Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/11/2019

Hồng Kông giảm bạo động nhưng tình hình vẫn căng thẳng

RFI tiếng Việt

Hồng Kông : Đại học Hàn Quốc bị sinh viên Trung Quốc quậy phá (RFI, 27/11/2019)

Sau Úc, Canada, Mỹ và một số nước phương Tây, đến lượt đại học Hàn Quốc bị tình hình Hồng Kông khuấy động, với nhiều sự cố căng thẳng giữa các sinh viên bày tỏ quan điểm ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông với các du học sinh Trung Quốc.

hk1

Thanh niên, sinh viên Hàn Quốc xuống đường ủng hộ phong trào phản kháng ở Hồng Kông. Ảnh tại Seoul, ngày 23/11/2019. Reuters/Heo Ran

Nhật báo Hàn Quốc The Korean Herald hôm 24/11/2019 vừa qua đã báo động : "Tại các đại học Hàn Quốc, những vụ đối đầu giữa sinh viên ủng hộ người phản kháng Hồng Kông và sinh viên Trung Quốc đang leo thang".

Trước đó hai hôm, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post cũng nêu bật tình trạng "Tại Nam Hàn, sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc xung đột với nhau về các cuộc biểu tình tại Hồng Kông".

Các báo đều nêu bật thái độ hung hăng của các sinh viên Hoa Lục trước các hoạt động thể hiện quyền tự do ngôn luận bình thường của các sinh viên Hàn Quốc, trong bối cảnh sứ quán Trung Quốc tại Seoul không ngần ngại bênh vực sinh viên của họ, còn giới lãnh đạo các trường không che giấu thái độ bối rối.

Sinh viên Hàn Quốc tuần hành trước sứ quán Trung Quốc ở Seoul

Tờ The Korean Herald ghi nhận trước tiên là phong trào ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông không còn giới hạn bên trong khuôn viên các trường đại học, mà đã bắt đầu tràn ra đường phố.

Ngày thứ Bảy 23/11 vừa qua, đã có khoảng 200 sinh viên tập họp tại quảng trường Seoul Plaza, tuần hành 2 cây số và tiến đến đại sứ quán Trung Quốc ở khu trung tâm Jung Gu, để phản đối bạo lực cảnh sát đàn áp người biểu tình Hồng Kông.

Đối với các sinh viên, họ biểu tình để phản đối hiện tượng "bạo lực Nhà Nước" trong bối cảnh "giới lãnh đạo Hàn Quốc và trên thế giới đã nhắm mắt trước những cảnh kinh hoàng ở Hồng Kông vì sợ chính quyền Cộng Sản Trung Quốc".

Theo nhật báo Hàn Quốc, đây là cuộc biểu tình đông đảo đầu tiên của sinh viên bên ngoài khuôn viên đại học, vào lúc mà những vụ đối đầu giữa sinh viên Hàn Quốc ủng hộ biểu tình ở Hồng Kông và sinh viên Trung Quốc phá hủy biểu ngữ ủng hộ đó của sinh viên Hàn Quốc, ngày càng nhiều lên.

Đối với các sinh viên Hàn Quốc, quyền tự do ngôn luận của họ đã bị xâm phạm, khi mà những hành động tỏ tình đoàn kết của họ với phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông đã gặp phản ứng thù nghịch trên của sinh viên đến từ Hoa Lục.

Tờ báo ghi nhận là ngày 09/11 vừa qua, tại đại học Myongji ở khu đại học Seodaemun-gu phía tây Seoul, hai sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc đã bị cảnh sát bắt giữ sau một vụ ẩu đả vì một lá cờ Hồng Kông. Đối với tờ báo, đó là lần đầu tiên mà tranh cãi về phong trào biểu tình ở Hồng Kông dẫn đến đánh nhau giữa sinh viên trong khu đại học.

Tự do ngôn luận bị xúc phạm

Theo Oh Je Ha, một sinh viên năm thứ tư ngành xã hội học tại đại học Yonsei cũng ở quận Seodaemun, Seoul, trong nhiều tháng qua, các hoạt động của sinh viên Hàn Quốc nhằm biểu thị sự ủng hộ đối với phong trào dân chủ Hồng Kông càng lúc càng vấp phải sự chống đối của sinh viên đến từ Trung Quốc.

Oh Je Ha cho biết poster nào ủng hộ Hồng Kông được dán lên cũng đều bị phá hỏng, "nhiều khi chỉ được vài tiếng là bị xé đi, bị bôi bẩn hoặc bị một khẩu hiệu chống Hồng Kông dán đè lên".

