Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/03/2020

Điểm báo Pháp - Viết lại lịch sử của nạn dịch virus Vũ Hán

RFI tiếng Việt

Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử của nạn dịch virus Vũ Hán

Khi tiếng khóc của những gia đình đau khổ ở Vũ Hán, Hồ Bắc và trên toàn quốc đang còn vang vọng, thì Tập Cận Bình đã chuẩn bị khua chuông gióng trống ca khúc khải hoàn. Trước việc Trung Quốc bắt đầu tung hỏa mù về nguồn gốc của con virus corona từ Vũ Hán, sau khi đã gây họa cho cả thế giới - Nhà văn Diêm Liên Khoa (Yan Lianke) đã kêu gọi "Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử của nạn dịch".

viet1

Nhân viên đi từng nhà ở Vũ Hán để kiểm tra trong thời gian thành phố bị phong tỏa vì dịch virus corona, những hình ảnh mà Bắc Kinh muốn xóa nhòa trong lịch sử sau khi đã gây họa cho cả thế giới. China Daily via REUTERS

Nạn dịch virus corona là đề tài chiếm trọn nhiều trang của các tuần báo lớn kỳ này. Trang bìa của L’Express là hình con virus corona như một quả chùy tua tủa đinh sắt, đánh vỡ tung bức tường, chạy tựa ngắn gọn "Coronakrach". Chiếm gần phân nửa hình bìa của The Economist là chiếc bóng đầy đe dọa của con virus phía trên đầu một người đeo khẩu trang đang phát biểu sau chiếc bục, với tựa đề "Chính trị đại dịch".

Courrier International, xuất bản trước khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đại dịch, chạy tựa "Virus corona : Đại dịch sắp đến" với tranh vẽ hai người ngồi uống nước nhưng quay lưng vào nhau. Người nam mang khẩu trang, hỏi "Em có sợ không ?". Người nữ mặt và đầu bịt kín bằng năm sáu chiếc khẩu trang chỉ chừa đôi mắt, trả lời "Hơi sợ sợ !". Le Point lần về quá khứ, với hàng tít "Những trận dịch đã thay đổi lịch sử như thế nào".

Một cuộc chiến mà nước Ý không có quyền bại trận

Tại nước Châu Âu đang gánh chịu nạn dịch virus Vũ Hán nặng nề nhất là Ý, Courrier International dịch một bài viết của La Republica ở Roma nhấn mạnh "Một cuộc chiến mà chúng ta không có quyền thất trận".

Đối với nước Ý, "đây là giờ phút đen tối nhất". Thủ tướng Giuseppe Conte không hề nói ngoa khi nhắc lại câu của cố thủ tướng Anh Winston Churchill ngày 18/06/1940, đòi hỏi công dân hy sinh tối đa để ngăn chận Đức quốc xã. Kẻ thù giờ đây là một con virus từ Trung Quốc, và toàn thể nước Ý đã trở thành "vùng đỏ".

Đó là biện pháp triệt để nhất, chưa từng thấy trong lịch sử, không chỉ của nước Ý. Chưa từng có quốc gia nào trên thế giới đóng toàn bộ biên giới, ngưng các vụ di chuyển trong nước, cấm mọi cuộc tụ tập, đóng cửa tất cả sân vận động, bảo tàng, nhà hát, tiệm buôn, doanh nghiệp. Phải sử dụng liệu pháp sốc này vì đại dịch lan tràn với tốc độ kinh hồn, gây sợ hãi, quăng vào mặt người Ý ba điều hiển nhiên.

Trước hết, con virus corona chủng mới đủ hung dữ để bác hết những lý lẽ rằng đây chỉ là "một loại cúm hơi nặng hơn một tí", không làm chết người. Thứ hai, con virus lan tràn vô cùng nhanh chóng, dù miền bắc Ý đã bị phong tỏa nhưng vẫn lan đến Roma. Thứ ba, ban đầu chỉ những bệnh nhân trên 80 tuổi mới bị tử vong, nhưng nay virus đe dọa cả những người chỉ 30 tuổi và có sức khỏe tốt.

Theo tờ báo, hãy còn quá sớm để nói về những sai sót trong quản lý, phân cấp trách nhiệm, coi nhẹ nạn dịch trong những ngày đầu. Đây là lúc nhận lấy trách nhiệm tập thể và cá nhân. Nhà nước đã thực hiện phần việc của mình, dùng đến biện pháp cứng rắn chưa từng có tại một nước dân chủ - một nhà nước đang yếu đi và một khi nạn dịch kết thúc còn phải đối mặt với việc vực dậy nền kinh tế đang tan hoang. Giờ thì đến lượt người dân chứng tỏ sự tự giác và ý thức công dân, #IoRestoACasa (Tôi ở nhà), nếu không sẽ có nguy cơ thất bại.

