Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/11/2019

Hồng Kông tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc và bạo loạn

RFI tiếng Việt

Hồng Kông tê liệt, một người biểu tình nguy kịch vì trúng đạn thật (RFI, 11/11/2019)

Một cảnh sát Hồng Kông sáng nay 11/11/2019 đã bắn ba phát đạn vào các thanh niên biểu tình đang tìm cách phong tỏa một ngã tư ở Tây Loan Hà (Sai Wan Ho), làm hai người bị thương trong đó một người nguy kịch. Cảnh tượng này được phát truyền trên Facebook, gây thêm phẫn nộ trong bối cảnh đang có lời kêu gọi tổng đình công.

hk1

Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một người biểu tình ở trung tâm Hồng Kông, ngày 11/11/2019 Reuters/Tyrone Siu

Căng thẳng tăng cao từ hôm thứ Sáu, hàng ngày khoảng mấy chục ngàn người tập hợp để tưởng niệm một sinh viên 22 tuổi tử vong một cách đáng ngờ. Những người phản kháng kêu gọi tổng đình công hôm nay, và từ sáng sớm nhiều khu vực bị tê liệt, nhiều trạm métro bị người biểu tình phong tỏa. Vụ nổ súng ở Tây Loan Hà đã khiến nhiều nhân viên khu Trung Hoàn trong giờ nghỉ trưa đã xuống đường hô khẩu hiệu chống những "kẻ sát nhân", "mafia". Cảnh sát bắn hơi cay ở nhiều nơi, vào tận một nhà thờ và ba trường đại học để bắt người

Từ Hồng Kông, thông tín viên Simon Leplatre cho biết thêm chi tiết :

"Đối đầu rất căng thẳng giữa cư dân, một số người biểu tình và cảnh sát sáng nay tại Tây Loan Hà (Sai Wan Ho), ở phía đông đảo Hồng Kông. Một tiếng rưỡi đồng hồ trước đó, một cảnh sát muốn chấm dứt tình trạng lưu thông bị cản trở, đã bắn ba phát đạn vào hai thanh niên biểu tình. Một người bị trúng đạn vào đùi, người kia bị thương ở vùng bụng, gan và thận bị tổn thương nặng.

Một trong những video ghi lại cảnh này cho thấy một thanh niên mặc đồ màu đen khi đang cố gắng ngăn cảnh sát bắt bạn mình, đã bị bắn gục tại chỗ. Anh không hề mang vũ khí.

Căng thẳng tăng lên vào cuối tuần qua, sau cái chết của một thanh niên hôm thứ Sáu, bị thương bên lề một cuộc đụng độ với cảnh sát cách đó vài ngày. Đối với nhiều người Hồng Kông, cảnh sát đã lạm dụng vũ lực. Bà Leung, khoảng 40 tuổi, đã ra ủng hộ người biểu tình.

Bà nói : Tôi rất phẫn nộ, họ đâu cần phải dùng đến đạn thật để bắn vào những người trẻ này, vào một người biểu tình tay không ! Chúng tôi có cảm giác là bây giờ cảnh sát duy trì trật tự bằng cách bắn đạn thật, bây giờ họ đe dọa người dân với những khẩu súng ở khắp nơi. Đối với chúng tôi, tình hình này giống như vụ thảm sát ngày 4 tháng Sáu nhưng diễn ra một cách từ từ.

Ngày 4 tháng Sáu, đó là ngày diễn ra vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989. Một sự so sánh rất mạnh, nhưng nó chứng tỏ cảm giác của nhiều người Hồng Kông, đang lo ngại đặc khu tự trị của họ mỗi ngày lại giống một thành phố ở Hoa lục hơn".

Cũng trong hôm nay tại Mã Ôn Sơn (Ma On Shan), cách khu tài chính Trung Hoàn khoảng 20 km, một người đàn ông đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị tưới một chất lỏng dễ cháy, biến thành ngọn đuốc sống, sau khi tranh cãi với những người mặc áo đen được cho là người biểu tình đòi dân chủ.

