Mấy ngày qua, ông Biden không dám phê bình ông Narendra Modi, về các thủ đoạn mị dân và vi phạm quyền tự do ngôn luận. Ông Modi đề cao Ấn Độ Giáo, và không bảo vệ đúng mức những người Hồi Giao thiểu số, nhiều người Mỹ đã lên án.
Tiễn chân ông Modi về nước, ông Joe Biden ca ngợi sự cộng tác "mạnh hơn, chặt chẽ hơn và năng động hơn" sẽ gây "ảnh hưởng lớn chưa từng thấy trên thế giới".
Cả nước Mỹ, hành pháp và lập pháp, cả hai đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đều đồng ý hợp tác với Narendra Modi rất có lợi trong khi đối đầu với Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Trong thời gian ở Washington, Thủ tướng Modi không nhắc đến tên Tập Cận Bình và Vladimir Putin một lần nào. Nhưng ai cũng biết lý do chính khiến nước Mỹ muốn cộng tác rộng rãi hơn và sâu đậm hơn với Ấn Độ chính là vì Nga và Trung Quốc.
Nhưng Narendra Modi sẽ không "theo Mỹ". Ông vẫn bảo vệ vị thế "trung lập" đã bắt đầu từ thời Jawaharlal Nehru, vị thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ không đứng về khối Cộng sản hay Tư bản ; nhưng trong nước vẫn duy trì thể chế tự do, dân chủ và kinh tế thị trường. Có lúc Bà Indira Gandhi đã thí nghiệm "kinh tế xã hội chủ nghĩa", quốc hữu hóa các ngân hàng, rồi cũng phải từ bỏ vì thất bại.
Bang giao giữa Mỹ và Ấn Độ khi lên khi xuống. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các chính phủ Bill Clinton và George Bush thấy cơ hội, muốn lôi kéo Ấn Độ vào một liên minh các nước dân chủ. Nhưng các chính phủ Ấn Độ, từ thời đảng Quốc Đại (Congress) đến thời đảng Janata cầm quyền năm 1977, đều không hưởng ứng.
Sau cuộc khủng bố 11 tháng Chín 2001, Washington đã yêu cầu New Delhi gửi quân tới Afghanistan, như nhiều quốc gia lớn khác. Báo chí Ấn Độ hoan nghênh hành động này, nhưng Thủ tướng Bihari Vajpayee, đảng Janata, từ chối vì các tướng lãnh không đồng ý. Quân đội Ấn Độ dè dặt là đúng vì họ vẫn thường xuyên lo hai mặt trận biên giới âm ỉ, với Pakistan và Trung Cộng. Nhưng ông Modi nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn sau khi đắc cử năm 2014, lên thay vị cựu thủ tướng Manmohan Singh thuộc đảng Quốc Đại.
Ngoại trưởng S. Jaishankar trong chính phủ hiện tại giải thích, "Ấn Độ sẽ nhận được những lợi ích từ càng nhiều mối quan hệ càng tốt". Cho nên, ngay bây giờ, Ấn Độ vẫn giao hảo với Nga, Iran, và cả với Cộng sản Trung Quốc, khi thấy mình có lợi !
Chính phủ Mỹ không hy vọng có thể liên minh quân sự với Ấn Độ để chống Trung Cộng. Ba năm trước, 20 binh sĩ Ấn Độ mới thiệt mạng khi đánh nhau với quân Trung Quốc trong vùng Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng Ấn Độ không nhờ cậy một nước khác nhúng tay vào, mình sẽ đóng vai một nước "đàn em". Họ theo chiến lược lâu dài, và một sức mạnh của người Ấn Độ là họ kiên nhẫn và rất giỏi chờ đợi. Trong một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đức Hermann Hesse, một phụ nữ hỏi nhân vật mang tên Siddartha rằng anh có đức tính gì đáng kể, Siddartha nói, "Tôi có thể chờ đợi". Nước Ấn Độ sẽ chờ đợi, đến cuối thế kỷ này khi dân số Trung Quốc sẽ giảm bớt gần một nửa, kinh tế Ấn sẽ qua mặt cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
Trong khi các xung đột biên giới tiếp diễn, Ấn Độ vẫn tham dự các tổ chức kinh tế cùng với Trung Cộng, đàm phán chuyện quân sự tất cả 18 lần và. Ấn Độ có mặt trong Tổ chức Cộng tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Cộng thành lập năm 2001. Ấn Độ đóng góp vào Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở, số cổ phần chỉ nhỏ hơn Trung Quốc. Tháng Năm vừa qua, Ấn Độ đứng ra mời các nước họp SCO trong lúc đang đụng độ với cả Pakistan và Trung Cộng.
Nhưng Biden và Modi vẫn đồng ý tăng cường quan hệ quân sự trong cuộc gặp gỡ vừa qua. Hai nước cam kết sẽ chia sẻ các tin tức tình báo và thao diễn quân đội chung nhiều hơn ; cho phép Hải quân và Không quân mỗi bên sử dụng các phương tiện của bên kia khi cần.
Nhưng kết quả quan trọng nhất là gia tăng trao đổi kinh tế, thương mại. Hai nước cùng chấm dứt các vụ kiện lẫn nhau tại WTO (World Trade Organization). Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc, trở thành "nhà máy sản xuất" của hoàn cầu ; vai trò Trung Quốc trong đường dây cung cấp đang giảm bớt. Hiện nay Mỹ là đối tác mua bán nhiều nhất của Ấn Độ, còn ở Mỹ, Ấn Độ đứng hàng thứ tám.
Mỹ đối xử với Ấn Độ và Trung Cộng khác hẳn nhau trong các trao đổi kỹ thuật tân tiến, như chất bán dẫn. Bắc Kinh đã phản đối ồn ào khi chính quyền Biden ra lệnh hạn chế không cho các công ty kỹ thuật Mỹ bán hoặc đầu tư để giúp Trung Quốc chế tạo các chất bán dẫn mới, những con chip nhỏ, khó làm và thiết yếu nhất. Công ty Micron Technology của Mỹ, mới bị Trung Cộng tấn công, đã hứa sẽ đầu tư $825 triệu đô la lập nhà máy ráp và thử nghiệm chất bán dẫn ở Ấn Độ, tạo thêm hàng ngàn công việc làm. Công ty Lam Research sẽ huấn luyện 6,000 kỹ sư Ấn Độ, với mục đích giúp đào tạo các sinh viên Ấn về kỹ thuật làm chất bán dẫn. Một công ty lớn khác, Applied Materials, đứng hàng đầu thế giới về chế tạo máy móc, thiết bị để làm chất bán dẫn, sẽ lập một trung tâm kỹ thuật, với dự án $400 triệu đô la. Cả hai bên hợp tác cùng hướng về tương lai rất xa.
Ngày cuối cùng ở Mỹ, hai ông Modi và Biden đã gặp giới lãnh đạo các công ty kỹ thuật nhằm "nâng sự hợp tác sáng chế canh tân lên một mức độ cao hơn". Ba người đứng đầu các công ty lớn nhất có mặt, là Tim Cook, CEO hãng Apple ; Satya Nadella, CEO của Microsoft ; và Sundar Pichai của Google. Hai ông Nadella và Pichai đều là người Ấn Độ di cư sang Mỹ.
Ở nước Mỹ không ai nêu câu hỏi về hai ông Nadella và Pichai ; cả hai là người Ấn Độ cầm đầu những công ty quan trọng nhất, những quyết định của họ có thể ảnh hưởng đến bang giao giữa hai nước, kể cả các vấn đề tình báo, an ninh. Ngược lại, CEO công ty TikTok là Chu Thụ Tư (Shou Zi Chew, 周受资) gốc Trung Quốc đã được mời ra quốc hội trả lời suốt năm tiếng đồng hồ về mối lo chính quyền Trung Cộng có thể lợi dụng mạng thông tin này làm gián điệp. Quốc hội Mỹ, chính quyền liên bang và nhiều tiểu bang đã cấm dùng TikTok. Người Mỹ phân biệt đối sử giữa các công dân gốc Ấn Độ và gốc Trung Hoa hay không ?
Lý do rất giản dị. Ấn Độ là một nước tự do dân chủ, tôn trọng luật pháp. Cộng sản Trung Quốc vẫn thường xuyên dùng món võ đe dọa thân nhân của người Trung Hoa ở nước ngoài để cưỡng ép làm gián điệp cho họ. Chỉ có một chế độ độc tài chuyên chế mới dùng thủ đoạn đen tối bất chấp pháp luật.
