Đài Loan thông qua luật chặn ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc (VOA, 31/12/2019)
Hôm 31/12, Quốc hội Đài Loan đã thông qua luật chống xâm nhập để chặn các mối đe dọa từ Trung Quốc, chưa đầy hai tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 11/1 tại đảo quốc, theo Reuters.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Đạo luật này là một phần trong nỗ lực kéo dài nhiều năm để chống lại những gì nhiều người ở Đài Loan coi là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tác động đến tình hình chính trị và tiến trình dân chủ, thông qua tài trợ bất hợp pháp cho các chính trị gia, giới truyền thông và các phương thức ngầm khác.
Động thái này có thể sẽ làm trầm trọng thêm đối với mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Đài Loan và Bắc Kinh, khi mà Bắc Kinh cho rằng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn muốn tiến tới nền độc lập chính thức cho hòn đảo và Bắc Kinh đã gây áp lực tới bà kể từ khi bà nhậm chức năm 2016.
Ông Chen Ou-po thuộc Đảng Dân Tiến (DPP) đang nắm thế đa số của Đài Loan, phát biểu trước quốc hội sau khi dự luật được thông qua : "Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã gây ra mối đe dọa cho tất cả các nước và Đài Loan đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất".
"Đài Loan đang là tiền tuyến trước sự xâm nhập của Trung Quốc và rất cần luật chống xâm nhập để bảo vệ người dân", ông Chen nói thêm.
Các nhà lập pháp thuộc đảng DPP của bà Thái ủng hộ dự luật này 100% với cả 67 phiếu, bất chấp sự chỉ trích của phe đối lập cho rằng đây là một "công cụ chính trị" để giành phiếu bầu trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội.
Các nhà lập pháp của phe đối lập chính, Quốc Dân Đảng, phe ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đã không tham gia bỏ phiếu luật này.
Luật này tạo ra những công cụ hợp pháp nhằm ngăn chặn các hoạt động tài trợ của Trung Quốc tại Đài Loan, như vận động hành lang hoặc vận động tranh cử. Luật này áp dụng mức hình phạt tối đa là bảy năm tù và sẽ có hiệu lực sau khi bà Thái ký ban hành vào tháng 1.
******************
Hồng Kông khởi động cuộc biểu tình Năm Mới "Dấn tới 2020" (RFI, 31/12/2019)
Những người đấu tranh Hồng Kông hôm nay 31/12/2019 bắt đầu cuộc biểu tình nhân dịp giao thừa tết dương lịch tại nhiều nơi trong thành phố, cổ vũ người dân không từ bỏ cuộc chiến vì dân chủ trong năm 2020. Trong khi đó chính quyền huy động trên 6.000 cảnh sát để đối phó.
Người biểu tình xuống đường để tưởng nhớ những người chết, bị thương trong những tháng đấu tranh tại Hồng Kông. Ảnh tai Quảng trường Edinburgh, Hồng Kông, 30/12/2019. Reuters/Lucy Nicholson
Reuters dẫn thông tin từ mạng xã hội cho biết người biểu tình được kêu gọi mang mặt nạ trong cuộc tập họp mang tên "Không quên 2019 – Dấn tới 2020". Một số sự kiện khác như "Suck the Eve" (Con đường đêm trừ tịch), "Shop with You" (Mua sắm với bạn) dự kiến diễn ra tại quận Lan Quế Phường (Lan Kwai Fong) ở khu trung tâm tài chính, gần cảng Victoria, và tại nhiều trung tâm mua sắm lớn.
Trong một thông điệp video giao thừa, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nói rằng hơn sáu tháng phản kháng đã gây ra những buồn phiền, lo lắng, thất vọng và giận dữ. Bà kêu gọi : "Hãy khởi đầu năm 2020 với một giải pháp mới, tái lập trật tự và hòa hợp trong xã hội. Chúng ta có thể cùng nhau bắt đầu lại".
Tuy nhiên một người biểu tình nói với hãng tin Anh : "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại là lời chúc Năm Mới của tôi. Chúng tôi đã đấu tranh suốt một thời gian dài như thế nhưng chính quyền vẫn không chịu lắng nghe. Nếu không tham gia phong trào, chúng tôi sẽ mắc nợ những người đồng chí hướng đang ở trong tù".
Theo South China Morning Post, hơn 6.000 cảnh sát được huy động hôm nay. Người biểu tình và các tổ chức nhân quyền luôn chỉ trích cảnh sát sử dụng bạo lực, từ đầu phong trào đến nay đã có hơn 6.500 người bị bắt.
Ngày mai đầu năm dương lịch, dự kiến khoảng mấy chục ngàn người sẽ tham gia một cuộc biểu tình lớn, đã được cảnh sát cho phép. Ban tổ chức hy vọng duy trì sức bật của phong trào khi bước sang năm mới.