Thụy My

*****************

Hồng Kông : Biểu tình khắp đặc khu, Bắc Kinh đòi siết chặt an ninh (RFI, 10/11/2019)

Ban hành các biện pháp kiểm soát an ninh nghiêm ngặt để trấn áp tình trạng biểu tình đòi dân chủ ngày càng dữ dội tại Hồng Kông là "nhiệm vụ khẩn cấp" hiện nay. Lời tuyên bố của đại diện Trung Quốc có thể gây thêm căng thẳng sau vụ một sinh viên 22 tuổi thiệt mạng, vào thứ Sáu tuần trước, sau một vụ đàn áp.

hk2

Người biểu tình sẵn sàng đụng độ với cảnh sát, tại Tseung Kwan O, Hồng Kông, ngày 9/11/2019. Reuters/Thomas Peter

Sau đêm canh thức và tham gia tang lễ sinh viên Alex Chow, giới trẻ phản kháng lại kêu gọi xuống đường trong ngày Chủ nhật 10/11/2019, hôm nay, trên toàn đặc khu Hồng Kông.

Theo Reuters, cảnh sát dùng lựu đạn cay để giải tán một cuộc tập họp ở quận Thuyên Loan (Tsuen Wan). Trong khi đó, người biểu tình tấn công một nhà ga ở Sa Điền (Sha Tin). Nhiều cuộc biểu tình khác được dự trù ở các trung tâm thương mại trên khắp đặc khu.

Vào lúc Hồng Kông bước vào tuần lễ xung đột bạo động thứ 24, Trương Tiểu Minh, đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông và Macao, đe dọa là cần phải khẩn cấp ban hành một đạo luật nghiêm ngặt về an ninh.

Trước tiên, giám đốc văn phòng Hồng Kông-Ma Cao nhìn nhận là chính quyền Hồng Kông cần phải cải tiến cách thức cai trị. Giá cả nhà cửa đắt đỏ, cách biệt giàu nghèo quá lớn là hai nguyên nhân làm cho dân chúng nổi loạn. Tuy nhiên, viên chức này cũng cho rằng cần phải sử dụng luật lệ nghiêm khắc để trấn áp mọi hành động thách thức sự kiểm sóat của chính quyền trung ương. Gián tiếp chỉ trích bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không dám mạnh tay đàn áp, Trương Tiểu Minh nhấn mạnh "lãnh đạo Hồng Kông phải là người "yêu nước" và tuyệt đối trung thành với Bắc Kinh".

Theo AFP, phát biểu này có thể sẽ châm dầu vào cơn lửa tức giận của người Hồng Kông, nhất là sau cái chết của sinh viên Alex Chow mà chính cảnh sát phải nhìn nhận có lỗi chậm cấp cứu.

Tú Anh

*******************

Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ ba nghị sĩ ủng hộ dân chủ (RFI, 09/11/2019)

hk3

Nghị sĩ Quách Gia Kỳ (Kwok Ka-Ki), một trong 4 nghị sĩ bị triệu tập với lý do gây bạo lực ở Nghị Viện vào tháng 5/2019. Ảnh trước trụ sở cảnh sát, ngày 09/11/2019. Reuters/Thomas Peter

Hôm nay, thứ Bảy 09/11/2019, trong lúc dân chúng tiếp tục xuống đường phản đối chính quyền, cảnh sát bắt giữ ba nghị sĩ ủng hộ dân chủ và yêu cầu bốn người khác ra trình diện.

Theo AFP, các dân biểu nói trên bị cáo buộc đã gây bạo lực tại trụ sở Nghị Viện Hồng Kông hồi tháng 5/2019, vào lúc lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tìm cách thông qua khẩn cấp dự luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc. Dự luật bị dân chúng Hồng Kông phản đối quyết liệt, cuối cùng đã bị hủy bỏ.

Ông Lam Cheuk-ting, một trong các dân biểu bị triệu tập, đã tuyên bố trước báo giới sẽ không tuân thủ lệnh của cảnh sát.

Tại Hồng Kông, cái chết của một sinh viên tin học 22 tuổi sáng thứ Sáu (vốn hôn mê từ hôm Chủ Nhật), trường hợp tử vong đầu tiên kể từ khi phong trào đòi dân chủ, chống chính quyền, khởi sự cách nay hơn 5 tháng, đã dẫn đến biểu tình dữ dội tại nhiều khu phố.

Giận dữ và thất vọng

Tối hôm qua, nhiều cuộc tưởng niệm người sinh viên vừa qua đời đã diễn ra trên khắp đặc khu Hồng Kông. Thông tin không minh bạch từ phía cơ quan điều tra càng khiến cho người dân mất lòng tin với chính quyền thân Bắc Kinh và cảnh sát. Phóng sự của thông tín viên Florence de Changy từ Hồng Kông :

"Trong lúc một số cuộc canh thức diễn ra trong không khí tĩnh lặng và trầm tư, như tại khu Đồng La Loan (Causeway Bay) tối hôm qua, thì tại nhiều nơi khác, nỗi giận dữ và thất vọng đã nhanh chóng bùng lên.

