Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/06/2020

Thượng đỉnh ASEAN 36 : UNCLOS, Biển Đông, Covid-19

RFI tổng hợp

Biển Đông : ASEAN ra thông cáo khẳng định UNCLOS là cơ sở giải quyết bất đồng (RFI, 27/06/2020)

Thượng đỉnh khối ASEAN lần thứ 36 kết thúc hôm qua, 26/06/2020. Báo chí quốc tế chú ý đến việc thông cáo chung ASEAN nhấn mạnh đến các tranh chấp, bất đồng phải được giải quyết cơ sở Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một bước tiến cho thấy ASEAN đã bước đầu thống nhất được lập trường, để chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc. 

assean1

Phòng họp thượng đỉnh khối ASEAN lần thứ 36 qua cầu truyền hình, Hà Nội, ngày 26/06/2020. Năm 2020, Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN. POOL/AFP

Các lãnh đạo ASEAN nhất trí tái khẳng định Công Ước UNCLOS năm 1982 là cơ sở cho việc xác định các quyền trên biển, khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. Tuyên bố chung của thượng đỉnh ASEAN, do nước chủ nhà Việt Nam, chủ tịch luân phiên của khối, chủ trì soạn thảo, khẳng định các lãnh đạo ASEAN "nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Lo ngại về việc cải tạo, những diễn biến gần đây và những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, các lãnh đạo khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982". 

Hãng tin Mỹ AP cho hay, hiện chưa có phản ứng nào từ phía Trung Quốc về tuyên bố nói trên. Trong lúc đó, ba nhà ngoại giao ASEAN, xin không nêu danh tính, mà hãng tin tiếp xúc được, nhận định : bản thông cáo nói trên "đánh dấu một bước tiến quan trọng" trên con đường khẳng định giá trị nền tảng của luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông, nơi vốn được coi mà một trong những địa điểm xung đột dễ dàng bùng phát thành chiến tranh, trong bối cảnh các tham vọng chủ quyền trên biển của Trung Quốc ngày càng gia tăng. 

Theo báo Philippines, cũng trong thượng đỉnh nói trên, tổng thống Philippines đã báo động về căng thẳng gia tăng tại nhiều khu vực tranh chấp. Với tư cách quốc gia phụ trách điều phối đối thoại giữa ASEAN và Bắc Kinh, tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi các bên tìm kiếm các biện pháp mới, có thái độ mềm dẻo để đạt được mục tiêu giữ hòa bình và ổn định.

Theo ông Duterte, Manila đang nỗ lực thúc đẩy các bên đi đến được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất. Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp cũng tiếp tục căng thẳng. Trong thời gian gần đây, Manila đã phải hai lần gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về các hành động gây hấn.

Bắc Kinh nạo vét lớn ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa 

Truyền thông Hoa Kỳ hôm nay 27/06 loan tải thông tin về việc chính quyền Trung Quốc tiến hành nạo vét quy mô lớn tại đảo Phú Lâm, được Trung Quốc bố trí làm thủ phủ của quần đảo Hoàng Sa, phía bắc Biển Đông, quần đảo mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền. Các hình ảnh vệ tinh, từ ngày 17/04 đến ngày 25/06, cho thấy việc nạo vét diễn ra tại khu vực phía tây bắc hòn đảo. Mục tiêu của hoạt động này có thể là để mở rộng diện tích đảo. Đảo Phú Lâm là nơi Trung Quốc bố trí một căn cứ quân sự chủ yếu ở Biển Đông.

Trọng Thành

*****************

Thượng đỉnh ASEAN : Việt Nam cảnh báo về Covid-19 và Biển Đông (RFI, 26/06/2020)

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ASEAN mở ra ngày 26/06/2020, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong tư cách chủ tịch đương nhiệm của khối nước Đông Nam Á, đã lên tiếng cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" của dịch Covid-19 trên sự phát triển của các quốc gia ASEAN. Lãnh đạo Việt Nam cũng gián tiếp bày tỏ quan ngại về các hành vi coi thường luật lệ quốc tế trên Biển Đông.

asean2

Hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 36 (qua vô tuyến). Ảnh 26/06/2020. Reuters - POOL

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong phát biểu khai mạc, thủ tướng Việt Nam đã nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 đã "quét đi thành công của những năm gần đây, đe đọa đời sống của hàng triệu người".

Tác hại kinh tế của dịch Covid-19 - đã hầu như tàn phá du lịch và xuất khẩu, hai lãnh vực chủ yếu của các nước như Việt Nam và Thái Lan - là mối quan tâm trước mắt của 10 nước ASEAN. Một cuộc họp đặc biệt vào tháng Tư đối phó với nạn dịch đã thất bại trong việc thành lập một quỹ khẩn cấp.

Việt Nam gián tiếp chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông

Bên cạnh đó, còn có một mối lo ngại khác : Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để thao túng ở Biển Đông. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, thủ tướng Việt Nam thừa nhận là những vấn đề chiến lược giữa các nước lớn đã trở nên rõ ràng và sâu sắc thêm. Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, "vào lúc thế giới đang ra sức chống đại dịch, thì có những hành động vô trách nhiệm, vi phạm luật quốc tế và tác hại đến an ninh, ổn định của một số vùng, kể cả khu vực của chúng ta".

Vào tháng Tư, Việt Nam đã tố cáo Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Hành vi của Bắc Kinh đã khiến Mỹ lên tiếng cảnh báo là Trung Quốc "lợi dụng sự phân tâm của các quốc gia khác để hành động phi pháp".

Chuyên gia Carl Thayer, thuộc đại học Úc New South Wales, nhận định là trong những tháng qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục hành xử (lấn lướt trên Biển Đông) như không hề có dịch, trong lúc mà đàm phán ASEAN-Trung Quốc về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông lại bị virus chặn đứng.

Một nhà ngoại giao cao cấp của ASEAN giải thích với AFP rằng Trung Quốc luôn thúc đẩy các quân cờ của họ trên "bàn cờ Biển Đông" và "không loại trừ khả năng Bắc Kinh lại làm như thế nhân đại dịch lần này". Bắc Kinh đã từng lấn lướt để giành ưu thế trong khủng hoảng tài chính Châu Á cuối thập niên 90 và dịch SARS, và "giờ đây, nếu có khoảng trống thì họ cứ đi vào".

Theo AFP, Việt Nam, đương kim chủ tịch ASEAN, cũng muốn nhân hội nghị thúc đẩy đàm phán về hiệp định thương mại khu vực RECEP. Hiệp định mà Trung Quốc hậu thuẫn đến nay bị chựng lại, do phản ứng của Ấn Độ không muốn mở cửa thị trường cho hàng giá rẻ của Trung Quốc và giờ đây lại có xung đột ở biên giới giữa hai bên.

Mai Vân

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 648 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)