Phóng viên của tờ The Korea Herald ghi nhận là trên tường bên ngoài thư viện của đại học, có dán một tấm poster lớn bên trên ghi : "Chúng tôi, sinh viên Hàn Quốc, ủng hộ cuộc đấu tranh vì dân chủ của người Hồng Kông. Chúng tôi lên tiếng với hy vọng cho thấy được là ngay trong trường của chúng ta cũng có những tiếng nói ủng hộ người Hồng Kông… Phá hoại bích chương này là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của sinh viên chúng ta và là một hành vi phi dân chủ".

Thế nhưng, ngay bên cạnh tấm poster đó, có những tờ giấy dùng hai màu vàng và đỏ in những câu như "Hãy ngưng can thiệp vào việc nội bộ của Trung Quốc" và "Tôi ủng hộ cảnh sát Hồng Kông".

Theo Oh Ji Ha, những mảnh giấy đó được dán lên vài giờ sau tấm poster của sinh viên Hàn Quốc. Đối với chàng sinh viên 26 tuổi này, với tư cách là một công dân của một quốc gia đã 2 lần kinh qua phong trào biểu tình rầm rộ của quần chúng - một lần trong thập niên 1980 và một vài năm trước đây, thời tổng thống Park Geun Hye - và cả hai lần kết thúc bằng thắng lợi của dân chúng, việc anh ủng hộ người dân Hồng Kông và cuộc đấu tranh của họ là điều tất nhiên.

Lãnh đạo các trường đại học bối rối

Vấn đề được bài báo nêu bật là phản ứng quá dè dặt của ban lãnh đạo các trường đại học trước các hành vi phá hoại của sinh viên Trung Quốc.

Một sinh viên đại học Yonsei trong tuần qua đã quyết định khiếu nại với cảnh sát địa phương về vụ các bích chương ủng hộ Hồng Kông đã bị hai người nói tiếng Hoa xé xuống. Cảnh sát ở Seodaemun cho rằng họ có thể sẽ buộc hai người đó bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, giới chức đại học Yonsei thì lại từ chối không "can thiệp vào vấn đề nội bộ của sinh viên". Ông Kim Seul Kyo, phụ trách giao tế của đại học đã giải thích rằng trường chủ trương để cho cộng đồng sinh viên tự xử lý tình hình, và "tin tưởng rằng việc đối đầu gần đây giữa sinh viên Hoa Lục và sinh viên các quốc gia khác có thể được giải quyết giữa sinh viên với nhau".

Đối với các sinh viên đại học Yonsei, câu trả lời "nhạt nhẽo" đó của giới lãnh đạo trường xuất phát từ việc không muốn mất lòng sô sinh viên Trung Quốc rất đông đảo tại đây.

Một sinh viên khoa luật, xin ẩn danh, đã nhận định gay gắt là lẽ ra "Trường Yonsei phải đứng lên bảo vệ sinh viên của mình, quyền tự do ngôn luận là một quyền được bảo vệ ở Hàn Quốc, và cần phải nhắc nhở sinh viên Trung Quốc rằng họ ở đây với tư cách khách mời và đây không phải là Bắc Kinh".

Sinh viên luật này còn cho rằng trường Yonsei sợ là việc phê phán các hành động phá hoại của sinh viên Hoa Lục sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu nhận sinh viên Trung Quốc trong tương lai.

Theo người phụ trách giao tế của trường Yonsei, thì gần một nửa sinh viên ngoại quốc chưa tốt nghiệp ở đại học này là sinh viên Trung Quốc.

Trên phạm vi cả nước, trong năm 2018, trong số 50.997 sinh viên nước ngoài ở các trường đại học thì có tới 35.799 đến từ Trung Quốc.

Đối đầu tại đại học Ewha

Tình trạng đối đầu giữa sinh Hàn Quốc và Trung Quốc trên vấn đề Hồng Kông không chỉ giởi hạn ở Đại Học Myongji hay Yonsei, mà đã xẩy ra đồng loạt ở những nơi có sinh viên Trung Quốc.

Theo báo Korea Herald, tại đại học nữ Ewha gần Yonsei chẳng hạn, trong tuần qua, sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã phải đọ sức suốt một ngày nơi bức tường "dân chủ" dán poster, một bên dán giấy ủng hộ Hồng Kông, sau đó bên kia ra sức dán lên những đánh giá ngược lại.

Một sinh viên Hồng Kông Tang Kar Wun cho biết là chỉ muốn dán lên tường những mảnh giấy bày tỏ mong muốn hòa bình ở thành phố quê hương, nhưng không một tờ nào còn nguyên vẹn quá một ngày, hoặc là bị xé bỏ, hoặc là bị bôi đen hay bị những lời lẽ thô tục bằng tiếng Hoa viết chồng lên.

