Bắc Kinh cảnh cáo Mỹ về ý muốn triển khai tên lửa ở Châu Á (RFI, 06/08/2019)
Trung Quốc vào hôm 06/08/2019 đã lên tiếng cảnh cáo Mỹ về việc triển khai tên lửa ở Châu Á - Thái Bình Dương và kêu gọi các quốc gia trong vùng nên "cẩn thận".
Khu trục hạm USS Antietam (CG 54) của Mỹ trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 06/03/2016.Navy/Handout via Reuters
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết về phản ứng của Trung Quốc :
"Không thể khoanh tay đứng nhìn. Trung Quốc bắt buộc phải có biện pháp nếu Hoa Kỳ triển khai tên lửa trong vùng". Ông Phó Thông (Fu Cong), tổng cục trưởng Cục Kiểm Soát Vũ Khí thuộc Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã khẳng định như trên.
Bắc Kinh không nêu chi tiết về biện pháp đáp trả, nhưng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã chỉ ra trên bản đồ những nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, có những căn cứ khả dĩ cho phép Mỹ triển khai hỏa tiễn.
Trung Quốc đã phản ứng như trên trong lúc tân lãnh đạo lầu Năm Góc, Mark Esper, đang công du Châu Á, hôm thứ Bảy 03/08 vừa qua, đã cho biết là là Mỹ rất nôn nóng muốn triển khai vũ khí quy ước mới ở Châu Á.
Biện pháp đáp trả của Trung Quốc có thể là kinh tế … Việc đặt giàn hỏa tiễn THAAD ở Hàn Quốc năm 2017, đã khiến Bắc Kinh giận dữ và một số tập đoàn Hàn Quốc hoạt động ở Trung Quốc đến nay vẫn chịu hậu quả.
Trung Quốc cũng có thể nhanh chóng triển khai hỏa tiễn tầm trung của mình, đã được đặt ở các đảo nhân tạo ở Biển Đông và nhắm trực tiếp vào các hàng không mẫu hạm Mỹ đi qua vùng này".
Mai Vân
****************
Biển Đông : Tàu sân bay Mỹ tuần tra vào lúc Bắc Kinh loan báo tập trận (RFI, 06/08/2019)
Trung Quốc loan báo sẽ tập trận trong hai ngày 06 và 07/08/2019, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam đòi chủ quyền. Cho đến nay, chưa có thêm thông tin gì cụ thể về các hoạt động tập trận của Trung Quốc, nhưng một hàng không mẫu hạm Mỹ đã có mặt tại Biển Đông để thực hiện tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.
Tàu sân bay nguyên tử Mỹ USS Ronald Reagan rời căn cứ hải quân Yokosuka (tỉnh Kanagawa - Nhật Bản) ngày 08/09/2017.AFP
Theo báo Nhật Japan Times, tầu sân bay Hoa Kỳ USS Ronald Reagan đã có mặt tại Biển Đông từ ngày hôm qua, và đang trong cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải như lệ thường. Bộ Quốc Phòng Mỹ đưa lên mạng nhiều bức ảnh cho thấy các hoạt động của con tàu. Tàu USS Ronald Reagan, neo đậu tại căn cứ Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, thường xuyên tiến hành tuần tra ở Biển Đông trong thời gian gần đây.
Hoa Kỳ và Nhật Bản không đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, nhưng có lập trường kiên quyết bảo vệ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "rộng mở và tự do". Washington thường xuyên lên án các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại vùng biển này, sử dụng căn cứ quân sự trên các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa đe dọa an ninh khu vực cũng như tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới.
Hôm qua, Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc chỉ ra hai thông báo cấm tàu thuyền qua lại tại một địa điểm gần quần đảo Hoàng Sa, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Hiện tại chưa biết tập trận của Trung Quốc đã bắt đầu hay chưa. Trong Sách trắng về Quốc phòng công bố hồi tháng trước, lần đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn, chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh đến việc quân đội "sẵn sàng chiến đầu và diễn tập trong các điều kiện tác chiến thật" để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra tại vùng Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.
Biểu tình phản đối trước cửa sứ quán Trung Quốc
Hôm nay, một nhóm khoảng 10 người biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Những người biểu tình mang áo mang biểu tượng "No-U" (biểu tượng chống lại yêu sách đường lưỡi bò hay hình chữ U của Trung Quốc tại Biển Đông). Những người biểu tình lên án việc tàu Trung Quốc quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, gần quần đảo Trường Sa. Nhóm biểu tình ngay lập tức bị công an giải tán.
Trả lời phỏng vấn Reuters, một người biểu tình cho biết anh "thực sự hy vọng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế, do các hành vi gây hấn và đường lưỡi bò bất hợp pháp".
Trọng Thành
********************
Mỹ sẽ không 'ép' Trung Quốc ra khỏi Bãi Tư Chính (VOA, 06/08/2019)
Trong lúc Việt Nam đang vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vụ đối đầu với Bắc Kinh ở Bãi Tư Chính trên Biển Đông thì Giáo sư Carl Thayer của Học Viện Quốc phòng Úc nhận định rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào vụ tranh chấp này.
