Dân Hồng Kông lên kế hoạch biểu tình nhiều hơn, Mỹ tăng mức cảnh báo (VOA, 08/08/2019)
Hoa Kỳ vừa nâng mức cảnh báo, kêu gọi công dân thận trọng hơn nữa khi đi du lịch đến Hồng Kông do tình trạng mà họ mô tả là "bất ổn dân sự sau nhiều tháng có biểu tình bạo lực trên đường phố", theo Reuters.
Hoa Kỳ vừa nâng mức cảnh báo, kêu gọi công dân thận trọng hơn nữa khi đi du lịch đến Hồng Kông.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, một lãnh thổ của Trung Quốc, ban đầu nổ ra vì người dân phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc xét xử, sau đó đã trở thành một thách thức trực tiếp đối với chính quyền thành phố khi người biểu tình kêu gọi dân chủ hoàn toàn.
"Các cuộc biểu tình và các cuộc đối đầu đã lan sang các khu phố chứ không chỉ còn gói gọn trong những nơi mà cảnh sát cho phép tuần hành hoặc biểu tình", cảnh báo trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm 7/8.
"Những cuộc biểu tình này, có thể diễn ra không hề có hoặc gần như không có thông báo trước, có khả năng sẽ tiếp tục", lời cảnh báo nói thêm. Cảnh báo này được nâng lên cấp hai trong thang cảnh báo có tất cả bốn cấp độ dành cho công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra cảnh báo công dân khi du lịch đến Hồng Kông hôm 7/8/2019. Photo Website State.gov
Tương tự, Úc cũng ra cảnh báo đối với công dân đi du lịch đến Hồng Kông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng "giao thiệp nghiêm khắc" với Hoa Kỳ, kêu gọi các quan chức Mỹ chớ gửi tín hiệu sai lệch đến "phe ly khai bạo lực" ở Hồng Kông.
Người đứng đầu văn phòng Trung Quốc phụ trách Hồng Kông và Macau hôm 7/8 nói các cuộc biểu tình đã khiến Hồng Kông phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi hòn đảo này được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Reuters loan tin nhiều cuộc biểu tình được lên kế hoạch ở một số quận trên toàn thành phố vào cuối tuần này, bắt đầu từ ngày 9/8, trong đó có kế hoạch về một cuộc biểu tình kéo dài ba ngày tại sân bay quốc tế của Hồng Kông.
******************
Trung Quốc : ‘Hong Kong đối mặt với khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi được trao trả’ (VOA, 07/08/2019)
Hôm 7/8, lãnh đạo Trung Quốc phụ trách văn phòng về Hồng Kông và Macau nói Hồng Kông đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi vùng lãnh thổ này được chuyển giao từ Anh trở lại cho Trung Quốc vào năm 1997, theo Reuters.
Ông Zhang Xiaoming, một trong những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc giám sát các vấn đề Hồng Kông.
"Cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông ... cho đến nay đã diễn ra tới 60 ngày và ngày càng tồi tệ hơn", ông Zhang Xiaoming, một trong những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc giám sát các vấn đề Hồng Kông, phát biểu trong một cuộc họp tại thành phố Thâm Quyến hôm 7/8.
"Các hoạt động bạo lực đang gia tăng và ngày càng tác động rộng đến xã hội. Có thể nói rằng Hồng Kông hiện đang phải đối mặt với tình hình nghiêm trọng nhất kể từ khi được bàn giao", ông Zhang nói.
Hãng tin AP dẫn lời ông Zhang cho biết thêm rằng các quan chức ở Bắc Kinh "rất quan ngại" và đang nghiên cứu tình hình để quyết định các biện pháp cần thực hiện.
