Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/03/2020

Điểm báo Pháp - Bắc Kinh cố phủ nhận virus xuất xứ từ Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Virus corona : Bắc Kinh cố phủ nhận virus xuất xứ từ Trung Quốc

Dịch Covid càng lúc càng lan rộng tại Châu Âu dĩ nhiên là đề tài chủ đạo trên báo Pháp ra ngày hôm nay 12/03/2020, được Le Figaro và Les Echos nêu bật trên trang nhất.

phunhan1

Một bệnh viện điều trị virus corona tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 17/02/2020. STR / AFP

Dù chọn chủ đề khác làm tựa chính, Libération, La Croix và Le Monde cũng đã dành nhiều bài viết cho con virus corona đang là đại họa của toàn thế giới. La Croix có một bài rất đáng chú ý, tiếp tục vạch trần ý đồ gần đây của Bắc Kinh muốn xóa nhòa vai trò của Trung Quốc trong việc gây nên đại dịch toàn cầu.

Trong bài "Trung Quốc muốn tin rằng dịch Covid-19 đã lùi vào quá khứ", nhật báo công giáo La Croix ghi nhận hai chiều hướng trái ngược nhau đang diễn ra : Dịch bệnh tại Trung Quốc ngày càng có thêm dấu hiệu lùi bước, trong lúc tại phần còn lại của thế giới, từ ngữ "đại dịch" đã được chính thức sử dụng.

Dịch Covid-19 đã lùi bước tại Trung Quốc, nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn

Theo La Croix, khi lần đầu tiên đặt chân đến Vũ Hán, nơi xuất phát của dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn thế giới hôm 10/03/2020 vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng "sự lây lan của dịch bệnh kể như đã bị ngăn chặn". Tuy nhiên, ông đã cẩn thận chưa tuyên bố chiến thắng, vì nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát vẫn còn đó trong bối cảnh đại dịch đang lan rộng ngoài Trung Quốc.

Đối với La Croix, Trung Quốc hiện đang đứng trước hai nguy cơ chủ chốt. Trước hết, việc khôi phục các hoạt động thương mại và công nghiệp sẽ lại tạo ra tình trạng dân chúng khắp nơi tiếp xúc với nhau, tạo điều kiện cho con virus lây lan trở lại.

Ngoài ra, đại dịch hoành hành ngoài Trung Quốc có thể gây ra hiệu ứng boomerang, nhất là khi hàng ngàn người Trung Quốc ra nước ngoài nhân kỳ nghỉ Tết hồi tháng Giêng vừa qua sẽ hồi hương. Nhiều trường hợp virus corona từ Ý, Iran, Hàn Quốc… "tái nhập" vào Trung Quốc đã được ghi nhận trong những ngày gần đây.

Tuyên truyền để xóa nhòa việc Trung Quốc là nơi phát tán virus

Tuy nhiên nhìn chung, trên bình diện y tế, bầu không khí tại Trung Quốc đã lạc quan trở lại. Trong bối cảnh đó, La Croix đã ghi nhận sự kiện "guồng máy tuyên truyền đã khởi động trở lại để bắt đầu xóa khỏi ký ức tập thể của cả người Trung Quốc lẫn người ngoại quốc, nguồn gốc và bản chất Trung Quốc của virus Vũ Hán".

Theo La Croix, từ một tuần lễ nay, Trung Quốc đã tung ra cả "một chiến dịch ngoại giao và truyền thông nhằm mục đích xóa nhòa thời điểm chính xác mà dịch bệnh bùng lên".

Tờ báo cho biết là: "Mọi đại sứ Trung Quốc đều phải dùng tài khoản Twitter (vốn bị cấm ở Trung Quốc) của mình để truyền đi thông điệp với nội dung "Cho dù con virus corona đã xuất phát từ Vũ Hán, nhưng nguồn gốc thực sự của nó vẫn chưa được biết. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem chính xác virus đến từ đâu".

Đối với La Croix, Trung Quốc còn có một động thái "thâm hiểm" hơn khi gọi con virus corona ở ngoại quốc bằng những tên khác, chẳng hạn như đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo đã sử dụng từ "virus Nhật Bản".

Tờ báo Pháp kết luận : "Đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, một mình nắm giữ sự thật lịch sử, phải tạo ra tâm lý nghi ngờ đối với mọi thứ gắn Trung Quốc với con virus, và phải xóa bỏ mối quan hệ này ra khỏi sử sách. Trong số những vụ tẩy xóa lịch sử khác kể từ năm 1949, Bắc Kinh đã xóa được vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 ra khỏi tâm trí của tất cả các thế hệ được sinh ra sau sự kiện đó".

Miền bắc Ý muốn chính quyền dùng mô hình cách ly Vũ Hán

Cũng liên quan đến vai trò của Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos đã đặc biệt chú ý đến sự kiện Ý vừa quay sang nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong việc chống dịch Covid-19.

Theo đặc phái viên của tờ báo tại Ý, trước trăm bề khó khăn đang gặp phải trong việc đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19, giới y tế tại miền bắc Ý đã lên tiếng đòi chính quyền Rôma phải ban hành những biện pháp cách ly quyết liệt hơn nữa.

Người điều phối các hoạt động cấp cứu phụ trách vùng Lombardia, nơi chịu tác hại nặng nề nhất của dịch bệnh đã nói thẳng: "Hãy áp dụng mô hình Vũ Hán để kềm hãm đà lây lan của dịch bệnh".

