Hồng Kông lại chuẩn bị hàng loạt cuộc biểu tình cuối tuần RFI, 11/10/2019)
Bất chấp lệnh cấm đeo mặt nạ, trưa ngày 11/10/2019, vài trăm người biểu tình Hồng Kông vẫn mang mặt nạ tuần hành tại khu trung tâm tài chính. Họ chiếm một trục đường quan trọng, làm rối loạn giao thông, trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình, được cho là căng thẳng, sẽ diễn ra trong hai ngày cuối tuần.
(Ảnh minh họa) - Cảnh sát Hồng Kông sử dụng hơi cay chống lại những người biểu tình che mặt. Ảnh chụp ngày 06/10/2019. Reuters/Jorge Silva
Đến sáng ngày 11/10, công ty quản lý hệ thống tầu điện ngầm Hồng Kông, MTR Corp, đã mở cửa trở lại tất cả các bến tầu sau một tuần bạo lực, nhưng sẽ đóng cửa vào 22 giờ (sớm hơn hai tiếng so với thông thường). Trước đó, người biểu tình đã nhắm phá hệ thống tầu điện ngầm vì công ty MTR Corp cho đóng cửa một số bến, theo lệnh của chính quyền Kồng Kông, để ngăn chặn người biểu tình.
Bên trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, hai phe dân biểu Hồng Kông, một bên ủng hộ Bắc Kinh, một bên ủng hộ dân chủ, đã thóa mạ nhau trước phiên họp ngày 11/10. Một số dân biểu đeo mặt nạ đen, một số khác mang tấm biển ghi : "Sự tàn bạo của cảnh sát vẫn còn, làm thế nào chúng ta có thể họp được ?". Theo Reuters, điều này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội và chính trường Hồng Kông.
Trong khi đó, trên trang Facebook ngày 10/10, đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok đã cảnh cáo việc một số chính trị gia Thái Lan ủng hộ các nhà đấu tranh Hồng Kông có thể "gây tổn hại đến quan hệ giữa hai nước". Trước đó, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), nhà đấu tranh trẻ Hồng Kông đã đăng bức ảnh chụp chung với nhà tỉ phú Thái Lan Thanathorn Juangroongruangkit, người sáng lập đảng Tương Lai Mới, đối lập với chính quyền quân sự. Phía Bangkok chưa đưa ra bình luận.
Bắc Kinh liên tục gây sức ép với các công ty công nghệ nước ngoài
Ngoài ra, Trung Quốc liên tục gây sức ép đối với các tập đoàn công nghệ nước ngoài bị chính quyền Bắc Kinh nghi ngờ ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ Hồng Kông. Tập đoàn Apple của Mỹ đã phải chịu khuất phục trước sức ép của chính quyền Bắc Kinh khi xóa ứng dụng định vị cảnh sát ở Hồng Kông. Lý do được ông Tim Cook giải thích trong thư gửi nhân viên của Apple ngày 10/10, là để "bảo vệ người sử dụng", tránh để người biểu tình quá khích tấn công "những cảnh sát bị cô lập", "những cá nhân hoặc tài sản tại những nơi không có cảnh sát bảo vệ".
Trước đó, Google cũng phải xóa ứng dụng trò chơi điện tử, được đặt tên là "Cuộc cách mạng thời đại chúng ta" theo một khẩu hiệu của người biểu tình Hồng Kông. Trong trò chơi này, người chơi có thể đóng vai một người biểu tình Hồng Kông. Theo trang thông tin Hong Kong Free Press, được AFP trích dẫn, "80% doanh thu từ trò chơi, dường như được chuyển cho Spark Alliance, một quỹ hợp pháp hỗ trợ người biểu tình bị bắt".
Thu Hằng
****************
Hong Kong nói chỉ muốn ngăn bạo lực chứ không ngăn biểu tình (VOA, 11/10/2019)
Chính quyền Hong Kong hôm 10/10 nói rằng họ sẽ không áp dụng thêm bất kỳ biện pháp nào để ngăn cản các cuộc biểu tình bạo lực và phủ nhận những tin đồn rằng các lực lượng an ninh của Đại lục tham gia vào việc ngăn chặn biểu tình ở thành phố này.