Cuộc biểu tình trước đó cũng do Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền tổ chức vào đầu tháng 12 đã thu hút được ít nhất 800.000 người xuống đường. Ông Sầm Tử Kiệt (Jimmy Sham), một trong những lãnh đạo của Mặt trận tuyên bố : "Vào ngày đầu năm mới, cần phải chứng tỏ tình liên đới để chống lại chính quyền. Chúng tôi hy vọng người dân Hồng Kông sẽ xuống đường vì tương lai của Hồng Kông".
Trong bối cảnh phong trào phản kháng rục rịch biểu tình nhân dịp Năm Mới, South China Morning Post và Newsweek hôm qua cho biết quân Trung Quốc trú đóng hôm thứ Sáu đã tập trận tại cảng Hồng Kông. Chiến hạm, khinh hạm, trực thăng vũ trang, bộ binh và lính đặc nhiệm cùng tham gia cuộc tập trận trên không và trên biển, mà theo các nhà phân tích, nhằm chứng tỏ sẵn sàng đối phó với "các cuộc tấn công khủng bố".
Thụy My
******************
Tổng thống Đài Loan đọc thư của thanh niên Hong Kong : ‘Đừng tin cộng sản’ (VOA, 29/12/2019)
Trích dẫn một lá thư của một thanh niên Hong Kong với nội dung kêu gọi mọi người "không tin vào Cộng sản", Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 29/12 nói rằng Trung Quốc có thể gây ra mối nguy hại cho đời sống dân chủ của hòn đảo, theo Reuters.
Nhiều tháng biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong đã trở thành vấn đề gây chú ý ở Đài Loan trước cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào ngày 11/1.
Theo Reuters, bà Thái cũng lên tiếng cảnh báo rằng Đài Loan sẽ trở thành mục tiêu kế tiếp nếu hòn đảo này gục ngã trước áp lực của Trung Quốc và chấp thuận sự cai trị của Bắc Kinh.
Lên tiếng tại một cuộc tranh luận được phát trên truyền hình của các ứng viên tổng thống, bà Thái đọc một phần nội dung của một bức thư mà bà nói là bà nhận được từ một thanh niên ở Hong Kong.
Theo Reuters, bà không cho biết tên của người viết thư cũng như thời điểm lá thư được viết.
Bà Thái đọc nội dung lá thư : "Tôi kêu gọi người dân Đài Loan không tin Cộng sản Trung Quốc, không tin bất kỳ quan chức thân Cộng sản nào và không rơi vào bẫy tiền của Trung Quốc".
Bà Thái nói rằng bà muốn đọc lá thư để nhắc mọi người về tầm quan trọng của lá phiếu của họ vào tháng tới.
****************
Quốc hội Mỹ kiên quyết vạch mặt Trung Quốc trên vấn đề Tân Cương (RFI, 31/12/2019)
Sau khi đã thành công trong việc "thúc ép" tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật mà họ đã thông qua, cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông, Quốc Hội Mỹ đang chuẩn bị một ngón đòn thứ hai đánh vào Bắc Kinh, lần này trên vấn đề Tân Cương. Cách thức tiến hành cũng giống như trường hợp bộ luật về Hồng Kông, tức là đảm bảo sao cho dự luật được thông qua với một đa số rộng rãi đến mức mà dù muốn phủ quyết, nhưng tổng thống Trump sẽ không thể làm nếu không muốn lâm vào cảnh quyết định của ông bị Quốc Hội bác bỏ đúng theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ.
Ảnh minh họa : Biểu tình đòi Trung Quốc trả tự do cho người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm. Ảnh tại Vancouver Canada, ngày 08/05/2019. Reuters/Lindsey Wasson/File Photo
Trong bài phân tích mang tựa đề "Quốc Hội (Mỹ) muốn buộc ông Trump mạnh tay trên vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và xa hơn nữa", nhật báo Mỹ The New York Times ngày 27/12/2019 đã nêu bật kế hoạch của giới lập pháp Mỹ là sẽ thông qua một đạo luật - mà tổng thống không thể phủ quyết - ngay vào năm 2020 nhằm trừng phạt Trung Quốc về việc đối xử vô nhân đạo với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Cả hai đảng đều đồng lòng chống Trung Quốc
Theo tờ báo Mỹ, trong một động thái thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi, các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đang lên một kế hoạch nhằm cố gắng buộc tổng thống Trump có lập trường cứng rắn hơn về nhân quyền ở Trung Quốc, và sẵn sàng ký luật trừng phạt các quan chức hàng đầu Trung Quốc về tội đã giam giữ hơn một triệu người Hồi Giáo trong các trại giam được gọi một cách mỹ miều là trại huấn nghệ.
