Đón năm mới 2020 : Một triệu người Hồng Kông biểu tình dưới hơi cay (RFI, 01/01/2020)
Trên một triệu người hôm 01/01/2020 đã biểu tình đòi dân chủ theo lời kêu gọi của Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông (FCDH). Sau nhiều tiếng đồng hồ tuần hành ôn hòa, đã xảy ra một số vụ đụng độ. Cảnh sát xịt hơi cay và vòi rồng, người biểu tình đối phó bằng bom xăng và tấn công vào các cơ sở thương mại thân Bắc Kinh. Đến tối, các phóng viên AFP chứng kiến cảnh sát bao vây, bắt giữ khoảng 100 người.
Người Hồng Kông tuần hành vì dân chủ trong ngày đầu năm mới 2020, 01/01/2020. Reuters/Navesh Chitrakar
Tối qua đông đảo người dân đã biểu tình tự phát với những chuỗi người nắm tay nhau kéo dài nhiều cây số. Khi vừa bước qua những giây phút đầu của năm mới 2020, họ cùng hô khẩu hiệu "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại", và hát bài "Nguyện vinh quang quy Hương Cảng". Cảnh sát dùng hơi cay và bắn đạn cao su vào đám đông để giải tỏa một số trục đường.
Thông tín viên Stéphane Lagarde có bài phóng sự về đêm giao thừa ở Hồng Kông :
"Những chiếc loa tái xuất, và những câu khẩu hiệu lại nở rộ trên những bức tường ở Hồng Kông : hai con số 1 trên nền đen trắng với câu "Không có việc từ bỏ cuộc chiến đấu". Những áp-phích mời gọi xuống đường trong ngày đầu năm 1 tháng Giêng – cuộc biểu tình đầu tiên của năm 2020.
Ở lối ra trạm xe điện ngầm Tây Loan Hà (Sai Wan Ho) tối qua, những bàn tay nắm chặt lấy nhau, hè phố hòa thành một. Trong chuỗi người này có ông Choi cùng hai con trai 8 và 10 tuổi. Ông cho biết : "Chúng tôi lại biểu tình vì sau sáu tháng qua chẳng có được nhượng bộ nào cả, cần phải nhớ lại những gì đã phải chịu đựng trong nửa cuối năm 2019. Cha con tôi đến từ một khu phố khác, ở đó có rất nhiều cảnh sát, các con tôi sợ hãi".
Họ sợ bị bắt ! Tại khu Vượng Giác (Mongkok), hơi cay và vòi rồng tấn công những nhóm nhỏ người biểu tình. Nhà văn nữ Hilda, khoảng 40 tuổi, khẳng định chẳng có gì phải ăn mừng cả, mà cần phải ủng hộ những người đang bị giam cầm. Bà nói : "Chúng tôi hy vọng những người bị bắt sẽ nhìn thấy chúng tôi trong các chương trình tin tức, và biết rằng phong trào phản kháng vẫn tiếp tục, họ không bị bỏ quên".
Đã sắp nửa đêm. Lần đầu tiên kể từ 10 năm qua, cuộc tập hợp truyền thống trên con đường dọc theo vịnh Victoria bị chính quyền cấm đoán. Những chiếc điện thoại di động được giơ lên như những ngọn nến, những bàn tay vươn cao, năm ngón tay xòe ra tượng trưng cho năm yêu sách của phong trào, trước khi những tia laser có hiệu ứng như pháo bông tỏa sáng rực phía trên những tòa nhà chọc trời".
Thụy My
****************
Hong Kong khởi đầu 2020 với đợt biểu tình mới (BBC, 01/01/2020)
Người biểu tình Hong Kong chào đón thập kỷ mới bằng một cuộc tuần hành ngày Tết Dương lịch, với hàng chục ngàn người tham gia xuống đường ủng hộ dân chủ.
Hàng ngàn người biểu tình Hong Kong tập trung tuần hành trong ngày đầu năm mới
Mặc dù cuộc tuần hành nhìn chung là ôn hòa, bạo lực nổ ra ở một vài nơi và cảnh sát đã dùng hơi cay.
Vào đêm giao thừa, người biểu tình nối tay nhau thành những mắt xích người trải dài hàng cây số trên các con phố tấp nập ở khu mua sắm.
Hơn sáu tháng sau khi các cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra, người biểu tình tập trung đếm ngược đón giao thừa ở Cảng Victoria.
Họ hô to : "Mười ! Chín ! Giải phóng Hong Kong, cách mạng bây giờ !"
Ở quận Mong Kok sầm uất, có người châm lửa đốt các rào chắn khi trời tối và đốt pháo hoa, làm gián đoạn giao thông.
Cảnh sát dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình ở đường Nathan Road ở Mong Kok và xịt hơi cay và bắn đạn cao su, tờ South China Morning Post đưa tin.
