Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/07/2020

Điểm báo Pháp - Trung Quốc lưỡng lự giữa Nhà nước toàn trị và bá quyền

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Bên trong toàn trị, bên ngoài đế quốc

Mở đầu bài xã luận, Le Point ghi nhận là trận đại dịch Covid-19 đã làm phát lộ và đẩy nhanh tốc độ chuyển biến của thế kỷ 21, làm tan rã trật tự thế giới hình thành sau 1945 và góp phần xóa đi vai trò thủ lĩnh thế giới của Hoa Kỳ, đang tê liệt bởi trận "Trân Châu Cảng y tế", kinh tế suy thoái tồi tệ nhất kể từ 1930 cùng làn sóng thất nghiệp 48 triệu người".

tq1 - Copie

Người biểu tình Philippines dẫm đạp lên cờ Trung Quốc nhân một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Manila (Philippines) ngày 21/06/2019. AP - Aaron Favila

Thế nhưng trong cơn hoạn nạn đó của thế giới, Trung Quốc lại nổi lên. Theo Le Point, "trận đại dịch mà trong đó Trung Quốc phải có trách nhiệm đã tạo cho ông Tập Cận Bình cơ hội kiểm soát hệ tư tưởng và giám sát người dân". Bên trong thì củng cố chế độ toàn trị, bên ngoài Bắc Kinh thực thi chiến lược ngoại giao "cực kỳ hung hăng" theo kiểu đế quốc.

Bài báo liệt kê ra một danh sách dài các hành động ỷ vào sức mạnh và vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc : Ban hành luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, kéo theo một loạt vụ bắt bớ trấn áp; đòi Google, Facebook, WhatsApp hay Twitter phải cung cấp cho an ninh Trung Quốc thông tin người sử dụng ; gia tăng áp lực chính trị và quân sự với Đài Loan ; gây đụng độ với Ấn Độ ở vùng biên giới đang có tranh chấp Ladakh ; trả đũa Úc bằng cấm vận thương mại vì nước này yêu cầu mở điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch virus corona ; đẩy mạnh nắm quyền kiểm soát các công ty chiến lược và hạ tầng cơ sở trọng yếu bằng cách gán nợ cho các nước, trong đó có cả Châu Âu; tấn công mạng, thao túng dư luận ở các nền dân chủ giữa đại dịch….

Tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình

Le Point nhận định : Hành vi như vậy nằm trong chiến lược dài hạn nhằm chiếm lĩnh vai trò thủ lĩnh thế giới như Tập Cận Bình đề ra từ đại hội đảng thứ 19.

"Tham vọng của Bắc Kinh được cổ vũ thêm bởi sự tan rã vai trò thủ lĩnh của Hoa Kỳ, chính quyền Trump là một quà đẹp chưa từng thấy cho chế độ toàn trị Trung Quốc". Tuy nhiên theo Le Point, chính sách của Tập Cận Bình đang vấp phải ngày càng nhiều sự phản kháng. Từ Châu Âu cho đến Châu Á, các quốc gia ý thức được mối đe dọa, đã hành động để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc.

Le Point chỉ thẳng : "Trung Quốc giờ đây là mối đe dọa hàng đầu về tự do và hòa bình thế giới" với tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình là "một thế giới, một chế độ".

Bài xã luận kêu gọi, "đã đến lúc các nền dân chủ phải chống lại Trung Quốc như đã từng làm với Liên Xô sau Thế Chiến Thứ 2. Tờ báo đưa ra chiến lược ngăn chặn Trung Quốc theo 5 trục chính :

"Hình thành một liên minh các nền dân chủ bao gồm các quốc gia tự do Châu Á, trong đó Châu Âu phải tham gia. Phá thế bao vây nhờ chính sách cùng phát triển với các quốc gia đang trỗi dậy và đầu tư mạnh trở lại cho các định chế đa phương. Tái lập lại cân bằng kinh tế bằng việc quy hồi các hoạt động sản xuất chiến lược. Cần có qua có lại trong trao đổi buôn bán. Khôi phục mạnh hơn cạnh tranh công nghệ. Đấu tranh tư tưởng bằng việc khẳng định lại các giá trị phổ quát về tự do chính trị và nhân quyền".

