Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/06/2020

Trung Quốc lấn lướt, Việt-Nhật lo ngại, ASEAN bàn về nhân quyền

Tổng hợp

Biển Hoa Đông : Bắc Kinh đặt tên 50 thực thể ngầm trong vùng tranh chấp với Nhật (RFI, 25/06/2020)

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay, 25/06/2020, Trung Quốc thông báo đặt một loạt tên mới cho các thực thể ngầm trong vùng biển Hoa Đông, đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật.

china1

Một khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh chụp năm 2012. © Reuters

Trang mạng bộ Tài Nguyên Trung Quốc tối 23/06, đăng thông báo về tên gọi mới cho 50 thực thể ngầm, bao gồm các đảo chìm, đảo nổi và bãi ngầm. Theo thông báo, mục đích của việc đặt lại tên gọi này là để "chuẩn hóa tên gọi địa hình bản đồ".

Các thực thể được đặt tên mới nằm trong quần đảo mà Trung Quốc gọi là "Điếu Ngư", Nhật gọi là "Senkaku". Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản tranh chấp chủ quyền đối với chuỗi đảo không có người ở, nhưng nằm giữa vùng biển giàu tài nguyên. Đây là điểm nóng trong quan hệ Trung-Nhật.

Theo nhật báo Hồng Kông, quyết định trên được đưa ra sau khi Bắc Kinh cảnh báo sẽ trả đũa việc chính quyền thành phố Ishigaki của Nhật hôm 22/06 thông qua quyết định đặt tên lại cho một nhóm đảo trên biển Hoa Đông, trong đó có cả quần đảo Senkaku. Hội đồng thành phố đã thay đổi tên gọi "vùng hành chính phía nam" của Nhật thành "vùng Tonochiro Senkaku", quản lý cả quần đảo Senkaku. Động thái này của chính quyền Nhật bị cả Trung Quốc và Đài Loan nhìn nhận như là ý đồ xác quyết chủ quyền với các đảo Senkaku, theo tên gọi của Nhật.

Ngay hôm thứ Hai tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng. Theo Bắc Kinh, việc thay đổi tên gọi địa phương nói trên của Nhật là "thách thức nghiêm trọng với chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc", đồng thời cảnh báo sẽ trả đũa hành động mà Bắc Kinh gọi là "bất hợp pháp".

Hôm Thứ Ba, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Taro Kono thông báo đã phát hiện một tàu ngầm Trung Quốc gần một đảo ở phía tây nam Nhật hồi tuần trước.

Tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, cách đảo Okinawa khoảng 200 km về phía tây nam, dấy lên từ cuối năm 2012, khi chính quyền Tokyo quyết định chuyển quyền quản lý quần đảo này, từ tư nhân sang Nhà nước.

Trong một động thái khác, theo AFP, hôm nay, 25/06/2020, Tokyo khẳng định hủy bỏ việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa Mỹ Aegis Ashore trên lãnh thổ Nhật. Quyết định được bộ trưởng Quốc Phòng Nhật thông báo trong cuộc họp với đảng cầm quyền Tự Do Dân Chủ. Dự án trị giá 4,2 tỷ đô la trên đã được chính phủ Shinzo Abe thông qua năm 2017.

Anh Vũ

*******************

Việt Nam và Nhật Bản lên tiếng quan ngại về tình hình Biển Đông (RFA, 25/06/2020)

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông.

china2

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono trong một họp báo ở Tokyo hôm 11/9/2019 -Reuters

Phát biểu về vấn đề Biển Đông như vừa nêu của ông Phạm Bình Minh được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến Hội nghị Cộng đồng Chính trị- An ninh ASEAN lần thứ 21 diễn ra vào ngày 24 tháng 6. Cuộc họp có sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN.

Tại cuộc họp, ông Phạm Bình Minh cho rằng các nước cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Cũng tin liên quan tình hình Biển Đông, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, ông Taro Kono, cho rằng hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay là ‘đáng báo động’.

Vào ngày 23 tháng 6 vừa qua, hai tàu huấn luyện của Nhật Bản là JS Kashima và JS Shimayuki đã có cuộc diễn tập với tàu tác chiến cận bờ của Hải quân Hoa Kỳ, USS Gabrirlle Giffords, tại Biển Đông.

Động thái này chứng tỏ quan ngại của Nhật Bản về tình hình tại Biển Đông mà căng thẳng được nói do Trung Quốc gây nên.

********************

Thư ngỏ kêu gọi các lãnh đạo giải quyết quan ngại về nhân quyền tại thượng đỉnh ASEAN 36 (RFA, 25/06/2020)

Các lãnh đạo tham dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 phải giải quyết quan ngại về vấn đề nhân quyền trong đợt dịch Covid-19.

china3

Một người đàn ông đi qua tấm biển cổ động cho Thượng đỉnh ASEAN 36 ở Hà Nội hôm 25/6/2020 AFP

Đây là yêu cầu được nêu ra trong thư ngỏ ký bởi Chủ tịch Các Nghị Viên ASEAN về Nhân quyền, Charles Santiago, gửi đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, và đồng gửi đến thủ tướng của 9 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á còn lại.

Thư ngỏ được gửi đi nhân tuần diễn ra hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 mà Việt Nam năm nay là chủ tịch luân phiên. Theo đó, những nghị viên thuộc mạng lưới khu vực Đông Nam Á cam kết cổ xúy và bảo vệ nhân quyền, thúc giục các lãnh đạo ASEAN phải bảo đảm đặt nhân quyền là trọng tâm cho công tác ứng phó dịch Covid-19 và hậu quả của dịch này.

Theo thư ngỏ, khu vực ASEAN trong khi nên được khen ngợi về thành công trong công tác ngăn chặn dịch Covid-19, tuy nhiên lại để lộ ra những yếu kém lớn và bất nhất trong hệ thống điều hành. Khu vực ASEAN không bảo vệ được những người rơi vào hoàn cảnh bị tổn thương nhất ; đặc biệt là những công nhân nhập cư và người tỵ nạn.

Đợt dịch Covid-19 cũng là lúc gia tăng những hạn chế về quyền tự do biểu đạt và giọng điệu hận thù đối với những nhóm bị gạt ra bên lề xã hội.

Thư ngỏ cho rằng dịp họp cấp cao ASEAN 36 trong tuần này dưới sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, là cơ hội để khối ASEAN có thể học hỏi và trưởng thành qua thời kỳ đầy thử thách hiện nay, bằng cách bảo đảm rằng từ thời điểm này trở đi, các chính sách của khu vực không loại trừ bất cứ ai và cổ xúy cho một xã hội công bằng hơn, bình đẳng hơn và bền vững hơn.

Quay lại trang chủ
Read 683 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)