Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/06/2020

Chiến lược mới của Hoa Kỳ : điều thêm quân về Châu Á

RFI tổng hợp

Mỹ điều một phần lực lượng từ Châu Âu qua Châu Á để "ngăn chặn" Trung Quốc (RFI, 26/06/2020)

Đối phó với quân đội Trung Quốc là lý do khiến Washington phải rút bớt một phần lớn lực lượng quân đội Mỹ tại Đức. Ấn Độ và Biển Đông là hai địa bàn chủ yếu mà Washington sẽ tập trung quân đội, để sẵn sàng ngăn chặn các hoạt động gây hấn của Trung Quốc.

my1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại một cuộc họp báo ở Washington ngày 24/06/2020. Reuters - POOL New

Theo báo chí Ấn Độ, hôm qua, 25/06/2020, phát biểu tại Diễn đàn Bruxelles 2020, một đối thoại quan trọng thường niên giữa Hoa Kỳ và Liên Âu, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định : mối đe dọa Trung Quốc đối với Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á là một trong các lý do chính đã khiến Hoa Kỳ quyết định giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh các hành động của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay đang đe dọa "Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines", Trung Quốc là một thách thức đối với sự ổn định của khu vực Biển Đông. Ông Pompeo nói rõ : "Chúng tôi phải bảo đảm là quân đội Mỹ có mặt ở đúng vị trí, để có thể hóa giải các thách thức".

Phát biểu của lãnh đạo ngoại giao Mỹ được đưa ra đúng vào lúc ASEAN chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 33 của khối. Trước thềm thượng đỉnh, ngày thứ Tư 24/06, ASEAN tổ chức hội nghị Cộng đồng Chính trị - An ninh của khối, với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN, dưới sự chủ trì của ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, đại diện quốc gia chủ nhà. Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông đã được nêu bật tại hội nghị. Đây là điều mà nhiều lãnh đạo ngoại giao ASEAN coi là thách thức an ninh hàng đầu của khối.

Philippines lên án ý đồ lập vùng ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông

Hôm qua, thứ Năm, 25/06, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines ra thông cáo lên án dự định lập vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc (ADIZ) tại Biển Đông là "bất hợp pháp". Theo báo chí Philippinnes, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana nhấn mạnh dự án lập vùng nhận dạng phòng không của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của các quốc gia ven bờ, vi phạm chính Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một bên tham gia.

Nhật Bản không phải là thành viên ASEAN, nhưng tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, và một số khu vực khác tại Châu Á, cũng khiến Tokyo rất quan ngại. Hôm qua, 25/06, trong một cuộc tiếp xúc với báo giới tại Câu lạc bộ các nhà báo nước ngoài ở Nhật Bản, ngoại trưởng Tara Kono khẳng định "Trung Quốc đang cố gắng đơn phương thay đổi nguyên trạng tại biển Hoa Đông, Biển Đông, cũng như tại vùng biên giới với Ấn Độ, và Hồng Kông".

Trọng Thành

********************

Mỹ và Liên Âu sẽ tìm biện pháp đối phó chung với Trung Quốc (RFI, 26/26/2020)

Bắc Kinh bị coi là mối đe dọa ngày càng lớn đối với Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, thế nhưng hai bên lại có quan điểm rất khác nhau về cách thức đối phó. Những ngày gần đây, Washington và Bruxelles đang tìm cách vượt qua bất đồng. Ngoại trưởng Mỹ ngày 25/06/2020, cho biết có thể sẽ đến Châu Âu trong những tuần tới để đối thoại về chủ đề này.

my2

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh chụp ngày 29/04/2020. Andrew Harnik/Pool via Reuters

Theo AFP, trong một diễn đàn trên mạng về quan hệ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, do quỹ German Marshall Fund của Hoa Kỳ tổ chức, lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo thông báo chấp thuận đề nghị của đồng nhiệm Châu Âu Josep Borell, được nêu ra hồi tuần trước, về việc tổ chức "một đối thoại song phương về Trung Quốc". Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ hy vọng sẽ sớm đến Châu Âu để khởi sự cuộc đối thoại này.

Trong thời gian gần đây, ngoại trưởng Mỹ liên tục kêu gọi các nước Châu Âu cứng rắn hơn với Bắc Kinh, đứng hẳn về phía "tự do", thay vì chấp nhận "nền độc tài tàn bạo" do một chính quyền "côn đồ" áp đặt.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cơ chế mới này sẽ cho phép hai bên "thảo luận về các lo ngại trước những đe dọa Trung Quốc đối với phương Tây và đối với các giá trị dân chủ" mà Hoa Kỳ và Liên Âu cùng chia sẻ. Ông Pompeo hy vọng là cuộc đối thoại này sẽ là một "chất xúc tác" cho phép thúc đẩy hợp tác, với kết quả là hai bên sẽ đưa ra các biện pháp chung.

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc vốn đã nghiêm trọng trong nhiều hồ sơ, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, lại càng trở nên trầm trọng hơn với đại dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ quy trách nhiệm cho Bắc Kinh đã để dịch bệnh bùng phát toàn cầu. Gần đây, việc Bắc Kinh ra luật về an ninh quốc gia cho Hồng Kông, bị Washington lên án như là một quyết định báo tử "quy chế tự trị" của cựu thuộc địa Anh Quốc, mà theo thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Luân Đôn, Hồng Kông sẽ được hưởng cho đến năm 2047.

Hồng Kông hiện cũng là điểm đối đầu gay gắt nhất giữa Liên Âu với Trung Quốc. Trong dịp thượng đỉnh giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc lần thứ 22, ngày 22/06/2020, Liên Hiệp Châu Âu để ngỏ khả năng là các hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới, cho phép chính quyền trung ương can thiệp trực tiếp vào Hồng Kông.

Trước đó, ngày 20/06, Nghị Viện Châu Âu ra một nghị quyết yêu cầu Liên Âu và các quốc gia thành viên kiện Trung Quốc ra Tòa Án Công Lý Quốc Tế, có trụ sở tại La Haye, nếu Bắc Kinh áp đặt luật an ninh với Hồng Kông. Ngoại trưởng các cường quốc khối G7 cũng ra một thông cáo chung, yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ việc áp dụng luật an ninh với Hồng Kông, bị tố cáo là xâm phạm nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", do chính Trung Quốc chủ trương.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 489 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)