Một sinh viên hoạt động tích cực trong phong trào ủng hộ Hồng Kông ở đại học Ewha đã rất bực tức : "Có thể là không có luật lệ, quy tắc rõ ràng, nhưng phá hoại các bích chương hay biểu ngữ mà sinh viên đã làm là điều không thể chấp nhận được ở đây".

Đại sứ quán Trung Quốc bênh vực

Nhật báo Hồng Kông South China Morning ngày 22/11 đã đăng lời chứng của nhiều sinh viên Hàn Quốc về những hành vi thái quá của sinh viên Trung Quốc đối với những bạn học Hàn Quốc dám ủng hộ Hồng Kông.

Một nữ sinh viên trường đại học Hàn Quốc (Korea University) chẳng hạn, đã nhận được qua mạng WeChat những lời chửi rủa, kèm theo các thông tin cá nhân về cô và cả địa chi liên lạc của cô, các thông tin được chia sẻ trong một nhóm trò chuyện gồm gần 500 sinh viên Hoa Lục Hàn Quốc.

Bạn của cô học ở đại học Hankuk cũng bị tấn công trên mạng một cách tương tự, thậm chí ảnh của cô còn bị in ra, bên trên ghi những lời lẽ rất thô tục rồi cho dán khắp trường.

Điều được tờ SCMP ghi nhận là trước tình hình đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc đã ra tuyên bố cho rằng việc sinh viên Hoa Lục phản ứng với "các hành động gây hại cho chủ quyền Trung Quốc" là điều "hợp lý và có thể hiểu được".

Thông cáo nói thêm là "Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công dân Trung Quốc ở nước ngoài tuân thủ luật pháp địa phương", "thể hiện lòng yêu nước vừa phải", và "chú ý đến an ninh của chính mình".

Mai Vân

*****************

Hồng Kông mở lại đường hầm chính, PolyU hầu như không còn ai (RFI, 27/11/2019)

Một trong các tuyến đường giao thông chính ở Hồng Kông đã mở lại hôm nay 27/11/2019, sau hai tuần lễ bị phong tỏa. Tại trường đại học Bách Khoa (PolyU), nơi từng bị cả ngàn người biểu tình chiếm đóng, hầu như không còn ai. Việc tìm kiếm những người cố thủ vẫn tiếp tục, nhưng cảnh sát đang bị đòi hỏi phải rút đi sau 10 ngày bao vây trường đại học này.

hk2

Xe cộ lưu thông qua đường hầm vừa được mở lại ở Hồng Kông ngày 27/11/2019. Reuters/Leah Millis

Ngay từ sáng sớm hôm nay, một trong các đường hầm chính nối bán đảo Cửu Long với đảo Hồng Kông đã mở cửa trở lại. Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy rất nhiều xe cộ đã đi qua tuyến đường quan trọng này. Hai tuần trước, hàng trăm người biểu tình đã quăng gạch đá, nổi lửa ở một số nơi trên tuyến đường, phá hủy các trạm thu phí, và sau đó chạy vào trường đại học Bách Khoa ở kế cận.

Ngôi trường nằm tại bán đảo Cửu Long đã biến thành pháo đài để đối phó với cảnh sát chống bạo động. Khoảng 1.100 người đã bị bắt giữ tuần trước. Hôm nay việc lục soát trường Bách Khoa vẫn tiếp tục, tuy phó chủ tịch hội đồng nhà trường thông báo không còn người biểu tình nào trong khu đại học xá. Người duy nhất được tìm thấy hôm qua là một thiếu nữ khoảng trên 18 tuổi trong tình trạng sức khỏe rất yếu.

Trong thông cáo, trường đại học Bách Khoa đã yêu cầu lực lượng cảnh sát rút đi để có thể khởi động việc tổng vệ sinh. Tuy nhiên, AP cho biết cảnh sát vẫn canh gác xung quanh trường và hiện chưa muốn bình luận với hãng tin Mỹ.

Sau không khí vui mừng với kết quả bầu cử hội đồng quận ở Hồng Kông vừa qua, các cuộc biểu tình chống chính quyền dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

Về phía Bắc Kinh, cơ quan đại diện tại Hồng Kông của bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay bác bỏ thông tin của Reuters về việc lập ra cơ quan giải quyết khủng hoảng Hồng Kông tại Thâm Quyến, thành phố Trung Quốc đối diện với đặc khu.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)