Winston Churchill từng nói : "Người Ý thua một trận chiến cứ như là một trận đá banh, và họ đá banh cứ như tham chiến". La Republica cho rằng, "có thể ông Churchill có lý. Có điều, lần này thất bại là một sự xa xỉ mà chúng ta không thể tự cho phép".

Dùng liệu pháp sốc như Vũ Hán ?

Tờ Corriere della Sera ở Milano đặt câu hỏi "Có nên bắt chước Trung Quốc ?". Liệu nền dân chủ Ý có thể chịu đựng được cùng một liệu pháp sốc như Vũ Hán hay không ?

Cư dân bị kiểm soát trên đường phố, có thể bị trừng phạt nặng nề. Các gia đình bị cấm ra khỏi nhà trong hơn một tháng trời, thậm chí chốt chặn cửa, thực phẩm được giao trước thềm nhà… Làm thế nào hòa hợp giá trị dân chủ với nhu cầu của tình trạng khẩn cấp ? Những ngày gần đây mang tính quyết định để tránh sự sụp đổ của hệ thống bệnh viện, tờ báo kêu gọi người dân Ý vốn đã quen cách sống sôi nổi nên biết vì mình và vì mọi người.

Chú Sam chưa sẵn sàng đối phó với virus corona

Nhìn sang nước Mỹ, The Economist trong bài "Chú Sam đối đầu với virus corona" nhận xét, con virus đang lây lan nhanh chóng ở Hoa Kỳ, nhưng đất nước này có vẻ chưa chuẩn bị sẵn sàng.

Nước Mỹ may mắn là có nhiều tuần lễ để đối phó với dịch bệnh, nhưng đã lãng phí thời gian quý báu này, trong khi có sẵn đội ngũ bác sĩ, các nhà dịch tễ học giỏi nhất thế giới. Việc phân quyền cho các tiểu bang, chi phí chữa bệnh đắt đỏ và mạng lưới y tế không bao phủ khắp khiến khó thể chống chọi với nạn dịch. Một kịch bản ước tính 1/5 dân Mỹ có nguy cơ nhiễm bệnh với tỉ lệ tử vong 0,5% tức 327.000 người thiệt mạng, cao gấp 9 lần so với cúm mùa, vì chỉ sau 6 ngày là số người bị nhiễm tăng gấp đôi.

Iran, Nhà nước ốm yếu

Còn tại Trung Đông, The Economist quan sát thấy Iran đã để cho nạn dịch Covid-19 lan tràn ngoài tầm kiểm soát, đánh giá đây là một "Nhà nước bệnh hoạn".

Không có nước nào mà con virus corona tấn công vào các nhà lãnh đạo dữ dội như Iran. Hai phó tổng thống, nhiều bộ trưởng và 24 dân biểu (chiếm 1/10 Quốc hội). Tổng thống Hassan Rohani nay chủ trì các cuộc họp nội các thưa thớt, khiến người ta đặt nghi vấn về sự vắng mặt của nhiều quan chức cao cấp khác.

Theo Tehran, virus corona đã lây nhiễm cho 9.000 người và giết chết hơn 300 người, khiến Iran trở thành ổ dịch lớn thứ hai bên ngoài Trung Quốc. Nhưng không ai tin vào những con số của chính phủ. Niềm tin vào chế độ đã xuống rất thấp sau khi sát hại người biểu tình tháng 11/2019 và sự dối trá trong vụ bắn rơi máy bay Ukraine tháng 1/2020. Khi con virus Vũ Hán bắt đầu tấn công, chính quyền che giấu để không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc hội ngày 21/2. Thứ trưởng y tế tuy ho rất nhiều vẫn nói rằng mình ổn, cho đến khi xét nghiệm dương tính vài ngày sau đó. Số lượng các quan chức Iran bị nhiễm virus corona khiến các chính phủ khác cho rằng số người dương tính tại nước này khoảng 100.000, thậm chí còn cao hơn theo một số ước lượng khác.

Khoảng 300.000 quân lính và tình nguyện viên được huy động chống dịch, nhưng đã trễ. Thánh địa Qom không bị cách ly, dân ở ổ dịch này chạy sang các địa phương khác làm dịch bệnh lan tràn nhanh chóng, trong khi Saudi Arabia ít bị ảnh hưởng hơn vẫn cấm khách hành hương từ các nơi đến thánh địa của mình.