Hiện có 2.7 triệu người Mỹ gốc Ấn Độ, trong đó có phó Tổng thống Kamala Harris, bà mẹ người Ấn. Năm 2016, thống đốc Louisiana, Bobby Jindal, Cộng Hòa, là người gốc Ấn Độ đầu tiên ghi tên tranh cử tổng thống Mỹ. Năm nay Vivek Ramaswamy, một triệu phú, và bà Nikki Haley, cựu thống đốc South Carolina đang vận động giành vai trò đó trong đảng Cộng Hòa. Không ai đặt câu hỏi các nhà chính trị này trung thành với nước Mỹ hay Ấn Độ hơn !
Mặc dù các trao đổi giữa Narendra Modi và Joe Biden nhấn mạnh đến các vụ đầu tư chất bán dẫn, nhưng công nghệ quốc phòng cũng quan trọng. Công ty Mỹ General Electric sẽ hợp tác với Hindustan Aeronautics Limited, Ấn Độ, để sản xuất động cơ máy phản lực cho phi cơ chiến đấu. Ấn Độ cũng mới ký mua các máy bay không người lái (drones) MQ-9B của Mỹ, đã được sử dụng trên chiến trường, tộng cộng $3 tỷ mỹ kim. Những chiếc MQ-9B Predators này sẽ được công ty General Atomics lập nhà máy sản xuất ở Ấn Độ. Nước Mỹ không những giúp Ấn Độ cải thiện máy khả năng chiến đấu mà còn sẵn sàng chuyển giao các bí mật kỹ thuật quân sự - một điều chưa bao giờ thấy.
Mỹ hỗ trợ công nghệ quốc phòng cho Ấn Độ sẽ giúp nước này tự vệ và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng. Nhưng Ấn Độ hiện nay chỉ mua 11 phần trăm vũ khí từ nước Mỹ, so với 45% do Nga cung cấp. Trong quá khứ, Ấn Độ thường chỉ mua vũ khí của Nga. Trong kho vũ khí của Ấn Độ đang dùng Nga cung cấp 86%, hầu hết các xe thiết giáp T-90, chiến đấu cơ Migs hay Sukhois và tàu ngầm Kilo. Trong cuộc chiến tranh Ukraine, vũ khí quân đội Nga đang dùng đã để lộ các nhược điểm, ngoài các hỏa tiễn tầm xa và drones mua của Iran. Nga đang mất nhiều khách hàng mua súng đạn, vì các nước khác sẽ tìm mua của Mỹ hay các nước Âu Châu.
Nhưng chính phủ Mỹ sẽ không thể dùng các mối quan hệ kinh tế hay quân sự mới này để ảnh hưởng trên chính sách ngoại giao của chính phủ Ấn. Vì họ có những quyền lợi riêng, không phù hợp với quyền lợi của Mỹ. Thí dụ, ông Narendra Modi vẫn "đứng trung lập" không lên án Nga xâm lăng Ukraine. Lý do rất dễ hiểu : Ấn Độ, cũng như Trung Quốc, đang hưởng lợi rất nhiều khi Nga sa lầy ở Ukraine. Cả hai nước đều đang mua dầu lửa "đại hạ giá" của Nga, mà Ấn Độ được lợi nhất.
Nga bị các nước Tây phương cấm vận không mua dầu khí, nên phải tìm đường bán tống bán tháo. Trước đây Ấn Độ, khác Trung Quốc, không mua dầu lửa của Nga, chỉ mua từ các nước Trung Đông. Khi Mỹ và Âu Châu ấn định giá tối đa khi mua dầu lửa của Nga là $60 đô la một thùng, giá dầu Nga tụt xuống giá trung bình chỉ có $51 đô la. Bây giờ Ấn Độ mua 45% dầu nhập cảng từ Nga, bằng một nửa số dầu Nga xuất cảng, chuyên chở từ các hải cảng ở hai phía Đông và Tây của nước Nga, hai triệu thùng mỗi ngày theo đường biển.
Hiện nay Nga bán nhiều dầu thô hơn thời trước cuộc chiến, nhưng giá hạ nên số tiền thâu vào cũng giảm. Ấn Độ mua dầu thô của Nga về, đưa tới các nhà máy lọc dầu bên bờ Vịnh Kutch, căn cứ lọc dầu lớn nhất thế giới. Sau đó, dùng trong nước không hết, bán dầu đã lọc cho các nước Đông Nam Á, Phi Châu, qua cả Âu Châu và Mỹ. Những nước này trên nguyên tắc vẫn cấm vận kinh tế Nga, nhưng có thể mua dầu xăng của Ấn Độ theo giá thị trường.
Tháng 12 năm ngoái một phóng viên hỏi Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar về việc mua dầu thô để giúp Nga trong lúc dân Ukraine đau khổ. Ông Jaishankar đã so sánh, "Tại sao lại nghĩ chỉ có tiền Ấn Độ mua dầu mới giúp cho Nga tiếp tục chiến tranh ; còn các nước Âu Châu mua của Nga thì không ? Ông biện hộ, "Chúng tôi gửi người đi tìm mua dầu. Thấy chỗ nào bán rẻ nhất thì mua. Không có dụng ý chính trị nào hết… Tôi nghĩ rằng số dầu chúng tôi mua của Nga trong một tháng cũng chỉ lớn bằng số dầu các nước Âu Châu mua trong một buổi chiều !"
Khi bị chất vấn trước quốc hội Ấn Độ về vấn đề này, ông Jaishankar nói. "Chính sách của chúng ta là mua hàng giá rẻ nhất, vì quyền lợi người Ấn Độ. Nếu quý vị lên án quan điểm đó, vì đặt ưu tiên cho quyền lợi của nhân dân Ấn Độ, thì tôi xin nhận tội".
Ông Joe Biden đã chịu thua, cũng áp dụng lối suy nghĩ thực tế này. Trước đây, khi bàn chính sách ngoại giao, ông thường đề cao những "lý tưởng" trừu tượng, như tự do dân chủ, tinh thần trọng pháp, vân vân. Mấy ngày qua, ông Biden không dám phê bình ông Narendra Modi, về các thủ đoạn mị dân và vi phạm quyền tự do ngôn luận. Ông Modi đề cao Ấn Độ Giáo, và không bảo vệ đúng mức những người Hồi Giao thiểu số, nhiều người Mỹ đã lên án.
Trong thực tế, nước Mỹ cần lôi kéo Ấn Độ về phía mình, cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ dù đảng nào lên cầm quyền cũng sẽ tiếp tục. Tiễn chân ông Modi về nước, ông Joe Biden ca ngợi sự cộng tác "mạnh hơn, chặt chẽ hơn và năng động hơn" sẽ gây "ảnh hưởng lớn chưa từng thấy trên thế giới". Ông nói chuyện lâu dài, từ nay đến cuối thế kỷ. Tập Cận Bình và Vladimir Putin chắc phải lo.
Yếu tố Trung Quốc trong chuyến thăm của ông Trump tới Ấn Độ
Vineet Khare, BBC, 25/02/2020
Ấn Độ chuẩn bị đón chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới nền dân chủ đông dân nhất thế giới vào hai ngày 24 và 25/2.
Người Mỹ gốc Ấn là một lực lượng chính trị đang lên ở Mỹ. Đây có thể là một trong những lý do để ông Trump thực hiện chuyến đi ?
Hàng chục ngàn người dự kiến sẽ xếp hàng trên đường phố để chào đón ông Trump tại thành phố Ahmedabad, bang Gujarat - bang nhà của Thủ tướng đương nhiệm nước chủ nhà, ông Narendra Modi.
Ông Trump sẽ dự lễ khánh thành sân vận động cricket lớn nhất thế giới ở bang này, với sự tham gia của hơn 100 ngàn người. Sân vận động này dự kiến được đầu tư hơn 13 triệu đô la Mỹ.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn, với tỉ lệ thất nghiệp cao.
Ông Modi cũng đang đối mặt với những chỉ trích, ở cả trong và ngoài nước, về Quyết định xóa bỏ quy chế đặc biệt của khu vực Jammu và Kashmir, và đạo luật công dân gây tranh cãi mà theo đó nhanh chóng cấp quyền công dân cho người dân thuộc các cộng đồng tôn giáo thiểu số không theo đạo Hồi từ ba quốc gia láng giềng.
"Chuyến thăm này sẽ là một tin tức tốt lành cho ông ấy", Tanvi Madan, giám đốc dự án nghiên cứu về Ấn Độ tại Viện nghiên cứu chính sách Brookings ở Washington, Hoa Kỳ, nhận định. "Ông ấy sẽ xuất hiện trong tấm ảnh chụp chung với một nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, có thể nói là vậy".
Nhưng Ấn Độ vốn không được đề cập đến nhiều trong chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Vậy ông Trump, người vốn được cho là không thích thú gì lắm với các chuyến công du dài ngày, muốn đạt được những gì trong chuyến công du này ?
1. Nhằm thu hút cử tri Mỹ gốc Ấn ?
Chuyến thăm Ấn Độ được nhiều người xem là một chuyến công du thú vị, đến một đất nước nơi ông Trump dự kiến sẽ không phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa, nhưng lại dễ dàng cho ông để giành được một số điểm cộng về chính trị trong nước.
