Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/04/2020

Bắc Kinh chuẩn bị gì giữa đại dịch với Đài Loan và Myanmar ?

RFI tổng hợp

Thế giới lo đối phó dịch bệnh, Trung Quốc tăng cường đe dọa Đài Loan (RFI, 14/04/2020)

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã giảm xuống tại Hoa lục nhưng đang hoành hành dữ dội tại Mỹ, người Đài Loan càng cảm thấy bất an. Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt đang kẹt tại đảo Guam do con virus corona tấn công vào các thủy thủ. Tháng Ba, quân đội Trung Quốc tập trận hai tuần với Cam Bốt, trong khi Mỹ và các đồng minh hủy bỏ các cuộc tập trận do đại dịch.

backinh1

Quân đội Đài Loan tại căn cứ Đài Nam (Tainan) sẵn sàng chiến đấu ngay trong mùa dịch bệnh. Ảnh chụp ngày 09/04/2020. © Reuters/Ann Wang

Những chiếc xe tăng kiên nhẫn xếp hàng cùng với xe hơi, xe tải chở hàng và những chiếc taxi màu vàng nghệ, trước khi đèn giao thông bật sang màu xanh. Cuộc diễn tập được tiến hành ở Yuanshan, thành phố ở đông nam Đài Bắc, với mục tiêu đẩy lùi quân Trung Quốc xâm lược.

The Economist mô tả một số xe tăng vẫn còn ràng dây bảo hộ được giấu trong các bụi cây, cố gắng che đậy càng nhiều càng tốt cho một cỗ xe 50 tấn. Đơn vị có lý khi lặp lại các cuộc diễn tập. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh giương oai diễu võ nhiều hơn với Đài Loan, hòn đảo độc lập bị coi là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã giảm xuống tại Hoa lục nhưng đang hoành hành dữ dội tại Mỹ, người Đài Loan càng cảm thấy bất an.

Trung Quốc hàng năm vẫn cho oanh tạc cơ diễu qua khoảng 2.000 lượt phía trên eo biển Đài Loan, theo bộ Quốc Phòng nước này. Những phi cơ này bay theo các tuyến đường ngày càng đe dọa hơn. Năm 2016, khi bà Thái Anh Văn trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan, Trung Quốc bắt đầu cho oanh tạc cơ bay vòng quanh hòn đảo để biểu dương sức mạnh.

Năm ngoái, lần đầu tiên từ hai thập niên qua Bắc Kinh cố tình cho chiến đấu cơ bay qua điểm giữa eo biển. Tháng 12/2019, chiếc Sơn Đông, hàng không mẫu hạm đầu tiên do Bắc Kinh tự đóng đã đi qua eo biển, hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Bà Thái Anh Văn vẫn tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ bốn năm.

Trung Quốc không để cho con virus corona xen vào màn biểu dương sức mạnh của mình. Hoàng Giới Chính (Alexander Huang), trường đại học Đạm Giang (Tamkang), Đài Bắc cho biết : "Trung tâm chỉ huy không quân của chúng tôi hàng ngày luôn phải cảnh báo kể từ tháng Hai". Vào thời điểm đó, cho dù dịch bệnh đang hoành hành dữ dội ở tỉnh Hồ Bắc, chiến đấu cơ Trung Quốc vẫn xâm nhập không phận nhiều lần, buộc Đài Loan phải cho phi cơ lên ngăn chận.

Ngày 16/3, lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành tập trận ban đêm gần Đài Loan, tung ra hàng loạt phi cơ tiêm kích và thám thính, có thể quan sát xa hơn các radar trên mặt đất, vượt xa điểm giữa eo biển chia cách Đài Loan và Trung Quốc. Cùng ngày, tuần duyên Đài Loan cảnh báo các xuồng máy cao tốc, có thể là của dân quân biển Trung Quốc, đã tông vào một tàu tuần tra Đài Loan gần quần đảo Kim Môn (Kinmen), chỉ cách Hoa lục khoảng 5 km.

"Thế giới đang ở đỉnh dịch, nếu chế độ cộng sản Trung Quốc mưu toan phiêu lưu quân sự dẫn đến một cuộc xung đột khu vực, họ sẽ bị toàn thế giới lên án" - thứ trưởng Quốc Phòng Đài Loan cảnh báo hôm 30/3. "Chúng tôi luôn sẵn sàng và đã chuẩn bị một cách tốt nhất".