Theo Les Echos, chủ tịch hai vùng Lombardia và Veneto đã kêu gọi chính quyền trung ương ban bố lệnh phong tỏa và cách ly hoàn toàn để chống dịch, tức là đóng cửa tất cả các nhà máy, doanh nghiệp và cửa hàng thương mại, giảm hoạt động của ngành vận chuyển đến mức tối thiểu.

Những đòi hỏi triệt để kể trên đã được giới chủ nhân, cũng như chính phủ Ý tiếp nhận một cách rất dè dặt, vì sợ rằng sẽ tạo ra những khó khăn kinh tế, gây nên bùng nổ xã hội.

Bị Châu Âu bỏ bê, Ý cầu viện Trung Quốc

Trước mắt, theo Les Echos, chính quyền Ý đã kêu gọi Châu Âu giúp đỡ. Thế nhưng, trước phản ứng chậm chạp của Bruxelles, Roma đã quay sang nhờ Trung Quốc và đã được Bắc Kinh chấp nhận ngay. Theo ghi nhận của Les Echos, Trung Quốc như đã không chấp nhất việc chính phủ Ý là một trong những nước hiếm hoi đầu tiên đình chỉ ngay lập tức tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc khi dịch Covid bùng lên tại Vũ Hán.

Và như vậy là Bắc Kinh đang cấp tốc chuyển qua cho Ý 1.000 máy hỗ trợ hô hấp (Ý hiện chỉ có 3.000 chiếc mà thôi), 20.000 bộ quần áo bảo hộ y tế… cùng với 9 chuyên gia thành thạo trong chiến dịch chống Covid 19 tại Trung Quốc vừa qua.

Bắc Kinh cũng hứa gởi qua giúp Roma 100.000 chiếc khẩu trang công nghệ cao và đã yêu cầu các công ty Trung Quốc xuất khẩu 2 triệu khẩu trang y tế thông thường sang Ý.

Về phía chính phủ Ý, Les Echos ghi nhận là Roma đã cam kết mua một khối lượng lớn thiết bị hỗ trợ hô hấp. Đây là những thiết bị do các công ty Trung Quốc làm ra để đối phó với dịch bệnh tại chỗ, nay đang bị tồn kho, vì không còn cần thiết.

Theo nhật báo Pháp, ngoại trưởng Ý đã được đồng nhiệm Trung Quốc cam kết hôm 10/03 là sẽ ưu tiên đáp ứng các yêu cầu của Roma. Ông Luigi Di Mario đã cảm ơn phía Trung Quốc và tuyên bố rằng : "Chúng tôi chắc chắn sẽ không quên quốc gia đã gần gũi với chúng tôi".

Les Echos bình luận : "Lời cám ơn này chẳng khác gì một lời trách móc nhắm vào Bruxelles".

Trang nhất các báo

Như nói ở trên, hai tờ Le Figaro Les Echos đã dành hồ sơ chính và tựa lớn trang nhất cho dịch Covid-19, trong lúc Le Monde, Libération La Croix thì chú ý đến thời sự Pháp hay quốc tế.

Dù cùng khai thác chủ đề virus corona, nhưng Le Figaro đã nhấn mạnh đến phản ứng của Châu Âu với hàng tựa lớn: "Đối mặt với đại dịch, Châu Âu đang cố gắng tổ chức" cách phản ứng. Trong khi đó, Les Echos lại chú ý nhiều hơn đến tình hình tại Pháp, cho rằng "Pháp bị (virus) bao vây".

Đối với Le Figaro để tránh tình trạng các quốc gia vì ích kỷ chỉ bo bo lo cho mình, chính "Ủy ban Châu Âu sẽ đứng ra điều phối công cuộc đấu tranh chống đại dịch giữa các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu". Theo Le Figaro, đây quả là một việc không dễ dàng do truyền thống "hợp tác khó khăn" giữa các nước Châu Âu với nhau.

Tuy vậy, cả hai tờ báo đều có vẻ khen ngợi quyết định của nước Đức, với việc thủ tướng Merkel sẵn sàng để Đức tham gia giúp đỡ các nước khác, đồng thời từ bỏ thái độ cứng rắn trên vấn đề thâm thủng ngân sách để các nước có thể tung tiền chống dịch.

Ba bà tranh chức thị trưởng Paris

Trái với hai đồng nghiệp Les Echos Le Figaro, nhật báo Libération đã dành trang nhất và hồ sơ chính cho cuộc bầu cử các hội đồng thành phố và thị xã ở Pháp, mà vòng 1 sẽ diễn ra ngày Chủ Nhật 15 tháng Ba tới đây.

Libération đặc biệt chú ý đến tình hình thủ đô Paris, nơi ba ứng viên nhiều triển vọng làm thị trưởng nhất đều là phụ nữ : Thị trưởng mãn nhiệm Anne Hidalgo, đảng Xã Hội, bà Rachida Dati, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, và bà Agnès Buzyn đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước.

Đây là ba người đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận, do vậy, tại Paris sẽ là một Cuộc Đấu Tay Ba – tựa lớn trang nhất - chứ không phải là tay đôi truyền thống.

Nhật báo La Croix thì nhìn sang Syria, nêu bật thực tế là sau 9 năm nội chiến, người dân nước này đang rơi vào cảnh tuyệt vọng.

Sau cùng, Le Monde đã chú ý đến tình hình Nga, nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất : "Cú đảo chánh về mặt Hiến pháp của Putin", phân tích cách thức mà lãnh đạo Nga đã làm, để có thể danh chính ngôn thuận bám lấy quyền hành.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 565 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)