Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/08/2020

Điểm báo Pháp – Lebanon kêu gọi chống giới lãnh đạo bám quyền

RFI tiếng Việt

Lebanon : Kêu gọi đứng dậy chống giới lãnh đạo bám quyền

Ba chủ đề tràn ngập các trang báo Pháp đầu tuần là Lebanon, Covid-19 và nạn hạn hán tại Pháp. Mùa xuân thiếu mưa, mùa hè thiếu nưóc. một phần tư nước Pháp oi bức, đất đai khô cằn càng làm tăng thêm mối lo cho nông gia.

liban1

Cảnh biểu tình ở Beirut sau vụ nổ. Ảnh chụp ngày 08/08/2020.  JOSEPH EID / AFP

Lebanon : Giới chính trị gia theo chân khủng long ?

Le Monde dành trang nhất cho khủng hoảng Lebanon : "Beirut ơi đừng ngủ". Lời kêu gọi thống thiết của một nữ văn sĩ Lebanon mở đầu một loạt bài của nhiều tác giả đồng hương : "Gục ngã và đứng dậy là chuyện thường nhật" của người dân Lebanon.

Trong nỗi bất lực này, Le Monde cho biết một thông tin : Tổng thống Aoun cũng chống đề nghị mời quốc tế điều tra vụ nổ 2.750 tấn hóa chất. Nhà lãnh đạo Thiên Chúa Giáo và phe Hezbollah Hồi giáo Shia đều chống đề nghị của tổng thống Pháp Macron. Lập luận của tổng thống Lebanon là điều tra quốc tế sẽ làm "giảm bớt sự thật". Ông nghi ngờ có bàn tay can thiệp từ bên ngoài và muốn Pháp cung cấp hình ảnh vệ tinh để kiểm chứng xem có máy bay hay tên lửa trên không vào lúc nổ hay chăng ?

Libération dành 6 trang cho Lebanon với tựa bốc lửa : Nỗi căm hờn khôn nguôi của người dân Lebanon muốn tự tay "xử lý" thủ phạm mà họ cho là các thế lực chính trị từ bao nhiêu thập niên chia chát quyền lực. Công lý Lebanon từ lâu rồi không làm bổn phận.

Le Figaro cũng đồng điệu với đồng nghiệp cùng trên hai chủ đề : Hạn hán và Lebanon. "Pháp đối mặt với một năm hạn hán nữa" tựa một bài báo dài, kèm theo hình ảnh đất ruộng nứt nẻ. Đề tài thứ hai là phải giúp Lebanon nhưng giúp dân và loại trừ thành phần chính trị gia tham ô bám trụ .

Lebanon : Quốc tế đề nghị trợ giúp có điều kiện

Hôm chủ nhật, trong cuộc thảo luận qua video, đặc biệt có Donald Trump tham gia, khoảng 30 nhà lãnh đạo thế giới đòi hỏi tiền trợ giúp Lebanon phải trực tiếp đến tận tay người dân và trong điều kiện minh bạch. Trong bài xã luận "Phải cứu Lebanon", nhật báo Le Figaro ngạc nhiên khi thấy Lebanon sau nửa thế kỷ rơi vào địa ngục mà vẫn huy động được thiện chí của cộng đồng quốc tế.

Nhưng giúp Lebanon không có nghĩa là đưa Hội Hồng Thập Tự đến cứu nạn nhân. Trái lại, phải giúp người Lebanon thoát ra tình trạng tê liệt chính trị và xã hội. Phải chỉ mặt những kẻ có trách nhiệm, đe doạ phong toả tài sản của họ nếu cần. Le Figaro cảnh báo nước Pháp là sẽ không làm tròn bổn phận của một nước bạn lịch sử của Lebanon, nếu Paris tiếp tục làm ngơ trước tệ nạn xã hội đen chính trị trầm kha.

Nhật báo thiên hữu lập luận : Nếu cần một cơn đại biến để quét sạch khủng long khỏi mặt đất thì hy vọng rằng vụ nổ kho hóa chất ở Beirut hôm thứ ba tuần trước sẽ giúp đánh bật gốc giới chính trị gia già nua, bám rễ tại Lebanon từ nhiều thập niên qua.

WeChat, xung khắc Mỹ-Trung bước vào một thế trận mới

Về thời sự Châu Á, Le Monde dành gần trọn trang 2 để tường thuật về "cuộc tấn công" của Donald Trump vào nền "công nghệ" của Trung Quốc, sau TikTok, giờ đến phiên WeChat và giới quan chức Hồng Kông thân Bắc Kinh mà đứng đầu danh sách là Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Vấn đề là các biện pháp cấm WeChat có hiệu quả như mong muốn hay không ? Theo một nhà phân tích Mỹ thì câu trả lời là không. Lý do trớ trêu là người sử dụng tại Mỹ sẽ áp dụng chiêu thức mà người dân tại Hoa Lục dùng để lách tường lửa kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc : Thuê VPN để tiếp tục truy cập WeChat.

