Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/11/2019

Trung Quốc : Tập Cận Bình bị oán ghét, đàn áp người Uighur

RFI tiếng Việt

Quan chức Trung Quốc : Tập Cận Bình không thể bám mãi quyền lực (RFI, 27/11/2019)

Dù đã bỏ điều khoản trong Hiến Pháp Trung Quốc quy định chủ tịch nước không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ, ông Tập Cận Bình sẽ không thể bám quyền bao lâu tùy thích. Một cán bộ cao cấp của Trường Đảng Trung ương đưa ra nhận định này trong một buổi hội thảo do Hiệp hội Nhà báo toàn Trung Quốc tổ chức vào đầu tháng 11/2019.

tq1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu nhân Diễn đàn kinh tế tại Bắc Kinh ngày 22/11/2019. Reuters/Jason Lee/Pool

Theo trang Asia Times ngày 26/11/2019, ông Tạ Xuân Đào (Xie Chuntao), phó chủ tịch Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, khẳng định trước báo giới rằng việc xóa điều khoản giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch trong hai khóa không đồng nghĩa với việc bảo đảm rằng chủ tịch sẽ nắm quyền trọn đời.

Lấy ví dụ hai nước Đức và Nhật Bản, nơi thủ tướng Angela Merkel và Shinzo Abe đứng đầu nội các từ nhiều năm nay, ông Tạ Xuân Đào cho rằng chính "việc đánh giá những khác biệt về tình hình, cũng như những nhu cầu của đất nước" giúp một quốc gia quyết định "một nhà lãnh đạo có thể nắm quyền bao lâu". Ông Tạ Xuân Đào khẳng định đảng Cộng Sản Trung Quốc từ lâu đã áp dụng một cơ chế kế nhiệm trước cả khi Hiến Pháp được sửa đổi, nhằm bảo đảm một cuộc chuyển giao quyền lực êm thắm, không xảy ra sự cố.

Tại các nước Cộng Sản, chủ tịch nước là chức vụ mang tính hình thức, còn thực quyền là nằm trong tay tổng bí thư đảng và chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông Tập Cận Bình hiện đang nắm cả ba chức vụ này. Riêng chức tổng bí thư đảng Cộng Sản không có quy định thành văn về số nhiệm kỳ. Tuy nhiên, theo Asia Times, kể từ khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, chỉ có hai ông Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) là tuân thủ luật bất thành văn chỉ làm tổng bí thư đảng tối đa là 10 năm.

Thu Hằng

*****************

Học giả Đức tố cáo Trung Quốc "diệt chủng văn hóa" người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 27/11/2019)

Tống giam hàng loạt không hề qua xét xử, trừng phạt tùy tiện, giám sát 24/24 : các tài liệu mật của Trung Quốc vừa được tổ hợp các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) gồm 17 cơ quan báo chí trên thế giới công bố hôm 24/11/2019 đã vạch trần tình trạng ngược đãi tù nhân trong hệ thống trại cải tạo ở Tân Cương mà Bắc Kinh vẫn chối cãi, gọi là trường dạy nghề.

tq2

Người Duy Ngô Nhĩ tại Urumqi, Tân Cương. Ảnh tư liệu 1/05/2014. Reuters/Petar Kujundzic

Nhà xã hội học Adrian Zenz, người đầu tiên phát hiện quy mô của các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ, khi trả lời phỏng vấn RFI hôm nay, 27/11/2019, đã nhấn mạnh Trung Quốc đã dối trá trong một thời gian dài nhằm che giấu sự thật. Ông nói :

"Các tài liệu khẳng định rất rõ và rất chi tiết. Không thể nào nghi ngờ được nữa : Bắc Kinh rõ ràng đã dối trá ! Theo ước tính mới nhất của tôi, có khoảng 1.200 trại cải tạo và từ 100 đến 200 nhà tù. Ít nhất 900.000 người đang bị giam giữ trong các trại này kể từ mùa xuân năm 2017, thậm chí tổng số tù nhân có thể lên đến 1.800.000 người.

Những người này bị giam giữ chỉ vì họ thuộc sắc tộc thiểu số. Trước hết là người Duy Ngô Nhĩ, nhưng ngày càng có thêm những thiểu số đạo Hồi khác như người Kazakhstan hay Kyrgyzstan. Tôi cho rằng đây là diệt chủng văn hóa.

Sở dĩ nói văn hóa, đó là vì người tù không nhất thiết bị sát hại, không phải diệt chủng kiểu như người Do Thái trước đây. Nhưng chúng ta có thể coi đây là diệt chủng, vì việc các nạn nhân bị cưỡng bức vào trại nhằm mục đích tiêu diệt bản sắc và cội rễ văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan.

Lần cuối cùng nhân loại chứng kiến việc bắt người vào trại tập trung hàng loạt và có hệ thống theo nhóm chủng tộc và tôn giáo, đó là dưới thời Đức quốc xã".

Chuyên gia Adrian Zenz sau khi kiểm tra tính xác thực của các công văn mật bị rò rỉ, cho biết thêm về cuộc sống trong trại cải tạo :

"Các chỉ thị mật này là bằng chứng cụ thể nhất cho đến nay về các quy định khắc nghiệt về an ninh được áp đặt ở các trại cải tạo, như trong trại lính. Trại viên phải dậy thật sớm, không có được chút riêng tư nào. Việc tắm rửa, vệ sinh bị hạn chế và thậm chí còn bị giám sát bởi các quản giáo hoặc camera. Sau đó họ phải ngồi nhiều tiếng đồng hồ trên những chiếc ghế rất cứng để học tiếng Hoa, hay thú nhận những sai lầm và tự kiểm.

Rất nhiều nhân chứng khẳng định họ bị cấm hành đạo. Người ta nói với họ, chính đảng Cộng Sản mới nuôi dưỡng họ, và "người hướng dẫn tinh thần là chủ tịch Tập Cận Bình chứ không phải Thượng Đế". Những ai bị coi là ngoan đạo nhất bị buộc phải ăn thịt heo và uống rượu, vốn bị cấm đối với người Hồi giáo. Nếu không tuân lệnh, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 636 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)