Hạt nhân : Liệu Bắc Triều Tiên "mạnh tay" do thất vọng về Mỹ ?
Giáng Sinh năm nay, Donald Trump đã không nhận được "quà" từ Kim Jong-un. May mắn này liệu có kéo dài ? Vì từ nhiều tuần nay, lãnh đạo Bắc Triều Tiên không ngừng lên giọng.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại khu phi quân sự biên giới hai miền Triều Tiên, ngày 30/06/2019. REUTERS/Kevin Lamarque
Nhật báo Libération đặt câu hỏi trong một bài viết nhỏ : "Tại sao Bắc Triều Tiên lại đe dọa ?"
Đúng ngày đầu Năm Mới, thay vì đọc diễn văn chúc mừng như thường lệ, truyền hình Bắc Triều Tiên đăng bài diễn văn dài... 7 tiếng được Kim Jong-un đọc trong phiên họp toàn thể Đại hội đảng Lao Động Triều Tiên diễn ra trong bốn ngày cuối năm 2019. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng "chấm dứt lệnh cấm thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa", "chuẩn bị một loại vũ khí chiến lược mới".
Quyết tâm của Bắc Triều Tiên thể hiện sự thất vọng sau hai năm nỗ lực đàm phán với Mỹ ? Phía Washington muốn Bình Nhưỡng phải tiến hành phi hạt nhân trước khi bắt đầu mọi cuộc đàm phán. Trong khi vũ khí hạt nhân lại là yếu tố bảo đảm sự tồn tại của chế độ Kim Jong-un và lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chừng nào chưa ký được thỏa thuận hòa bình với Mỹ, trên giấy tờ hai bên vẫn trong tình trạng chiến tranh từ 7 thập niên nay.
Theo nhà nghiên cứu Féron, được Libération trích dẫn, vấn đề ở chỗ "Hoa Kỳ chưa quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên". Vì vậy, chế độ Bình Nhưỡng nối lại chính sách răn đe quân sự, từng được duy trì để gây sức ép với chính quyền của tổng thống Barack Obama.
Hiện tại, Bắc Triều Tiên chịu lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, cũng như từ Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Canada, không chỉ dừng ở lĩnh vực quân sự và giới tinh hoa của chế độ, mà kể từ năm 2017 gần như mở rộng sang toàn bộ lĩnh vực thương mại và mọi giao dịch tài chính với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn theo chuyên gia Féron, "Bình Nhưỡng luôn cho rằng thà chịu nghèo khổ hơn là phải đặt an ninh quốc gia đến rủi ro cao độ. Trong thập niên 1990, chế độ đã cầm cự được", nên chuyên gia Pháp không nghĩ là Bình Nhưỡng có thể nhân nhượng vào lúc này.
"Kim Jong-un lại tung lời đe dọa hạt nhân" cũng được Le Figaro đề cập. Cheong Seong Chang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Sejong, ở Seoul, được nhật báo thiên hữu trích dẫn, có chung nhận định là "Kim Jong-un không vội đàm phán. Bất chấp các lệnh cấm vận, nền kinh tế vẫn cầm cự tốt, đặc biệt là nhờ Bắc Kinh nương nhẹ các biện pháp trừng phạt" được Trung Quốc áp dụng từ năm 2017, thông qua việc trao đổi thương mại với Trung Quốc được nối lại ở Đan Đông. Ngoài ra, còn phải kể đến số lượng du khách Trung Quốc và các chiến dịch tin tặc đánh cắp tài khoản ngân hàng do hacker Bắc Triều Tiên tiến hành.
Nhật báo thiên hữu trở lại hình ảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên cưỡi ngựa trắng lên đỉnh núi thiêng Paektu hồi tháng 10/2019, được chiếu lại vào tháng 12, và luôn được coi là biểu tượng để công bố những quyết định quan trọng.
Hình ảnh được dàn cảnh cho thấy vị thống chế trẻ xoa tay bên đống lửa trong khu rừng tuyết trắng, xung quanh là những vị tướng lĩnh đội mũ sapca, làm liên tưởng tới cuộc chiến tranh du kích của Kim Nhật Thành, ông nội nhà lãnh đạo hiện nay, chống ách thực dân Nhật Bản. Lần này, theo phát biểu của Kim Jong-un, là chống lại Hoa Kỳ do "nỗi đau xuất phát từ những chính sách thù nghịch của Mỹ đã nuôi dưỡng nỗi phẫn uất của dân tộc Bắc Triều Tiên".
