và 15 quốc gia Thái Bình Dương khác sẽ ký một thỏa thuận thương mại mới, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (the Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP) vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020. Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative) trị giá hàng ngàn tỷ USD của Trung Quốc đang mở ra những thị trường cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc xuyên khắp Châu Á, Châu Phi và Trung Đông.

Đồng thời, cuộc chiến mậu dịch đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ nhiều hơn mức chính quyền Trump thấy được. Trong khi tăng thuế đánh vào các hàng hóa Mỹ, Trung Quốc lại giảm thuế cho các mặt hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2019 đã giảm hơn 26%. Trong nhiều lãnh vực, như nông nghiệp, thiệt hại có thể vĩnh viễn vì Trung Quốc đã nhanh chóng tìm được các nhà cung cấp mới, như Argentina và Brazil. Đối với các công ty lớn của Mỹ, thị trường Trung Quốc vô cùng quan trọng. General Motors, hiện bán nhiều xe hơi ở Trung Quốc hơn ở Mỹ. Bởi lẽ một số trong những chiếc xe này được sản xuất tại Trung Quốc nên việc bán chúng không bị xem là hàng xuất khẩu của Mỹ nhưng lợi nhuận lại quay trở về Detroit. Năm 2017, theo thống kê của Trung Quốc, doanh thu của các các công ty Mỹ tại Trung Quốc là 700 tỷ USD và lợi nhuận ròng hơn 50 tỷ USD. Nhiều công ty Mỹ giờ đã báo cáo hay dự kiến mức thu nhập thấp hơn do chiến tranh mậu dịch.

Bên cạnh thuế quan, Trung Quốc có nhiều cách để gây tổn thương nền kinh tế Mỹ. Chúng bao gồm việc xiết chặt yêu cầu kiểm toán đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc, tăng cường thanh tra kiểm dịch và độ an toàn của các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ và chỉnh lý các quy định đối với các tổ chức tài chính của Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc. Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu sang Mỹ đất hiếm, khoáng sản thiết yếu trong sản xuất điện tử công nghệ cao. Quốc gia này đã lập một danh sách sơ bộ các công ty lớn của Mỹ bị coi là "không đáng tin cậy", mặc dù hình phạt mà các công ty này phải đối mặt vẫn chưa rõ ràng. Đồng thời, Trung Quốc đối xử dễ dàng hơn đối với các công ty Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản. Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã liên tục giảm lưu trữ trái phiếu của kho bạc Mỹ, do đó dần dần hạn chế khả năng Washington tài trợ thâm hụt với lãi suất thấp. Thậm chí, Bắc Hàn cũng có mặt trong bức tranh : chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tập vào tuần lễ trước đã được lên lịch để nhắc nhở Mỹ là Trung Quốc có thể giúp đỡ hoặc làm tổn thương Mỹ cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược.

Bắc Kinh tin rằng so với Trung Quốc độc tài, nền dân chủ khiến Mỹ dễ bị tổn thương hơn nhiều do các tác động chính trị trong cuộc chiến mậu dịch. Thuế quan khiến người lao động sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn ở Mỹ, nơi mạng lưới an sinh xã hội sẽ làm rất ít để giảm bớt cú sốc hơn ở Trung Quốc, nơi nền kinh tế do nhà nước thống trị có thể tạo ra việc làm mới cho những người lao động bị sa thải. Các tiểu bang nông nghiệp và công nghiệp rất quan trọng đối với cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ lần thứ hai vào năm tới của Trump, trong khi Tập không cần lo lắng như vậy. Như người Trung Quốc đã chỉ ra, 2 năm với áp lực của Mỹ và 11 vòng đàm phán vẫn không thể thay đổi đường lối cốt yếu đó của Trung Quốc. Tập có thể sẽ đề nghị với Trump ở Osaka nhưng thực ra ít hào phóng hơn so với lần ông ta đề nghị vào hai năm trước.

Bắt đầu tách rời

Mặc dù đã đánh giá yếu điểm của Hoa Kỳ, người Trung Quốc không nhất thiết phải trông đợi Trump chấp nhận đề nghị của họ. Ông ta chắc chắn sẽ làm như vậy rồi tuyên bố chiến thắng. Nhưng ông ta có thể cảm thấy bị dồn vào vào một góc bởi chính lập trường đàm phán cứng rắn mà ông ta đã cam kết. Bắc Kinh cũng biết rằng Trump phải đối mặt với những áp lực vì sự mâu thuẫn giữa các cố vấn của mình và khó dự đoán được ai là người ông sẽ lắng nghe vào bất cứ thời điểm cụ thể nào. Người Trung Quốc tin rằng Navarro và có lẽ cả Lighthizer coi việc tách rời kinh tế không phải là sự rủi ro do cuộc chiến mậu dịch mà là mục đích của nó.

Về phần mình, người Trung Quốc cũng thấy không có lợi gì - và còn có cả mặt tiêu cực - trong việc tách rời nhau. Huawei và những công ty công nghệ khổng lồ khác của Trung Quốc phụ thuộc vào các nhà sản xuất Mỹ vì cần các chip cao cấp và các linh kiện khác giúp tăng năng lực thiết bị mạng 5G của họ ; Hoa Kỳ đang đề xuất cắt quyền truy nhập của Trung Quốc vào đó. Đáp trả lại, Tập đã ra lệnh cho Huawei và các công ty khác nỗ lực nghiên cứu và phát triển các công nghệ quan trọng như chip lõi, hệ điều hành, siêu máy tính, thiết bị liên lạc di động, thiết bị truyền tin lượng tử và các cảm biến AI.

Giống như các nhân vật có quan điểm cứng rắn về thương mại trong chính quyền Trump, Tập có cái nhìn xa về cuộc chiến mậu dịch. Các nguồn tin ở Trung Quốc dẫn lại lời ông ta nói rằng khi Trung Quốc trỗi dậy, họ dự trù phải mất 30 năm "ngăn chặn và khiêu khích" đến từ Mỹ, kéo dài đến năm 2049 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - cái năm theo dự tính của ông, Trung Quốc sẽ vượt mặt Hoa Kỳ cả về kinh tế lẫn sức mạnh quân sự. Để đạt được mục tiêu đó, từ lâu Trung Quốc đã cố gắng đa dạng hóa thị trường, các nguồn năng lượng và nguyên liệu thô và các mục tiêu đầu tư để hướng đến việc tự túc trong công nghệ tiên tiến và sản xuất.

Chiến tranh mậu dịch hay không chiến tranh mậu dịch, tách rời hay không tách rời, Trung Quốc đang trên đường đi tới sự độc lập kinh tế với Mỹ.

Andrew J. Nathan

Nguyên tác : How China really sees the trade war, Foreign Affairs, 27/6/2019

Người dịch : Hoàng Thủy Ngữ

(30/06/2019)

Quay lại trang chủ
Read 654 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)