Một trong những mục tiêu của chuyến đi là vẽ ra trước cử tri Mỹ một hình ảnh tốt đẹp về ông Trump khi ông tìm cách tái cử. "Các hình ảnh sẽ được sử dụng trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, để tạo ấn tượng rằng, vị Tổng thống này đang được hoan nghênh trên toàn thế giới", bà Madan phân tích.
"Rằng ông ấy đã làm cho nước Mỹ vĩ đại và được tôn trọng, nhất là khi một số cuộc thăm dò cho thấy rằng, trên trường quốc tế, mức độ tôn trọng đối với Hoa Kỳ đã giảm xuống".
Cử tri người Mỹ gốc Ấn có thể là nhóm được đặc biệt chú ý. Hiện có khoảng 4,5 triệu người gốc Ấn sống ở Mỹ, số lượng như vậy là tương đối nhỏ, nhưng họ lại là một lực lượng chính trị đang lên ở quốc gia này.
Cử tri người Mỹ gốc Ấn thường bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử vào năm 2016, chỉ có 16% người Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump, theo cuộc khảo sát quốc gia về những người Mỹ gốc Á.
"Người Mỹ gốc Ấn không tin vào chính sách cắt giảm thuế và thu hẹp vai trò của chính phủ. Họ ủng hộ việc thúc đẩy chi tiêu cho các phúc lợi xã hội", Karthick Ramakrishnan, Giáo sư về chính sách công tại Đại học California, Riverside, người điều hành cuộc khảo sát nói trên, cho hay.
Ông Trump đã tìm cách kiếm cảm tình của người Mỹ gốc Ấn trong cuộc bầu cử sắp tới, vào năm 2020 này. Hồi tháng 9 năm ngoái, ông đã xuất hiện cạnh ông Modi trong một sự kiện lớn ở Houston, Texas, có tên "Howdy Modi" và đưa ra tuyên bố : "Quý vị chưa bao giờ có một người bạn tốt nào làm Tổng thống tốt hơn Tổng thống Donald Trump".
Theo ông Ramakrishnan, những nỗ lực của ông Trump trong việc tiến đến gần Ấn Độ có thể giúp làm tăng số lượng ủng hộ ông trong những nhóm cử tri hãy còn lưỡng lự.
"Tôi nghĩ rằng, sự ủng hộ sẽ có thể tăng lên trong ngắn hạn, nhưng có lẽ không đến mức như nhiều đảng viên Cộng hòa hy vọng", ông nhận định.
2. Thảo thuận mậu dịch
Một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ sau nhiều tháng đàm phán dự kiến sẽ là tâm điểm trong chuyến thăm lần này của ông Trump và đây sẽ là một chiến thắng chính trị lớn với ông nếu thỏa thuận này thành hiện thực.
Thương mại song phương Mỹ-Ấn Độ hiện dừng ở con số 160 tỷ Mỹ kim. Nhưng hy vọng về một thỏa thuận như vậy đã giảm trong nhiều tuần qua, khi Mỹ bày tỏ quan ngại về các vấn đề như tăng thuế, kiểm soát giá cả và chênh lệch trong thương mại điện tử. Nhập cư lao động lành nghề và chế độ thị thực cũng là những vấn đề được quan tâm khác.
Ấn Độ muốn Mỹ khôi phục lại hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP), vốn hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua việc tạo thuận lợi cho các nước này xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Năm 2019, ông Trump đã chấm dứt các ưu đãi kiểu này với Ấn Độ.
"Ngay cả một thỏa thuận thương mại với quy mô hạn chế cũng sẽ là một tín hiệu quan trọng với ngành công nghiệp ở cả hai quốc gia, rằng Hoa Kỳ và Ấn Độ nghiêm túc trong mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương và họ có thể vượt qua các vấn đề [khác biệt]", Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Ấn Độ (USIBC), bà Nisha Biswal nói.
Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng : "Từ những gì tôi đã nghe được từ cả hai chính phủ, tôi không mấy lạc quan".
3. Yếu tố Trung Quốc
Trung Quốc đã trở thành một phần trung tâm tạo nên 'thương hiệu chính trị' của ông Donald Trump. Và nhiều quan ngại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc như với Sáng kiến Vành đai và Con đường, cách Trung Quốc hành xử ở Biển Đông và sự không đáng tin cậy của các đối tác Trung Quốc cũng được Ấn Độ chia sẻ.
"Tôi không nghĩ chuyến thăm này có thể diễn ra nếu giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ không có sự tương đồng chiến lược về Trung Quốc, nhất là những quan ngại của họ trước các hành động và ý định của Trung Quốc trong khu vực", bà Madan bình luận.
Một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ hẳn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Ấn Độ, nhưng mối quan hệ quá gần gũi giữa hai gã khổng lồ này cũng có thể làm Ấn Độ bị cho ra rìa trong cuộc chơi.
Ngược lại, phía Mỹ đặt câu hỏi, liệu mục tiêu tự chủ chiến lược của Ấn Độ có thành một trở ngại cho mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự với Hoa Kỳ.
Các câu hỏi cũng xoay quanh việc, liệu Ấn Độ có thể trở thành một đối trọng với Trung Quốc ở Châu Á, hay sẽ bị hút sâu hơn vào các vấn đề chính trị trong nước và tiểu khu vực. Và với sự thù nghịch gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Trump cũng có thể tìm thấy một người bạn ở ông Modi, người được coi là sẵn lòng chỉ trích Trung Quốc.
4. Thỏa thuận quốc phòng
Truyền thông loan tin cho thấy, các thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỷ đô la sẽ được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trump.
Điều này có thể gồm việc bán máy bay trực thăng cho hải quân. Trước chuyến đi, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chấp thuận việc bán Hệ thống Vũ khí Phòng không tích hợp với trị giá 1,8 tỷ đô la.
Khi Ấn Độ cố gắng đa dạng hóa các đối tác bán vũ khí cho mình, nước này nhận ra rằng, Mỹ vẫn chưa phải là đối tác cung cấp vũ khí lớn như Nga và Pháp, một nhà phân tích cho biết
"Ấn Độ và Mỹ đã trở nên rất gần gũi với nhau do những lý do chiến lược. Ngay trong những năm ông Trump cầm quyền, đã diễn ra nhiều đối thoại quốc phòng và ngoại giao", bà Madan nói.
Còn với ông Trump, bất kỳ cơ hội nào, dù nhỏ, để bán các sản phẩm của Mỹ cũng là dịp để ông khẳng định với những người ủng hộ rằng, ông đang thúc đẩy việc làm và các sản phẩm 'Made in America'.
5. Quan hệ Trump-Modi
Ông Trump được nhiều người coi là nhà lãnh đạo "biết thương thảo", người luôn coi trọng các mối quan hệ cá nhân hơn so với địa chính trị. Bản thân ông tin rằng, khả năng tiếp cận với các nhà lãnh đạo nước ngoài đã giúp ông có được khả năng như vậy.
Và chuyến thăm lần này sẽ là cuộc gặp thứ năm giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi trong vòng có 8 tháng.
Họ gọi nhau là 'bạn'. Hình ảnh họ ôm nhau xuất hiện trên truyền thông. "Tuy chúng ta chưa được Ấn Độ đối xử tốt nhưng tôi lại rất thích Thủ tướng Modi", ông Trump nói với các phóng viên vài ngày ngay trước chuyến đi.
Đối với ông Trump - và cả ông Modi nữa - thể hiện tính cách thân thiện và nồng nhiệt ở một mức độ nào đó có thể giúp họ giải quyết những khác biệt khi các cuộc đàm phán gặp khó khăn.
Cuối cùng, đó có thể không phải là một chuyến đi được thực hiện với một mục tiêu rõ ràng, ông Joshua White thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins nói.
Đối với ông White, nhiều khả năng tính cách bốc đồng đã khiến ông Trump quyết định thực hiện chuyến đi, để bắt tay và tạo dáng chụp ảnh, còn "bộ máy quan liêu sẽ tìm xem những gì có thể đạt được trong chính sách"
Vineet Khare
Nguồn : BBC tiếng Việt, 25/02/2020
**********************
Mỹ - Ấn Độ tăng cường hợp tác để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 25/02/2020
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi "đáp lễ" tổng thống Mỹ Donald Trump bằng buổi lễ đón tiếp long trọng, hoành tráng tại thành phố quê hương Ahmedabad với chi phí lên đến 14,5 triệu euro chỉ cho ba tiếng xuất hiện của ông Trump. Đối với chủ nhân Nhà Trắng, chuyến công du hai ngày là cơ hội để Mỹ xích lại gần hơn với một đồng minh chiến lược tại Châu Á nhằm làm đối trọng với Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (áo mầu sáng) đón tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay Sardar Vallabhbhai Patel, ở Ahmedabad, ngày 24/02/2020 MANDEL NGAN / AFP
Cả thủ tướng Modi và tổng thống Trump đều nổi tiếng theo khuynh hướng bảo hộ, nhưng biết cách duy trì "mối quan hệ thân thiết" riêng. Ông Modi thực hiện chính sách "Make in India" (Sản xuất tại Ấn Độ), trong khi ngay từ khi tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã quảng bá cho "America First" (Nước Mỹ trên hết). Tuy nhiên, dường như hai nhà lãnh đạo sẵn sàng tạm gác một số bất đồng để tăng cường hợp tác kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, thông qua hợp tác an ninh và thương mại.