Chừng 40 dân biểu và các vị chức sắc từ 18 quốc gia gửi một bức thư ngỏ tới lãnh đạo Hong Kong bà Carrie Lam vào đêm giao thừa, thúc giục bà "tìm con đường ra thực sự cho cuộc khủng hoảng bằng cách giải quyết nỗi bất bình của người Hong Kong".
Các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu hồi tháng Sáu do dự luật dẫn độ, nhưng từ đó đã trở thành một phong trào rộng hơn đòi dân chủ toàn diện.
Một số người biểu tình theo khẩu hiệu : "Năm yêu cầu, không kém !"
Các yêu cầu của họ gồm : ân xá cho những người bị bắt, một cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát dùng bạo lực, phổ thông đầu phiếu và không coi các cuộc biểu tình là 'bạo động'. Yêu cầu thứ năm - việc rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi - đã được đáp ứng.
Cuộc tuần hành ngày đầu năm do Mặt trận Nhân quyền Dân sự CHRF tổ chức
Cho tới nay, hơn 6.500 người đã bị bắt sau các cuộc biểu tình.
'Tự do không miễn phí'
Vào lúc 14h00 ngày đầu năm mới, người dân đủ các độ tuổi tập trung để tuần hành từ Công viên Victorria. Có người đeo mặt nạ, bất chấp lệnh cấm che mặt, và mang biểu ngữ với dòng chữ "Tự do không miễn phí".
"Thật khó mà nói câu 'Chúc mừng năm mới' vì người Hong Kong không vui", một người đàn ông tên Tung nói, hãng tin Reuters tường thuật.
"Trừ khi cả năm yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng, và cảnh sát nhận trách nhiệm về bạo lực họ gây ra, lúc đó chúng tôi mới thực sự có một năm mới vui vẻ".
Cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ do Mặt trận Nhân quyền Dân sự (Civil Human Rights Front-CHRF) tổ chức. Mặt trận này đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có sự tham gia của hàng triệu người.
"Chính phủ đã bắt đầu đàn áp từ trước khi Năm Mới đến... ai bị đàn áp, chúng tôi sẽ sát cánh bên họ", ông Jimmy Sham, một lãnh đạo của CHRF và nhà hoạt động chính trị lâu năm, nói.
Bản thân ông Sham phải nhập viện hồi tháng Mười sau khi ông bị một nhóm người cầm búa rìu tấn công.
Trong bài phát biểu ngày đầu năm, Chủ tịch Tập Cận Bình nói Bắc Kinh sẽ "kiên quyết gìn giữ sự thịnh vượng và ổn định" của Hong Kong.
*****************
Cảnh sát Hong Kong bắn hơi cay trong cuộc tuần hành đầu năm 2020 (VOA, 01/01/2020)
Ngày 01/01, cảnh sát Hong Kong đã bắn hơi cay vào đám đông tuần hành ngay vào ngày đầu năm mới 2020 với hàng chục ngàn người tham gia, bao gồm cả gia đình và trẻ em, theo Reuters.
Ngày 01/01, cảnh sát Hong Kong đã bắn hơi cay vào đám đông tuần hành ngay vào ngày đầu năm mới 2020.
Được biết đây là một cuộc tuần hành ôn hòa yêu cầu chính quyền nhượng bộ nhiều hơn sau hơn nửa năm biểu tình, nhưng tình hình lại trở nên xấu đi khi diễn ra căng thẳng giữa cuộc tuần hành. Reuters cho biết cảnh sát bắn hơi cay giải tán người biểu tình ở quận Wanchai.
Các phóng viên của Reuters tại hiện trường cho biết trong số những người biểu tình, nhiều người đeo mặt nạ và mặc đồ đen, tập hợp lại và thành lập một vòng dây, ném một vài quả bom xăng và bung những chiếc ô để che chắn.
Cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ ở Hong Kong hiện do Mặt trận Nhân quyền Dân sự (Civil Human Rights Front) tổ chức. Đây cũng chính là nhóm đã tổ chức một số cuộc tuần hành vào năm ngoái thu hút hàng triệu người tham gia.
"Chính phủ bắt đầu đàn áp trước khi năm mới bắt đầu ... bất cứ ai bị áp bức, chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ", ông James Sham, một trong những người lãnh đạo Mặt trận Nhân quyền Dân sự, cho Reuters biết.
Tính đến nay tại Hong Kong đã diễn ra sáu tháng biểu tình chống chính phủ và đã kéo dài sang năm 2020, theo đó người biểu tình yêu cầu chính quyền thực thi nền dân chủ đầy đủ và tiến hành một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát đàn áp người biểu tình.
Trong diễn văn đầu năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Bắc Kinh "sẽ kiên quyết bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định" của Hong Kong dưới cái gọi là khuôn khổ "một quốc gia, hai hệ thống".
Nhiều người ở Hong Kong tức giận vì Bắc Kinh kiểm soát quá chặt chẽ thành phố này. Khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong được hứa hẹn sẽ có quyền tự trị cao theo khuôn khổ trên.