Theo Le Figaro, nhờ khai thác tâm lý dân tộc chủ nghĩa của 25 triệu người dân Bắc Triều Tiên và có hai hậu phương vững chắc là Bắc Kinh và Moskva, Kim Jong-un tô điểm hình ảnh để bắt đầu năm 2020 trên thế mạnh và dọa làm hỏng chiến dịch tranh cử tổng thống của đương kim chủ nhân Nhà Trắng. Ông Lee Min Young, nhà phân tích của NK News, một trang thông tin ở Seoul, dự đoán "Rocket Man" sẽ cho tiến hành một vụ thử tên lửa vì "ông ấy (Kim Jong-un) sẽ đẩy nút nhấn xa nhất có thể để xem Trump có thể đi đến đâu".
Tổng thống Pháp kiên quyết cải cách hưu trí
Bài diễn văn chúc mừng Năm Mới dài 18 phút của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với khẳng định quyết tâm cải cách chế độ hưu bổng đến cùng, được tất cả các nhật báo Pháp phân tích.
Ngoài các chủ đề như cuộc thảo luận toàn quốc, Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy, cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac qua đời, vụ tấn công khủng bố trong Sở Cảnh sát Paris, vị trí của sinh thái, tầm quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu… chủ nhân điện Elysée yêu cầu "một thỏa hiệp nhanh chóng" để có thể tiến hành cải cách hưu trí "theo đúng tiến độ" và để chấm dứt tình trạng đình công kéo dài trong ngành đường sắt và giao thông công cộng ở vùng Ile-de-France.
Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin trên trang nhất : "Hưu trí : Macron kiên quyết". Trong khi các nghiệp đoàn phản đối cải cách hưu trí hy vọng huy động được đông đảo lực lượng sau kỳ nghỉ lễ cuối năm. Philippe Martinez, lãnh đạo của nghiệp đoàn CGT, đã kêu gọi tổng đình công nhằm buộc chính phủ phải lùi bước.
Theo nhật báo Le Figaro, "Macron gây sức ép đối với Philippe (thủ tướng Pháp) và khiến phe đối lập chống lại thêm". Ông nhấn mạnh "tôi sẽ không nhân nhượng chút nào cho khuynh hướng bi quan hoặc sự bất động (…), vì có quá nhiều điều phải làm".
Bài xã luận "Ca ngợi lòng tin" nhấn mạnh : "Đối với mọi chính phủ, cải cách là một giai đoạn bắt buộc nếu họ muốn một ngày nào đó được đánh giá là "chính phủ cải cách"… Không một vị tổng thống nước Cộng hòa nào, không một thủ tướng nào sẽ nói với các vị rằng họ được bầu lên hoặc được chỉ định để duy trì mọi thứ theo trật tự trước đó và duy trì điều đang tồn tại". Ngoài việc cho rằng phải thừa nhận sự dũng cảm của tổng thống và thủ tướng Pháp, tác giả bài viết ủng hộ quyết tâm của chính phủ hiện nay vì nhiều đời chính phủ đã cố thực hiện cải cách hưu bổng… nhưng luôn thất bại, như trong những năm 1993, 1995, 1999, 2003, 2007, 2010 và 2013.
Quyết tâm cải cách hưu trí của tổng thống Pháp được Libération đánh giá "Macron đổ thêm dầu vào những lời chúc". Nhật báo thiên tả thấy rằng tổng thống nói ít về nội dung cải cách và những sửa đổi mà chính phủ có thể nhân nhượng với những nghiệp đoàn phản đối cải cách. Ngược lại, ông đẩy trách nhiệm lên nội các của thủ tướng Edouard Philippe.
Các nhật báo đều chờ đến ngày chính phủ thông báo những quyết định quan trọng, trong khi các nghiệp đoàn kêu gọi đình công đông đảo vào ngày 09/01.
Nhiều thay đổi có hiệu lực tại Pháp từ ngày 01/01/2020
Ngày 01/01/2020 cũng đánh dấu nhiều biện pháp, thay đổi bắt đầu có hiệu lực tại Pháp.
