Nhật – Hàn : Khi thâm thù lịch sử vẫn được nuôi dưỡng
Hôm 15/08/2019, ngày lễ Đức Mẹ lên trời, ngoại trừ tờ Le Monde ra từ chiều hôm trước, hầu hết cá tờ báo lớn của Pháp, báo giấy cũng như điện tử đều nghỉ. Về thời sự Châu Á, Le Monde quan tâm đến khủng hoảng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Châu Á, qua bài phân tích mang tiêu đề "Donald Trump bất lực trước khủng hoảng Nhật – Hàn".
Biểu tình chống chính sách của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Seoul, ngày 15/08/2019. Reuters/Kim Hong-Ji
Thông tín viên tại Tokyo, Philippe Mesner, giúp độc giả hiểu thêm căn nguyên của cuộc khủng hoảng giữa hai láng giềng nhiều thâm thù của lịch sử để lại. Nhưng Hàn Quốc và Nhật là hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Châu Á. Lục đục giữa Tokyo–Seoul lên cao khiến Washington không thể không quan tâm.
Le Monde dẫn phát biểu đầy lo ngại của tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 9/8 vừa qua : "Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đang không ngừng đấu nhau. Họ phải thông hiểu nhau bởi vì họ đặt chúng ta (Mỹ) vào tình huống tế nhị". Tổng thống Mỹ liệu có thuyết phục Tokyo và Seoul nói chuyện với nhau để ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc, đến mức mà cả ngoại trưởng Mike Pompeo cũng như bộ trưởng quốc phòng Mark Esper đều không làm sao giảm nhiệt căng thẳng hai nước.
Tác giả bài báo nhắc lại sự việc bùng phát từ hồi tháng 10/2018 khi Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc một số công ty Nhật đã cưỡng bức lao động khổ sai với người Hàn Quốc trong thời kỳ Đại chiến Thế giới thứ 2 phải trả tiền đền bù cho nạn nhân. Bản án đã khiến Tokyo phẫn nộ, vì theo họ vấn đề này đã được giải quyết thỏa đáng trong hiệp định giữa hai nước ký năm 1965.
Thế nhưng, sự việc không chỉ dừng ở đó. Đến mùa hè vừa qua, Tokyo trả đũa bằng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Seoul, nhằm trực tiếp vào lĩnh vực quan trọng của kinh tế Hàn Quốc là điện tử.
Tờ báo nhận xét : "Như trong quá khứ, tuy lần này ở tầm mức khác, cuộc khủng hoảng vẫn thường nảy sinh từ các tranh chấp lịch sử luôn sống động giữa hai nước. Lần này, khủng hoảng xuất hiện khi mà hai quốc gia được lãnh đạo bởi những nhân vật nhạy cảm, theo cách riêng của mỗi người".
Ở Nhật, thủ tướng Shinzo Abe, đại diện cho trào lưu dân tộc chủ nghĩa và xét lại. Từ khi trở lại cầm quyền 2008, chính phủ của ông đã cho xóa bỏ hay sửa đổi trong sách lịch sử các chi tiết liên quan đến thời kỳ u ám nhất của Nhật trong quá khứ. Thí dụ như vụ thảm sát Nam Kinh (Trung Quốc) hay thảm cảnh của các phụ nữ giải sầu người Hàn Quốc, Trung Quốc. Ông Abe chưa bao giờ tỏ thái độ hối hận gì về những trang sử đen tối của Nhật.
Còn ở Hàn Quốc, tổng thống thuộc trung tả, Moon Jae-in, thì lại là người nhìn lịch sử như là một trang vinh quang của cuộc kháng chiến chống quân chiếm đóng Nhật. Ông tận dụng triệt để sự kiện kỷ niệm 100 năm phong trào 1/3/1919 huy động người Triều Tiên đứng lên kháng Nhật, để phục vụ mục tiêu chính trị.
Những đốm lửa trong đống tro tàn lịch sử giữa hai nước không bao giờ dập tắt, mà trái lại còn được các nhà lãnh đạo hai bên duy trì để thổi bùng lên khi cần.
Cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ hiệp định 1965, tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bản hiệp định là kết quả sau 14 năm đàm phán giữa hai nước cùng sức ép mạnh mẽ của Mỹ. Hiệp định ngay từ khi ký đã làm bùng lên các cuộc biểu tình ở hai nước. Ở Hàn Quốc, một phần nội dung hiệp định được giữ bí mật cho đến tận năm 2005. Khi được công bố, người ta mới biết về khoản tiền 300 triệu đô la mà Nhật đền cho các nạn nhân Hàn Quốc dưới thời thực dân và nhất là số tiền trên đã được chuyển thành khoản đầu tư cho hạ tầng cơ sở đất nước.
