Kinh tế Trung Quốc : Mọi chỉ số đều đỏ
Donald Trump và Erdogan dọn cỗ cho Vladimir Putin, Paris khẩn cấp đối phó với khủng bố, IMF báo động kinh tế toàn cầu suy yếu, chỉ số kinh tế Trung Quốc gây thất vọng là những chủ đề lớn trên báo Pháp ngày 16/10/2019.
Ảnh minh họa : Cảng Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, ảnh chụp ngày 4/7/2019. Reuters
Tình hình nóng bỏng tại miền bắc Syria, hệ quả của quyết định bị xem là "sai lầm chiến lược" của Donald Trump vẫn là chủ đề quốc tế lớn. Lợi dụng Mỹ rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào miền bắc Syria. Cả hai hành động này đều thiếu chín chắn.
Le Monde tỏ ra nghiêm khắc với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và thất vọng về Donald Trump : "Bị cô lập trên trường quốc tế, Ankara dường như chọn con đường đưa cả nước vào đổ vỡ với hệ quả kinh tế không thể phục hồi". "Donald Trump đổi giọng, trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn khẳng định rút quân". Không tốn mực cho xung khắc Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, nhật báo La Croix và Le Figaro lo lắng cho an ninh nước Pháp trước nguy cơ khủng bố Daesh hồi sinh. "Nước Pháp bắt buộc phải xem lại các căn cứ ở Syria sau khi Mỹ rút đi", tựa của nhật báo công giáo.
Nguy cơ khủng bố hành động tại lãnh thổ Pháp đã được thủ tướng xác nhận với Quốc hội trong khi ngoại trưởng Pháp bay sang Trung Đông tham khảo với Iraq. Les Echos một mặt lên án Donald Trump bỏ rơi đồng minh, một mặt lo ngại cho quân đội Pháp không kịp chuẩn bị đối phó với tình huống bất ngờ, không bảo vệ được đồng minh người Kurdistan ở Syria và rủi ro nằm trong tầm hỏa lực của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng không giấu bất bình về chính sách tiền hậu bất nhất của chủ nhân Nhà Trắng : Bị đảng Cộng hòa công kích, Donald Trump vội trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Về địa chiến lược, hành động thiếu suy nghĩ của hai nhà lãnh đạo thích phô trương này đã tạo cơ hội tốt cho Nga củng cố thế thượng phong.
Ngư ông Vladimir Putin
Le Figaro, trong bài Moskva trở thành tâm điểm của bàn cờ Thổ Nhĩ Kỳ - Syria khẳng định : "trong khi Donald Trump đe dọa Erdogan, ngư ông trong cuộc đấu nghêu sò này là Vladimir Putin".
Không đầy một tuần lễ sau khi Ankara mở chiến dịch tấn công lực lượng FDS ở Syria, nước Nga của Putin là phe hưởng lợi. Hình ảnh mang tính biểu tượng hôm thứ Ba là một phóng viên Nga đến tận Mabij để thu hình một căn cứ Mỹ bị bỏ trống sau khi Donald Trump ra lệnh rút quân.
Năm năm sau khi đưa quân vào Syria hỗ trợ cho quân đội Damascus, đang bị thất thế, nới vòng vây, Moskva vừa ghi dấu một chiến thắng mới : "Củng cố vị thế của đồng minh Bachar al-Assad và gia tăng ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông".
Chiến lược này của Putin không phải là không có rủi ro. Putin đã nhiều lần, và mới đây đã cảnh báo nguy cơ khủng bố hồi sinh nếu hàng ngàn chiến binh Daesh trốn khỏi nhà tù. Nga cũng lo ngại xảy ra xung đột trực tiếp giữa quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, xác xuất chiến tranh rất thấp bởi vì Ankara dường như không có ý định chiếm đất. Dù vậy, theo Le Figaro, các chuyên gia Nga như Alexei Malachenko không loại trừ kịch bản "đụng độ lớn" và trong kịch bản này, thái độ của quân Nga ra sao ?
Có lẽ Moskva cũng đã trù liệu tình huống xấu nhất cho nên đặc sứ của tổng thống Putin về hồ sơ Syria, Alexander Lavrentiev cho biết "quân cảnh của Nga sẽ tuần tra chung dọc theo đường tiếp cận giữa hai quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ". Nói cách khác, thông điệp của Kremlin là đóng vai "trung gian mang lại hòa bình" không bỏ rơi người Kurdistan như Donald Trump. Một hành động cụ thể của Nga là tổ chức cho đại diện của FDS và Damascus gặp nhau tại căn cứ quân sự Hmeimim hồi tuần trước, sau khi Donald Trump ra lệnh triệt thoái quân Mỹ. Moskva cũng xác nhận là vào ngày 29/10 này sẽ diễn ra cuộc họp đầu tiên của "hội đồng Hiến pháp", bước đầu để thúc đẩy tiến trình hòa giải chính trị tại Syria.