Hồng Kông : Hậu quả thấy ngay của luật an ninh quốc gia

Liên quan đến chính sách dùng vũ lực của Trung Quốc, tuần san L’Express trở lại Hồng Kông những ngày từ khi có luật an ninh quốc gia với bài phóng sự "Nỗi sợ hãi trong thành phố".

Bài báo ghi nhận những ngày đầu tháng 7 này, nhịp sống ở Hồng Kông đang trở lại như thường thấy. Thế nhưng "dưới bóng các tòa nhà chọc trời, lan tỏa một nỗi sợ hãi, bất an nặng nề" từ khi Bắc Kinh áp đặt bộ luật an ninh quốc gia tại vùng đất bán tự trị này.  Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi luật có hiệu lực, cảnh sát đã tiến hành hàng loạt vụ bắt bớ. Một người đàn ông 24 tuổi đã bị buộc tội "lật đổ" chính quyền vì đã trương lá cờ "Hồng Kông tự do" và đang chờ tháng 10 ra tòa lĩnh án.

Một phụ nữ Hồng Kông 39 tuổi nói với phóng viên của L’Express : "Chúng tôi tôi đã bước vào thời kỳ mới, dưới sự kiểm soát hoàn toàn của đảng Cộng sản Trung Quốc". Bà cho biết không còn dám đăng gì trên facebook nữa vì sợ bị bắt. Bà đang mong bán được cửa hàng của mình để đi định cư ở Canada.

Bài phóng sự cho biết, các hoạt động kiểm duyệt sách báo, tư tưởng của người dân diễn ra từng ngày từ các hiệu sách đến trường học. Hơn một chục các tổ chức chính trị, công đoàn dân chủ đã phải tự giải thể vì ý thức được mối đe dọa của luật mới, một số nhà hoạt động đã chọn đường ra nước ngoài tị nạn. Họ biết mình sẽ là mục tiêu của luật an ninh quốc gia và sẽ có nhiều nguy cơ ngồi tù suốt đời. Các tiếng nói phản kháng biến dần.

Với bộ luật mới, cảnh sát Hồng Kông được trang bị quyền lực chưa từng có. Họ có thể khám xét không cần lệnh, lục lọi điện thoại, máy tính và cấm các nội dung trên internet. Nhiều công ty được chỉ thị phải yêu cầu các nhân viên chấm dứt bình luận chính trị trên mạng.  TikTok, một ứng ụng chia sẻ vidéo, do một công ty Trung Quốc nắm giữ đã thông báo rút khỏi Hồng Kông để tránh rủi ro phạm vào bộ luật của Bắc Kinh. Google, Facebook, Twitter không biết có thể ở lại Hồng Kông hay không khi không chấp nhận cung cấp thông tin người sử dụng theo yêu cầu của chính quyền.

Giám sát dân bằng công nghệ di truyền

Vẫn liên quan đến chuyện giám sát dân chúng nhưng ở Hoa Lục. Courrier International đăng lại phóng sự điều tra của nhật báo Mỹ New York Times : "Tại Trung Quốc, sắp tới 700 triệu người được lập phiếu ADN".

Bài phóng sự cho biết, Bắc Kinh đang triển khai lập danh mục ADN của nam giới nước này nhằm mục đích có thể giúp tìm nhưng đối tượng tội phạm. Cảnh sát Trung Quốc hiện đã bắt đầu lấy mẫu máu của tất cả đàn ông trong cả nước, từ vị thanh niên cũng như trưởng thành, để lập hệ thống dữ liệu ADN. Chương trình được thực hiện với sự trợ giúp của phương tiện kỹ thuật mua của công ty Mỹ Thermo Fisher.

Theo Courrier Internationnal, "với dự án này, Trung Quốc đã vượt qua một bước lớn trong việc sử dụng dữ liệu di truyền để kiểm soát dân chúng". Dù chính quyền nhấn mạnh việc chia sẻ dữ liệu ADN này dựa trên cơ sở tình nguyện. Nhưng một số quan chức tại Trung Quốc và hiệp hội bảo vệ nhân quyền ở nước ngoài đã cảnh báo việc làm trên quy mô toàn quốc như vậy là hành động xâm phạm đời tư và tạo điều kiện cho chính quyền trừng phạt người thân của những nhà ly khai hay hoạt động tranh đấu.

