Trung Quốc đưa tàu đến đón sinh viên về Hoa lục, Hồng Kông tiếp tục tê liệt (RFI, 14/11/2019)
Từ chiều hôm qua 13/11, nhiều sinh viên Trung Quốc đã rời Hồng Kông trở về Hoa lục, với sự trợ giúp của cảnh sát biển. Hồng Kông tiếp tục bị tê liệt từ hôm nay 14/11/2019 đến ngày mai : trường học đóng cửa, nhiều trạm xe điện ngầm ngưng hoạt động, nhiều tuyến đường chính bị phong tỏa.
Nhiều sinh viên Hồng Kông ngày 14/11/2019 cố thủ bên trong các trường đại học, với lương thực dự trữ và gạch đá, bom xăng để đối phó với sảnh sát. Reuters/Tyrone Siu
Sáng nay, cảnh sát lại sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình và các sinh viên đang chận lối vào đường hầm nối đảo Hồng Kông với Cửu Long (Kowloon). Hơi cay cũng được bắn ra gần trường đại học Bách Khoa, nơi người biểu tình được kêu gọi tập hợp. Sinh viên đã sáng chế ra các loại vũ khí mới để đối phó với cảnh sát, như các giàn ná lớn, cung tên, dùng vợt tennis đánh bật lại lựu đạn cay.
Hàng ngàn sinh viên vẫn cố thủ bên trong các trường đại học, chuẩn bị lương thực dự trữ và gạch đá, bom xăng để đối phó. AP dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết sinh viên chiếm 40% trong số 4.000 người bị câu lưu kể từ đầu phong trào phản kháng đến nay.
Trước tình hình căng thẳng, nhiều sinh viên Trung Quốc đã quay về Hoa lục. Cảnh sát biển điều một chiếc tàu đưa các sinh viên này hồi hương. Sinh viên một số nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy tại Hồng Kông được khuyến cáo nên về nước, Đài Loan mua vé máy bay cho 123 sinh viên trở về Đài Bắc tối qua.
Cũng trong tối hôm qua, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã họp gấp với các viên chức cao cấp, khiến người ta cho rằng chính quyền Hồng Kông sẽ có những biện pháp khẩn cấp để đối phó. Sáng nay, tài khoản Twitter của Global Times loan báo "sẽ ra lệnh giới nghiêm cuối tuần này", nhưng nửa giờ sau tin này đã bị xóa. Chính quyền Hồng Kông không trả lời các hãng thông tấn.
Từ đầu tuần, các vụ bạo động diễn ra trên khắp đặc khu, ảnh hưởng đến giao thông công cộng, nhất là tàu điện ngầm vốn mỗi ngày vận chuyển trên 4 triệu lượt người. Theo chính quyền, hôm qua có 70 người phải nhập viện, trong đó có hai trường hợp nguy kịch.
Người biểu tình sử dụng chiến thuật mới theo kiểu "trăm hoa đua nở" : mở những cuộc tấn công nhỏ ở nhiều nơi, bất kể giờ giấc, thay vì tập trung vào những ngày cuối tuần.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :
"Khẩu hiệu được phong trào đưa ra tối qua là mở ra thật nhiều mặt trận để làm phức tạp thêm công việc của cảnh sát. Tại khu phố chính của cảng cá Aberdeen thuộc đảo Hồng Kông, dưới ánh trăng rằm, khoảng vài trăm người có mặt trên những con đường đã bị chắn bằng chướng ngại vật. Họ nhìn theo những người biểu tình năng động nhất gỡ những viên gạch lề đường rồi mang đặt rải rác trên mặt lộ.
Jonas, 23 tuổi nói : Nhìn kìa, hiện giờ thì các bạn ấy đang đặt những vật cản như đã thấy ở ngã tư, nhưng cảnh sát ở cách đây không xa, họ có thể bất ngờ xuất hiện.
Và đúng là chỉ vài phút sau, khoảng 30 cảnh sát chống bạo động đã xông đến với dùi cui, đèn pin cực mạnh và đủ loại trang bị trên người, tuần tiễu khắp khu phố, đá văng các chướng ngại vật trên đường đi.
Nhưng cảnh sát vừa đi khỏi một chút, cư dân đã mắng chửi họ từ xa. Khi cảnh sát quay lại ngã tư mà họ mới có mặt cách đó 20 phút, thì bàn ghế, thùng rác bị xô đổ và đủ loại vật cản khác lại xuất hiện. Tuy nhiên, trò chơi cút bắt này có thể diễn biến xấu đi một cách nhanh chóng, như người bán hoa trên đây lo ngại.
