Biển Đông : Phó Tổng thống Mỹ tố cáo Trung Quốc dùng võ lực áp bức Việt Nam (RFI, 25/10/2019)
Trong bài phát biểu bao quát về quan hệ Mỹ-Trung ngày hôm qua, 24/10/2019 tại Trung Tâm Quốc Tế Woodrow Wilson ở Washington, phó tổng thống Mỹ Mike Pence một lần nữa đã lên tiếng chỉ trích gay gắt một loạt chính sách của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Ông Mike Pence cũng đặc biệt lên án các hành vi bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong đó có việc dùng võ lực áp bức Việt Nam.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Reuters/Yuri Gripas
Ông Pence nhắc lại rằng cách nay một năm, bản thân ông đã từng nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc, từ thương mại, quân sự, cho đến các vấn đề Tân Cương, Đài Loan và Hồng Kông. Thế nhưng trên những vấn đề đó, Bắc Kinh lại trở nên "hung hăng và gây mất ổn định nhiều hơn".
Một trong những vấn đề, theo phó tổng thống Mỹ, là : "Hành động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và cách xử sự với các nước láng giềng trong năm qua vẫn tiếp tục càng lúc càng mang tính khiêu khích".
Ngoài việc nhắc lại việc lãnh đạo Trung Quốc từng đứng tại Vườn Hồng (trong Nhà Trắng) vào năm 2015 và tuyên bố rằng Bắc Kinh "không có ý định quân sự hóa" Biển Đông, nhưng trong thực tế đã triển khai tên lửa tại một loạt căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp, phó tổng thống Pence đã đưa ra hai lời tố cáo mới khi nhắc đến các hành vi của Trung Quốc đối với Việt Nam, Philippines và Malaysia :
"Bắc Kinh đã gia tăng sử dụng cái mà họ gọi là tàu "dân quân biển" để thường xuyên hăm dọa các thủy thủ, ngư dân Philippines và Malaysia. Lực lượng tuần duyên (tức Hải Cảnh) Trung Quốc còn tìm cách dùng võ lực để áp bức Việt Nam, không cho khoan tìm dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên ở ngoài khơi vùng biển của chính Việt Nam".
Ông Mike Pence không quên nhắc lại rằng "Hồi đầu năm nay, có thông tin theo đó Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận bí mật nhằm thiết lập một căn cứ quân sự ở Cam Bốt".
Chưa nước nào bảo vệ Việt Nam trước Trung Quốc bằng Mỹ
Ngay sau bài phát biểu của phó tổng thống Mỹ, nhiều chuyên gia về Biển Đông đã rất hoan nghênh lời lẽ cứng rắn của ông Pence.
Trên mạng Twitter, ông Derek J. Grossman, chuyên gia nghiên cứu thuộc trung tâm tham vấn Mỹ Rand Corporation đã ghi nhận rằng hành vi "Trung Quốc bắt nạt Việt Nam tại Biển Đông đã được phó tổng thống (Mỹ) nêu bật", và đối với ông, quả là "Không một nước nào đã đứng lên bảo vệ Việt Nam như vây".
Còn giáo sư Andrew Erickson thuộc Trường Hải Chiến Mỹ, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về dân quân biển Trung Quốc, thì cho rằng phó tổng thống Mike Pence xứng đáng trong vai trò "quan chức cao cấp nhất của Mỹ công khai vạch trần vai trò lực lượng dân quân biển Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
*****************
Quan chức hải quân Mỹ nêu cách đối phó với Trung Quốc (VOA, 24/10/2019)
Người đứng đầu lực lượng hải quân Mỹ nói rằng Hoa Kỳ cần phải học Trung Quốc, vận động toàn bộ chính phủ Mỹ vào cuộc để đối phó với Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Ngoài ra, tờ báo ở Hong Kong còn dẫn lời ông Richard Spencer nói rằng cách tiếp cận đó cần phải dựa thêm vào các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
"Chúng ta hiện có một đối thủ cạnh tranh không có sự phân biệt giữa quân sự và dân sự", ông Spencer nói tại Viện Brookings ở Washington, ám chỉ tới cách tiếp cận đồng nhất giữa lĩnh vực công và tư của Trung Quốc trong quá trình cạnh tranh với Mỹ.