Hãng tin AP trích lời Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam phát biểu hôm 7/8 khi dự lễ khai mạc một cuộc triển lãm đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước Cộng sản Trung Quốc :
"Trong những tháng gần đây, điều kiện trong xã hội Hồng Kông cực kỳ không ổn định. Chính quyền đặc khu chắc chắn sẽ cùng với tất cả quý vị giải quyết vấn đề này một cách bình tĩnh, khôi phục trật tự xã hội, bảo vệ luật pháp, với tôn chỉ tôn trọng chính sách ‘một quốc gia, hai hệ thống’".
*******************
Người Hong Kong dự định tiếp tục biểu tình cuối tuần này, Mỹ cảnh báo người dân đến Hong Kong (RFA, 08/08/2019)
Hoa Kỳ hôm 7/8 vừa nâng mức cảnh báo người dân đến du lịch Hong Kong lên bậc 2 trong 4 bậc vào giữa lúc người Hong Kong đang có kế hoạch thực hiện nhưng cuộc biểu tình phản đối chính phủ kéo dài 3 ngày tại sân bay thành phố vào cuối tuần này.
Người biểu tình ở Hong Kong chiếu laser vào một tờ báo và đốt tờ báo trong một cuộc biểu tình phản đối việc bắt giữ người của cảnh sát hôm 7/8/2019 AP
Những cuộc biểu tình của người dân Hong Kong bắt đầu từ ngày 9 tháng 6 thút hút hơn 1 triệu người vào lúc đỉnh điểm đã kéo dài đến tận nay. Những cuộc biểu tình ban đầu phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc đến giờ đã bao gồm cả những phản đối chính phủ và đòi dân chủ toàn bộ cho Hong Kong.
Trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 7 tháng 8 có thông báo cho biết những cuộc biểu tình phản đối đã lan ra bên ngoài những khu vốn đã được cảnh sát cho phép biểu tình. Theo thông báo những cuộc biểu tình sẽ có nhiều khả năng tiếp diễn dù có hay không có thông báo.
Australia mới đây cũng đã cảnh báo người dân đến Hong Kong.
Trong khi đó, cảnh sát Hong Kong cũng đã cảnh báo những nhà hoạt động biểu tình ôn hòa và cho biết họ đã bắt giữ thêm ba người nữa, nâng con số người bị bắt giữ lên gần 600 người. Người trẻ nhất trong số này mới 13 tuổi.
Hôm 8/8, ba nhà hoạt động không nêu danh tính và đeo mặt nạ đã họp báo được phát trên truyền hình, trong đó họ chỉ trích việc cảnh sát đã bắt người trái phép và sử dụng lựu đạn cay để đàn áp người biểu tình.
Những nhà hoạt động cho biết việc chính quyền tiếp tục gieo rắc sợ hãi và đàn áp tự do báo chí cuối cùng sẽ là phản tác dụng đối với chính quyền.
********************
Hồng Kông : Sau tổng đình công, Bắc Kinh đe dọa "đừng đùa với lửa" (RFI, 06/08/2019)
Ngay sau cuộc tổng đình công khiến Hồng Kông tê liệt, hôm 06/08/2019, Văn phòng Liên lạc của Bắc Kinh tại đặc khu ra thông điệp cứng rắn chưa từng có : "Kẻ nào đùa với lửa sẽ có ngày mất mạng". Theo AFP, trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang) của Văn Phòng Liên Lạc của Bắc Kinh phụ trách Hồng Kông và Macao, đe dọa : "Đừng bao giờ đánh giá thấp "thái độ cương quyết và sức mạnh vô biên" của chính quyền trung ương".
Người biểu tình bị cảnh sát bắn hơi cay tại khu phố Hardcourt Road, Admiralty, Hồng Kông ngày 05/08/2019. Reuters/Eloisa Lopez
Đại diện chính quyền Trung Quốc khẳng định thủ phạm gây nên phong trào phản kháng chưa từng có hiện nay là "một nhóm rất nhỏ những kẻ tội phạm ưa bạo lực và vô liêm sỉ, cùng những thế lực ghê tởm đứng sau lưng".