Cảnh sát chống bạo động nhìn những người cầm cờ Đài Loan khi họ tham gia một cuộc tuần hành kỷ niệm quốc khánh Đài Loan ở quận Tsim Sha Tsui district của Hong Kong hôm 10/10.
Các trung tâm mua sắm đóng cửa sớm hôm 10/10 để tránh trở thành các mục tiêu đập phá của các cuộc biểu tình đã lên kế hoạch và hệ thống tàu điện ngầm của thành phố, nơi đã chứng kiến tình trạng bất ổn dữ dội, đóng cửa sớm ba tiếng.
Cho tới nửa đêm, không có cuộc biểu tình nào diễn ra với quy mô lớn đáng kể. Khoảng 60 người tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát. Trái ngược với các cuộc biểu tình rầm rộ vào ban ngày, các cuộc biểu tình ban đêm thường chỉ có vài trăm người tham gia ở các sự kiện rải rác, chủ yếu vào đêm khuya.
Hong Kong là một trong những trung tâm mua sắm hàng đầu thế giới, nhưng trong bốn tháng qua các cuộc biểu tình bạo lực đã làm sứt mẻ danh tiếng đó khi hàng loạt cửa hàng bị hư hại và các trung tâm mua sắm đang trở thành địa điểm cho những người biểu tình.
Trung tâm tài chính Châu Á đang phải đối mặt với suy thoái đầu tiên trong một thập kỷ qua do tình trạng bất ổn, với ngành du lịch và bán lẻ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Tình trạng bất ổn bắt đầu từ hơn bốn tháng trước để phản đối dự luật dẫn độ, hiện đã bị rút lại, nhưng đã mở rộng thành một phong trào dân chủ trong bối cảnh có những lo ngại rằng Trung Quốc đang xâm phạm các quyền tự do của Hong Kong.
Những quyền tự do đó được bảo đảm dưới phương thức một quốc gia, hai chế độ khi Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, cho phép người Hong Kong được hưởng các quyền tự chủ mà người dân Đại lục không được hưởng.
Tuy nhiên, tình trạng bất ổn đã đẩy đặc khu hành chính vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997 và đặt ra thách thức lớn nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Chính phủ Hong Kong hôm 10/10 cho biết rằng một bài phát biểu về chính sách của trưởng đặc khu Carrie Lam, dự kiến được đưa ra vào ngày 16/10 khi Hội đồng Lập pháp nhóm họp, sẽ không đề cập đến bất kỳ biện pháp nào khác để chống lại bạo lực.
Tổng thư ký hành chính Matthew Cheung nói tại một cuộc họp báo rằng các hoạt động của chính phủ không nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình, mà là nhằm ngăn chặn bạo lực. "Chúng tôi không bao giờ kiềm chế các cuộc biểu tình, chúng tôi chỉ kiềm chế bạo lực," ông nói.
Ông Cheung nói thêm rằng : "Một cuộc biểu tình nếu nó hợp pháp, nếu nó đúng luật, nếu nó hòa bình... ở Hong Kong, thì các cuộc tập hợp và các cuộc biểu tình là một phần của Hong Kong, một phần của giá trị cốt lõi của chúng tôi".
******************
Cảnh sát Hong Kong mua bình hơi cay có tác dụng mạnh hơn từ Trung Quốc (RFA, 11/10/2019)
Cảnh sát Hong Kong vừa mua một loạt bình hơi cay mới từ Trung Quốc, trang South China Morning Post trích các nguồn tin cho biết như vậy hôm 11/10.
Hình minh họa. Người biểu tình phản ứng lại hơi cay từ cảnh sát ở Hong Kong hôm 6/10/2019 - AFP
Theo SCMP, các bình hơi cay loại mới có tác dụng mạnh hơn so với các loại lựu đạn cay cũ, và được đội chống bạo động của Trung Quốc sử dụng.
Theo các nguồn tin mà SCMP có được, loại bình mới được phân phát cho cảnh sát chống bạo động hồi tuần trước có thể phát nổ và bắn ra hơi cay trong khoảng thời gian là 1,2 giây sau khi được ném ra, nhanh hơn so với khoảng thời gian là 1,5 giây mà lựu đạn cay kiểu cũ có. Với thời gian ngắn như vậy, người biểu tình sẽ không kịp để phản ứng tránh.