Cho tới thời điểm này, Mỹ là nước duy nhất lên tiếng chỉ trích Trung Quốc "bắt nạn" Việt Nam về hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông ngay sau khi Hà Nội lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình hôm 19/7.
Tin cho hay Trung Quốc đã cử một tàu khảo sát được nhiều tàu hải cảnh hộ tống tới khu vực Bãi Tư Chính từ ngày 3/7 và Bộ Ngoại giao ở Hà Nội trong những tuần qua liên tiếp kêu gọi Trung Quốc hãy rút các tàu đó ra khỏi khu vực này.
Ngoài Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một số các quan chức cấp cao trong chính phủ và quốc hội Mỹ đã lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, và bày tỏ ủng hộ đối với Việt Nam giữa lúc vụ đối đầu tại Bãi Tư Chính tiếp diễn.
Trong lúc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Úc tham dự diễn đàn an ninh thường niên giữa Mỹ và Úc, "việc lên án Trung Quốc đã được đưa ra", theo Giáo sư Thayer, người từng là thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Hawaii.
Cũng tại Úc hôm 4/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, theo Giáo sư Thayer, "Mỹ dưới thời (Tổng thống) Trump sẽ không ép (tàu) Trung Quốc phải ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam". Theo giải thích của Giáo sư Thayer, ngoài các đồng minh của Mỹ trong khu vực, như Thái Lan và Philippines, thì Mỹ sẽ không hành động để can thiệp.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Bangkok vừa kết thúc cuối tuần qua, Phó thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tố cáo Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.
Bất chấp những nỗ lực của Việt Nam tìm cách đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị nhưng thông cáo chung của ASEAN, theo Giáo sư Thayer, chỉ có hai đoạn nói về Biển Đông - đoạn đầu nói về những tiến bộ đạt được với Trung Quốc và đoạn còn lại nói về những vấn đề nghiêm trọng nhưng không cho biết đó là những vấn đề gì.
Cho đến hôm 5/8, phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu Federica Mogherini, người đang có chuyến thăm tại Việt Nam, đã lên tiếng khẳng định quan điểm của EU ủng hộ "đảm bảo tự do hàng hải, hàng không vì lợi ích của các nước, các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế" sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề căng thẳng Biển Đông trong cuộc gặp với đại diện cấp cao của EU tại Hà Nội.
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã phải thất vọng về phản ứng của cộng đồng quốc tế trừ Hoa Kỳ", Giáo sư Thayer nhận định và cho biết rằng đại sứ Việt Nam tại Úc đã bày tỏ lo ngại về việc báo chí ở Úc không đăng tải thông tin về sự việc và không có bình luận gì từ phía chính phủ Úc.
Giáo sư Thayer cho rằng điều quan trọng đối với Việt Nam lúc này là khi Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới thăm Washington trong thời gian tới trong năm nay, "liệu Việt Nam và Mỹ có nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược hay không ? Và liệu Việt Nam sẽ làm điều đó vì áp lực từ Trung Quốc hay không ?"
Việt Nam đang muốn bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hàng hải của mình trong Biển Đông, trong khi Hoa Kỳ đang tìm cách kiềm hãm cao vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, thách thức vị thế cường quốc số 1 của họ. Dù mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã nồng ấm lên trong những năm gần đây nhưng 2 quốc gia cựu thù mới chỉ dừng ở mức quan hệ đối tác toàn diện.
Theo ông Thayer, Việt Nam đang bị thúc ép để tiếp nhận một hàng không mẫu hạm của Mỹ cập cảng Tiên Sa trong năm nay. Năm ngoái, tàu sân bay USS Carl Vinson lần đầu tiên cập cảng ở Đà Nẵng, đánh đi tín hiệu về sự hiện diện của Mỹ nhiều hơn trên khu vực Biển Đông.
Trung Quốc 'leo thang'
Vụ đụng độ đang diễn ra được coi là tranh chấp căng thẳng nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông kể từ năm 2014, khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương 981 vào khu vực mà Hà Nội nói là vùng đặc quyền kinh tế của mình, làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình trong và ngoài nước chống lại hành động của Trung Quốc.
Giáo sư Thayer, người chuyên nghiên cứu về Việt Nam, cho VOA biết hôm 5/8 rằng có tới 80 tàu Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động khảo sát trong khu vực mà Việt Nam nói là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Ông Thayer cho biết thông tin mà ông có được là từ một phóng viên của Thông Tấn Xã Việt Nam. Truyền thông trong nước không đăng thông tin về việc Trung Quốc điều thêm hàng chục tàu tới khu vực Bãi Tư Chính để hộ tống tàu Hải Dương 8.
Giáo sư Thayer nói ông không mấy ngạc nhiên về con số 80 tàu của Trung Quốc đang hiện diện ở đây bởi vì vào năm 2014, khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng đã có đến hơn 100 tàu của họ được điều đến khu vực đó.Cách đây hơn 1 tuần, Việt Nam thông báo gia hạn thời gian hoạt động của dàn khoan Hakuryu 5 tại Lô 06.1 ở Bể Nam Côn Sơn của Bãi Tư Chính đến ngày 15/9. Một số nguồn tin cho hay Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội rút giàn khoan ở khu vực này đi và đổi lại, Trung Quốc sẽ rút các tàu của họ. Nhưng Việt Nam bác bỏ đề nghị này.