"Đây là cách tiếp cận toàn bộ chính phủ", ông Spencer nói.
South China Morning Post dẫn lời ông Spencer nói rằng Lầu Năm Góc cần phải nỗ lực phối hợp với các cơ quan chính phủ khác như Bộ Thương Mại, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp.
Ông cũng nói thêm rằng giới quân sự cần phải phối hợp song song với các đồng minh Mỹ ở khu vực Châu Á.
Viết trên Twitter hôm 23/10, ông Spencer nói rằng sự kiện ở Viện Brookings là "cơ hội tuyệt vời" để ông "chia sẻ một số mục tiêu chiến lược cho năm tới".
*************
Chuyên gia : Ấn Độ vẫn hợp tác với Việt Nam, bất chấp hành động gây hấn của Trung Quốc (VOA, 25/10/2019)
Các chuyên gia tin rằng Ấn Độ đặt nặng vấn đề hợp tác hàng hải với Việt Nam và sẽ không để cho bất cứ nước nào cản trở họ. Phát biểu bên lề Hội thảo quốc tế "Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới" tổ chức tại Hà nội hôm thứ Ba 22/10, bà Geeta Kochhhar thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Đông Nam Á của Đại học Jawaharlal Nehru, nói Ấn Độ sẽ không xét lại kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, và sẽ không để Bắc Kinh cản trở mối quan hệ hợp tác Ấn-Việt.
Tư liệu : Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi, trái, và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, duyệt hàng quân danh dự tại Hà Nội, ngày 3/9/2016. (AP Photo/Hau Dinh)
VNExpress dẫn lời bà Kochhhar trích dẫn Thủ Tướng Ấn độ Narendra Modi, khẳng định New Dehli sẽ "không chấp nhận bất cứ hành động khống chế hoặc kiểm soát của bất cứ thế lực nào trong khu vực".
Bà Kochhar nói không nên biến những sự cạnh tranh trong việc khai thác dầu khí thành bất cứ cuộc đối đầu nào, và thật ‘không công bằng’ khi Trung Quốc chống đối sự hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, trong khi chính nước này hợp tác với Việt Nam và các nước khác, như Nepal.
Giải thích chính sách nhất quán của Ấn Độ, hợp tác với Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ om Prakash Dahiya thuộc Trường Zakir Husain, Đại học Dehli, nhận định vì vị thế chiến lược của mình trên Biển Đông, "Việt Nam đóng một vai trò quyết định trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ".
New Dehli đã hợp tác với Việt Nam để khai thác dầu khí trong Biển Đông từ năm 1988 tới nay. Sự hợp tác này không chỉ mang kích thước kinh tế, mà còn phục vụ các lợi ích an ninh và quân sự, theo Giáo sư Tien-sze Fang, Phó Giám Đốc Trung tâm Ấn Độ học thuộc Đại học Quốc gia Thanh Hoa của Đài Loan.
Bản đồ Biển Đông - Ảnh minh họa
Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với thế giới. Giáo sư Tien nói điều thiết yếu là Ấn Độ phải cổ vũ cho quyền tự do hàng hải trong khu vực, là nơi có những tuyến hàng hải huyết mạch thiết yếu cho giao thương toàn cầu.
Trong quá khứ truyền thông nhà nước Trung Quốc thường xuyên phản đối việc Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC) khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam, ngay cả khi khu vực đó nằm trong lãnh hải của Việt Nam.
Theo báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, buổi hội thảo do Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VIISAS) tổ chức có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ các trung tâm nghiên cứu lớn của Việt Nam và Ấn Độ, và các chuyên gia từ một số nước Nam Á và Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc...