Thực vậy, theo nhận định với RFI của nhà nghiên cứu Aparna Pande, thuộc Viện Hudson tại Washington, "Với Ấn Độ, Hoa Kỳ sẽ có một đồng minh lớn với quân đội hùng hậu và nền kinh tế tiềm tàng". Ấn Độ "là nước có cùng quy mô dân số, lại nằm sát biên giới với Trung Quốc, có quân đội thực sự và luôn coi Trung Quốc là một đối thủ, từng bại trận trước Trung Quốc, và điều đó khiến lực lượng sĩ quan Ấn Độ luôn đề phòng và coi Trung Quốc như một mối đe dọa cho chính lãnh thổ của họ".
Để tăng cường sức mạnh quân sự, Ấn Độ không ngừng mua vũ khí, đặc biệt là hợp đồng khoảng 5 tỉ đô la với Nga. Và dường như để tái cân bằng, Ấn Độ cũng hứa mua 2,6 tỉ đô la trang thiết bị quân sự của Mỹ, trong đó có 24 máy bay trực thăng của nhà sản xuất Lockheed Martin. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể bán cho Ấn Độ hệ thống radar, hệ thống tên lửa phòng không, cũng như nhiều loại vũ khí khác với trị giá lên đến khoảng 1,8 tỉ đô la. Washington tìm cách trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí chính của New Delhi.
Chính tổng thống Donald Trump từ năm 2017 là người thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương "rộng mở và tự do, dựa trên luật pháp quốc tế" nhằm bổ sung cho chính sách của Hoa Kỳ ở Châu Á, đặc biệt là nhằm khống chế các mối đe dọa từ Trung Quốc, trong đó có các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông. Để khẳng định là một nhân tố không thể thiếu trong khu vực, New Delhi cũng thông báo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương riêng vào tháng 01/2020, trong đó Ấn Độ trở thành trung tâm.
Đối với Washington, Ấn Độ không chỉ là một đối tác ngoại giao và quân sự, mà còn là một trong những thị trường lớn trên thế giới. Chinh phục được thị trường Ấn Độ còn là cơ hội cho Mỹ tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc, thậm chí vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ.
Tuy nhiên, giống như tổng thống Trump, thủ tướng Modi thực hiện chính sách bảo hộ. Vì lý do tăng trưởng giảm, tại thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11/2019 ở Thái Lan, Ấn Độ thông báo rời thỏa thuận thương mại RCEP do lo ngại hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường nước này.
Cũng vì bảo hộ sản xuất trong nước, chính phủ Ấn Độ tăng thuế một số mặt hàng Mỹ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thiết bị y tế, thương mại điện tử… khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng hơn từ năm 2019. Dù quy mô không lớn như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng chính quyền New Delhi và Washington vẫn chưa giải quyết được những bất đồng trước chuyến công du của tổng thống Trump, cho dù chủ nhân Nhà Trắng trấn an rằng ông "không vội".
AFP cho biết, tại New Delhi, ông tỏ ra "lạc quan" "sẽ ký được nhiều hợp đồng thương mại rất quan trọng, trong số những hợp đồng quan trọng nhất chưa từng được ký kết" nhằm giảm bớt rào cản thuế quan liên quan đến đầu tư giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Có lẽ hai nguyên thủ sẽ có một số nhân nhượng để tăng cường hợp tác song phương và hình thành một liên minh chặt chẽ hơn để đối phó với sức mạnh và ảnh hưởng của đối thủ chung là Trung Quốc.
Thu Hằng
**********************
Ấn Độ hứa mua 3 tỉ đô la thiết bị quân sự của Mỹ
Thu Hằng, RFI, 25/02/2020
Ngày 25/02/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump đến Raj Ghat, khu tưởng niệm Mahatma Gandhi, cha đẻ của nước Cộng Hòa Ấn Độ. Ngày làm việc thứ hai và cũng là ngày cuối của chuyến thăm của nguyên thủ Mỹ được hai bên dành để bàn về thương mại, hợp tác an ninh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi ngày 25/02/2020. Reuters/Al Drago
Trong cuộc họp báo ngày 24/02 tại thủ đô New Delhi, với thủ tướng Ấn Độ, tổng thống Mỹ cho biết chưa có thỏa thuận nào được ký, nhưng hai bên tiếp tục đàm phán và New Delhi sẽ mua 3 tỉ đô la trang thiết bị quốc phòng của Hoa Kỳ. Ông Donald Trump cũng nhắc đến tầm quan trọng về mức độ an toàn của mạng 5G đang được New Delhi lên kế hoạch triển khai. Phát biểu của tổng thống Mỹ có thể được hiểu như lời cảnh báo về nhà cung cấp thiết bị Hoa Vi của Trung Quốc.
Theo AFP, quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng hơn do cả hai bên lần lượt tăng thuế đối với nhiều loại mặt hàng và dịch vụ, dù quy mô không lớn bằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Từ vài tháng gần đây, Ấn Độ đã tăng thuế một số mặt hàng nhập từ Mỹ như hạnh nhân, táo, thép, hóa chất…
Năm 2018, trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đạt gần 145 tỉ đô la, trong đó Mỹ nhập siêu 25 tỉ đô la và điều này khiến tổng thống Donald Trump bất bình. Chủ nhân Nhà Trắng cũng cho rằng doanh nghiệp Mỹ không được tạo đủ cơ hội để thâm nhập thị trường khoảng 1,3 tỉ dân, nổi tiếng được bảo hộ.
Tọa kháng chống luật công dân mới biến thành bạo lực
Cũng trong tối 24/02, một vụ xô xát lớn đã xảy ra ở phía bắc thủ đô, chỉ cách khách sạn nơi tổng thống Mỹ nghỉ vài kilomet, khiến 7 người chết, trong đó có một cảnh sát và hàng chục người bị thương.
Theo thông tín viên RFI Sébastien Farci, vụ xô xát xảy ra trong một khu phố nơi phần lớn người dân theo đạo Hồi. Họ tổ chức tọa kháng để phản đối luật công dân mới của Ấn Độ. Trong khi đó, nhiều nhóm theo Ấn Độ giáo, dường như được cảnh sát nương tay, đã đến quấy phá và đốt nhiều cửa hiệu của người Hồi giáo. Đến sáng 25/02, lực lượng giữ an ninh đã được điều đến để kiểm soát tình hình.
Thu Hằng
*******************
Tổng thống Mỹ Donald Trump đi Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác quân sự song phương
Thụy My, RFI, 24/02/2020
Ngày 24/02/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump khởi đầu chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, kéo dài hai ngày. Ông Trump và phu nhân Melania được tưng bừng đón tiếp tại Ahmedabad, quê nhà của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với cuộc mít-tinh trên 100.000 người, và hàng ngàn người đón chào trong suốt lộ trình.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân vận động Sardar Patel Gujarat, thành phố Ahmedabad, ngày 24/02/2020. Reuters/Francis Mascarenhas
Sự kiện mang tên "Namaste Trump" (Xin chào ông Trump) nhằm đáp lễ cuộc mít-tinh lớn "Howdy Modi" tổ chức tại Houston, Texas nhân dịp thủ tướng Ấn đến Hoa Kỳ tháng Chín năm 2019.
Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis gởi về bài tường trình :
"Thành phố Ahmedabad đón tiếp tổng thống Mỹ như một hoàng đế : một loạt 28 tấm biển khổng lồ được triển khai trên nhiều kilomet dọc theo lộ trình của ông Donald Trump, trước khi 3.000 nghệ sĩ biểu diễn tại một sân vận động 110.000 người.
Thủ tướng Narendra Modi áp dụng chính sách ngoại giao nặng phần trình diễn mà ông đã nhiều lần dùng đến khi công du phương Tây, với mục đích kích thích tinh thần dân tộc của cử tri. Việc đón tiếp này còn nhằm hâm nóng quan hệ kinh tế giữa hai nước : Washington chỉ trích nhiều hàng rào thuế quan của Ấn Độ, và Mỹ đánh thuế vào nhôm thép nhập khẩu từ Ấn.
