Cuộc chiến Hồng Kông : Tiền tuyến và đội quân trong bóng tối
Bên cạnh những nhóm trinh sát, còn có những nhóm chuyên tạo áp-phích, quyên góp gây quỹ, sơ cứu người bị thương hay viết bài biện hộ cho những người phải ra tòa. Đó là một đội quân trong bóng tối mà không ai rõ số lượng nhưng quyết tâm thì rất rõ, họ làm tất cả để bảo vệ cho tự do của Hồng Kông.
Một thanh niên chụp lựu đạn cay quăng trở lại, trong cuộc biểu tình ở Hồng Kông ngày 20/10/2019. Rzeuters/Kim Kyung-Hoon
Tựa trang nhất của Le Figaro và Les Echos đều dành cho sự kiện hai hãng xe hơi PSA và Fiat Chrysler loan báo sáp nhập hôm nay 31/10/2019, tạo thành một tập đoàn quốc tế khổng lồ. Về mặt xã hội, Libération chú ý đến việc hôm nay thủ tướng Pháp công bố các biện pháp hỗ trợ cho vùng dân cư nghèo Seine-Saint-Denis ở ngoại ô Paris. Le Monde nói lên "Mối lo ngại của người đạo Hồi tại Pháp", còn La Croix nhìn sang vùng Cận Đông, nói về "Giấc mơ một Lebanon mới".
Về phong trào phản kháng ở Hồng Kông, Libération có bài điều tra về những đường dây phía sau để hỗ trợ cho "tiền tuyến" : trinh sát, truyền thông, cấp cứu… Bảy tháng sau khi khởi động, từ trong bóng tối xuất hiện những chiến thuật tự vệ mới, trong đó mỗi người giúp một tay tùy theo khả năng và phương tiện của mình.
Từ thế giới ảo bước ra thực địa
Bài báo mở đầu bằng cuộc hẹn đầu tiên trên thực địa của Paul với nhóm trên Telegram của anh. Đúng giờ hẹn, khoảng hai mươi người tiến lại gần nhau trong bóng đêm. "Zacharie ?" "Tôi đây" (đó là bí danh của Paul). Sau khi vắn tắt tự giới thiệu, cả nhóm tỏa ra khắp khu phố để tìm kiếm những nơi người biểu tình có thể ẩn nấp, hay những con ngõ giúp họ có thể tẩu thoát trong trường hợp bị cảnh sát tấn công.
Bên cạnh những nhóm trinh sát, còn có những nhóm chuyên tạo áp-phích, quyên góp gây quỹ, sơ cứu người bị thương hay viết bài biện hộ cho những người phải ra tòa. Đó là một đội quân trong bóng tối mà không ai rõ số lượng nhưng quyết tâm thì rất rõ, họ làm tất cả để bảo vệ cho tự do của Hồng Kông.
Paul, khoảng 40 tuổi, làm trong ngành quảng cáo, giải thích : "Biểu tình ôn hòa trên đường phố chưa đủ, cần phải dấn thân hơn". Chỉ mới tham gia nhóm Telegram gần đây, anh xây dựng chi nhánh với những người thật tin cậy, rồi đi vào hoạt động, ban đầu là trên mạng, sau mới đến các hoạt động thực tế. "Nhóm của chúng tôi phải tìm hiểu thực địa vì nhiều người biểu tình lẫn người qua đường không biết làm sao ra khỏi khu phố, nhiều lần họ bị cảnh sát hoặc bọn xã hội đen Phúc Kiến tấn công".
Nancy, vừa rời bỏ công việc trên đất Mỹ, nhận định Hồng Kông không còn như xưa nữa. Cô không đi biểu tình, nhưng chuyên rình trên đường phố để thông tin cho người biểu tình các vị trí của cảnh sát – một kiểu hoạt động "du kích".
Mạng xã hội, trái tim của phong trào phản kháng
Theo những cuộc thăm dò hiếm hoi có được, cuộc đấu tranh ở Hồng Kông tập hợp đủ mọi thế hệ, mọi giai cấp. Tuy các cuộc xuống đường lúc sau này đã thưa người hơn, nhưng mạng xã hội vẫn luôn là trung tâm chỉ huy của cuộc chiến.
Heung Shing khoảng hơn 20 tuổi, tốt nghiệp ngành thiết kế, không hề quan tâm đến chính trị, cho tới khi đọc được một thông điệp hôm 8/6 : "Bây giờ hoặc không bao giờ". Cảm thấy ray rứt vì lâu nay không làm gì, kể cả trong cuộc Cách mạng Dù, nay anh mỗi ngày đăng lên mạng một tấm áp-phích do mình thiết kế, cho tự do tải về. Anh thổ lộ ban đầu cũng sợ bị bắt với cáo buộc "xúi giục nổi dậy", nhưng sau nghĩ lại, nếu các thanh niên trên tuyến đầu không sợ hãi thì sao mình lại phải sợ.