Cũng về hồ sơ này, Libération nhìn khác các đồng nghiệp. Nhật báo thiên tả dành cho nhà phân tích Baram Balci một bài phỏng vấn. Vị giáo sư chính trị, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ ở đại học Grenoble đưa ra hai nhận định : "Thứ nhất, tổng thống Ergogan đạt được mục tiêu là thách thức Mỹ và đánh người Kurdistan mà lẽ ra là do Mỹ che chở. Thứ hai, Erdogan chứng minh Châu Âu bất lực bảo vệ đồng minh trong cuộc chiến chống Daesh".
Tại sao Tây phương lép vế ? Câu trả lời của giáo sư Baram Balci là "tại vì Tây phương tính lầm ngay từ đầu. Kéo người Kurdistan làm đồng minh quân sự" chống khủng bố mà không xem họ là "đồng minh chính trị". Cuối cùng, Bachar al-Assad thủ lợi.
Báo cáo mới của IMF về kinh tế toàn cầu : Trung Quốc báo động
Trong lúc Trung Đông bốc lửa thì kinh tế toàn cầu cũng rực đỏ, nhưng theo chiều xuống dốc. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nhiều lần báo động và lần này tình hình có vẻ nguy kịch hơn vì liên quan đến tất cả các khu vực. Ngay tại Trung Quốc, mọi chỉ số đều đỏ.
Công nghệ chế biến, lạm phát, địa ốc, sản xuất xe hơi , tất cả chỉ số kinh tế của Trung Quốc đều "đỏ". Số liệu công bố hôm thứ Ba còn tệ hại hơn, vật giá leo thang kỷ lục tính từ 6 năm qua, một phần là do thịt heo khan hiếm. Xuất khẩu cũng giảm mạnh. Thủ tướng Lý Khắc Cường nhìn nhận là rất khó có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tối thiểu 6% trong năm nay. Tăng trưởng "tuột dốc" cũng là nhận định của chuyên gia kinh tế Raymond Yeong, ngân hàng ANZ, Hồng Kông.
Nguyên do là Trung Quốc buộc phải đi dây giữa hai sức ép. Một bên là chương trình tái cấu trúc kinh tế, thanh lọc nợ ngân hàng và cải cách hệ thống tài chính và bên kia là chiến tranh thương mại với Mỹ.
Thế mà thương chiến từ nay không còn giới hạn trong lãnh vực thương mại mà mở rộng đến chiến lược tranh giành ảnh hưởng, cho nên sẽ kéo dài chưa biết bao giờ ngưng. Cái được gọi là "mini thỏa hiệp" hồi cuối tuần qua, và chưa được ký, chỉ có tác động "rất thấp" đối với kinh tế Trung Quốc, nhiều lắm là 0,1% nếu thực sự được áp dụng. Đã vậy, Hoa Kỳ vẫn không cam kết bỏ áp thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc đã ban hành.
Trong bối cảnh này, chính quyền Trung Quốc dường như vô kế khả thi. Chính phủ không muốn mở hầu bao tung tiền kích thích kinh tế. Ngân Hàng Trung Ương vẫn từ chối giảm lãi suất chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và tiêu dùng.
Học tập hay học Tập ?
Đảng cộng sản Trung Quốc vừa tung ra một ứng dụng học tập yêu nước theo tư tưởng Tập Cận Bình. Chiếc bẫy để theo dõi tư tưởng người sử dụng.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có hai bài về chính trị. Bài thứ nhất, nhân chuyến công du Ấn Độ của chủ tịch Tập Cận Bình, nhật báo độc lập so sánh "các cuộc khủng hoảng nội bộ" của hai anh khổng lồ Châu Á. New Delhi có gánh nặng Kashmir, còn Bắc Kinh thì có hai khúc xương là Tân Cương và Hồng Kông.
Bài thứ hai về thủ đoạn tuyên truyền theo dõi công dân của Trung Quốc. Le Monde nói đến ứng dụng trên điện thoại di động có tên là "Học Tập cường quốc". Học tập có nghĩa thông thường mà còn mang nghĩa "học tư tưởng của Tập chủ tịch".
Ứng dụng này là một công cụ để trắc nghiệm kiến thức, giải trí vui đùa nhưng thật sự là một phương tiện kiểm soát công dân. Tháng 9 vừa qua, cơ quan tuyên huấn của Đảng cộng sản Trung Quốc khuyến cáo các nhà báo phải qua trắc nghiệm mỗi năm để được tái cấp thẻ hành nghề.
Thật ra, ứng dụng này là công cụ để chế độ tuyên truyền, giải thích lịch sử theo quan điểm chính thống, với những câu trắc nghiệm có lời đáp soạn sẵn theo đường lối của Đảng.
Nguy hiểm hơn nữa là qua ứng dụng đó, an ninh có thể biết đươc tư tưởng, quan điểm của người sử dụng.
Tú Anh