Ngược lại, hợp tác quân sự giữa hai bên tăng tiến : Hoa Kỳ trở thành nhà cung cấp vũ khí thứ nhì của Ấn Độ, và ngày mai (25/02) ông Donald Trump tại New Delhi sẽ ký hợp đồng bán 24 chiếc trực thăng tác chiến trị giá hơn 2 tỉ euro. Rõ ràng Ấn Độ là một đồng minh chiến lược của Mỹ, vốn đang tìm cách ngăn chận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Châu Á".
AFP cho biết thêm, dọc theo lộ trình ở Ahmedabad, có những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống ; bò, khỉ và chó hoang đều bị quét sạch trên các con đường trước khi ông Trump đến. Còn chính quyền thành phố Agra, nơi có ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng, nơi Donald Trump đi thăm vào buổi chiều, đã cho đổ một lượng nước lớn xuống sông Yamuna chảy quanh đền này để làm bớt mùi khó chịu, do dòng sông bị ô nhiễm nặng.
Thụy My
Biển Đông : Phó Tổng thống Mỹ tố cáo Trung Quốc dùng võ lực áp bức Việt Nam (RFI, 25/10/2019)
Trong bài phát biểu bao quát về quan hệ Mỹ-Trung ngày hôm qua, 24/10/2019 tại Trung Tâm Quốc Tế Woodrow Wilson ở Washington, phó tổng thống Mỹ Mike Pence một lần nữa đã lên tiếng chỉ trích gay gắt một loạt chính sách của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Ông Mike Pence cũng đặc biệt lên án các hành vi bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong đó có việc dùng võ lực áp bức Việt Nam.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Reuters/Yuri Gripas
Ông Pence nhắc lại rằng cách nay một năm, bản thân ông đã từng nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc, từ thương mại, quân sự, cho đến các vấn đề Tân Cương, Đài Loan và Hồng Kông. Thế nhưng trên những vấn đề đó, Bắc Kinh lại trở nên "hung hăng và gây mất ổn định nhiều hơn".
Một trong những vấn đề, theo phó tổng thống Mỹ, là : "Hành động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và cách xử sự với các nước láng giềng trong năm qua vẫn tiếp tục càng lúc càng mang tính khiêu khích".
Ngoài việc nhắc lại việc lãnh đạo Trung Quốc từng đứng tại Vườn Hồng (trong Nhà Trắng) vào năm 2015 và tuyên bố rằng Bắc Kinh "không có ý định quân sự hóa" Biển Đông, nhưng trong thực tế đã triển khai tên lửa tại một loạt căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp, phó tổng thống Pence đã đưa ra hai lời tố cáo mới khi nhắc đến các hành vi của Trung Quốc đối với Việt Nam, Philippines và Malaysia :
"Bắc Kinh đã gia tăng sử dụng cái mà họ gọi là tàu "dân quân biển" để thường xuyên hăm dọa các thủy thủ, ngư dân Philippines và Malaysia. Lực lượng tuần duyên (tức Hải Cảnh) Trung Quốc còn tìm cách dùng võ lực để áp bức Việt Nam, không cho khoan tìm dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên ở ngoài khơi vùng biển của chính Việt Nam".
Ông Mike Pence không quên nhắc lại rằng "Hồi đầu năm nay, có thông tin theo đó Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận bí mật nhằm thiết lập một căn cứ quân sự ở Cam Bốt".
Chưa nước nào bảo vệ Việt Nam trước Trung Quốc bằng Mỹ
Ngay sau bài phát biểu của phó tổng thống Mỹ, nhiều chuyên gia về Biển Đông đã rất hoan nghênh lời lẽ cứng rắn của ông Pence.
Trên mạng Twitter, ông Derek J. Grossman, chuyên gia nghiên cứu thuộc trung tâm tham vấn Mỹ Rand Corporation đã ghi nhận rằng hành vi "Trung Quốc bắt nạt Việt Nam tại Biển Đông đã được phó tổng thống (Mỹ) nêu bật", và đối với ông, quả là "Không một nước nào đã đứng lên bảo vệ Việt Nam như vây".
Còn giáo sư Andrew Erickson thuộc Trường Hải Chiến Mỹ, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về dân quân biển Trung Quốc, thì cho rằng phó tổng thống Mike Pence xứng đáng trong vai trò "quan chức cao cấp nhất của Mỹ công khai vạch trần vai trò lực lượng dân quân biển Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
*****************
Người đứng đầu lực lượng hải quân Mỹ nói rằng Hoa Kỳ cần phải học Trung Quốc, vận động toàn bộ chính phủ Mỹ vào cuộc để đối phó với Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Ngoài ra, tờ báo ở Hong Kong còn dẫn lời ông Richard Spencer nói rằng cách tiếp cận đó cần phải dựa thêm vào các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
"Chúng ta hiện có một đối thủ cạnh tranh không có sự phân biệt giữa quân sự và dân sự", ông Spencer nói tại Viện Brookings ở Washington, ám chỉ tới cách tiếp cận đồng nhất giữa lĩnh vực công và tư của Trung Quốc trong quá trình cạnh tranh với Mỹ.
"Đây là cách tiếp cận toàn bộ chính phủ", ông Spencer nói.
South China Morning Post dẫn lời ông Spencer nói rằng Lầu Năm Góc cần phải nỗ lực phối hợp với các cơ quan chính phủ khác như Bộ Thương Mại, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp.
Ông cũng nói thêm rằng giới quân sự cần phải phối hợp song song với các đồng minh Mỹ ở khu vực Châu Á.
Viết trên Twitter hôm 23/10, ông Spencer nói rằng sự kiện ở Viện Brookings là "cơ hội tuyệt vời" để ông "chia sẻ một số mục tiêu chiến lược cho năm tới".
*************
Chuyên gia : Ấn Độ vẫn hợp tác với Việt Nam, bất chấp hành động gây hấn của Trung Quốc (VOA, 25/10/2019)
Các chuyên gia tin rằng Ấn Độ đặt nặng vấn đề hợp tác hàng hải với Việt Nam và sẽ không để cho bất cứ nước nào cản trở họ. Phát biểu bên lề Hội thảo quốc tế "Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới" tổ chức tại Hà nội hôm thứ Ba 22/10, bà Geeta Kochhhar thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Đông Nam Á của Đại học Jawaharlal Nehru, nói Ấn Độ sẽ không xét lại kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, và sẽ không để Bắc Kinh cản trở mối quan hệ hợp tác Ấn-Việt.
Tư liệu : Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi, trái, và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, duyệt hàng quân danh dự tại Hà Nội, ngày 3/9/2016. (AP Photo/Hau Dinh)
VNExpress dẫn lời bà Kochhhar trích dẫn Thủ Tướng Ấn độ Narendra Modi, khẳng định New Dehli sẽ "không chấp nhận bất cứ hành động khống chế hoặc kiểm soát của bất cứ thế lực nào trong khu vực".
Bà Kochhar nói không nên biến những sự cạnh tranh trong việc khai thác dầu khí thành bất cứ cuộc đối đầu nào, và thật ‘không công bằng’ khi Trung Quốc chống đối sự hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, trong khi chính nước này hợp tác với Việt Nam và các nước khác, như Nepal.
Giải thích chính sách nhất quán của Ấn Độ, hợp tác với Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ om Prakash Dahiya thuộc Trường Zakir Husain, Đại học Dehli, nhận định vì vị thế chiến lược của mình trên Biển Đông, "Việt Nam đóng một vai trò quyết định trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ".
New Dehli đã hợp tác với Việt Nam để khai thác dầu khí trong Biển Đông từ năm 1988 tới nay. Sự hợp tác này không chỉ mang kích thước kinh tế, mà còn phục vụ các lợi ích an ninh và quân sự, theo Giáo sư Tien-sze Fang, Phó Giám Đốc Trung tâm Ấn Độ học thuộc Đại học Quốc gia Thanh Hoa của Đài Loan.
Bản đồ Biển Đông - Ảnh minh họa
Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với thế giới. Giáo sư Tien nói điều thiết yếu là Ấn Độ phải cổ vũ cho quyền tự do hàng hải trong khu vực, là nơi có những tuyến hàng hải huyết mạch thiết yếu cho giao thương toàn cầu.
Trong quá khứ truyền thông nhà nước Trung Quốc thường xuyên phản đối việc Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC) khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam, ngay cả khi khu vực đó nằm trong lãnh hải của Việt Nam.
Theo báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, buổi hội thảo do Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VIISAS) tổ chức có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ các trung tâm nghiên cứu lớn của Việt Nam và Ấn Độ, và các chuyên gia từ một số nước Nam Á và Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc...
Một trong những chủ đề của hội thảo là những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách với các nước láng giềng.