Aberdeen đêm qua vẫn yên tĩnh, nhưng tình hình tệ hại hơn ở Tây Loan Hà (Sai Wan Ho) - nơi mà một cảnh sát đã rút súng bắn thẳng vào một người biểu tình 21 tuổi hôm thứ Hai ; và tại khu Vượng Giác (Mongkok), Prince Edward".
Báo chí nhà nước Trung Quốc tỏ ra cứng rắn. Global Times chạy tựa trang nhất "Các băng nhóm biến trường đại học thành vùng chiến sự theo kiểu Syria". Nhân Dân Nhật Báo kêu gọi có biện pháp mạnh, China Daily cáo buộc người biểu tình biến các trường đại học thành "cơ sở cách mạng".
Hôm nay, ngoại trưởng Úc Maryse Payne có động thái bất thường là kêu gọi cảnh sát Hồng Kông đáp trả "một cách chừng mực" đối với người biểu tình, và quan tâm đến đòi hỏi điều tra về bạo lực cảnh sát.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm qua yêu cầu chính quyền Hồng Kông chấm dứt "các hành động đàn áp", kêu gọi các quốc gia dân chủ ủng hộ phong trào đấu tranh ở Hồng Kông.
Trước đó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng lại cảnh báo Hoa Kỳ "không nên xen vào chuyện nội bộ của Trung Quốc", đòi hỏi các thượng nghị sĩ Mỹ chấm dứt cổ vũ cho dự luật nhân quyền và dân chủ Hồng Kông. Trên Twitter hôm nay, lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong dẫn lời thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết dự luật có thể được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua trước lễ Thanksgiving.
Thụy My
********************
Hồng Kông vẫn căng thẳng, chính quyền ra lệnh đóng cửa trường học (RFI, 14/11/2019)
Tình hình Hồng Kông sáng nay, 13/11/2019, vẫn hỗn loạn sau một đêm xung đột chưa từng thấy giữa người biểu tình phản kháng, sinh viên và cảnh sát tại một khu đại học.
Khung cảnh ở khu Trung Hoàn, Hồng Kông ngày 13/11/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Cảnh sát đã rút lui trong đêm. Sáng nay nhiều ga tàu điện đã phải đóng cửa, hàng chục tuyến xe buýt đã phải ngưng chạy, trong lúc xung đột tiếp tục diễn ra ở nhiều khu phố tại Hồng Kông.
Thông tín viên RFI tại Hồng Kông, Florence de Changy cho biết tình hình hiện tại :
Tại một số khu phố Hồng Kông, người dân khi thức dậy sáng nay có thể nghĩ rằng đã có một trận mưa gạch và mảnh vỡ đủ loại vào tối qua.
Các đại lộ ở khu phố Cửu Long - vùng rất đông dân cư, đối diện với đảo Hồng Kông trên phần đất liền - một số đường cao tốc bình thường rất đông xe buýt đưa người đi làm, cũng như trên nhiều đoạn của con đường duy nhất bao quanh Hồng Kông, tất cả đều đầy những mảnh vỡ đủ loại mà mục tiêu là để cản trở lưu thông.
Người ta có thể thấy nào là rào cản, cột đèn bị chặt gẫy, biển chỉ đường, nào là các loại hộp nhựa, thậm chí có cả đinh. Giao thông đã bị xáo trộn nghiêm trọng và một số đường hầm chính bị ngăn chận.
Vào giờ cơm trưa, hàng trăm nhân viên văn phòng, người đi đường, số đông không đeo mặt nạ, cũng đã tràn ra đường, trên các con đường khu Trung Hoàn, bày tỏ thái độ bực tức trước sự ngoan cố của chính quyền không chịu nhượng bộ, mà cũng không làm gì để đưa Hồng Kông thoát ra khỏi bế tắc hiện nay.
Những người cực đoan đã đập phá cửa kính của Ngân Hàng Viễn Thông, một trong những ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc.
Vào lúc tình hình cứ mỗi giờ mỗi xấu đi thêm, chính quyền Hồng Kông vừa thông báo đóng cửa các trường học vào ngày mai, thứ Năm.