Việc Washington tăng cường hỗ trợ Đài Bắc là điều rất cần thiết. Ngày 12/2, Mỹ gởi hai oanh tạc cơ B-52 đến bờ biển phía đông Đài Loan, hai ngày sau khi các máy bay chiến đấu Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến.

Thời gian gần đây cứ mỗi ba tháng lại có một chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, mà theo tuyên bố của Hải quân Hoa Kỳ, nhằm thực hiện "cam kết của Mỹ về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Năm ngoái, Washington chấp nhận bán cho Đài Loan một lượng vũ khí khổng lồ có giá trị lên đến 8 tỉ đô la, trong đó có 66 chiến đấu cơ F-16 tối tân.

Tuy nhiên hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt vừa tuần tra gần Trung Quốc cách đây vài tuần, đang bị mắc kẹt tại đảo Guam do con virus corona xuất phát từ Vũ Hán tấn công vào các thủy thủ. Tháng Ba, quân đội Trung Quốc tập trận hai tuần với Cam Bốt, trong khi Mỹ và các đồng minh hủy bỏ các cuộc tập trận do đại dịch.

Theo The Economist, để sang một bên vấn đề dịch bệnh, tương quan quân sự đang thay đổi. Brendan Taylor, trường đại học quốc gia Úc giải thích : "Dựa trên xu hướng hiện nay, trừ phi có đột phá về công nghệ, Mỹ có thể đánh mất khả năng bảo vệ Đài Loan trong thập niên này. Các nhà hoạch định chính sách cần lo ngại về nguy cơ khủng hoảng chiến lược đang tăng lên".

Thụy My

*******************

Covid-19 : Tranh cãi tại Đài Loan về sử dụng dữ liệu cá nhân để chống dịch (RFI, 13/04/2020)

Các dữ liệu cá nhân, nhất là các dữ liệu định vị, có thể là một công cụ hiệu quả để chống dịch Covid -19 ? Tại Đài Loan, được xem là mô hình về chống virus corona, chính phủ sử dụng tín hiệu điện thoại để theo dõi những người đang bị cách ly.

backinh2

Du khách mang khẩu trang đi qua khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, Đài Bắc, Đài Loan, ngày 11/03/2020 Reuters - Ann Wang

Nhưng một nhà hoạt động tỏ vẻ quan ngại về biện pháp này, như tường trình của thông tín viên Adrien Simorre từ Đài Bắc : 

"Trên máy vi tính của lãnh đạo Cục An ninh mạng của chính phủ Đài Loan, có một bản đồ của Đài Loan trên đó hiện rõ vị trí của 19.000 điểm, đó là 19.000 người đang được theo dõi sau khi từ nước ngoài về, hoặc sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân. 

Ông giải thích : Chúng tôi sử dụng tín hiệu điện thoại. Tuy nó không chính xác bằng tín hiệu định vị toàn cầu GPS, nhưng làm như vậy, chúng tôi giữ được sự cân bằng giữa một bên là theo dõi dịch bệnh và bên kia là bảo vệ đời tư. 

Theo kết quả các cuộc thăm dò, dân Đài Loan nói chung hài lòng về biện pháp nói trên, nhất là vì biện pháp này chỉ áp dụng đối với một bộ phận dân số rất nhỏ. Tuy vậy, một số người vẫn tỏ vẻ quan ngại, như nhóm tin tặc công dân Đài Loan collectif g0v.

Lisa, một thành viên của nhóm này, nói : Trên thực tế, việc này rất nguy hiểm, vì không phải là do quyết định của một thẩm phán, mà chính phủ tự quyết định chọn theo dõi người này hoặc người kia. Điều này có nghĩa là chính phủ có thể biết bất cứ ai đang ở đâu.

 Chính quyền Đài Loan bảo đảm là hệ thống theo dõi sẽ chấm dứt hoạt động ngay sau khi hết dịch bệnh. Nhưng các nhà hoạt động ở Đài Loan sẽ vẫn tiếp tục giám sát, như Tammy, một thành viên của nhóm collectif g0v. 

Cô nói : Tôi nghĩ là sau một thời gian nào đó, quyền lực sẽ trở lại vào tay nhân dân. Không phải là tôi tin tưởng chính phủ, nhưng bởi vì tôi tin vào nhân dân Đài Loan để giám sát chính phủ và giành lại quyền này".