Tại khuôn viên đại học Hồng Kông, anh Nicholas, một sinh viên ngành luật và khoa học chính trị, 21 tuổi, nói với các bạn hữu về một tấn thảm kịch : "Thật đau đớn khi thấy giới trẻ Hồng Kông đã phải hy sinh quá nhiều như vậy. Mới đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ tự sát, những người bị thương, một nữ phóng viên bị mất một mắt, nhiều người bị đâm, bị đứt tai. Với phong trào diễn biến như hiện nay, chính quyền chắc chắn phải có trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng này".

Cảnh sát thừa nhận sai lầm

Đối với luật sư và cựu dân biểu Margaret Ng, điều căn bản là phải làm sáng tỏ những vùng tối xung quanh cái chết của người sinh viên : "Đã từ lâu chúng tôi lo ngại là một ngày nào đó, trong phong trào này, sẽ có một ai đó phải hy sinh mạng sống. Cần phải kiên quyết để xác định được điều gì đã xẩy ra, và ai là thủ phạm".

Thêm một số thông tin được đưa ra trong ngày buộc cảnh sát thừa nhận là người thanh niên đã được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh tại khu để xe, sớm hơn rất nhiều so với thời gian mà cảnh sát công bố. Cảnh sát Hồng Kông thừa nhận đã phạm sai lầm, nhưng nhiều người biểu tình kêu gọi trả thù".

Trọng Thành

****************

Hồng Kông : Một sinh viên thiệt mạng, toàn đặc khu canh thức (RFI, 08/11/2019)

Nguy cơ căng thẳng leo thang tại Hồng Kông. Một sinh viên bị rơi từ lầu cao của một bãi đậu xe nhiều tầng trong một cuộc biểu tình xung đột với cảnh sát đã qua đời vào sáng thứ Sáu 08/11/2019 sau một tuần hấp hối.

hk4

Sinh viên dành một phút mặc niệm cho Alex Chow, tại đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, ngày 08/11/2019. Reuters/Tyrone Siu

Giới sinh viên khẳng định nạn nhân bị rơi xuống đất khi tìm cách chạy trốn hơi cay. Cảnh sát cũng nhìn nhận có dùng lựu đạn cay để giải tán biểu tình gần nơi có thi thể của nạn nhân.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy cho biết thêm chi tiết :

"Alex Chow, 22 tuổi, là sinh viên đại học khoa học kỹ thuật Hồng Kông, một trong những trường danh tiếng của hòn đảo.

Thi thể bất động của Alex Chow được phát hiện trong đêm Chủ Nhật (03/11) tuần trước, ở lầu hai của một bãi đậu xe nhiều tầng ở khu Tseung kwan O nơi xảy ra những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.

Dường như nạn nhân đã nhảy từ lầu này sang lầu khác để tránh hơi cay. Trên các mạng xã hội, đa số những người lên tiếng đều mặc y phục đen. Nghị viện Hồng Kông cũng dành một phút mặc niệm trước một cuộc họp.

Tuy nhiên, cái chết của người sinh viên này đặt ra nhiều nghi vấn, nhất là nguyên nhân vẫn còn rất mơ hồ trong khi đã có nhiều tin đồn đáng ngại. Tuy không cáo buộc cảnh sát cản trở, thông cáo của cơ quan cứu hỏa cho biết họ bị ngăn chận nên không thể đến hiện trường một cách nhanh chóng để cấp cứu nạn nhân.

Lời kêu gọi biểu tình trên 18 quận đã được đưa ra nhân tang lễ bắt đầu từ trưa ngày 08/11 cho đến suốt đêm với lễ canh thức. Nhiều người kêu gọi trả thù cho Alex Chow".