Trước đó hôm 1/8, theo giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng công suất cao và có các hành xử nguy hiểm tại Bãi Tư Chính nhằm ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại lô 06.1. Ông Thayer trích dẫn thông tin chính thức của Việt Nam được truyền bá qua các bản tin giấy cho biết 35 tàu của Trung Quốc đã được xác định tại khu vực này nhưng không biết vào ngày nào.
"Một trong những điều họ vẫn chưa làm mà họ đã làm hồi năm 2014 là đưa các phóng viên nước ngoài lên tàu hải cảnh để ghi nhận về vụ việc", Giáo sư Thayer cho rằng đó là điều Việt Nam nên làm vào lúc này.
******************
Trung Quốc thông báo tập trận gần quần đảo Hoàng Sa (VOA, 05/08/2019)
Trung Quốc đã phong tỏa một phần Biển Đông trong tuần này để huấn luyện quân sự, theo hãng tin Mỹ AP.
Binh sĩ hải quân Trung Quốc trên tàu "Wuhu" (ảnh tư liệu, tháng 1/2019)
Bản tin của AP nói Cục Hải sự Trung Quốc mới đây thông báo nước này tiến hành tập trận trong cả ngày Chủ nhật 4/8 và nửa ngày thứ Ba 6/8 tại một khu vực gần những thực thể do Trung Quốc kiểm soát tại quần đảo Hoàng Sa.
Các báo lớn ở Việt Nam, trong đó có Thanh Niên, VnExpress, đăng tin hôm 5/8 nói rằng Cục Hải sự Hải Nam của Trung Quốc "ngang nhiên đăng hai thông báo" trong cùng ngày với nội dung cho biết quân đội Trung Quốc "sẽ tiến hành tập trận ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ ngày 6-7/8".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông và mạnh mẽ phản đối hoạt động hải quân của các quốc gia khác trên vùng biển này.
Việt Nam và bốn nước khác cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa.
Các báo Việt Nam hôm 5/8 nhắc lại rằng Việt Nam luôn kiên định phản đối "các cuộc tập trận và những hoạt động phi pháp" khác của Trung Quốc ở Hoàng Sa, đồng thời khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.
Các bản tin trên báo chí trong nước cũng dẫn lại lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu hồi tháng 3 rằng việc Trung Quốc "tiến hành tập trận ở Hoàng Sa, cũng như có kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng trở thành thành phố, căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược quan trọng của Trung Quốc, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển của Việt Nam và Trung Quốc".
Biển Đông, tuyến đường thủy nơi lượng hàng hóa đi qua hàng năm được ước tính lên đến 5 nghìn tỷ đô la, đã trở thành một điểm nóng an ninh toàn cầu, chủ yếu do Trung Quốc ngày càng lấn tới để khẳng định chủ quyền của mình.
Trung Quốc đã xây các đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp để mở rộng tầm kiểm soát của họ.
(AP, Thanh Niên, VnExpress)
*********************
Trung Quốc tuyên bố tập trận ở Hoàng Sa (RFA, 05/08/2019)
Cục Hải sự Hải Nam vào ngày 5 tháng 8 ra thông báo sẽ tổ chức hai ngày tập trận tại quần đảo Hoàng Sa bắt đầu vào ngày mai 6 tháng 8.
Hình minh họa. Tàu ngầm Vạn Lý Trường Thành 236 của Trung Quốc trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Hải quân Nhân dân Trung Quốc hôm 23/4/2019 AFP
Theo đó thì cuộc tập trận thứ nhất diễn ra trong các khoảng thời gian 9g30 đến 11g30 và 15 giờ đến 18 giờ ngày 6 tháng 8. Cuộc tập trận này diễn ra trong khu vực giới hạn bởi 4 tọa độ 16.506/112.210 ; 16.590/112.214 ; 16.581/112.279 và 16.527/112.308.
Cuộc tập trận thứ hai diễn ra từ 15 giờ đến 17 giờ ngày 7 tháng 8 giới hận bởi 4 tọa độ 16.269/112.427 ; 16.2620/111.500 ; 16.2030/111.4470 và 16.2252/111.3666.
Trong thời gian diễn tập các tàu thuyền bị khuyến cáo phái tránh xa các khu vực vừa nêu.
Những cuộc diễn tập mới nhất của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông gồm đợt diễn tập 5 ngày ở phía bắc quần đảo Trường Sa vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua. Trước đó vào tháng 3, Trung Quốc cũng cho tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Vào ngày 19 tháng 6, hình ảnh vệ tinh do truyền thông Hoa Kỳ loan đi cho thấy Trung Quốc triển khai ít nhất 4 chiến đầu cơ J-10 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa..
Trung Quốc kết thúc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng Hòa quản lý vào tháng giêng năm 1974. Từ đó đến nay, đảo này được xây dựng thành một thành phố với những căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược. Ngoài đảo Phú Lâm, các đảo Cây và Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng được Trung Quốc cho phát triển tương tự.