Hải quân Mỹ đưa thêm chiến hạm đến Thái Bình Dương (RFA, 02/04/2017)
Hải quân Hoa Kỳ đưa thêm chiến hạm đến khu vực Tây Thái Bình Dương, thực hiện những cuộc tuần tra bao gồm cả vùng Biển Đông.
Tàu sân bay USS Carl Vinson ở Thái Bình Dương hôm 3/2/2017. AFP photo
Thông cáo phổ biến trên mạng của Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ Tại Thái Bình Dương cho hay 2 chiếc khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Sterett và USS Dewey đã rời bến từ cảng San Diego hồi sáng thứ Sáu, 31 tháng Ba 2017, để đến Tây Thái Dương, phối hợp hoạt động chung với hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và đoàn tầu hộ tống, có mặt trong khu vực từ tháng Hai vừa rồi.
Hai khu trục hạm USS Sterett và USS Dewey thuộc Hạm Đội Ba của hải quân Hoa Kỳ đến Thái Bình Dương trong khuôn khổ kế hoạch phối hợp hoạt động chung với Hạm Đội 7 để cùng ứng phó với tình hình an ninh khu vực. Các giới chức quân sự Mỹ cho biết thêm dù có mặt ở Thái Bình Dương nhưng cả 2 chiến hạm này vẫn được đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh tại San Diego, thay vì nằm dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội 7.
Truyền thông Hoa Kỳ cũng cho hay phạm vi hoạt động của chiến hạm USS Sterett và USS Dewey bao gồm cả khu vực Biển Đông. Năm ngoái, chiếc USS Decatur của Hạm Đội 3 đã tuần tra ở gần đảo Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Chừng 2 tuần lễ trước đây, tin từ Washington nói rằng hải quân Hoa Kỳ không chỉ tăng cường tuần tra ở Biển Đông mà còn muốn thử thách Bắc Kinh bằng cách đưa tầu chiến đi vào phía trong vùng 12 hải lý ở những hòn đảo Trung Quốc đang chiếm giữ, với mục đích gửi thông điệp là Hoa Kỳ không công nhận Bắc Kinh có chủ quyền ở vùng biển đảo đang chiếm giữ. Vẫn theo giới thạo tin, yêu cầu này chưa được Nhà Trắng chấp thuận.
Các giới chức Nhà Trắng từ chối bình luận về tin này, nhưng cho hay Biển Đông là một trong những để tài được Tổng Thống Donald Trump nói tới khi thảo luận với Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng này ở Florida.
************************
Trung Quốc có thể ‘theo dõi mọi động thái’ ở Biển Đông ? (VOA, 02/04/2017)
Chỉ mới hơn một năm trước, cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia của Hoa Kỳ James Clapper viết một lá thư cho Thượng nghị sĩ John McCain thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, dự báo rằng "Trung Quốc sẽ hoàn tất các cơ sở phòng thủ và phản công tại quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017". Và theo giới quan sát, điều này đang trở thành sự thật.
Sau gần hai năm theo dõi, cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington DC của Mỹ mới thông báo rằng Bắc Kinh nay có thể triển khai các thiết bị quân sự, trong đó có các chiến đấu cơ và các bệ phóng tên lửa, tới quần đảo Trường Sa.
Qua email, ông Gregory Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á tại CSIS, nói với phóng viên Đài tiếng nói Hoa Kỳ rằng "mọi quốc gia trong khu vực có lẽ thực sự lo ngại về chuyện xây dựng này".
Chuyên gia này nói rằng "nếu quý vị là một ngư dân của Đông Nam Á", thì diễn biến mới trên "đồng nghĩa với việc "Trung Quốc có khả năng và ý định theo dõi mọi động thái của quý vị ở Biển Đông, và can thiệp bất cứ ở đâu và bất kỳ lúc nào thấy phù hợp".
Ông Poling nói thêm rằng các động thái trên cũng có thể gây "quan ngại sâu sắc" cho các nước lớn như Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ hay các nước châu Âu, do Trung Quốc từng tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền mà Bắc Kinh gọi là lịch sử của mình, bằng vũ lực, nếu cần.
Các phát hiện trên dường như củng cố thêm lập trường cho rằng việc xây dựng của Trung Quốc trên các hòn đảo nhân tạo nhằm khẳng định chủ quyền trên phần lớn Biển Đông.
Bắc Kinh được cho là đã bồi đắp 7 hòn đảo như vậy ở vùng biển tranh chấp, khiến nhiều quốc gia lên tiếng chỉ trích. Bản tin nói rằng việc xây dựng đã hoàn tất trên các bãi đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.
Trung Quốc trước đây từng bác bỏ chỉ trích của Mỹ rằng nước này đang quân sự hóa Biển Đông, dù Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới tuyên bố rằng các thiết bị đặt trên những hòn đảo nhân tạo là nhằm để duy trì "tự do hàng hải".