Trong một cuộc phỏng vấn qua email, một chuyên gia về Đông Nam Á và Biển Đông, ông Josh Kurlantzick, nói với VOA rằng Ấn Độ là một thế lực đang lên trong khu vực, nhận thức rõ vai trò của mình là một lực có thể đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng khó kiềm hãm của Trung Quốc, tự cho là có trách nhiệm duy trì ổn định và hòa bình.
Ông nói Ấn Độ là "đối tác tự nhiên và hợp lý" của Việt Nam, trong bối cảnh các lợi ích an ninh của hai nước đang hội tụ về một điểm.
Một bài báo đăng trên tờ Tribune India hôm 21/10 nói Trung Quốc đặt ra một thách thức chiến lược lâu dài, không những cho Ấn Độ mà còn cho toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tác giả bài báo, cựu Giám Đốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến sự trên Bộ của Ấn Độ (CLAWS), nói bất chấp mối quan hệ tương đối ổn định giữa hai nước, Bắc Kinh vẫn tỏ ra khó chịu với New Dehli vì những lý do dễ hiểu. Trung Quốc tự coi là một nước lớn, và trong chiến lược nước lớn của mình, muốn thâu tóm quyền kiểm soát Biển Đông, và bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ cũng tự coi mình là một cường quốc ngang hàng, không thua kém Trung Quốc, và trong tư cách đó, tìm cách xây dựng một mạng lưới các đối tác có khả năng đoàn kết để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc.
******************
Tàu Hải quân Ấn Độ sắp đến thăm Đà Nẵng (RFA, 24/10/2019)
Tàu Hải quân Ấn Độ, INS SAHYADRI sắp thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng từ ngày 29/10 tới ngày 1/11 tới, trong khuôn khổ việc triển khai hoạt động liên tục của Hải quân Ấn Độ tới khu vực Đông Nam Á. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 24/10.
Hình minh họa. Tàu INS Sahyadri của Hải quân Ấn Độ đậu ở Sydney, Australia hôm 4/10/2013 - AFP
Theo truyền thông trông nước, chuyến thăm sẽ bao gồm hoạt động trao đổi chuyên môn giữa hải quân hai nước, chào xã giao và tiếp xúc với các lãnh đạo đại diện chính phủ Việt Nam, tham quan cho tuyền viên Ấn Độ và giao lưu thể thao. Hai bên đồng thời cũng sẽ tổ chức luyện tập chung.
Ân Độ là một trong các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ năm 2016.
Các đoàn quân sự cấp cao hai nước đã có những chuyến thăm hữu nghị trong các năm qua. Tham mưu trưởng của cả ba quân chủng Ấn Độ đã tới thăm Việt Nam. Tư lệnh Hải quân Việt Nam và quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam cũng đã tới thăm Ấn Độ vào năm 2018.
Việt Nam mới đây đã đặt mua 12 tàu tuần tra cao tốc từ Ấn Độ để bổ sung cho lực lượng Biên phòng của Việt Nam. Theo báo giới Ấn Độ, toàn bộ kinh phí dự án đóng tàu nằm trong khuôn khổ gói tín dụng chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2016, nhân chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố khoản tín dụng 500 triệu đô la cho Việt Nam để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Ấn Độ cũng là nước có hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông. Trong thời gian tàu hải cảnh Trung Quốc vào quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của liên doanh giữa Việt Nam, Nga và Ấn Độ vừa qua, Việt Nam liên tục báo cáo cho phía Ấn Độ về tình hình căng thẳng ở Bãi Tư Chính. Ấn Độ cũng khẳng định các hoạt động khai thác dầu khí của công ty ONGC vẫn diễn ra bình thường.
Trung Quốc nói đã 'trục xuất' tàu Mỹ ra khỏi Hoàng Sa (BBC, 15/09/2019)
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói nó đã "trục xuất" một tàu khu trục của Hoa Kỳ ra khỏi quần đảo Hoàng Sa hôm thứ Sáu, 13/9, theo Bưu điện Hoa Nam.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer
Phát ngôn viên của Chiến khu Nam Bộ thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Đại tá Lý Hoa Mẫn, nói rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ USS Wayne E. Meyer đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa "mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc".
"Quân đội của chúng tôi sẽ [thực hiện] tất cả các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông."
Ông Lý cho biết Hải quân và Không quân PLA đã theo sau, xác định, theo dõi, cảnh báo và trục xuất tàu khu trục này.
"Phớt lờ các luật lệ và quy tắc quốc tế, phía Hoa Kỳ đã thực hiện quyền bá chủ trên biển ở Biển Đông trong một thời gian dài. Những hành động như vậy đã làm suy yếu nghiêm trọng các lợi ích có chủ quyền của Trung Quốc, và chứng minh rằng phe Mỹ hoàn toàn thiếu chân thành trong việc duy trì hòa bình toàn cầu cũng như an ninh và ổn định khu vực," ông Lý nói.
Trước đó, chỉ huy Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội Bảy của Hải quân Hoa Kỳ nói đợt tuần tra mới nhất này nhắm vào việc thách thức các "yêu sách quá mức" của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, vốn cũng được tuyên bố chủ quyền bởi Đài Loan và Việt Nam.
"Trung Quốc đã cố gắng đòi thêm vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn là theo luật quốc tế," bà Mommsen nói với Reuters.
"Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền với vùng đảo Hoàng Sa. Cả ba yêu cầu phải có sự cho phép hoặc thông báo trước khi một tàu quân sự nước ngoài thực hiện một đường đi 'vô hại' qua vùng biển lãnh thổ.
Trung Quốc nói lực lượng Hải quân và Không quân của nước này đã theo sau, xác định, theo dõi, cảnh báo và trục xuất tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ USS Wayne E. Meyer
"Việc áp đặt hay yêu cầu thông báo đơn phương của bất kỳ giới cầm quyền nào cho một hoạt động qua lại vô hại (innoccent passage) là điều không được quy định trong luật quốc tế, vì vậy Hoa Kỳ thách thức những yêu cầu này".
Hoa Kỳ cũng thách thức tuyên bố về đường cơ sở năm 1996 của Trung Quốc về chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, bà Mommsen nói.
Tháng trước, tàu USS Wayne E. Meyer của Mỹ cũng đi qua khu vực trong vòng 12 hải lý của khu vực Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, hai khu vực đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Hoa Kỳ thách thức hai tiền đồn của Trung Quốc kể từ khi thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải.
******************
Khu trục hạm Hải quân Hoa Kỳ đi sát quần đảo Hoàng Sa (RFA, 14/09/2019)
Khu trục hạm USS Wayne E. Meyer của Hải quân Hoa Kỳ vừa đi qua quần đảo Hoàng Sa, thách thức Trung Quốc, 2 tuần sau khi chiến hạm này đi qua đá Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Hãng tin Reuters trích lời của người phát ngôn Hạm đội Bảy Reann Rommsen cho biết như vậy hôm thứ Sáu, ngày 13/9.
Hình minh họa. Khu trục hạm USS Wayne E. Meyer của Hải quân Hoa Kỳ đi cùng tàu chiến Wang Geon của Hải quân Nam Hàn trong một cuộc tập trận chung ở Thái Bình Dương hồi tháng 4/2017 - Reuters
"USS Wayne E. Meyer thách thức những hạn chế về đi qua vô hại do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt, đồng thời thách thức đòi hỏi của Trung Quốc đối với đường cơ sở thẳng mà Bắc Kinh áp dụng đối với quần đảo Hoàng Sa", người phát ngôn Hạm Đội 7 được Reuters trích lời cho biết.
Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc đó do chính quyền Nam Việt Nam kiểm soát. Hiện tại, cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với quần đảo này.
Từ năm 1996, Trung Quốc đã tuyên bố một loạt đường cơ sở thẳng qua quần đảo Hoàng Sa nhằm mục đích mở rộng phần lãnh hải quanh quần đảo này, thay vì vẽ riêng đường cơ sở thẳng cho từng thực thể theo quy định của luật quốc tế.
Người phát ngôn Hạm đội 7 cho biết các đòi hỏi của Trung Quốc đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhiều hơn so với quy định của luật quốc tế.
Từ năm 2015 đến nay, Hoa Kỳ đã liên tục gửi tàu chiến và máy bay đi qua khu vực Biển Đông trong chương trình tự do hàng hải (FONOP) nhằm thách thức các đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Washington thời gian qua đã có những chỉ trích nặng nề đối với Bắc Kinh về những hoạt động quân sự hóa khu vực Biển Đông và có hành động bắt nạt các nước láng giềng trong đó có Việt Nam.
Bắc Kinh nói Hoa Kỳ đang gây bất ổn tình hình trong khu vực và bóp méo sự thật.