Còn tại Trung Quốc, trong vòng 24 tiếng đồng hồ đã có thêm 108 ca lây nhiễm virus coronavirus, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia ( Bộ Y tế ) Trung Quốc hôm nay, 13/04. Con số cao hơn một ít so với 99 ca được thông báo hôm qua. Từ ngày 05/03 đến nay, chưa bao giờ Trung Quốc ghi nhận nhiều ca bệnh mới như thế. Ủy ban Y tế Quốc gia nói rõ là trong số các ca mới, có 108 ca là "nhập" từ bên ngoài. Bắc Kinh hiện lo ngại là các ca bệnh từ bên ngoài vào sẽ tạo ra một đợt dịch bệnh thứ hai tại Trung Quốc.

Thanh Phương

*****************

Trò chơi hai mặt của Bắc Kinh tại Miến Điện (RFI, 14/04/2020)

Theo L’Express, Trung Quốc vừa giữ quan hệ với chính phủ Miến Điện, vừa xúi giục các nhóm vũ trang, để cố tình làm nước láng giềng yếu đi.

backinh3

Trong những tháng gần đây, nhiều trận đánh dữ dội ở bang Kachin, cách biên giới Trung Quốc vài trăm cây số về phía tây nam, đã làm hàng trăm thường dân và quân lính thiệt mạng.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình hồi tháng Giêng sẽ phải mở ra "một kỷ nguyên mới" giữa Trung Quốc và láng giềng Miến Điện. Chuyến đi được cụ thể hóa bằng khoảng 30 hợp đồng liên quan đến việc phát triển "hành lang kinh tế Trung Quốc – Miến Điện", sẽ giúp Bắc Kinh mở được ngõ vào chiến lược sang Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên liệu các nhà lãnh đạo Miến Điện có nhân cơ hội này đặt ra một câu hỏi đã cũ và tế nhị : "Vì sao các ông lại ủng hộ các nhóm thiểu số nổi dậy ở miền bắc mà chúng tôi đang nhọc công đối phó ?"

Với chiều dài 2.200 km, vùng biên giới giữa hai nước có rất nhiều sắc tộc sinh sống, và đa số nổi dậy chống chính quyền trung ương Miến Điện để đòi quyền tự trị. Nhóm mạnh nhất United Wa State Army (UWSA), dù không chính thức xung đột, đứng đầu một Nhà nước nhỏ độc lập trên thực tế.

Được Trung Quốc hỗ trợ về quân sự và có nguồn tài chính từ buôn ma túy, UWSA – xuất thân từ Đảng cộng sản Miến Điện quá cố - với 30.000 quân là một lực lượng răn đe trước bất kỳ chiến dịch tấn công nào của Miến Điện.

Nếu từ vài tháng qua, các nhóm thiểu số miền bắc vẫn duy trì tình trạng ngưng bắn mong manh, Arakan Army lại không ngồi im. Đây là một tổ chức được thành lập năm 2009 với sự hỗ trợ của Bắc Kinh. Phong trào hoạt động ở bang Kachin, cách biên giới Trung Quốc vài trăm cây số về phía tây nam, trong những tháng gần đây tung ra những trận đánh dữ dội làm hàng trăm thường dân và quân lính thiệt mạng.

Vừa ủng hộ quân nổi dậy, chế độ Bắc Kinh lại vừa ve vuốt Naypyidaw qua việc phản đối đưa các tướng lãnh Miến Điện liên can đến những vụ thảm sát người Rohingya ra trước tòa án quốc tế. Vì sao lại chơi trò hai mặt như thế ?

Aung Zaw, tổng biên tập tờ The Irrawaddy nhấn mạnh : "Trung Quốc muốn có một Miến Điện yếu và bất ổn nhằm duy trì sự kiểm soát và ảnh hưởng lên đất nước này". Còn theo Anthony Davis, chuyên gia về vấn đề quân sự Châu Á : "Để theo đuổi các mục tiêu chiến lược ở Miến Điện, Bắc Kinh phải tạo quan hệ tốt với chính quyền trung ương đồng thời giữ liên lạc với các nhóm nổi dậy thiểu số, nhân tố gây mất ổn định dọc theo biên giới".

Như vậy mặc cho sự xuất hiện của con virus corona, một cuộc ngưng bắn tại các vùng xung đột hãy còn xa vời.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 620 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)