Còn đối với nhật báo kinh tế Les Echos, khi tấn công vào WeChat, xung khắc Mỹ-Trung bước vào một thế trận mới, bởi vì WeChat là ứng dụng con gà đẻ trứng vàng của Tencent được 1,2 tỷ người sử dụng, hầu hểt là dân Trung Quốc và du học sinh Hoa Lục tại Mỹ.

Tình hình xứ sở của Kim Jong-un cũng hầu như hoàn toàn bế tắc

Bình Nhưỡng khẳng định với thế giới là đã chận được đại dịch Covid-19, trên toàn quốc không có một trường hợp lây nhiễm nào, khiến giới y tế thế giới không khỏi ngạc nhiên. (Một người đào tị, bị tư pháp Seoul truy nã về tội hình sự, vừa trốn về lại Bắc Triều Tiên lúc đầu bị xem là ca ngoại nhập, nhưng cuối cùng xét nghiệm cho kết quả âm tính).

Trên thực tế dù Covid-19 có tới Bắc Triều Tiên hay không thì nước này cũng đã điêu đứng vì đại dịch : Chính sách hiện đại hóa bị tê liệt, tựa của Le Monde. Siêu vi corona gây tác hại nghiêm trọng cho kinh tế Bắc Triều Tiên, do buôn bán với Trung Quốc bị giảm tốc độ, cộng với guồng máy quan liêu nặng nề của chế độ đã cản trở các dự án cải cách của Kim Jong-un, Le Monde giải thích.

Covid-19 : Tổng kết giai đoạn một

Covid-19 được trình bày trên nhật báo kinh tế như một bản tổng kết giai đoạn một đã qua. Bên cạnh ảnh minh hoạ hai khách bộ hành đeo khẩu trang đi dạo, Les Echos đặt ra một loạt vấn đề liên quan đến đợt dịch thứ hai mà giới y tế cảnh báo như kinh nhật tụng. Lo ngại Covid bùng lại, hàng loạt biện pháp ngăn chận đã được ban hành. Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế, đợt hai tại Bỉ và Pháp có vẻ yếu, tại Châu Âu số nạn nhân tử vong giảm 15 lần, nhưng chính quyền Pháp ra lệnh đeo khẩu trang nơi công cộng để chận trước cho chắc ăn. New York khống chế được đại dịch và tại Úc, Melbourne siết chặt phong toả .

Nhật báo kinh tế có vẻ lạc quan cũng như Thierry Breton, uỷ viên Châu Âu đặc trách chính sách công nghiệp, công nghệ số, thị trường nội địa, quốc phòng và không gian. Theo nhà kỹ nghệ dạn dày kinh nghiệm này, Covid-19 cũng có khía cạnh tích cực. Chỉ trong vòng 100 ngày đầu tiên, siêu vi đã giúp cho Liên Hiệp Châu Âu loại trừ một loạt quan điểm giáo điều nhiều hơn suốt 30 năm qua. Trước một Donald Trump xé lẻ bảo vệ quyền lợi nước Mỹ, trước một Trung Quốc lợi dụng thế mong manh của chủ nghĩa kinh tế đa phương đang mất giá, từ con đường tơ lụa đến ngoại giao khẩu trang, từng bước thực hiện tham vọng "trùm kinh tế công nghệ thế giới".

"Châu Âu không còn ngây thơ nữa" là tựa đầu tiên trong loạt bốn bài mỗi thứ hai trên Les Echos. Thierry Breton sẽ quay lại phân tích bằng chiến lược gì Châu Âu trở thành một khối hùng cường, không tẩy chay ai, không kỳ thị ai.

Bầu cử tổng thống Belarus là sao chép mô hình Xô-viết

La Croix ngoài tựa lớn : Đưa Lebanon ra khỏi bế tắc. Quốc tế phối hợp giúp Lebanon trong bối cảnh người dân đòi hỏi phải tái tổ chức hệ thống chính trị mafia, nhật báo công giáo không quên dân Bulgaria cũng đang tranh đấu chống chế độ mà họ cũng gọi mà "mafia" đang biến đất nước thành của riêng.

Tình hình nghiêm trọng đến nổi tổng thống Roumen Radev cũng tham gia xuống đường với dân chúng đòi thủ tướng Boiko Borissov và chưởng lý Ivan Guechev từ chức.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 568 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)