Iran vốn đã bị cô lập vì cấm vận của Mỹ, nay lại càng khốn khó hơn, với GDP được ước lượng sẽ mất đến 25-30%. Các quan chức đe dọa trừng phạt những ai loan truyền tin đồn về dịch bệnh, đổ lỗi cho nước Mỹ gieo rắc sợ hãi. Nhưng chính các thành viên chính phủ Iran đã đổ bệnh, khiến tầm cỡ cuộc khủng hoảng không thể che giấu được nữa. Và có thể tình hình còn tệ hại hơn đối với các nhà lãnh đạo Iran, vì đa số già cả, hom hem và đặc biệt có nguy cơ tử vong vì virus Vũ Hán.

Suy thoái vì virus corona nặng nề hơn khủng hoảng 2008

Về hậu quả của nạn dịch virus Vũ Hán trên lãnh vực kinh tế, L’Express nêu vấn đề "Suy thoái : Phải chăng còn tệ hại hơn hồi năm 2008 ?". Bóng ma cuộc khủng hoảng kinh tế lại đe dọa, nhưng vấn đề là thế giới ngày nay dễ tổn thương hơn nhiều so với thời đó.

Chỉ trong vòng ba ngày, doanh số của Helen Traiteur, chuyên cung cấp tiệc buffet cho các sự kiện của giới thượng lưu đã sụt xuống tận đáy : từ chỉ còn 70.000 euro so với 900.000 euro cùng kỳ năm ngoái ; và không có đơn đặt hàng nào cho tháng Tư, tháng Năm.

Không ai có thể tưởng tượng con virus từ Vũ Hán lại có thể tấn công vào nền kinh tế thô bạo đến thế. Trong suốt bốn tuần lễ, Châu Âu đã kinh hoàng nhìn thấy Trung Quốc phong tỏa hàng mấy chục triệu dân, quên rằng con virus có thể gõ cửa nhà mình. Đối với Volkswagen, Trung Quốc chiếm đến 40% doanh số toàn cầu, nhưng nay số xe bán được đã giảm 90%. Các tập đoàn hàng hiệu cũng bị giảm hẳn số bán. Tập đoàn Seb số Một thế giới về hàng điện tử gia dụng, sở hữu 7 nhà máy tại Trung Quốc, trong quý đầu đã lỗ mất 250 triệu euro.

Khi Ý quyết định đóng cửa toàn bộ, 13% GDP của Liên Hiệp Châu Âu bị đe dọa. Trong ngành hàng không, nạn nhân đầu tiên là công ty Anh Flybe, đã khai phá sản. Thị trường chứng khoán khắp nơi giảm sút mạnh. Người ta lo ngại cuộc khủng hoảng virus corona sẽ còn trầm trọng hơn năm 2008. Chuyên gia thống kê Nassim Nicholas Taleb nổi tiếng với cuốn Thiên nga đen khẳng định điều này là chắc chắn, vì đã mất đi công cụ điều chỉnh, với chính sách lãi suất hầu như bằng 0. Ba lý do được nêu ra.

Hồi 2008, cú sốc là nội tại : các hộ gia đình Mỹ ngập đầu trong nợ xấu, các ngân hàng trung ương đã giảm mạnh lãi suất, bơm thật nhiều tiền vào, và các Nhà nước cứu các ngân hàng để tái khởi động bộ máy. Nay thì con virus từ bên ngoài vừa tấn công vào tiêu thụ, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là công nghệ và dược phẩm. Thế nên giảm nhẹ điều kiện vay mượn không kích thích được các gia đình mua vé máy bay, không giúp được gì cho các nhà sản xuất xe hơi khi phụ tùng phải nằm chờ ở cảng Thượng Hải.

Thứ hai, Trung Quốc vốn đóng vai trò giảm sốc năm 2008, giờ đây đang trong tâm bão.

Cuối cùng, thế giới dễ tổn thương hơn so với 12 năm trước. Nợ công và tư lên đến 178.000 tỉ đô la, chưa bao giờ hành tinh chúng ta nợ nần như thế trong thời bình, kết quả của một thập niên lãi suất bằng 0. Các chuyên gia cảnh báo bằng mọi giá phải tránh cái vòng luẩn quẩn của nạn phá sản dây chuyền.

"Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử virus Vũ Hán"

Trước việc Trung Quốc bắt đầu tung hỏa mù về nguồn gốc của con virus corona từ Vũ Hán, sau khi đã gây họa cho cả thế giới - Nhà văn Diêm Liên Khoa (Yan Lianke) từ Bắc Kinh đã kêu gọi "Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử của nạn dịch", vào dịp khai mạc khóa sáng tác văn chương dành cho sinh viên Hồng Kông. Trong bài giảng của khóa học từ xa này, ông cổ vũ lớp trẻ hãy giữ lấy những kỷ niệm của đại dịch virus corona hiện nay, dựa trên những gì mình đã trải nghiệm và chuyển giao cho thế hệ sau.

Tại sao ? Bởi vì Covid-19, con virus từ Vũ Hán đã trở thành thảm họa tầm cỡ quốc gia và thế giới vẫn chưa ngăn chặn được, vẫn đang lây lan khắp nơi. Tuy vậy khi tiếng khóc của những gia đình đau khổ ở Vũ Hán, Hồ Bắc và trên toàn quốc đang còn vang vọng, thì người ta đã chuẩn bị khua chuông gióng trống ca khúc khải hoàn.

Ông Diêm viết : "Từ khi virus corona dần dà bước vào cuộc sống chúng ta, không thể nào biết được đến nay đã có bao nhiêu người chết, tại bệnh viện hay các nơi khác. Và với thời gian, đây có thể vĩnh viễn là một bí mật". Theo ông, không nên bi quan hay ngược lại, dùng phương pháp "thắng lợi tinh thần" như nhân vật AQ của Lỗ Tấn – bị sỉ nhục, đánh đập nhưng đến phút cuối vẫn tự huyễn hoặc rằng mình chiến thắng.

Vì sao trong cuộc sống hiện tại và quá khứ, các bi kịch, thảm họa liên tục xảy ra ? Vì sao những hố sâu lịch sử luôn phải lấp đầy bằng hàng trăm ngàn xác chết ? Có bao nhiêu là câu hỏi được đặt ra. Những ký ức cá nhân bị kế hoạch hóa, thay thế, xóa bỏ ; nhà nước ra lệnh cho cá nhân phải nhớ những gì và nên quên những gì.

Nếu không thể cao giọng tố cáo, hãy thầm thì vào tai…

Không nói đến quá khứ xa xưa, mà chỉ hai mươi năm gần đây thôi. Nạn dịch SIDA (với xì-căng-đan máu nhiễm độc ở Hà Nam trong thập niên 90), SARS (2002-2003) và ngày nay là Covid-19, những thanh niên thế hệ 80,90 đều nhớ đến. Tại sao trong những vụ do con người gây ra đều như nhau ? Diễn tiến của nạn dịch virus corona mới có thể coi là bản remake của thảm kịch SARS cách đây 17 năm, với cùng một đạo diễn. Và chúng ta là những hạt bụi mong manh, không tìm kiếm xem ai là đạo diễn. Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả.

Ký ức cá nhân không biến thành sức mạnh có thể thay đổi thực tại, nhưng ít nhất cũng đặt được một dấu hỏi trong đầu chúng ta, trong thời đại dối trá này. Ít nhất, nếu một mai lại có cuộc Đại nhảy vọt mới, chúng ta biết rằng không thể luyện được thép từ cát. Nếu lại có Cách mạng văn hóa, chúng ta có thể chắc chắn rằng sẽ không đưa cha mẹ mình vào tù hay ra pháp trường.

Nhà văn kêu gọi : "Nếu không thể là người cảnh báo như bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), ít nhất hãy là người lắng nghe. Nếu không thể cao giọng nói, hãy thầm thì vào tai. Nếu không thể thì thầm, hãy là đám đông thầm lặng với trí nhớ và ký ức. Trước hàng ngàn người đang chuẩn bị ca ngợi chiến thắng trước con virus corona, hãy đứng lên yên lặng, chôn chặt nấm mộ của Chúa vào tim. Những con người được trí nhớ in dấu như bằng sắt nung đỏ, một ngày nào đó có thể chuyển giao ký ức của mình cho các thế hệ tương lai".

Bài giảng của nhà văn Diêm Liên Khoa đăng trên mạng Vi Tín (Wixin) tuy bị kiểm duyệt xóa, nhưng đã được chia sẻ rộng rãi và được bình luận sôi nổi trên các mạng xã hội trong và ngoài Hoa lục. Trang Chinese Pen Center lưu lại được, và Courrier International dịch ra tiếng Pháp.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)