Trung Quốc đóng tầu đổ bộ tấn công cực lớn (RFI, 30/03/2017)
Trung Quốc đã bắt đầu đóng một thế hệ tầu đổ bộ tấn công mới nhằm tăng cường vai trò của lực lượng hải quân trong việc phô trương sức ở nước ngoài. Những chiếc tầu này sẽ giúp Bắc Kinh quyết đoán hơn trong yêu sách chủ quyền đối với các vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời tăng cường đội tầu tuần tra tại eo biển Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang trở nên căng thẳng.
Trực thăng Trung Quốc cất cánh từ tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn. Ảnh chụp ngày 11/03/2014 Reuters
Theo một số nguồn tin quân sự, được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 30/03/2017 trích dẫn, tầu đổ bộ chở trực thăng 075 LHD (Landing Helicopter Dock) hiện đang được một công ty đóng tầu ở Thượng Hải chế tạo. Chiếc tầu lội nước này có kích thước lớn hơn các tầu tương tự được thiết kế trước đó cho Hải Quân Trung Quốc.
Giới chuyên gia quân sự cho biết kiểu tầu 075 LHD có thể đóng vai trò một hàng không mẫu hạm, là nơi cất cánh của nhiều loại trực thăng khác nhau để tấn công tầu đối phương, các lực lượng trên bộ, hoặc tầu ngầm ở Biển Đông.
Quyết định đóng chiến hạm lớn nhất được đưa ra vào lúc Trung Quốc nâng tầng quan trọng của lực lượng hải quân trong việc xác quyết chủ quyền ở Biển Đông. Quân đội Trung Quốc cũng tăng số lượng tầu tuần tra gần Đài Loan, trong bối cảnh quan hệ giữa hai bờ eo biển trở nên căng thẳng hơn kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành tổng thống.
Theo thiết kế, tầu 075 LHD có trọng lượng rẽ nước 40.000 tấn, dài 250 mét, có thể chứa ít nhất 30 máy bay trực thăng được trang bị vũ khí. Nhà sản xuất là tập đoàn Hỗ Đông Trung Hoa (Hudong Zhonghua Shipbuilding) ở Thượng Hải.
Thu Hằng
**************************
Đảng đương quyền Nhật yêu cầu chính phủ hiện đại hóa quân sự (RFA, 30/03/2017)
Bắc Hàn phóng 4 tên lửa đạn đạo hôm 7/3/2017. AFP photo
Đảng đương quyền Nhật Bản đòi hỏi chính phủ của Thủ Tướng Shinzo Abe phải mua những loại võ khí tối tân để tăng cường hệ thống phi đạn phòng thủ và bắn tới những căn cứ quân sự của Bắc Hàn.
Trong đề nghị quốc phòng gửi cho Thủ Tướng Abe, đảng Dân Chủ Cấp Tiến đương quyền của Nhật viết rằng không thể làm ngơ trước những hành động gây hấn của Bắc Hàn, đã tới lúc Nhật phải tăng cường hệ thống phi đạn phòng thủ, có khả năng trả đũa tức khắc trong trường hợp bị Bình Nhưỡng tấn công.
Mặc dù Thủ Tướng Abe hứa sẽ cứu xét đề nghị này, nhưng trong quá khứ, Tokyo rất thận trọng khi đưa ra kế hoạch hiện đại hóa quân sự, lệ thuộc phần lớn vào vai trò và sức mạnh quân đội của Hoa Kỳ trong việc giúp bảo vệ an ninh cho Nhật Bản.
************************
Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa để hù dọa Việt Nam ? (RFI, 31/03/2017)
Hạm Đội Nam Hải tập trận ở Hoàng Sa. Ảnh chụp ngày 05/05/2016. STR / AFP
Chuyên gia Pháp Henri Kenhmann, trên trang blog East Pendulum, ngày 29/03/2017 có bài phân tích một sự kiện hầu như không ai chú ý : Quân đội Trung Quốc vừa công bố hình ảnh về một cuộc tập trận quy tụ nhiều tàu thuyền đổ bộ của Hạm Đội Nam Hải, diễn ra ở một vùng biển không được chính thức nêu tên. Tác giả bài viết đã phân tích một số yếu tố để kết luận rằng Hải Quân Trung Quốc đã thao diễn từ ngày 26 đến 27/03, gần quần đảo Hoàng Sa. Khu vực đổ bộ nằm cách bờ biển Việt Nam độ 300 km. Mục tiêu có thể là nhằm hù dọa Việt Nam.
Trên những hình ảnh được đăng tải, có thể thấy 2 chiếc tàu đổ bộ loại 071, trọng tải hơn 20 000 tấn (trên hình là chiếc Côn Luân Sơn, ký hiệu 998 và Tỉnh Cương Sơn, ký hiệu 999), 3 chiến thuyền đổ bộ chạy trên đệm hơi loại 726/726A, hai trực thăng chuyển vận trên biển Z-8J, cùng tiến theo đội hình về một hòn đảo.