Sở dĩ Quốc Hội Mỹ phải suy tính đến việc thúc ép và trói buộc ông Trump, đó là vì họ càng lúc càng thất vọng trước việc đương kim tổng thống Mỹ không sẵn sàng thách thức Trung Quốc về các vi phạm nhân quyền, mặc dù trong năm đã có biết báo báo cáo, phúc trình cụ thể, nêu rõ các hành vi tàn bạo của Bắc Kinh đối với người Hồi Giáo ở Tân Cương. Thậm chí ông Trump còn không muốn nêu những vấn đề này ở cấp độ thế giới.
Để thúc đẩy ông Trump hành động đối với Trung Quốc, các nhà lập pháp có kế hoạch thông qua đạo luật trừng phạt Bắc Kinh về tội đàn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, với một đa số ủng hộ rộng rãi để buộc tổng thống phải ký nếu không muốn bị Quốc hội qua mặt trước cuộc bầu cử năm 2020.
Một phiên bản của dự luật, mang tên Đạo luật Chính Sách Nhân Quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uighur Human Rights Policy Act), đã được cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện thông qua trong năm nay, nhưng con đường đến Nhà Trắng đã gặp trở ngại do vấn đề thủ tục.
Theo New York Times, vấn đề nhân quyền giành được sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm có trong Quốc hội Mỹ, và nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề này, cho dù họ luôn luôn ủng hộ ông trên gần như mọi vấn đề khác, kể cả viêc bảo vệ ông chống lại thủ tục luận tội để truất phế.
Theo ghi nhận của thượng nghị sĩ Marco Rubio, thuộc đảng Cộng Hòa ở bang Florida, thì một số người cho rằng chính quyền đã lơ là vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn. Suy nghĩ đó có thể là không đúng, nhưng rõ ràng là số người nghĩ như vậy đã tăng lên và họ cho rằng Quốc hội cần phải can dự vào hồ sơ này.
Vào tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã nhất trí thông qua luật ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, buộc ông Trump phải ký dự luật. Là người từng nói rằng ông là người "đứng bên" lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump có nguy cơ bị Quốc hội phản bác và bị chỉ trích là yếu kém đối với Trung Quốc nếu ông phủ quyết luật về Hồng Kông.
Ông Trump do đó đã phải ký ban hành dự luật, tuy nhiên, ông đã đưa ra một tuyên bố cho biết rằng ông sẽ vận dụng đặc quyền của hành pháp trong việc thực thi các điều khoản của đạo luật mà ông buộc phải ký.
Nhân quyền Trung Quốc : Vấn đề mà tổng thống Mỹ xem nhẹ
Một số vấn đề nhân quyền thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng mạnh hơn là những vấn đề khác, và Trung Quốc nằm trong diện này. Số người cứng rắn với Trung Quốc ngày càng đông cả ở trong Quốc Hội lẫn trong chính quyền, trong lúc tỷ lệ người dân coi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng.
Mặc dù Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về cuộc đàn áp người Hồi Giáo, bản thân ông Trump hầu như không nói gì.
Vào tháng 7 vừa qua, Jewher Ilham, con gái của Ilham Tohti, một giáo sư người Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc kết án tù năm 2014, đã cùng với các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo khác đến gặp ông Trump trong Phòng Bầu Dục. Khi cô cố gắng giải thích các trại cho ông Trump, ông tỏ ra không biết gì về tình hình…
Bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách Trung Quốc tại tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW châm biếm : "Tìm được bằng chứng về mối quan tâm thực thụ của ông Trump đối với vấn đề nhân quyền thật là khó". Theo chuyên gia này, về Trung Quốc, tối thiểu ra là tổng thống Trump nên ngừng việc mô tả một lãnh đạo độc đoán, hà khắc như là một "anh chàng tuyệt vời" vì làm như vậy tức là cho chính quyền Trung Quốc cơ hội lựa chọn giữa đặc tính được ông Trump mô tả với những nhận xét nghiêm khắc hơn đến từ các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ.
Ông Trump, người đã chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động kinh tế của mình, đã kiềm chế không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các trại giam ở Tân Cương vì sợ gây nguy hiểm cho cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Nhiều cộng sự viên hàng đầu và các nhà lập pháp từ cả hai đảng đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt, nhưng Bộ Tài Chính đã phản đối. Đạo luật Duy Ngô Nhĩ, do thượng nghị sĩ Rubio và dân biểu Christopher H. Smith (đảng Cộng Hòa ở bang New Jersey) bảo trợ, sẽ buộc ông Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Trần Toàn Quốc, quan chức hàng đầu của Đảng cộng sản ở Tân Cương, nơi có các trại.
Vào tháng 10, chính quyền Trump đã đưa một số doanh nghiệp và tổ chức an ninh Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại vì vai trò của họ trong các vụ truy bức người Hồi Giáo, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đó là một hình phạt quá nhẹ.
Mai Vân