Những người khác tự bỏ tiền ra in áp-phích và đem dán, ngoài ra còn có những công ty in giúp miễn phí hoặc chỉ lấy giá tượng trưng. Song song đó, ê-kíp truyền thông thay nhau phổ biến các truyền đơn trên nhiều mạng xã hội, dịch các thông cáo hay bài báo ra nhiều thứ tiếng. Họ chọn một chủ đề theo thời sự, gởi các thông tin để giải thích, thuyết phục cộng đồng quốc tế về chính nghĩa cuộc đấu tranh của người Hồng Kông.
Mạng lưới hậu cần đa dạng cho các cuộc biểu tình
Còn các cuộc biểu tình thực sự có cả một mạng lưới hỗ trợ. Ngoài các cửa hàng và cư dân để sẵn các chai nước, khẩu trang cho người biểu tình lấy sử dụng, còn có các nhóm chuyên sản xuất những "áo giáp chống đạn" dã chiến với những lớp sợi thủy tinh – mà nguyên liệu ngày càng hiếm vì bị hải quan chặn lại.
Robert, 27 tuổi, sở hữu một chiếc xe sang, tham gia một nhóm tài xế tình nguyện, mang đến cho người biểu tình những thứ cần thiết, và cứ mỗi cuộc xuống đường lại đưa về được 20-30 người chạy thoát. Anh cho biết, những thanh niên trẻ măng này rất lịch sự, xin lỗi và cảm ơn trước khi bước lên xe. Đôi khi phải đưa người bị thương đến bác sĩ quen thay vì bệnh viện để tránh bị bắt – những bác sĩ tự nguyện trực chiến trong ngày biểu tình, đôi khi phải làm việc với những chiếc kềm y tế được tiệt trùng bằng quẹt gaz.
Các đơn vị liên lạc với nhau như thế nào ? Đôi khi chẳng có liên lạc nào cả. Không ai biết được ai lãnh đạo ai. Có khi người biểu tình là thành viên của nhiều nhóm, thực hiện các nhiệm vụ đa dạng. Một nhà hoạt động chính trị chủ trương độc lập cho biết đã lập một diễn đàn giúp người biểu tình tham khảo các luật sư một cách an toàn và vô danh, nhóm này đã lập tiếp một mạng lưới cấp cứu và tài xế thiện nguyện. Cũng có những nhóm nhỏ chủ trương bạo lực.
Cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11 sẽ cho thấy thành phần nào nhiều hơn : quá khích, ôn hòa hay thân Bắc Kinh.
Cuối thế kỷ 21 mới gỡ hết mìn ở Lào !
Cũng về Châu Á, La Croix có bài phóng sự "Chiến tranh luôn là bẫy rập ở Lào". Hơn 50 năm sau chiến dịch oanh kích hàng loạt của Mỹ, đất Lào vẫn còn nhiều bom bi và nhiều quả bom chưa nổ khác. Tại tỉnh Houaphan, có hàng ngàn hecta cần phải rà phá mìn – mối đe dọa cho cuộc sống người nông dân.
Tại địa điểm ở làng Nasam, miền bắc Lào giáp với Việt Nam, gần như hàng ngày đều tìm thấy những quả bom chưa nổ và mỗi ngày đều có những vụ phá mìn, nhưng mỗi vụ đều là thách thức. Đạn moọc-chê, rốc-kết, hỏa tiễn, bom bi, lựu đạn… khoảng hai chục bãi mìn đã được nhận ra.
Từ năm 1964 đến 1973, người Mỹ đã thả xuống Lào gần hai triệu tấn bom, chưa kể của CIA vốn bí mật, trong đó có 5 đến 30% chưa nổ, trong chiến lược bom rải thảm của Mỹ nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, đã phá được hơn 1.700 quả bom bi tại Nasam. Thời gian sau này có nhiều nạn nhân của bom bi là trẻ em vì chúng trông giống như những món đồ chơi. Tuy nhiên với nguồn tài trợ eo hẹp và nhịp độ hiện nay, việc phá toàn bộ bom mìn trên đất Lào được ước tính đến… cuối thế kỷ này mới hoàn tất.
Lần đầu tiên Đức xử cựu tình báo Syria về tội ác chống nhân loại
Liên quan đến Châu Âu, Le Monde nói về việc hai cựu nhân viên tình báo Syria bị truy tố tại Đức vì tội ác chống nhân loại. Phiên tòa chưa có tiền lệ này sẽ diễn ra tại Koblenz (Coblence) vào đầu năm tới.
Lần đầu tiên có những tay sai của Bachar al-Assad bị xét xử vì các tội ác của chế độ kể từ năm 2011. Hai nghi can bị bắt tại Đức hồi tháng Hai. Anwar Raslan bị tố cáo tra tấn tù nhân tại một trại giam của tình báo Syria. Trên 4.000 người phải chịu những cực hình và ít nhất 58 người đã chết. Người thứ hai là Eyad al-Gharib, lãnh đạo một đơn vị đặc biệt chuyên bắt các nhà đối lập chính trị, dưới quyền của Raslan.
Một trong những bằng chứng là hồ sơ "César", bí danh được đặt cho một nhà nhiếp ảnh của quân cảnh Syria đã bỏ trốn mang theo trên 50.000 ảnh chụp các xác chết tù nhân bị thiệt mạng vì đói, bệnh hay tra tấn ở Syria. Bên cạnh đó là đơn kiện của khoảng 30 người Syria sống sót đang tị nạn tại Đức.
"Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" chỉ có quyền hành hạn chế
Trên lãnh vực kinh tê, xã luận của Le Monde cho rằng tân chủ tịch Ngân hàng Châu Âu (BCE), bà Christine Lagarde chỉ có khả năng hành động hạn chế.
Mang danh là người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh, nhưng bà thừa hưởng một chính sách tiền tệ dường như đã dùng đến những viên đạn cuối cùng. Hơn nữa người ta tự hỏi những biện pháp như giảm tỉ lệ dự trữ, mua lại nợ công… nay có trở thành lợi bất cập hại, trong khi nguy cơ bong bóng đầu tư trong địa ốc hay chứng khoán ngày càng đe dọa. Tân chủ tịch BCE còn đối mặt với với Brexit, thương chiến Mỹ-Trung, và khó thể quay ngược lại với chính sách bảo hộ đầu tư của người tiền nhiệm Mario Draghi.
Lịch sử và bức tường Berlin
Cũng tại Châu Âu, trong bối cảnh sắp đến ngày kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin sụp đổ, tác giả Sylvie Kauffmann trên Le Monde nhận xét "Cuộc cách mạng năm 1989 chỉ là khởi đầu của lịch sử". Còn Jean-Christophe Buisson trên Le Figaro cho rằng những người chống cộng bị lịch sử lãng quên.
Theo bà Kauffmann, có hai sai lầm trong việc nhìn nhận sự kiện bức tường Berlin. Sai lầm thứ nhất là tin rằng tất cả đã xong xuôi, thế giới đã đảo lộn từ những nhát búa đóng xuống bức tường bê-tông chia cắt Đông và Tây Berlin. Sai lầm thứ hai là quan điểm tiêu cực cho đây là một thất bại, vì 30 năm sau Đông Âu lại xuất hiện những khuôn mặt của chủ nghĩa "tự do không dân chủ" như Orban ở Hungary, Kaczynski ở Ba Lan. Tác giả Kauffmann phản bác, cuộc cách mạng 1989 không phải là hồi cuối của lịch sử, mà chỉ mới khởi đầu.
Về chủ nghĩa cộng sản, nhà báo Jean-Christopne Buisson nhắc lại câu của triết gia Jean-Paul Sartre trong thời kỳ trí thức thiên tả ngự trị tại Pháp "Những người chống cộng đều là chó". Nhưng ngày nay, khi biết những gì đã diễn ra sau bức màn sắt, màn tre, cần phải vinh danh những vị tướng bạch vệ, Soljenitsyne, Walesa, các cuộc nổi dậy ở Đông Berlin, Budapest, Praha, Bắc Kinh…trước đây.
"Không Marx, không Jesus, mà là Greta !"
Trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Luc Ferry có bài viết mang tựa đề "Không Marx, không Jesus, mà là Greta !". Theo tác giả, nếu Công giáo đang đi xuống - ít nhất là về số lượng, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, thì một bộ phận giới trẻ đã tìm ra một "tín ngưỡng" mới, đó là sinh thái, mà cô bé người Thụy Điển Greta Thunberg là đại diện.
"Tôn giáo" mới này dựa trên năm cột trụ : nỗi sợ, sự tìm kiếm hạnh phúc, lòng căm ghét chủ nghĩa tự do kinh tế, tình cảm toàn cầu, và mối ưu tư cho các thế hệ tương lai. Thế nhưng tác giả cho rằng không phải hỗn hợp này sẽ cứu vãn được hành tinh.
Người ta khóc cho khí hậu nhưng trên mạng xã hội, bằng smartphone và máy tính – những vật dụng công nghệ từ chủ nghĩa tư bản Mỹ, tiêu thụ đất hiếm mà việc sản xuất gây ô nhiễm cho "những ngôi làng ung thư" ở Trung Quốc.
Những người trẻ mặc theo thời trang, tiêu thụ thức uống có cồn, hút thuốc, ăn món burger ở McDo, đi máy bay, dán mắt vào màn hình bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Và mỗi khi có vấn đề nho nhỏ về sức khỏe lại tìm đến các bệnh viện hiện đại, mà công nghệ có được từ các lãnh vực sáng tạo nhất, dùng thuốc của các hãng bào chế tư nhân giàu có. Tóm lại, họ sống với chủ nghĩa tiêu thụ và tự do tư tưởng của xã hội tư bản, nhưng muốn tỏ ra có lương tâm bằng cách đi theo những ý tưởng cực đoan.
Theo tác giả, chính chủ nghĩa tư bản mới cứu vãn hành tinh chứ không phải "tín ngưỡng xanh" mang màu sắc chính trị. Khi Philips cho ra đời loại bóng đèn LED thay cho đèn dây tóc, khi các nhà sản xuất chế ra xe hơi chạy điện và tìm cách giải quyết vấn đề đất hiếm, họ đã hành động cho Trái Đất nhiều hơn là những cô cậu đi làm cách mạng bằng cách chiếm đóng một trung tâm thương mại.
Thụy My