Ngược lại với những cuộc tập trận khác cùng loại của Hải Quân Trung Quốc, cuộc thao diễn nói trên không huy động thiết vận xa lội nước, chỉ có thủy quân lục chiến tham gia đi trên các chiến thuyền đổ bộ chạy trên đệm hơi.
Trên hình ảnh thì các chiếc tàu đổ bộ cũng đã dùng đại bác H/PJ-26, 76mm bắn yểm trợ trên biển vào ban đêm. Điều này cho thấy là Hải Quân Trung Quốc cũng đã diễn tập đổ bộ ban đêm.
Nhưng nơi chính xác diễn ra bài tập thì không được nêu rõ, bản tin chỉ chính thức nêu lên thời điểm "cuối tháng". Nhưng nếu căn cứ vào hai thông tri gởi cho phi hành đoàn các phi cơ bay ngang khu vực, NOTAM A0630/17 và A0634/17, thì ta có thể hiểu là cuộc tập trận của Hải Quân Trung Quốc tập trung chung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Vùng ở phía đông, gần đảo Phú Lâm, ở Hoàng Sa, cấm bay cho đến độ cao 15.000 mét, từ 19g đến 22g, giờ Bắc Kinh, ngày 25/03. Thời gian này phù hợp với hình chụp tập trận ban đêm được công bố.
Bài tập đổ bộ có lẽ cũng diễn ra vào ngày 27/03, ở vùng khác, phía tây, từ 15g đến 18g. Thủy quân lục chiến đã đổ bộ lên đảo Quang Ảnh (Money Island), một đảo nhỏ cách bờ biển Việt Nam khoảng 300 km.
Điểm đáng lưu ý là thời gian và địa điểm mà Hải Quân Trung Quốc chọn để tổ chức tập trận đổ bộ đã làm dấy lên thắc mắc : không những nó diễn ra ở Hoàng Sa, một quần đảo bị rơi vào tay Trung Quốc sau trận hải chiến với Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tháng Giêng năm 1974, mà lại được tiến hành 10 ngày sau cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa quan chức cao cấp Quân Đội Trung Quốc và tư lệnh Hải Quân Việt Nam.
Hải Quân hai bên đã bàn về vấn đề hợp tác song phương, như tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ chẳng hạn. Tư lệnh Hải quân Việt Nam, chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam, đã nói với đồng nhiệm Trung Quốc là Việt Nam xem trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.
Theo ghi nhận của East Pendulum, cuộc tập trận đổ bộ mới này của Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa, hoặc là đã được dự kiến từ lâu, điều rất có thể, hoặc đã được tiến hành như một phản ứng tức thời sau cuộc gặp cấp cao Việt Trung nói trên, và điều đó có nghĩa là cuộc họp có thể đã không diễn ra một cách tốt đẹp.
Có lẽ cũng phải gắn cuộc tập trận với sự kiện tàu dọ thám Mỹ, chiếc T-AGOS 21 Effective, đã quanh quẩn trong nhiều ngày gần một căn cứ tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ở Hải Nam, từ hôm 20/03. Căn cứ này là nơi xuất phát của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc lớp 091V, đi tuần tra răn đe hạt nhân ở Thái Bình Dương, mà mục tiêu nhắm tới là Hoa Kỳ.
********************
Malaysia và Trung Quốc sắp thành lập ủy ban cấp cao về an ninh và quốc phòng (VOA, 30/03/2017)
Tàu hải quân Malaysia.
Malaysia và Trung Quốc sẽ thành lập một ủy ban cấp cao để thảo luận các vấn đề an ninh và quốc phòng chung cho cả hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng hôm 29/3, ông cho biết ủy ban sẽ thảo luận mối quan hệ quân sự giữa hai nước và các mối đe dọa về an ninh.
Ông Hussein nói tại một cuộc họp báo tại Bộ Quốc phòng ở Jalan Padang Tembak rằng ủy ban cấp cao này sẽ được chủ trỉ bởi hai Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia và Trung Quốc và sẽ xem xét các khía cạnh khả dĩ có thể củng cố hoặc làm xấu đi các mối quan hệ song phương".
Ông Hussein nói ngoài thể chế hóa các quan hệ song phương, ủy ban còn thảo luận các vấn đề an ninh liên quan đến Bắc Triều Tiên, Biển Đông và chủ nghĩa khủng bố, tất cả chủ đề này đều gây chú ý trong cuộc họp diễn ra hôm 28/3.
Ông Hussein nói : "Tôi tin rằng điều này phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa Malaysia với Trung Quốc. Trong ủy ban cấp cao, chúng ta sẽ thành lập các nhóm làm việc cụ thể để hợp tác quân sự, trao đổi thông tin và tin tình báo.
Ông cho biết hai bên sẽ nhấn mạnh đến giáo dục, đào tạo, các vấn đề chiến lược và các vấn đề thời sự như đe dọa ở biển Đông, eo biển Sulu, eo biển Malacca và vấn đề khủng bố.
Ông Hussein nói Ủy ban cấp cao Malaysia - Trung Quốc được thành lập nhằm thảo luận các vấn đề địa chính trị.
Nguồn : The Star/ Asia News Network