Một nhóm gồm 40 nghị sĩ và chức sắc từ 18 quốc gia đã viết một bức thư ngỏ tới Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam vào đêm giao thừa (31/12), thúc giục bà tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng cách giải quyết sự bất bình của người dân.
***************
Khảo sát : 59% dân Hong Kong ủng hộ phong trào biểu tình chống chính quyền (VOA, 31/12/2019)
Kết quả một cuộc khảo sát cho biết có đến 59% người dân Hong Kong ủng hộ phong trào biểu tình đòi dân chủ, và hơn 1/3 số người được khảo sát cho biết họ đã từng tham gia một cuộc biểu tình chống chính quyền, theo Reuters hôm 31/12.
Biểu tình dân chủ ở Hong Kong.
Cuộc khảo sát trên do Viện Nghiên cứu Dư luận Hong Kong (Hong Kong Public Opinion Research Institute), phối hợp với hãng tin Reuters.
Kết quả khảo sát cho biết chỉ có 30% phản đối các cuộc biểu tình.
57% trong số những người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ ủng hộ việc Đặc khu trưởng Hong Kong cần phải từ chức. Bà Lam là một mục tiêu cụ thể của các cuộc biểu tình chống chính quyền đã làm đình trệ thành phố này trong gần suốt cả năm 2019 sau khi bà cố gắng thúc đẩy dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Tuy nhiên, chỉ có 17% số người tham gia khảo sát bày tỏ ủng hộ việc tiến tới Hong Kong độc lập khỏi Trung Quốc và 20% phản đối chính sách "một quốc gia, hai chế độ" hiện hành.
Nhiều người biểu tình nói rằng Bắc Kinh đã tận dụng thẩm quyền của mình theo cơ chế trên để dần dần phá hoại các quyền tự do nhất định - như quyền tư pháp độc lập và tự do ngôn luận - đáng lẽ phải được đảm bảo ít nhất cho đến năm 2047 theo thỏa thuận.
Cuộc thăm dò này lấy ý kiến của 1.021 người, được thực hiện từ ngày 17-20/12, cho thấy phần đông nói rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra chủ yếu do chính quyền Hong Kong, chứ không phải chính phủ trung ương ở Bắc Kinh, gây ra.
******************
Lãnh đạo Đài Loan từ chối đề nghị thống nhất của Trung Quốc theo mô hình Hong Kong (BBC, 01/01/2020)
Ngày 1/1, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết, nước này sẽ không chấp nhận mô hình "một quốc gia, hai chế độ" mà Bắc Kinh đề xuất nhằm thống nhất hòn đảo này. Bà nói rằng, thỏa thuận như vậy đã thất bại ở Hong Kong.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh thống nhất hoàn toàn đất nước Trung Quốc là nhiệm vụ lịch sử, còn Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phản đối
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời của mình và sẽ dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết. Đài Loan thì nói họ là một quốc gia độc lập, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc.
Bà Thái, người sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào ngày 11/1 tới, cũng tuyên bố trong một bài phát biểu năm mới rằng, để bảo vệ chủ quyền của Đài Loan, chính phủ của bà sẽ xây dựng một cơ chế để bảo vệ tự do và nền dân chủ, khi Bắc Kinh tăng áp lực.
Nỗi sợ hãi với sự cai trị của Trung Quốc đã trở thành một yếu tố chính trong chiến dịch tranh cử của bà Thái, và ngày càng được củng cố bởi cáccuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong đã diễn ra trong nhiều tháng qua.
Bà Thái nhấn mạnh rằng, người dân Hong Kong đã cho thấy rằng, mô hình "một quốc gia, hai chế độ" chắc chắn không khả thi.
Tình hình Hong Kong ngày càng xấu đi. Và niềm tin vào mô hình "một quốc gia, hai chế độ" đã bị suy giảm bởi sự lạm quyền của chính quyền - bà Thái nói.
Hong Kong đã bị ảnh hưởng bởi nhiều tháng biểu tình chống chính phủ, do phẫn nộ lan rộng trước những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Hong Kong, bất chấp những lời hứa duy trì sự tự trị của hòn đảo nguyên là thuộc địa cũ này của Anh.
Hôm 31/12, Quốc hội Đài Loan cũng đã thông qua một đạo luật chống xâm nhập, nhằm chống lại các ảnh hưởng chính trị từ Trung Quốc, khiến căng thẳng trong mối quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh gia tăng.
Bà Thái khẳng định rằng, luật này sẽ bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và giao thương sẽ không bị ảnh hưởng giữa bối cảnh có những lo ngại rằng một luật mới có thể gây tổn hại tới mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng bà Thái và Đảng Dân Tiến của bà đang thúc đẩy việc hòn đảo này có nền độc lập chính thức. Bắc Kinh đe doạ sẽ có chiến tranh nếu bất kỳ động thái nào như vậy diễn ra.
Bà Thái nhắc lại rằng bà sẽ không đơn phương thay đổi hiện trạng với Trung Quốc.