Kazakhstan : Biểu tình chống Trung Quốc nổ ra tại 2 thành phố lớn (RFI, 22/09/2019)
Nhiều người dân tại hai thành phố lớn của Kazakhstan là thủ đô Nur Sultan và thành phố Almaty đã xuống đường biểu tình vào hôm qua, 21/09/2019 để tố cáo ảnh hưởng quá nặng của Trung Quốc tại nước Cộng Hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ này. Các cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp, và theo hãng tin Anh Reuters, đã có đến 57 người bị bắt giữ.
Kazakhstan : Cảnh sát bắt người biểu tình chống Trung Quốc. Ảnh tại Nur-Sultan, ngày 21/09/2019. Reuters/Mukhtar Kholdorbekov
Từ Tbilissi, Régis Genté, thông tín viên RFI phụ trách khu vực Trung Á, giải thích rằng những cuộc biểu tình nhằm tố cáo tầm quan trọng ngày càng tăng của nước láng giềng Trung Quốc trên nền kinh tế Kazakhstan, trong bối cảnh người dân đang bất mãn với chính phủ, và không hài lòng trước những thiếu sót trong việc tái phân phối lợi tức từ dầu hỏa :
Trên những tấm biểu ngữ, người ta đọc được những hàng chữ như "Hãy chấm dứt sự bành trướng của Trung Quốc" hoặc "Hãy nói không với các công ty Trung Quốc".
Tâm lý chống Trung Quốc đã bùng lên vào lúc hàng chục thực thể công nghiệp đã được Bắc Kinh mở ra tại Kazakhstan trong những năm gần đây, bên cạnh 55 dự án đang được phát triển, với các khoản đầu tư khoảng 25 tỷ euro, trong các lĩnh vực như dầu khí, nông nghiệp hoặc giao thông vận tải.
Một phần của xã hội Kazakhstan đang chỉ trích sức mạnh của Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia Trung Á này đã phát triển chậm hẳn lại do việc giá dầu thế giới sụt giảm từ sau năm 2014.
Bối cảnh kinh tế khó khăn đó đã nuôi dưỡng tâm lý quan ngại từng có trước đây về mối "hiểm họa da vàng" ở Kazakhstan, và nỗi lo âu trước nguy cơ lệ thuộc vào sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Dư luận Kazakhstan đang sợ bị biến thành nạn nhân của chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh thường tung bạc tỷ ra cho vay, rồi sau đó chiếm lấy các tài sản chiến lược khi các quốc gia con nợ không còn khả năng trả nợ.
Kazakhstan được cho là đang nợ Trung Quốc hơn 10 tỷ euro, tiền vay mượn trong khuôn khổ kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy.
RFI tiếng Việt
*****************
Trung Quốc : Phóng viên phải "thi trắc nghiệm" về lòng trung thành với chế độ (RFI, 21/09/2019)
Kể từ đầu tháng 10/2019, 10.000 phóng viên và tổng biên tập Trung Quốc sẽ buộc phải trải qua "một trắc nghiệm mang tính thí điểm", để chứng tỏ lòng trung thành với chế độ, với tư tưởng của chủ tịch Tập Cận Bình. Sau đợt thử nghiệm này, chính quyền sẽ tổ chức các kỳ sát hạt quốc gia, và thẻ nhà báo sẽ chỉ được cấp cho những ai thi đỗ.
Trung Quốc : Báo giới phải qua các bài trắc nghiệm về lòng trung thành trên một ứng dụng trên điện thoại di động, mang tên "Xuexi Qiangguo" để được cấp thẻ nhà báo. AFP Photos/Greg Baker
Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
"Tương tự như trường hợp đa số các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông nhà nước cũng không thoát khỏi quy định chung này. Cụ thể là họ phải thuộc lòng những lời chỉ dạy của chủ tịch Trung Quốc mới có cơ hội thăng tiến trong nghề.
Theo nhật báo South China Morning Post, các bài trắc nghiệm về lòng trung thành trên một ứng dụng trên điện thoại di động, mang tên "Xuexi Qiangguo" (Học tập cường quốc), liên quan trước hết đến các cơ quan truyền thông mạng, và khoảng 10.000 nhà báo ở Bắc Kinh. Ứng dụng "Xuexi Qiangguo" - với tư tưởng Tập Cận Bình được số hóa - được ví với cuốn "Mao tuyển mới" (tức cuốn sách nhỏ màu đỏ có kích thước bằng bàn tay, tuyên truyền cho tư tưởng Mao trước đây, từng được ấn hành hàng trăm triệu bản).
Đợt trắc nghiệm này diễn ra trước các kỳ thi mà tất cả các nhà báo sẽ phải trải qua. Cơ quan tuyên huấn đã chuẩn bị các bài thi, với một ứng dụng được khai trương từ tháng Giêng năm nay. Trong số năm môn học của chứng chỉ "về chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Hoa" dành cho giới truyền thông, ít nhất sẽ có hai môn dành cho tư tưởng chính trị của chủ tịch Trung Quốc, và một môn về chủ nghĩa Mác.
Các đồng nghiệp Trung Quốc cho biết, trên thực tế, một số trắc nghiệm trên giấy kiểu này đã được tiến hành cứ "hai, ba năm một lần" trong nội bộ một số tòa soạn. Điểm mới ở đây là, theo một thông báo hồi tháng trước của cơ quan kiểm soát truyền thông của Đảng cộng sản Trung Quốc, để được cấp thẻ nhà báo, các phóng viên sẽ phải vượt qua được các sát hạch. Vẫn theo chính quyền, những ai thi trượt có cơ hội thi lại".
Trọng Thành