*********************
Quốc phòng : Lầu Năm Góc "dồn hỏa lực" về phía Trung Quốc (RFI, 14/09/2019)
Tuần tra trên biển, bắn thử tên lửa, diễn tập đổ bộ, bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã có nhiều hành động trong vùng Châu Á Thái Bình Dương. Washington muốn nhắc nhở Trung Quốc tránh vượt qua lằn ranh đỏ hay chính quyền Trump tăng tốc chặn đứng những tham vọng chiến lược của Bắc Kinh ?
Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, tại thủ đô Washington. Reuters/Yuri Gripas/File Photo
Hãng tin Pháp AFP nêu lên hai câu hỏi này sau sự kiện Hạm Đội Bảy của Hoa Kỳ hôm 13/09/2019 điều tàu khu trục USS Wayne E.Meyer áp sát các đảo do Trung Quốc chiếm giữ trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cuối tháng 8/2019, cũng chiến hạm này đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn tại Trường Sa.
Trong chín tháng đầu năm 2019, Hải Quân Hoa Kỳ đã sáu lần điều chiến hạm đến các khu vực có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhân danh quyền tự do hàng hải. Để so sánh, trong hai năm 2017 và 2018, Hải Quân Mỹ chỉ có tổng cộng tám lần điều tàu vào các khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trong suốt tám năm dưới chính quyền Obama, Lầu Năm Góc cũng chỉ có sáu lần đến khu vực mà Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ.
Tại Biển Hoa Đông, Washington cũng đã tăng cường sự hiện diện qua đợt diễn tập quân sự trên đảo Ie-Shima, cách không xa Okinawa, hôm 11/09/2019. Trong cuộc tập trận lần này, lính Mỹ và Nhật Bản thực hiện nhiều bài tập gồm : tập đổ bộ lên một hòn đảo bị một lực lượng thù nghịch chiếm đóng ; tập chiếm một sân bay để chứng minh khả năng của quân đội Mỹ có thể đánh chiếm một hòn đảo có tranh chấp chủ quyền, biến địa điểm đó thành một căn cứ tiếp liệu cho Không Quân.
Theo lời một sĩ quan Mỹ, những chiến dịch kiểu này nhằm "cho phép quân đội triển khai lực lượng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, tiến hành các chiến dịch viễn chinh tại các vùng ven bờ có tranh chấp chủ quyền".
Theo giới quan sát, Lầu Năm Góc, vốn chỉ đưa tin nhỏ giọt về các chiến dịch tập trận, trong thời gian gần đây lại thường xuyên thông báo về các hoạt động quân sự này. Có lẽ đây là một sự thay đổi lớn từ khi ông Mark Epser được chỉ định vào chức bộ trưởng Quốc Phòng. Hơn nữa, các chiến dịch dồn dập nói trên thể hiện chính sách của Mỹ đối lại với chiến lược của Nga và Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Epser đã dành chuyến công du đầu tiên cho Châu Á và đã không che giấu kế hoạch của Washington nhanh chóng triển khai thêm tên lửa mới tại Châu lục này. Dự án đó có thể được thực hiện trong "một vài tháng sắp tới" nhằm "ngăn cản sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực", như ghi nhận của tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ, tướng Ryan McCarthy hôm 12/09/2019. Và theo ông việc triển khai tên lửa tầm trung sẽ làm "thay đổi bàn cờ tại Đông Nam Á".
Không nêu đích danh Trung Quốc và Nga, nhưng tướng Ryan McCarthy nhấn mạnh, nếu mở rộng được quan hệ đối với các đối tác trong vùng, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của các đối tác này, thì Hoa Kỳ gần như có khả năng tương xứng để đối chọi với sự hiện diện quân sự của hai nước nói trên.
Vào tháng trước, Lầu năm Góc đã cho thử tên lửa tầm trung trên biển Thái Bình Dương sau khi Washington chính thức khai tử Hiệp Định Tên Lửa Tầm Trung INF. Cuối tháng 8/2019 chính phủ Mỹ khai sinh Bộ Tư Lệnh Không Gian Spacecom. Mục tiêu đề ra là bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ trước hai mối đe dọa là Nga và đặc biệt là Trung Quốc. Ngay từ năm 2007, Bắc Kinh đã phát triển một tên lửa tiêu diệt vệ tinh. Đây là bước mới nhất trên con đường quân sự hóa không gian của Trung Quốc.
Thanh Hà
******************
Biển Đông : Tàu khu trục Mỹ áp sát các đảo tranh chấp tại Hoàng Sa (RFI, 14/09/2019)
Phát ngôn viên Hạm đội 7 Mỹ, Reann Mommsen xác nhận hôm 13/09/2017, khu trụ hạm hải quân Mỹ, USS Wayne E. Meyer đã áp sát nhiều đảo do Trung Quốc chiếm giữ tại Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải. Hành động này nhằm bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh.
Khu trục hạm USS Wayne E. Meyer. Ảnh minh họa. Nguồn : U.S. Navy
Chiến hạm USS Wayne E. Meyer mang tên lửa dẫn đường đã áp sát các hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa hiện Trung Quốc đang chiếm giữ. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Mommsen khẳng định hành động của hải quân Mỹ là nhằm "phản đối các hạn chế quyền qua lại vô hại do Trung Quốc áp đặt cũng như không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại quần đảo này". Việt Nam và Đài Loan cũng đòi chủ quyền trong vùng biển này.
Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy hai tuần chiến hạm USS Wayne E. Meyer thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Cuối tháng trước tàu USS Wayne E. Mayer đã đi vào trong khu vực 12 hải lý chung quanh Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa. Đây cũng là 2 hòn đảo do Trung Quốc chiếm giữ.
Trong vài tháng qua, hải quân Hoa Kỳ liên tục tiến hành các hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải như vậy khiến Bắc Kinh bực tức.
Phát ngôn viên Hạm đội 7 nhấn mạnh "với hoạt động này, Hoa Kỳ muốn cho Trung Quốc thấy vùng biển này không thuộc chủ quyền của Bắc Kinh" và những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa là trái với luật pháp quốc tế.
Theo trang tin mạng The Japan Times, Trung Quốc đã điều các tàu chiến và máy bay đến để đuổi tàu Mỹ, nhưng chiến hạm USS Mayne E. Meyer vẫn hoàn thành hải trình như dự kiến.
Anh Vũ
*******************
Khu trục hạm Mỹ lại vào gần đảo tranh chấp ở Biển Đông (BBC, 13/09/2019)
Một tàu khu trục của hải quân Mỹ hôm thứ Sáu 13/9 tiến vào gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Quần đảo Hoàng Sa.
Khu trục hạm Wayne E. Meyer trong cảng Los Angeles hồi 2012
Tàu Wayne E. Meyer chỉ mới hai tuần trước áp sát hai đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở Quần đảo Trường Sa.
Lần này, khu trục hạm thuộc lớp Arleigh Burke tới gần các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa, quân đội Mỹ nói, nhưng không cho biết chi tiết đó là các đảo nào.
Hôm 28/8, tàu khu trục Wayne E. Meyer vào sát phạm vi 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Phía Trung Quốc lập tức cho tàu thuyền và phi cơ ra theo dõi, giám sát.
Chỉ huy Reann Mommsen, nữ phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ, được Reuters dẫn lời nói hoạt động mới nhất, hôm 13/9, của khu trục hạm Wayne E. Meyer là nhằm tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông.
"... Trung Quốc đã tìm cách đòi hỏi các vùng nước nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa nhiều hơn so với phần họ được hưởng theo luật quốc tế," bà Mommsen nói.
Tin cho hay lần này, quân đội Trung Quốc cũng đã ngay lập tức được huy động để theo dõi tàu khu trục Mỹ và ra cảnh báo, yêu cầu tàu rời đi.
Bắc Kinh nói rằng việc hải quân Hoa Kỳ lặp đi lặp lại hoạt động tuần tra ở Biển Đông là vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc, và việc tàu Wayne E. Meyer vào khu vực Hoàng Sa lần này diễn ra khi chưa được sự cho phép của Bắc Kinh.
"Chúng tôi nhấn mạnh lại rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển quanh đảo," Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói trong một tuyên bố.
"Không một hình thức khiêu khích nào của tàu hải quân và phi cơ nước ngoài có thể làm thay đổi được thực tế này".
Trung Quốc căng thẳng với nhiều nước
Việc tàu hải quân Mỹ tiến vào khu vực Quần đảo Hoàng Sa diễn ra ngay sau khi có những dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc đang chuẩn bị nối lại đàm phán thương mại.
Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ hoan nghênh việc Trung Quốc tiếp tục mua đồ nông sản Mỹ, nhưng vẫn tiếp tục đe dọa áp thuế cao, khiến cuộc thương chiến Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng.
Hồi tuần trước, Trung Quốc đã giận dữ lên án sau khi có tin Anh và Mỹ có thể sẽ phối hợp hoạt động tại Biển Đông trong thời gian sắp tới.