Le Monde nhận định : Trong bối cảnh, cân bằng an ninh ở khu vực bị đe dọa vì sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, vai trò trọng tài của Mỹ là cần thiết nhưng khó. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự can thiệp của Donald Trump vào sự việc là rất phức tạp. Giải pháp nằm trong tay người Nhật vàn Hàn. Họ chỉ có thể giải quyết bằng thỏa hiệp. Theo các nhà phân tích của CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế), được Le Monde trích dẫn : "Hàn Quốc phải chấp nhận một điều là mọi thỏa thuận về cơ bản đều không hoàn hảo và không đầy đủ, trong khi đó Nhật sẽ phải hiểu rằng lần khần xin lỗi sẽ chỉ làm trở ngại cho một thỏa thuận thực sự mang lại cơ hội để cải thiện quan hệ".
Hồng Kông : Bạo lực tràn sang phe biểu tình
Vẫn Liên quan đến Châu Á, nhật báo Le Monde tiếp tục dành sự quan tâm đến thời sự nóng bỏng: khủng hoảng Hồng Kông. Tờ báo trở lại với các cuộc biểu tình liên tiếp những ngày qua ở đặc khu hành chính của Trung Quốc này với bài "Những cảnh tượng hỗn loạn ở sân bay Hồng Kông".
Đặc phái viên của Le Monde tại Hồng Kông ghi nhận : "Cho tới giờ vẫn được coi là niềm tự hào và biểu tượng cho thành công về tài chính của thành phố, sân bay Hồng Kông đến cuối ngày thứ Ba 13/8 chỉ còn là một con tàu chao đảo. Không có ai chết thì đã là điều kỳ diệu".
Le Monde điểm lại diễn biến các cuộc biểu tình phản kháng chính quyền Hồng Kông và cùng sự chi phối của chế độ Bắc Kinh từ hôm thứ Hai đến ngày thứ Tư tuần này, đặc biệt trong ngày thứ Ba căng thẳng và bạo lực lên cao độ. Bạo lực của cảnh sát giải tán người biểu tình và trong phong trào đấu tranh đa phần là giới trẻ có học hành giờ cũng bắt đầu xuất hiện những hành động bạo lực để đáp trả.
Le Monde cho biết, trong buổi chiều tối thứ Ba đầy căng thẳng ở sân bay quốc tế, người biểu tình đã tấn công hai người Trung Quốc đại lục. Đầu tiên họ giữ và đánh một người đàn ông Trung Quốc lục địa vì nghi là công an chìm trà trộn vào đoàn biểu tình. Khi xe cứu thương tới đưa người bị tấn công, người biểu tình thậm chí còn ngăn cản xe cứu thương. Cảnh sát phải dùng hơi cay để giải toả đám đông.
Một sự vụ khác tương tự xảy ra sau đó, một nhóm người biểu tình đã bắt giữ, trói rồi lột giấy tờ, áo của một người đàn ông, cũng lại là người Trung Hoa lục địa, bị nghi là cảnh sát được gài vào phá biểu tình. Chính những hành động bạo lực như vậy có thể gây hậu quả không tốt cho phong trào đấu tranh sắp tới. Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông không bỏ lỡ cơ hội lên án những hành động trên của người biểu tình "gần như là hành động khủng bố". Rất có thể đó sẽ là cái cớ để Bắc Kinh can thiệp sâu hơn vào cuộc khủng hoảng hiện nay.
Le Monde nhận định : "Không thể chối cãi, ngày 13/8 vừa qua đánh dấu bước ngoặt mới của phong trào" biểu tình. Trả lời phỏng vấn Le Monde, một trong những nhân vật đối lập tại Nghị Viện, Claudia Mo khẳng định giới trẻ sẵn sàng hy sinh cuộc sống vì lý tưởng của họ. Dự kiến sẽ có cuộc biểu tình lớn được tổ chức vào ngày Chủ nhật 18/8 tới đây.
Hồng Kông : Cộng đồng quốc tế im lặng ?
Trong khi đó những biến động ở Hồng Kông được một số tờ báo địa phương của Pháp nhìn dưới góc độ khác.
Tờ La Presse de La Manche, ghi nhận sự im lặng của cộng đồng quốc tế. Nhật báo của vùng Normandie cho rằng "Người Trung Quốc có đèn xanh của cộng đồng quốc tế chịu để Bắc Kinh "bình thường hóa" Hồng Kông. Hiếm khi nào, sự im lặng lại có ý nghĩa hơn thế này. Đó là một kiểu giấy báo tử được phát trước khi nạn nhân chết. Donald Trump, như mọi người đều biết, là một người rất nhạy cảm và là một nhà dân chủ có niềm tin, cũng chỉ nêu mong muốn sao cho đừng có quá nhiều đập phá. Ông hy vọng sẽ không có quá nhiều người bị thương, đó là dấu hiệu của một sự giữ ý tứ khi thiếu vắng cảm xúc mạnh. Khủng hoảng Hồng Kông thậm chí còn không tác động đến các quốc gia vốn nổi tiếng là hay quan tâm đến quyền của các dân tộc để họ có thể yêu cầu đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc". Với giọng gay gắt, tờ La Presse de La Manche nhấn mạnh : "Đó là điều người ta vẫn thường làm để giữ thể diện trước khi buông trôi theo sự nhu nhược".
Anh Vũ