Ngoài ra, loại bình hơi cay này có thể bắn ra từ loại súng có tầm xa lên đến 100 mét, xa hơn mức bắn của loại súng cũ vốn chỉ có 80m.
Các nguồn tin không cho biết cụ thể số lượng bình hơi cay mới được cảnh sát Hong Kong nhập về là bao nhiêu.
Từ khi những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong nổ ra vào tháng 6 đến nay, cảnh sát Hong Kong đã phải dùng gần 5.000 bình hơi cay đối với người biểu tình.
Để tránh tác động của hơi cay, người biểu tình Hong Kong đeo mặt nạ chống hơi cay. Nguồn tin của SCMP cho rằng việc sử dụng hơi cay thực sự không có tác dụng giải tán biểu tình vì những mặt nạ chống hơi cay mà người biểu tình sử dụng.
******************
Lãnh đạo Hồng Kông để ngỏ kịch bản Bắc Kinh can thiệp chống biểu tình (RFI, 08/10/2019)
Hủy bỏ dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, ra sắc lệnh cấm che mặt khi biểu tình : Dù xoa hay đấm, các quyết định của lãnh đạo đặc khu Hồng Kông chỉ càng khiến làn sóng đòi dân chủ tại Hồng Kông thêm dữ dội. Hôm nay, 08/10/2019, lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố không loại trừ việc Bắc Kinh can thiệp vũ trang, nếu khủng hoảng trầm trọng hơn.
Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong cuộc họp báo ngày 8/10/2019. Reuters/Tyrone Siu
Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc trả lời họp báo hôm nay tại trụ sở chính quyền đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định : "Trong giai đoạn hiện tại, tôi vẫn tin tưởng là chúng ta có thể tự mình tìm ra giải pháp. Và đây cũng là lập trường của chính quyền trung ương, khi cho rằng Hồng Kông phải tự mình đối diện với khủng hoảng… Tuy nhiên nếu tình hình trở nên quá mức nghiêm trọng, sẽ không có bất cứ giải pháp nào bị gạt sang một bên, nếu như chúng ta muốn Hồng Kông thoát hiểm".
Theo hãng tin Bloomberg, lãnh đạo đặc khu cũng thừa nhận không thể đọc bản báo cáo thường niên tại Nghị Viện Hồng Kông vào tuần tới, vì lo ngại trụ sở cơ quan một lần nữa sẽ bị bao vây. Trụ sở Nghị Viện Hồng Kông từng bị nhiều người biểu tình xâm nhập, đập phá, hôm 01/07.
Khả năng Bắc Kinh triển khai quân đội tại Hồng Kông, trấn áp những người đòi dân chủ, bị chính quyền nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh Quốc, lên án. Hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bắc Kinh là các đàm phán về thương mại song phương để tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại có thể đổ vỡ, nếu Trung Quốc dùng vũ lực chống lại người dân Hồng Kông.
Khi được hỏi về việc liệu biện pháp cấm che mặt trong khi biểu tình có hiệu quả hay không, lãnh đạo Hồng Kông trả lời "còn quá sớm" để đưa ra nhận định.
Sắc lệnh cấm che mặt của chính quyền, thứ Sáu tuần trước, bị những người biểu tình lên án mạnh mẽ. Bạo động bùng lên khắp thành phố trong đêm thứ Sáu và ngày thứ Bảy, khiến toàn bộ hệ thống xe điện ngầm tê liệt. Cho đến hôm nay vẫn còn 13 trạm xe điện ngầm bị đóng cửa. Công ty quản lý tầu điện ngầm thông báo tối nay, toàn bộ hệ thống metro sẽ đóng cửa vào lúc 20 giờ, tức sớm hơn 5 giờ so với thường lệ.
Suốt ba ngày liền, cho đến hôm nay, hàng chục nghìn người tiếp tục xuống đường, với mặt nạ hay khẩu trang, để khẳng định họ không chấp nhận biện pháp này. Hôm qua, 14 người biểu tình che mặt bị bắt giữ và bị truy tố.
Trọng Thành