Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/05/2020

Hình ảnh Trung Quốc không còn được nễ trọng ở Châu Á

BBC tiếng Việt

Lính Ấn Độ và Trung Quốc 'đánh nhau ở biên giới' (BBC, 10/05/2020)

Hàng chục lính Ấn Độ và Trung Quốc đã ẩu đả bằng nắm đấm tại một địa điểm biên giới chung, truyền thông Ấn Độ tường thuật.

tq1

Trung Quốc và Ấn Độ trước đây thường xảy ra đụng độ về vấn đề đường biên giới chung

Bảy lính Trung Quốc và bốn lính Ấn Độ bị thương, một sỹ quan quân đội nói, tại địa điểm gần khu vực Naku La thuộc bang biên giới Sikkim.

Các chỉ huy địa phương đã nói chuyện và giải quyết vụ tranh cãi vốn nổ ra từ hôm thứ Bảy.

Hai nước có những tranh cãi về đường biên giới chung kéo dài 3.400km.

Thỉnh thoảng hai bên vẫn xảy ra các cuộc đụng độ như hích ngực, xô đẩy nhau, và ném đá vào nhau, chủ biên vùng Nam Á của BBC Anbarasan Ethirajan tường thuật.

Vụ đối đầu căng thẳng mới nhất diễn ra ở gần đoạn Naku La thuộc Sikkim, nơi nằm trên dãy Himalaya, ở độ cao trên 5.000m so với mặt nước biển.

Trung Quốc và Ấn Độ đã có một cuộc chiến đường biên hồi năm 1962.

Trong năm 2017, hai nước cũng xảy ra đụng độ tại vùng này, sau khi Trung Quốc tìm cách mở rộng con đường biên giới chạy qua một bình nguyên có tranh chấp.

Tuy cả hai nước đều gửi quân tới tuần tra và các nhóm này thường xảy ra các đụng độ ở hình thức xô đẩy, va chạm thân thể, nhưng chưa có viên đạn nào được khai hỏa ở đường biên trong suốt bốn thập niên qua.

****************

Tài liệu nội bộ cảnh báo Trung Quốc đối mặt tâm lý bài Trung toàn cầu sau dịch Covid-19 (BBC, 09/05/2020)

Nguồn tin độc quyền của Reuters cho hay một tài liệu nội bộ của Trung Quốc cảnh báo rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ khiến nước này phải đối mặt với làn sóng chống Trung toàn cầu giống thời Thiên An Môn.

tq2

Cờ biểu tượng Đảng cộng sản Trung Quốc bị đốt tại Đài Bắc - Ảnh minh họa

Việc này có thể đẩy mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ sang thế đối đầu, theo nội dung tài liệu mật được Reuters trích dẫn.

Báo cáo này đã được Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc gửi tới các lãnh đạo nhà nước, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó kết luận rằng tâm lý chống Trung Quốc toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989.

Do đó, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với làn sóng chống Trung Quốc do Hoa Kỳ dẫn dắt sau hậu quả của đại dịch Covid-19, và cần phải chuẩn bị cho một tình huống xấu nhất là cuộc xung đột quân sự giữa hai cường quốc toàn cầu.

Báo cáo được soạn bởi Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), một cơ quan tham mưu có liên hệ mật thiết với Bộ An ninh Quốc gia, cơ quan tình báo hàng đầu Trung Quốc.

Reuters đã không được tiếp cận trực tiếp với tài liệu này, nhưng được những người nắm rõ nội dung tài liệu cung cấp thông tin.

"Chúng tôi không có thông tin nào liên quan đến vấn đề này", Văn phòng của người ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời Reuters khi được hỏi về báo cáo nội bộ nói trên.

Reuters cũng không thể liên lạc với Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc để hỏi bình luận do cơ quan này không cung cấp địa chỉ công khai nào.

CICIR, từng là cơ quan thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cho tới năm 1980, đóng vai trò tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về chính sách đối ngoại và an ninh, cũng không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Reuters không thể đánh giá được các nhận định trong báo cáo phản ánh ở mức độ nào quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, và nó sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào tới chính sách quốc gia, nếu có. Nhưng báo cáo này được đưa ra cho thấy Bắc Kinh coi trọng việc việc xem xét các đe dọa về một làn sóng phản đối dữ dội toàn cầu đang hình thành và đang đe dọa đầu tư chiến lược ở nước ngoài của Trung Quốc cũng như vị thế an ninh của nước này.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được xem là đang ở thời kỳ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với sự không tin tưởng và xích mích sâu sắc từ những cáo buộc của Hoa Kỳ về thực hành thương mại và công nghệ không công bằng, cho tới các tranh chấp của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong, Đài Loan và trên Biển Đông.

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đối mặt với chiến dịch tái tranh cử khó khăn hơn vì virus corona đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng người Mỹ và tàn phá nền kinh tế Mỹ, đã tăng cường chỉ trích Bắc Kinh và đe dọa áp mức thuế quan mới lên Trung Quốc. Chính quyền của ông Trump cũng đang xem xét các biện pháp trả đũa Trung Quốc do sự bùng phát dịch Covid-19.

Ở Bắc Kinh, có quan điểm rằng Hoa Kỳ muốn kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy, điều này trở nên mạnh mẽ hơn trên quy mô toàn cầu khi nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng.

Báo cáo kết luận rằng Washington coi việc Trung Quốc trỗi dậy như một mối đe dọa kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời là một thách thức đối với các nền dân chủ phương Tây. Báo cáo cũng cho biết Hoa Kỳ đang nhắm đến việc hạ bệ Đảng cộng sản cầm quyền Trung Quốc bằng cách làm suy yếu niềm tin của công chúng vào đảng này.

Các quan chức Trung Quốc đã có trách nhiệm đặc biệt để thông báo cho người dân của họ và thế giới về mối đe dọa do virus corona gây ra, vì họ là người đầu tiên biết về nó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus nói với Reuters.

Không trực đề cập đến các đánh giá trong báo cáo của Trung Quốc, Ortagus nói thêm : "Những nỗ lực của Bắc Kinh, nhằm bịt miệng các nhà khoa học, nhà báo và công dân, và truyền bá thông tin sai lạc đã làm cuộc khủng hoảng sức khỏe này trầm trọng thêm".

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ từ chối đề nghị bình luận của Reuters.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 600 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)