Theo giới quan sát, đây là phản ứng cứng rắn nhất của Trung Quốc kể từ khi phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ sang Hoa Lục bùng phát cách nay hai tháng. Trước áp lực của dân chúng Hồng Kông, dự luật đã bị rút lại, nhưng những người phản kháng đòi hủy bỏ hoàn toàn dự luật và yêu cầu lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức.
Cũng trong cuộc họp báo nói trên, phát ngôn viên Trung Quốc tái khẳng định sự ủng hộ lãnh đạo Hồng Kông và lực lượng cảnh sát.
Cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn tuyên bố không can thiệp trực tiếp, mà để cho chính quyền đặc khu Hồng Kông tự đối phó với tình hình. Tuy nhiên, trước áp lực của phong trào không có chiều hướng suy giảm, hồi tuần trước, chỉ huy đơn vị Quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông cảnh báo luật pháp nước này cho phép quân đội can thiệp để tái lập trật tự, nếu chính quyền địa phương yêu cầu.
Lời đe dọa nói trên khiến công chúng nhớ lại vụ thảm sát năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, khiến ít nhất một nghìn người chết, khi quân đội Trung Quốc được điều đến đàn áp các sinh viên đòi dân chủ.
Cuộc tổng đình công lịch sử
Về cuộc tổng đình công lịch sử hôm qua, đặc phái viên Liu Zhifan tường trình từ Hồng Kông :
"Đây là một ngày đặc biệt. Lần đầu tiên, dân chúng Hồng Kông được kêu gọi tham gia tổng đình công để buộc chính quyền lùi bước. Đây là điều chưa từng có tại nơi mà văn hóa làm việc vốn là nền tảng của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ngay từ buổi sáng, lãnh đạo Hồng Kông đã dập tắt hy vọng của những người biểu tình khi một lần nữa lên án bạo lực khiến đặc khu lâm nguy.
Hàng chục nghìn công dân Hồng Kông đã tập hợp ở khắp nơi trong thành phố, trong lúc phần lớn phương tiện giao thông công cộng bị tê liệt do tình trạng rối loạn. Hơn 200 chuyến bay quốc tế bị hủy.
Như thường lệ, đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát là các diễn biến nổi bật trong ngày. Cảnh sát bắt đầu tấn công người biểu tình bằng hơi cay ngay từ tại khu vực phía bắc thành phố, cùng lúc nhiều vụ bắt bớ đã xảy ra. Các đơn vị cảnh sát được triển khai tại 5 trên 18 quận của Hồng Kông, không để cho người biểu tình có thời gian xả hơi.
Nhiều cuộc chạm trán cũng diễn ra tại phía đông đảo Hồng Kông vào buổi tối. Một số phần tử thân Bắc Kinh, có quan hệ với hội kín Tam Hoàng, tấn công người biểu tình bằng gậy gỗ và thanh kim loại.
Nếu như chính quyền dứt khoát không thay đổi lập trường, thì người biểu tình Hồng Kông vẫn cương quyết tranh đấu cho tự do, bất chấp hai tháng đấu tranh khổ nhọc".
Hôm nay, cảnh sát Hồng Kông thông báo 146 người bị câu lưu bên lề các cuộc biểu tình vì dân chủ hôm qua.
Hơn 10.000 công an Quảng Đông diễn tập đàn áp biểu tình
12.000 công an Trung Quốc tại khu Thâm Quyến (Quảng Đông), giáp giới với Hồng Kông, diễn tập đàn áp biểu tình hôm nay, 06/08/2019, theo trang mạng Hoàn Cầu Thời Báo. Chính quyền Trung Quốc quảng bá rầm rộ các hình ảnh về cuộc diễn tập này trên các phương tiện truyền thông. Diễn tập được thông báo là để đối p2019)hó với các tình huống được cho là tương tự như các hoạt động phản kháng đang diễn ra ở Hồng Kông.
Trọng Thành