Một trong những chủ đề của hội thảo là những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách với các nước láng giềng.
Trong một cuộc phỏng vấn qua email, một chuyên gia về Đông Nam Á và Biển Đông, ông Josh Kurlantzick, nói với VOA rằng Ấn Độ là một thế lực đang lên trong khu vực, nhận thức rõ vai trò của mình là một lực có thể đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng khó kiềm hãm của Trung Quốc, tự cho là có trách nhiệm duy trì ổn định và hòa bình.
Ông nói Ấn Độ là "đối tác tự nhiên và hợp lý" của Việt Nam, trong bối cảnh các lợi ích an ninh của hai nước đang hội tụ về một điểm.
Một bài báo đăng trên tờ Tribune India hôm 21/10 nói Trung Quốc đặt ra một thách thức chiến lược lâu dài, không những cho Ấn Độ mà còn cho toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tác giả bài báo, cựu Giám Đốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến sự trên Bộ của Ấn Độ (CLAWS), nói bất chấp mối quan hệ tương đối ổn định giữa hai nước, Bắc Kinh vẫn tỏ ra khó chịu với New Dehli vì những lý do dễ hiểu. Trung Quốc tự coi là một nước lớn, và trong chiến lược nước lớn của mình, muốn thâu tóm quyền kiểm soát Biển Đông, và bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ cũng tự coi mình là một cường quốc ngang hàng, không thua kém Trung Quốc, và trong tư cách đó, tìm cách xây dựng một mạng lưới các đối tác có khả năng đoàn kết để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc.
******************
Tàu Hải quân Ấn Độ sắp đến thăm Đà Nẵng (RFA, 24/10/2019)
Tàu Hải quân Ấn Độ, INS SAHYADRI sắp thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng từ ngày 29/10 tới ngày 1/11 tới, trong khuôn khổ việc triển khai hoạt động liên tục của Hải quân Ấn Độ tới khu vực Đông Nam Á. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 24/10.
Hình minh họa. Tàu INS Sahyadri của Hải quân Ấn Độ đậu ở Sydney, Australia hôm 4/10/2013 - AFP
Theo truyền thông trông nước, chuyến thăm sẽ bao gồm hoạt động trao đổi chuyên môn giữa hải quân hai nước, chào xã giao và tiếp xúc với các lãnh đạo đại diện chính phủ Việt Nam, tham quan cho tuyền viên Ấn Độ và giao lưu thể thao. Hai bên đồng thời cũng sẽ tổ chức luyện tập chung.
Ân Độ là một trong các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ năm 2016.
Các đoàn quân sự cấp cao hai nước đã có những chuyến thăm hữu nghị trong các năm qua. Tham mưu trưởng của cả ba quân chủng Ấn Độ đã tới thăm Việt Nam. Tư lệnh Hải quân Việt Nam và quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam cũng đã tới thăm Ấn Độ vào năm 2018.
Việt Nam mới đây đã đặt mua 12 tàu tuần tra cao tốc từ Ấn Độ để bổ sung cho lực lượng Biên phòng của Việt Nam. Theo báo giới Ấn Độ, toàn bộ kinh phí dự án đóng tàu nằm trong khuôn khổ gói tín dụng chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2016, nhân chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố khoản tín dụng 500 triệu đô la cho Việt Nam để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Ấn Độ cũng là nước có hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông. Trong thời gian tàu hải cảnh Trung Quốc vào quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của liên doanh giữa Việt Nam, Nga và Ấn Độ vừa qua, Việt Nam liên tục báo cáo cho phía Ấn Độ về tình hình căng thẳng ở Bãi Tư Chính. Ấn Độ cũng khẳng định các hoạt động khai thác dầu khí của công ty ONGC vẫn diễn ra bình thường.