Bắc Kinh từng nói rằng các hòn đảo được xây dựng cho các mục đích dân sự, đặc biệt là để bảo vệ các tàu bè qua lại tuyến hàng hải chiến lược này.
Trung Quốc từng lên tiếng trấn an dư luận rằng họ sẽ không cản trở tàu cũng như máy bay qua khu vực tranh chấp này, nhưng không rõ chuyện đó có áp dụng đối với các tàu và máy bay quân sự hay không.
Tới nay, Bắc Kinh chưa xác nhận liệu họ có kế hoạch tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như từng làm với Biển Hoa Đông có tranh chấp với Nhật Bản hay không.
Trong trường hợp như vậy, phi công sẽ phải nhận dạng bản thân cũng như công bố đường bay cho các kiểm soát viên không lưu của Trung Quốc và phải làm theo hướng dẫn của họ.
Ông Poling nói : "Trung Quốc nhiều lần nói rằng họ sẽ làm như vậy khi thời điểm chín muồi. Khả năng phòng không và radar như vậy giờ có thể giúp Bắc Kinh tiến gần hơn nhiều tới khả năng thiết lập một ADIZ".
Theo nhà phân tích này, hệ quả lâu dài từ việc lắp đặt tên lửa, radar hay các thiết bị khác trên các đảo này khá sâu rộng.
Ông Poling nói tiếp : "Chúng ta sẽ chứng kiến sự hiện diện 24/7 của lực lượng bán quân sự, tuần duyên, hàng không và hải quân của Trung Quốc lần đầu tiên trên dải phía nam của Biển Đông".
Chuyên gia này dự báo rằng Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ bắt đầu cảm nhận "áp lực liên tục" mà Việt Nam đã trải nghiệm trong nhiều thập kỷ tranh chấp với Trung Quốc liên quan tới quần đảo Hoàng Sa.
"Việc vấp phải các lực lượng Trung Quốc sẽ trở nên thường xuyên hơn, và điều đó đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ là thời điểm, chứ không phải khả năng xảy ra", ông nói tiếp.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về báo cáo của AMTI, nhưng truyền thông trong nước đã gọi hành động của Trung Quốc là "phi pháp".
Tờ Thanh Niên viết : "Bộ ba đảo nhân tạo phi pháp kể trên bao gồm đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nơi Trung Quốc cấp tập xây dựng phi pháp các công trình quân sự trong thời gian qua".
Báo thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam viết thêm rằng "theo đánh giá của AMTI, với các căn cứ không quân tại 3 đảo nhân tạo trên và thêm một căn cứ ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, máy bay quân sự của Trung Quốc sẽ có thể hoạt động gần như trên toàn bộ Biển Đông. Tầm hoạt động của radar Trung Quốc cũng bao phủ gần cả Biển Đông rộng lớn".
Trong khi đó, tin mới nhất cho hay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 30/3 tuyên bố rằng, "không có cái gọi là đảo nhân tạo" ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lặp lại rằng bất kỳ công trình xây dựng nào tại đây chủ yếu cũng nhằm phục vụ các mục đích dân sự.
*********************
Philippines : Tầu khu trục Mỹ đến Subic khẳng định lịch sử quan hệ đối tác (RFI, 02/04/2017)
Tầu khu trục USS Fitzgerald, trên Thái Bình Dương năm 2012. Wikimedia
Tầu USS Fitzgerald, được triển khai ở Biển Đông, thuộc Hạm Đội Tác Chiến 5 Hoa Kỳ (US Carrier Strike Group 5) đã cập cảng Subic, ở Zambales ngày 01/04/2017. Chuyến viếng thăm nhằm khẳng định mối quan hệ giữa hải quân hai nước trước khi tầu khu trục Mỹ tiếp tục hành trình đến tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Hàn Quốc.
Trang Philstar ngày 02/04, trích thông cáo của sứ quán Hoa Kỳ tại Manila, cho biết : "Tầu khu trục có tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke ghé thăm cảng Subic để nhấn mạnh mối liên kết cộng đồng và quân sự mạnh mẽ giữa Philippines và Hoa Kỳ. Thủy thủ đoàn sẽ tiến hành một vài sửa chữa nhỏ với sự hỗ trợ của các nhóm thủy thủ Philippines ".
Vẫn theo sứ quán Hoa Kỳ, "Mỹ và Philippines tiếp tục xây dựng lịch sử quan hệ đối tác có từ 70 năm nay, thông qua hợp tác quốc phòng, thăm viếng cảng và các hoạt động huấn luyện quân sự. Quân đội Philippines và Hoa Kỳ đã hoạt động cùng nhau trong nhiều lĩnh vực mang lại lợi ích chung, như trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố, an ninh trên mạng và an ninh hàng hải ".
Hải quân Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đông để giám sát vùng biển có tranh chấp trong bối cảnh Trung Quốc có kế hoạch đưa một trạm quan sát đến bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bãi cạn Scarborough là lằn ranh đỏ cho lợi ích kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ vì đây là khu vực chiến lược cho các hoạt động lưu thông hàng hải quân sự, dân sự cũng như là hàng không tại Biển Đông và Thái Bình Dương.