Le Figaro điểm một số biện pháp có hiệu lực như : giảm thuế thu nhập cho 17 triệu hộ gia đình, "tiền thưởng Macron" cho nhân viên được tiếp tục áp dụng, bệnh nhân không phải trả chi phí cho kính thuốc và sửa răng (theo biểu giá và mẫu mã quy định), một số thuốc liệu pháp không được bảo hiểm thanh toán… Tuy nhiên, thuế đối với một số mặt hàng gia tăng, như phí ngân hàng, bưu điện, thuốc lá… Đối với các doanh nghiệp, biện pháp "điểm thưởng-điểm phạt" được áp dụng để hạn chế số lượng hợp đồng lao động ngắn hạn.
Trong lĩnh vực truyền thông, luật nghe-nhìn sẽ được đưa ra thảo luận ở Hạ Viện Pháp vào tháng 02/2020 nhằm bảo vệ các cơ quan đài báo, phát thanh truyền hình Pháp trước sức ảnh hưởng của các mạng streaming và các tập đoàn Mỹ. Ngoài ra, ngay từ ngày 01/01/2020, các cơ quan của nhà nước Pháp, gồm France Télévisions (đài truyền hình Pháp), Radio France (đài phát thanh Pháp), INA (Viện Lưu trữ Quốc gia) và France Médias Monde (trong đó có RFI) sẽ được quy về thành một holding, theo mô hình của BBC của Anh.
2020 : Năm của nhiều thách thức lớn
Trong lĩnh vực tôn giáo, nhật báo Le Figaro cho rằng "2020, năm quyết định của Giáo hội Công giáo" với nhiều hồ sơ quan trọng đang chờ Giáo hoàng như kế hoạch cải cách Giáo hội, quản lý tài chính của Tòa Thánh, phong chức linh mục cho đàn ông có gia đình…
Giáo hoàng Francis cũng phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng công khai tại Mỹ, theo La Croix. Hiện tượng này được nhật báo Công Giáo dành trang nhất và hai trang "Sự kiện" nói về "Những rạn nứt trong Giáo hội Hoa Kỳ".
Trong lĩnh vực môi trường, Libération dành trang nhất và 5 trang "Sự kiện" cho "Những ý tưởng điền rồ nhất để cứu hành tinh" được các nhà báo tập hợp từ những công ty khởi nghiệp. Có lẽ điều kiện tiên quyết, theo nhật báo, là phải "Cùng điên, cùng cứu hành tinh" vì những biện pháp được đưa ra đôi khi vẫn bị coi là "kỳ cục" : tái chế phân trẻ em, làm nhựa đường từ tảo biển, trở lại dùng thuyền buồm, tự sản xuất điện tại nhà nhờ hệ thống phong gió thu nhỏ…
Nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến : "Bất động sản : điều chờ đợi chúng ta trong năm 2020". Liệu cơn sốt bất động sản đặc biệt năm 2019 tại Pháp có kéo sang năm 2020 ? Theo nhật báo, điều này còn tùy thuộc vào mức lãi suất vay ngân hàng.
Carlos Ghosn và cuộc "vượt ngục" như James Bond
Cựu chủ tịch liên doanh Renault-Nissan Carlos Ghosn âm thầm rời Nhật Bản, trốn sang Lebanon, tiếp tục là chủ đề chính trên trang nhất các nhật báo.
Cả Le Figaro và Les Echos miêu tả : "Carlos Ghosn, câu chuyện về một cuộc tẩu thoát không thể tin được". Dù trốn được phiên xét xử mà ông nói là bị nhắm đến, thì cựu chủ tịch liên doanh Renault-Nissan có nguy cơ sống dài dài trong "nhà tù" sang trọng ở Beyrouth. Nhưng ông chấp nhận cuộc sống này hơn là "như con sư tử bị nhốt trong lồng ở Tokyo", theo một bài viết khác của Le Figaro.
Nhật báo La Croix cũng thuật lại sự kiện "và nhiều khả năng có thể xảy ra". Lebanon không dẫn độ công dân nước họ và không ký thỏa thuận song phương về dẫn độ với Nhật Bản, tương tự Pháp cũng không có thỏa thuận dẫn độ với Nhật Bản. Cho nên ông Carlos Ghosn được bảo vệ ở hai nước này. Tuy nhiên, tại Pháp, ông Ghosn là đối tượng điều tra trong nhiều vụ như "lạm dụng tài sản xã hội" và "đưa và nhận hối lộ". Điều này giải thích tại sao ông chọn trốn sang Lebanon.
Thu Hằng