Tú Anh

*****************

Bắc Kinh đòi Hồng Kông mạnh tay chống biểu tình : Nói dễ, làm khó (RFI, 07/11/2019)

Bắc Kinh ủng hộ chính quyền Hồng Kông đưa ra "những biện pháp triệt để hơn" để loại trừ tận gốc tình trạng hỗn loạn tại đặc khu từ 22 tuần qua, do các cuộc biểu tình đòi dân chủ của đại đa số người dân. Như để tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với trưởng đặc khu Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 04/11/2019, bên lề Hội chợ Quốc tế Thượng Hải.

hk5

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Thượng Hải (Trung Quốc), ngày 04/11/2019. Ju Peng/Xinhua via Reuters

Bắc Kinh tiếp tục khẳng định sẽ không dung thứ "bất kỳ hành động ly khai nào". Phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng), khi tiếp trưởng đặc khu Hồng Kông ngày 06/11, nhấn mạnh : "Phải chấm dứt tình trạng bạo lực và bất ổn và tái lập trật tự, là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay". Bắc Kinh "khuyến khích mạnh mẽ chính quyền của "Đặc khu hành chính" thông qua những biện pháp chủ động hơn và hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề xã hội".

Vấn đề ở chỗ, giải quyết cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông như thế nào ? Dường như cả Bắc Kinh lẫn chính quyền đặc khu Hồng Kông đều chưa tìm ra được biện pháp khả thi. Những phát biểu của phó thủ tướng Hàn Chính quá chung chung và rất khó áp dụng được, theo nhận định của nhà báo Chris Buckley trên báo New York Times (06/11).

Thực vậy, Bắc Kinh đã sử dụng chiến lược hăm dọa, mạnh tay trấn áp người biểu tình Hồng Kông. Một mặt, Bắc Kinh gây sức ép từ bên ngoài khi điều động quân đội đến biên giới giữa Hoa Lục và đặc khu hành chính, sẵn sàng can thiệp nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia" trước "những thế lực thù nghịch nước ngoài" giật dây người biểu tình Hồng Kông. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá chiến lược này là "phi thực tế". Mặt khác, chính quyền trung ương không ngừng ủng hộ lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Bất chấp vòi rồng, hơi cay và thậm chí là đạn thật của cảnh sát, người biểu tình vẫn không lùi bước và luôn thích ứng với những kiểu biểu tình mới.

Về chính sách, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy nhiều cải tổ sâu rộng thông qua cơ quan lập pháp do đảng kiểm soát. Tuy nhiên, trung ương khó có thể áp đặt trực tiếp luật chống tội phạm an ninh quốc gia đối với Hồng Kông do đặc khu có hệ thống lập pháp riêng. Theo điều 23 của Luật Cơ bản Hồng Kông, đặc khu hành chính "phải tự thông qua luật cấm mọi hành động phản bội, ly khai hoặc nổi loạn" chống chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn không có luật an ninh riêng. Chính điểm này đã «đè nặng lên tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc" và giải thích ý đồ của Bắc Kinh can thiệp vào chính trị nội bộ Hồng Kông. Vào tuần trước, tại Hội nghị Trung ương 4, khóa 19, các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản đã phê chuẩn một loạt đề xuất nhằm củng cố chính phủ, trong đó có một đề xuất liên quan đến việc Trung Quốc sẽ "xây dựng và cải thiện hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi để bảo vệ an ninh quốc gia" ở Hồng Kông.

Quyết định này cũng nhằm gây sức ép để nội các của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhanh chóng thông qua luật an ninh Hồng Kông. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù các nghị viên thân Bắc Kinh chiếm đa số tại Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông (LegCo), họ vẫn sẽ do dự thông qua đạo luật an ninh gây tranh cãi, như đã từng làm tương tự vào năm 2003.

Một số chuyên gia nêu lên điều 18 của Luật Cơ Bản Hồng Kông, theo đó Bắc Kinh có thể áp đặt một số luật chống lại các mối đe dọa đối với an ninh ở Hồng Kông, bằng cách đưa vào phụ lục của Luật Cơ Bản. Thế nhưng, "nói thì dễ, làm thì khó", vì không phải cứ được ghi vào phụ lục của Luật Cơ Bản là đủ, mà cần phải được trưởng đặc khu hoặc Hội Đồng Lập Pháp thông qua để có hiệu lực.

Nếu thông qua luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông để ban hành tình trạng khẩn cấp, "tình hình ở Hồng Kông sẽ khó được cải thiện", theo nhận định của giáo sư Wei, viện sĩ luật Trung Quốc. Các cuộc biểu tình phản đối sẽ rầm rộ hơn, nguy cơ bạo lực tăng mạnh hơn và Hồng Kông sẽ mất đi hình ảnh của trung tâm tài chính thế giới. Chính quyền Bắc Kinh cũng như đặc khu hành chính vẫn loay hoay trong mớ bòng bong, chưa tìm thấy lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 602 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)