Báo chí Anh loan tin rằng nước này có thể sẽ gửi tàu hàng không mẫu hạm mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anh chở theo các chiến đấu cơ tàng hình thuộc lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ vào khu vực Quần đảo Trường Sa.
Đại sứ Lưu Hiểu Minh phát biểu tại London rằng Anh Quốc "chớ nên làm công việc bẩn thỉu này cho kẻ khác" trước tin hàng không mẫu hạm Anh có thể chở phi cơ Mỹ tới vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông
Đại sứ Trung Quốc tại London, ông Lưu Hiểu Minh được dẫn lời nói Anh "chớ nên làm công việc bẩn thỉu này cho kẻ khác".
Tùy viên quân sự Trung Quốc tại Anh, Thiếu tướng Tô Quang Huy (Su Guanghui) tuyên bố : "Nếu như Mỹ và Anh cùng nhau thách thức hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì đó sẽ là hành động thù nghịch".
Nếu như hai đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa nơi tàu Wayne E. Meyer áp sát hồi hai tuần trước là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan, thì các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa chỉ liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, Hà Nội và Đài Bắc.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên đặc biệt căng thẳng trong thời gian hơn hai tháng qua, với sự kiện tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hai bên nhiều lần cáo buộc lẫn nhau xâm phạm lãnh thổ, quyền chủ quyền của mình.
Bầu không khí giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng rất căng thẳng quanh vấn đề Đài Bắc mua vũ khí Mỹ, nhưng hai bên gần đây không có đối đầu trực tiếp gì liên quan tới các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong quan hệ với Philippines, Bắc Kinh đã có những cải thiện đáng kể.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng Chín, hai bên đã bắt đầu triển khai hoạt động khai thác tài nguyên chung trong một dự án hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, điều Trung Quốc đã muốn đạt được từ lâu với các quốc gia láng giềng có tranh chấp với Bắc Kinh trên Biển Đông.
**************
Thêm một tàu khu trục Mỹ đi ngang qua Biển Đông (VOA, 13/09/2019)
Quân đội Mỹ cho biết một tàu khu trục của hải quân Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 13/9 đã tiến gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ trong Biển Đông, một động thái có thể làm Bắc Kinh giận dữ.
Tư liệu : USS Wayne E. Meyer, khu trục hạm lớp Arleigh neo tại cảng San Diego, California. Ảnh chụp ngày 12/4/2015. Reuters/Louis Nastro/File Photo
Hãng tin Reuters nói tuyến hàng hải đông đúc tàu bè qua lại này đã trở thành một trong những điểm nóng trong mối quan hệ Mỹ-Trung, cùng với các điểm nóng khác là chiến tranh thương mại đang leo thang, các biện pháp chế tài của Mỹ đối với quân đội Trung Quốc, và quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan.
Trung tá Reann Mommsen, người phát ngôn của Hạm đội 7- Hải quân Hoa Kỳ, nói với Reuters rằng chuyến đi của tàu khu trục Wayne E. Meyer là để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, kể cả tuyên bố chủ quyền mà người phát ngôn của Mỹ mô tả là "quá quắt" của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, nơi mà cả Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa tức thời trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian qua đã lời qua tiếng lại về việc Trung Quốc "quân sự hóa Biển Đông". Phía Mỹ cáo buộc Bắc Kinh xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo và bãi đá trong các vùng biển đang tranh chấp.
Bắc Kinh nói những công trình xây cất đó là cần thiết để "tự vệ", và Hoa Kỳ mới là bên phải chịu trách nhiệm leo thang căng thẳng khi điều tàu chiến đi ngang qua và máy bay quân sự bay gần các hải đảo "thuộc chủ quyền của Trung Quốc".
*******************
Biển Đông : Ấn Độ "Hướng Đông" nhưng tránh đối đầu với Trung Quốc (RFI, 13/09/2019)
Với chính sách "Hướng Đông", tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Nga về an ninh hàng hải, Ấn Độ xây dựng hình ảnh một cường quốc hải quân muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong khu vực Biển Đông đang bị Trung Quốc lấn hiếp. Các nước Đông Nam Á trông chờ có thêm một đồng minh. Tuy nhiên, thực tế dường như không phải như thế, theo nhận định "tiếc rẻ" của một chuyên gia Ấn Độ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Xi Jinping (P) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp tại Vũ Hán (Wuhan), tỉnh Hồ Bắc (Hubei), Trung Quốc, ngày 27/04/2018.India's Press Information Bureau/Handout via Reuters
Trong những ngày gần đây có hai sự kiện cho phép suy đoán Ấn Độ thay đổi chính sách Biển Đông. Trước hết là bộ trưởng Quốc Phòng Rajnath Singh đến Tokyo hồi tuần trước để cùng xem xét khả năng hợp tác an ninh trong toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng như thảo luận về tình hình căng thẳng tại Biển Đông. Tiếp theo đó, trong cuộc hội kiến với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký một bản ghi nhớ mở một con đường hàng hải nối liền nước Nga đến tận thành phố cảng Chennai ở miền đông Ấn Độ.
Hai động tác này phải chăng là bước tiến cụ thể từ khi chính sách "Hướng Đông" được nâng cấp thành "Hành Động Phía Đông" vào tháng 10/2014 thể hiện cuộc chạy đua giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Châu Á ?
Theo nhiều nhà phân tích, sự hiện diện của Ấn Độ bên cạnh Nga và các cường quốc khu vực là tín hiệu New Delhi có quyết tâm chống lại ảnh hưởng áp đảo của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu địa chính trị Abhijit Singh thuộc Viện Quan Sát (Observer Research Foundation) ở New Delhi, đưa ra một nhận định khác trong bài "Chính sách Biển Đông của Ấn Độ không đổi".
Ấn Độ Dương của tôi, Biển Đông của anh
Ấn Độ không bỏ chủ trương không can thiệp vào Biển Đông vì ba lý do.
Thứ nhất, Ấn Độ không có chủ quyền bị đe dọa trực tiếp tại đây. Thứ hai, Trung Quốc ở thế mạnh, kiểm soát các đảo chủ yếu, có căn cứ quân sự và vũ khí áp đảo các nước láng giềng. Và thứ ba, có lẽ là lý do quan trọng nhất, Ấn Độ muốn bảo vệ quan hệ tốt với Trung Quốc qua thỏa thuận Vũ Hán. New Delhi hy vọng Bắc Kinh sẽ tôn trọng ảnh hưởng của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương, đổi lại, Ấn Độ sẽ tôn trọng quyền lợi của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ấn Độ thật ra cũng rất lo ngại trước mối đe dọa của Trung Quốc về giao thông, vận tải, quyền lợi chiến lược năng lượng của mình. Biển Đông là huyết mạch đối với các nhà chiến lược Ấn Độ và họ thấy cần phải tăng cường khả năng tự vệ cho Đông Nam Á. Đó là hai mối ưu tư thúc đẩy NewDelhi phát triển chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thế nhưng, liên quan đến Biển Đông, Ấn Độ không muốn đụng chạm đến Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ không tham gia tuần tra tại Biển Đông mà ngay chính phủ Ấn Độ cũng tránh ký tên vào các bản tuyên bố chung lên án Trung Quốc. Điển hình là nhân Diễn đàn an ninh tại Singapore hồi năm 2018, Mỹ, Úc, Nhật kêu gọi xây dựng một trật tự tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương với những "quy tắc chung làm nền tảng". Ấn Độ, trái lại, chỉ dè dặt đề nghị một hình thức "nối kết".
Thiếu quyết tâm chính trị
Cho đến cuộc họp lần thứ tư của nhóm "tứ cường" mà thủ tướng Nhật Shinzo Abe gọi là "nhóm kim cương" tại Bangkok, thì lúc đó Ấn Độ mới tiến thêm một bước "chia sẻ ý tưởng hợp tác dựa tên các quy tắc".
Cũng theo chuyên gia Abhijit Singh, những phóng sự rầm rộ của truyền thông Ấn Độ về tham vọng khai thác dầu khí tại Biển Đông chỉ là hành động quảng cáo. Trên thực tế, tuy Ấn Độ có quyền lợi thương mại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng quyền lợi này không quan trọng lắm.
Do vậy, tuy New Delhi có vẻ đang tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật, Úc và Việt Nam, thực tế không đúng như thế. Không những Ấn Độ chưa sẵn sàng mở rộng tầm hoạt động hải quân đến Biển Đông mà còn tránh mọi lời nói có thể bị Bắc Kinh xem là khiêu khích.
Chuyên gia Ấn Độ Abhijit Singh lấy làm tiếc là chính quyền của thủ tướng Modi tuy có chính sách "Hành Động Phía Đông" nhưng lại thiếu quyết tâm chính trị ngăn chận hành động xâm lăng của Trung Quốc.
Tú Anh