Đây là công cụ bổ sung thêm vào mạng lưới giám sát tinh vi đang ngày càng được công an triển khai rộng rãi trong cả nước, như hệ thống nhận diện và trí thông minh nhân tạo. Công an Trung Quốc khẳng định cần có cơ sở dữ liệu đó để ngăn chặn các đối tượng phạm pháp.  Việc chỉ lập phiếu ADN của năm giới được giải thích rất đơn giản : Đàn ông có xu hướng phạm tội nhiều hơn phụ nữ, theo các thống kê.

Thổ Nhĩ Kỳ : Đế chế Ottoman trở lại

Trở lại Le Point với hồ sơ chính mối đe dọa bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần báo chạy tựa lớn trang nhất : "Erdogan, chiến tranh đang ở cửa nhà chúng ta"

Gần đây báo chí đã tốn không ít giấy mực cho Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Erdogan đầy tham vọng. Le Point dành nhiều bài viết trong số ra tuần này để cho thấy một nước Thổ Nhĩ Kỹ của tổng thống Tayipp Erdogan đang muốn nổi lên thành cường quốc trong khu vực, trở lại thời hoàng kim của đế chế Ottoman.

Hàng loạt các hành động của chính quyền Erdogan tại Syria, Libya, Chyprus, Địa Trung Hải hay thái độ ngang ngược với các đồng minh NATO, bắt bí các nước Châu Âu… cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng tỏ rõ tham vọng bành trướng từ quân sự, chính trị đến văn hóa lịch sử. Hành động gần đây nhất của Ankara là việc quyết định chuyển thành nhà thờ Hồi giáo công trình thánh đường cổ của đạo Thiên Chúa Hagia Sophia (Sainte-Sophie), được xây dựng từ thế kỷ thứ IV, từ 1934 là bảo tàng quốc gia. Quyết định này của tổng thống Erdogan nhằm xóa đi những dấu vết lịch sử bất lợi cho việc khôi phục hình ảnh một Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh của thời đế chế Ottoman.

Giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ không sợ phải đối đầu với các nước lớn, dù là phương Tây hay Nga, để giành ảnh hưởng tại Libya, trên Địa Trung Hải, như vụ đòi quyền khai thác các mỏ khí đốt mới phát hiện ngoài khơi đảo Chyprus. Để làm được điều đó Ankara sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại đối đầu về chính trị cũng như quân sự với Pháp, một khi lợi ích của họ trong khu vực Trung Cận Đông bị cản trở, như sự cố trên Địa Trung Hải hồi tháng trước với tàu chiến Pháp Courbet, được tờ báo trích dẫn. Ankara cũng sẵn sàng lấy làn sóng người nhập cư để gây sức ép, bắt bí Liên Hiệp Châu Âu. 

Ẩm thực : Trở lại vạch xuất phát

Về hồ sơ chính, "Ẩm thực, điểm xuất phát mới", Courrier International đề cập đến thực trạng lĩnh vực nhà hàng ăn uống tiêu điều vì khủng hoảng dịch Covid 19 nay đang cố gượng dậy.

Các nhà hàng ăn uống là một trong những nạn nhân đầu tiên của đại dịch virus corona. Ở Pháp cũng như các nơi khác, từ Châu Mỹ sang Châu Âu, hàng ngàn nhà hàng từ nổi tiếng cho đến bình dân trong các góc phố đã phải đóng cửa trong đợt phong tỏa giãn cách xã hội. Giờ đây khi đã được giải tỏa, rất đông các nhà hàng không thể mở cửa lại, số khác mở cửa trở lại nhưng phải thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh. Mô hình quán ăn đang thay đổi căn bản, có thể nói là gần như trở lại từ đầu.

Hồ sơ của Courrier International về chủ đề ẩm thực phác họa những nét chính của bức tranh ngành ẩm thực trên toàn thế giới sau phong tỏa vì khủng hoảng dịch Covid-19 cùng những nỗ lực sáng tạo cứu ngành kinh tế có doanh thu tới 900 tỷ đô la mỗi năm và sử dụng 15 triệu nhân công này của thế giới.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 657 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)