Mai Vân
*****************
Khủng hoảng Hồng Kông : Phải chăng đã tới điểm không thể đảo ngược ? (RFI, 12/11/2019)
Một sinh viên Hồng Kông thiệt mạng, một thanh niên bị cảnh sát bắn trọng thương, một người ủng hộ Trung Quốc bị người biểu tình châm xăng đốt, cửa hàng Trung Quốc bị đập phá, truyền thông Bắc Kinh lại nói đến can thiệp quân sự trong khi Giáo hội Công giáo lo ngại xung đột leo thang và có thêm nạn nhân mới nếu chính quyền không nhượng bộ.
Người biểu tình Hồng Kông giương ảnh người sinh viên 22 tuổi, qua đời sau cuộc đụng độ với cảnh sát, Hồng Kông, 09/11/2019. Reuters/Tyrone Siu
Từ thứ Sáu tuần trước, sau cái chết của sinh viên Alex Chow vì thương tích nặng trong bối cảnh xung đột với cảnh sát, bạo lực tại Hồng Kông gia tăng một cách đáng ngại.
Trong tang lễ cũng như trong khuôn viên trường đại học của Alex Chow, xuất hiện những khẩu hiệu đòi trả thù. Hệ quả là lần đầu tiên từ khi phong trào chống dẫn độ biến thành việc chống Bắc Kinh chà đạp nguyên tắc "một nước hai chế độ", xảy ra nhiều vụ sinh viên Hoa lục bị sinh viên Hồng Kông hăm dọa.Theo AFP, căng thẳng được thấy rõ tại phần đông các trường đại học vào sáng thứ Ba. Trên những con đường dẫn về các trường đại học đều có người biểu tình chiếm lĩnh hoặc có các chướng ngại vật do các nhóm trẻ đeo mặt nạ hay khẩu trang dựng lên. Trường Bách Khoa náo loạn khi cảnh sát xông vào tìm bắt một nữ sinh viên tranh đấu. Vì lo sợ bị trả thù, nhiều sinh viên Hoa lục đã về nước cho dù mới tựu trường.
Trong lúc đó, nhiều khu phố của Hồng Kông bị tê liệt vì hàng loạt hoạt động "xung kích". Hệ thống chuyên chở công cộng gần như bị ngưng trệ trong ba ngày liên tiếp.
Sự kiện làm cho dân Hồng Kông tức giận nhất là vừa xong tang lễ Alex Chow, vào sáng thứ Hai đã xảy ra vụ cảnh sát rút súng bắn vào bụng một thanh niên biểu tình 21 tuổi. Đoạn băng video đã thúc đẩy đông đảo dân Hồng Kông xuống đường phản kháng. Một phụ nữ chia sẻ với RFI : "Phải chăng Trung Quốc muốn tái diễn cuộc thảm sát Thiên An Môn ?".
Vài giờ sau, một đoạn băng khác cho thấy một người đàn ông ủng hộ Bắc Kinh, sau một cuộc cãi vã, bị châm xăng đốt thành đuốc. Người bị bắn và người bị đốt đều đang được chăm sóc trong tình trạng hiểm nghèo.
Hôm nay, từng nhóm thanh niên đeo khẩu trang lại tiếp tục tấn công hàng quán do người Trung Quốc làm chủ, lập chướng ngại vật cản trở lưu thông trên đường phố và đường sắt. Tại khu Trung Hoàn, nơi tập trung các công ty quốc tế và cửa hiệu sang trọng, vào giờ nghỉ trưa, hàng ngàn nhân viên tham gia một cuộc "mít-tinh" đột phát với khẩu hiệu kêu gọi "Đấu tranh cho Tự Do, Ủng hộ Hồng Kông".
Tình hình Hồng Kông đi về đâu ?
Trước bầu không khí bạo lực này, các cường quốc Tây phương yêu cầu đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga "thỏa hiệp" với phong trào dân chủ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ lên án "bạo lực ở cả hai phía". Bộ Ngoại Giao Anh kêu gọi hai bên "đối thoại".
Tuy nhiên, Bắc Kinh, cũng như chính quyền đặc khu dường như vẫn từ chối nhượng bộ chính trị. Hôm thứ Hai, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khuyến cáo phe biểu tình "đừng mơ tưởng" có thể làm thay đổi chính trị.
