Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/09/2019

Thái độ không rõ ràng về Biển Đông không giúp ích gì cho Việt Nam và Philippines

RFI tiếng Việt

Biển Đông : Nghi vấn về các tàu Trung Quốc ở bãi Tư Chính (RFI, 05/09/2019)

Theo tài khoản South China Sea News trên Twitter chuyên theo dõi tin tức Biển Đông, hôm nay 05/09/2019 lần đầu tiên các tàu hải cảnh Trung Quốc theo dõi được bằng tín hiệu AIS đều đã rời khỏi lô dầu 06.1 và bãi Tư Chính của Việt Nam. Trang này thận trọng cho biết cần phải quan sát tiếp.

bien1

Chụp màn hình Twitter của South China Sea News, ngày 05/09/2019(Capture d'image @SCS-News)

Cách đây hai ngày, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với bốn tàu hải cảnh hộ tống đã rời bãi Tư Chính đến Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), nhưng tàu hải cảnh 46301 vẫn quanh quẩn gần lô 06.1. Đến sáng nay (theo giờ Việt Nam), tàu này đã rời đi, cũng hướng về Đá Chữ Thập, theo dữ liệu từ Marine Traffic.

Như vậy, với giả thiết tất cả các tàu Trung Quốc đều bật tín hiệu AIS để theo dõi, thì hôm nay không còn tàu hải cảnh nào ở bãi Tư Chính.

Các nhà quan sát đều thận trọng chưa thể khẳng định nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, vì trước đây chiếc tàu khảo sát đã từng rời đi ngày 7/9 và quay lại ngày 13/9, cho thấy việc đến Đá Chữ Thập có lẽ chỉ để tiếp tế nhiên liệu và lương thực.

Theo tài khoản Đại sự ký Biển Đông trên Facebook, các tàu cảnh sát biển Việt Nam hôm nay vẫn hiện diện khá nhiều ở khu vực gần Bãi Tư Chính. Ngoài hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 ở lô dầu 06.1 thì mới đây, Việt Nam cũng đã đặt chân đế giàn công nghệ trung tâm Sao Vàng ở mỏ dầu Sao Vàng - Đại Nguyệt nằm sâu trong bờ biển Việt Nam.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm vào đầu năm 1988 sau khi dùng bốn tàu chiến chặn các tàu công binh của Việt Nam tiến vào, và hiện nay Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

Về tàu cẩu khổng lồ Lam Kình (Lanjing) của Trung Quốc, một nguồn tin độc lập chưa được kiểm chứng cho biết hôm nay chiếc tàu này đã ra khỏi lãnh hải Việt Nam, hướng về Quảng Đông.

Thụy My

******************

Phán quyết quốc tế về Biển Đông : Tổng thống Philippines thừa nhận bế tắc (RFI, 06/09/2019)

Phát biểu lần đầu tiên tối 04/09/2019 về cuộc nói chuyện giữa ông với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tranh chấp Biển Đông nhân chuyến công du Bắc Kinh vừa qua, tổng thống Philippines đã công khai thừa nhận rằng ông hoàn toàn không còn cách nào khác để ép buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye.

bien2

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (ở giữa bên T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, 29/08/2019.@ How Hwee Young/Pool via Reuters

Trong một cuộc họp báo truyền hình, tổng thống Rodrigo Duterte đã nhắc lại rằng khi ông đề cập đến phán quyết trong cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nói thẳng : "Chúng tôi sẽ không thay đổi lập trường".

Theo tường thuật của hãng tin Mỹ AP, khi được hỏi là ông sẽ làm gì tiếp theo, tổng thống Philippines đã bắt đầu bằng cách giải thích như sau : "Họ (Trung Quốc) đã tuyên bố rằng đó (Biển Đông) là của họ, và điều tệ hại là họ tuyên bố đó là quyền lịch sử của họ và họ đang nắm quyền kiểm soát trên tài sản của họ".

Và sau đó ông hỏi ngược lại các nhà báo : "Nếu muốn giúp đỡ bằng cách gợi ý, quý vị có gợi ý nào khác không ? Hoặc là có nghe nói hay không về một giải pháp lành mạnh nào mà không cần lao vào một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, nước đã nói rằng "Chúng tôi sẽ không nhúc nhích" ?

Từ lúc lên cầm quyền tại Philippines cho đến nay, ông Duterte đã bị một phần dư luận Philippines chỉ trích vì tạm gác việc yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài ở La Haye (Hà Lan) phủ nhận tính chất hợp pháp các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển.

Phán quyết quốc tế đó còn xác nhận quyền chủ quyền của Philippines trên một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, nơi mà kế hoạch thăm dò và khai thác dầu khí dưới đáy biển của Manila đã bị trì hoãn dưới áp lực của Bắc Kinh cho rằng các vùng này là của Trung Quốc.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 555 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)