Giới phân tích về quốc phòng và quân sự từ lâu cảnh báo rằng các hoạt động không kiểm soát được của Trung Quốc tại Scarborough sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về an ninh hàng hải trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Thu Hằng
*************************
Tổng thống Philippines muốn đổi tên bãi đá ngầm ở Biển Đông (RFA, 02/04/2017)
Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ thị cho bộ ngoại giao và các những cơ quan liên hệ nghiên cứu để đổi tên một bài bãi đá ngầm ở Biển Đông : Benham Rise thành Philipine Rise.
Bãi đá ngầm Benham Rise
Tìn này được hãng thông tấn Reuters loan tải, trích dẫn lời phát ngôn viên Esnesto Abella. Vẫn theo Reuters, ông Abella cho hay chỉ thị được đưa ra với mục đích khẳng định chủ quyền của Phi tại Benham Rise.
Cuối tháng trước, Philippines cho biết Trung Quốc muốn thực hiện những cuộc khảo sát khoa học ở bãi đá ngầm Benham Rise, nhưng yêu cầu này không được Manila chấp thuận, đặt điều kiện phải có những nhà khoa học Phi tham gia.
Quyền ngoại trưởng Phi, ông Enrique Manalo, cho hay là chuyện chưa giải quyết xong vì Bắc Kinh không đồng ý cho các nhà khoa học Phi tham gia.
Quyền Ngoại Trưởng Phi cũng xác nhận tin từ tháng Bảy cho tới tháng Mười Hai năm ngoái, tuần duyên Phi thấy tầu của Trung Quốc lảng vảng ở dải đá ngầm Benham Rise. Ông Manalo nói thêm là Manila đã gửi công hàm phản đối đến Bắc Kinh.
Vào năm 2012, Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa của Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng Benham Rise là lãnh hải không tranh cãi của Philippines. Dù quyết định được Liên Hiệp Quốc đưa ra, nhưng phía Trung Quốc nhất định nói rằng tầu thuyền của họ được quyền đi lại tự do ở các vùng biển quốc tế.
*******************
Đài Loan muốn hợp tác với Philippines, tham gia đối thoại về Biển Đông (RFI, 01/04/2017)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thăm căn cứ Hải Quân ở Cao Hùng, ngày 21/03/2017. Reuters
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với Philippines trên nhiều hồ sơ, trong đó có Biển Đông, sau khi Manila tỏ ra muốn cô lập Đài Bắc hơn. Hãng tin CNA của Đài Loan hôm 31/03/2017 cho biết như trên.
Trong cuộc tiếp xúc với cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos tại Đài Bắc hôm qua, bà Thái Anh Văn bày tỏ hy vọng hai nước có thể hợp tác về thương mại, phòng chống thiên tai và Biển Đông. Bà giới thiệu về chính sách hướng Nam của Đài Loan nhằm siết chặt quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á.
Tổng thống Đài Loan cũng gợi ý ký kết với Philippines một thỏa thuận hợp tác kinh tế, giáo dục, đơn giản hóa việc cấp thị thực, tổ chức đối thoại về vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, theo CNA thì việc này không đơn giản, nhất là về Biển Đông. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines trong tháng này đã tuyên bố tất cả các nước thành viên ASEAN đều công nhận chính sách "chỉ có một nước Trung Hoa". Vì vậy ASEAN chỉ coi Trung Quốc là đối tác duy nhất trong thương lượng, tuy Đài Loan cũng yêu sách chủ quyền Biển Đông.
Philippines là chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức các hội nghị của khối các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2017, trong đó có việc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.
Ông Fidel Ramos, 89 tuổi, là tổng thống Philippines từ năm 1992 đến 1998, được tổng thống Rodrigo Duterte bổ nhiệm làm đặc phái viên về Biển Đông để thương thuyết với Trung Quốc. Ông Ramos từng ủng hộ ông Duterte khi tranh cử, nhưng hiện nay thường chỉ trích những quyết định độc đoán của chính quyền nhất là về an ninh. Ông đến thăm Đài Bắc với tư cách cá nhân, cùng với một đoàn doanh nhân Đài Loan đang làm ăn tại Philippines.
Duterte : Trung Quốc không có yêu sách trên Benham Rise
Theo báo chí Philippines, tổng thống Rodrigo Duterte hôm qua tuyên bố Trung Quốc đã bảo đảm với ông là sẽ không tranh chấp Benham Rise. Đây là một núi lửa đã tắt nằm ở ngoài khơi đảo Luzon, được coi là phần thềm lục địa mở rộng của Philippines. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana từng lên tiếng báo động khi tàu Trung Quốc lảng vảng tại vùng này trong suốt ba tháng. ABS-CBNs News hôm nay 01/04/2017 cho biết Manila đang nghiên cứu việc đổi tên Benham Rise thành Philippines Rise để khẳng định chủ quyền lãnh thổ.