Tại Bắc Kinh, hai tờ báo phản ảnh quan điểm của đảng cộng sản Trung Quốc đe dọa dùng biện pháp mạnh. Bài xã luận của Nhân Dân Nhật Báo cho là "cảnh sát Hồng Kông hành động chừng mực còn thẩm phán thì quá rộng lượng". Theo xu hướng này, Hoàn Cầu Thời Báo kêu gọi cảnh sát Hồng Kông "cần cứng rắn hơn" và có thể tin cậy vào "sự tiếp tay của lực lượng võ trang của Trung Quốc đóng tại Hồng Kông".
Máu sẽ đổ thêm ?
Giáo hội Công giáo Hông Kông, luôn hậu thuẫn dân chủ và nhân quyền, kêu gọi chính quyền lắng nghe yêu sách của phong trào dân chủ và làm sáng tỏ cái chết của Alex Chow. Trong một bài giảng, phụ tá tổng giám mục Joseph Hạ Chí Thành cảnh báo : "Trong một xã hội văn minh, không một người có lương tâm nào chấp nhận một nghi án như thế. Nếu sự thật không được phơi bày, tình hình Hồng Kông sẽ suy thoái thêm và sẽ có thêm nạn nhân trong tương lai".
Tú Anh
******************
Hồng Kông : Đại học bãi khóa, giao thông bị ngăn chận (RFI, 12/11/2019)
Sau một ngày bạo lực chưa từng thấy, với vụ một cảnh sát bắn thanh niên biểu tình và một người ủng hộ Bắc Kinh bị đốt cháy, hôm nay, 12/11/2019, tại Hồng Kông, giao thông công cộng tiếp tục bị xáo trộn, xung đột với cảnh sát tiếp diễn và giới sinh viên đại học bãi khóa.
Sinh viên biểu tình tại Đại học Trung văn, Hồng Kông, 12/11/2019. Reuters/Tyrone Siu
Lần đầu tiên từ khi xảy ra phong trào phản kháng mang sắc thái chống Trung Quốc, và nhất là sau cái chết của sinh viên Alex Chow, sinh viên Hoa lục du học tại Hồng Kông lo sợ bị trả thù.
Từ Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông, thông tín viên Simon Leplatre tường thuật :
"Trong những ngày qua, khu cư xá Đại học Khoa học và Công nghệ học Hồng Kông có một sắc thái lạ lùng : chỗ này, từng nhóm sinh viên đội mũ, mặc áo rộng màu xám dự lễ tốt nghiệp, chỗ kia là tượng đài đầy hoa tưởng niệm sinh viên Alex Chow, cùng với những biểu ngữ viết trên tường kêu gọi trả thù cho "thánh tử đạo" đầu tiên của phong trào tranh đấu.
Trong bối cảnh này, giới sinh viên người Hoa lục không tránh khỏi lo âu. Một sinh viên chia sẻ với thông tín viên RFI : Đại học là nơi để học tập, là không gian của tự do, không liên can gì đến chính trị. Thế nhưng, vào thời điểm này, chúng tôi cảm thấy bất an, bởi vì có nhiều người sẽ tấn công và đập phá đại học theo sở thích của họ…
Thứ Sáu tuần trước, nhiều sinh viên Trung Quốc đã rời cư xá để về lại quê nhà ở Hoa lục trong khi chờ đợi tình hình lắng dịu.
Là dân tỉnh Quảng Đông, một sinh viên tên Lâm, cho biết anh nói cùng thứ tiếng với người Hồng Kông nhưng nhiều bạn học khác, chỉ nói tiếng quan thoại, nên rất lo sợ : Hầu hết sinh viên trong nhóm bạn của tôi đã về nhà bởi vì không nói tiếng Quảng Đông. Họ sợ ai đó phát hiện nguồn gốc Hoa lục của mình.
Khác biệt chính kiến giữa hai cộng đồng rất sâu rộng. Trong khi sinh viên Hồng Kông dấn thân vào phong trào tranh đấu, nhiều sinh viên Trung Quốc tỏ lòng ái quốc cho nên tranh luận thường dẫn đến cãi vã.
Một sinh viên Hồng Kông khuyến cáo : Nếu sinh viên Trung Quốc sợ, thì họ càng nên thảo luận thêm với chúng tôi. Bởi vì chúng tôi không phải lúc nào cũng tấn công và chỉ đánh người khi có lý do.
Sinh viên này cho biết thêm là anh có nhiều bạn học Hoa lục trong số những người có tinh thần cởi mở nhất".
Tú Anh