Tổng thống Trump : ‘Quan hệ thân thiện với Chủ tịch Tập tan vỡ sau dịch Covid-19’ (VOA, 12/08/2020)
Tổng thống Trump hôm 11/8 nói mối quan hệ giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tan vỡ tiếp theo sau đại dịch Covid-19, và đã lâu ông không nói chuyện với vị tương nhiệm Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự một buổi họp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. Ảnh minh họa
"Trước đây tôi có quan hệ rất tốt với ông ấy", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox Sport. Ông đơn cử thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 mà hai bên đã đạt được hồi đầu năm 2020.
"Tôi có quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập. Tôi thích ông, nhưng sự thân tình đó không còn nữa".
Ông Trump nói tình cảm của ông thay đổi trong đại dịch Covid-19.
"Rõ rệt tôi thấy khác đi. Tôi từng có quan hệ tốt, rất tốt, bây giờ thì lâu rồi, tôi không nói chuyện với ông".
Theo Reuters, ông Trump coi thách thức Trung Quốc là một phần chủ yếu trong chiến dịch vận động của ông cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11, và ông lưu ý về các quan hệ thân thiện với ông Tập trong phần lớn nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên giữa lúc ông đang tìm cách thực hiện các cam kết về thương mại.
Hôm 11/8 ông Trump nói so với vụ tranh chấp về thương mại, hậu quả của vụ bộc phát dịch Covid-19 ‘tệ hại hơn gấp ngàn lần’, với nhiều chết chóc và khiến cả thế giới phải đóng cửa.
Từ khi những tin tức đầu tiên về virus Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, hơn 20 triệu người đã nhiễm virus, với hơn 735.000 ca tử vong trên toàn cầu, riêng tại Hoa Kỳ đã có 5,1 triệu ca nhiễm và hơn 163.000 ca tử vong.
Ngoài ra, quan hệ Mỹ-Trung cũng bị tác động bởi chiến dịch đàn áp ở Hong Kong sau khi Luật an ninh quốc gia được ban hành, và bởi những bất đồng về Đài Loan và về vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
*********************
Trung Quốc gia tăng tập trận trên biển, đe dọa cả đảo Guam của Mỹ (RFI, 12/08/2020)
Trong bối cảnh quan hệ với Washington căng thẳng hẳn lên, Bắc Kinh tổ chức một loạt các cuộc tập trận tại các vùng biển bao quanh Trung Quốc, từ vùng eo biển Đài Loan xuống đến Biển Đông. Theo ghi nhận của kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 11/08/2020, Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa tập trận bắn đạn thật ngay gần đảo Guam ở miền Tây Thái Bình Dương, sát Philippines, nơi đặt một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Cuộc diễn tập gần đây nhất của Trung Quốc diễn ra hôm 10/08 khi Bắc Kinh cho chiến đấu cơ vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, một đường ranh giới không chính thức ngăn vùng biển giữa Hoa Lục và Đài Loan, buộc chính quyền Đài Bắc phải điều máy bay lên để ngăn chặn và xua đuổi.
Đây là một động thái hiếm hoi, vì từ năm 1999 đến nay, đây chỉ là lần thứ ba mà chiến đấu cơ Trung Quốc cố ý xâm nhập không phận Đài Loan như vậy. Hai lần trước là vào tháng Hai vừa qua và tháng Ba năm 2019. Theo giới phân tích, Bắc Kinh đã có động thái thị uy kể trên để biểu thị thái độ bất bình trước việc một bộ trưởng Mỹ chính thức đến thăm Đài Loan từ Chủ Nhật 09/08.
Trang web bằng Anh Ngữ của Quân Đội Trung Quốc đã không ngần ngại đăng lại một bài viết của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, khẳng định rằng động thái của Không Quân Trung Quốc là nhằm cho thấy Bắc Kinh không hài lòng đối với Washington về chuyến thăm Đài Loan của bộ trưởng Y tế Mỹ Azar.
Bài viết còn đe dọa rằng nếu Washington không lùi bước trên vấn đề Đài Loan, quân đội Trung Quốc "sẽ có thêm biện pháp đáp trả, như tập trận bắn tên lửa thật ở phía đông Đài Loan hay gần đảo Guam".
Theo giới phân tích, việc tập trận bắn tên lửa gần đảo Guam sẽ là một hành vi cực kỳ khiêu khích đối với Mỹ, vì hòn đảo ở phía đông Philippines này là nơi Hoa Kỳ đặt hai căn cứ quân sự trọng yếu : Căn cứ Không Quân Andersen và Căn cứ Hải Quân Guam.
Lời đe dọa tập trận gần Guam được đưa ra trong bối cảnh rộ lên những thông tin về một loạt những cuộc tập trận khác mà Quân Đội Trung Quốc đã và sắp tiến hành.
CNN cũng trích Hoàn Cầu Thời Báo cho biết là các lực lượng trên bộ và trên biển của Trung Quốc đã có nhiều cuộc tập trận trên biển và đổ bộ tấn công trong các tuần qua và sẽ tiếp tục những hoạt động này trong những tuần lễ sắp tới.
Trong số những cuộc tập trận gần đây, theo tờ báo, có cuộc tấn công giả định lên bãi biển trên đảo Hải Nam, bài tập đổ bộ ở tỉnh Quảng Châu, đợt diễn tập tấn công vượt biển ở tỉnh Phúc Kiến, và cuộc tập trận Không Quân phối hợp oanh tạc cơ, trang bị tên lửa, với các loại máy bay tiêm kích trên Biển Đông. Quân đội Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch cho một số cuộc tập trận bắn đạn thật trong tuần này và tuần sau.
Trọng Nghĩa
*****************
Nhật Bản ký thỏa thuận cung cấp 6 tàu tuần tra mới cho Việt Nam (VOA, 12/08/2020)
Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản -JICA vừa ký tắt với Việt Nam một thỏa thuận trị giá 36,6 tỷ Yen- tương đương 345 triệu USD, theo đó Nhật sẽ cung cấp 6 tầu tuần tra mới cho Cảnh sát biển Việt Nam để tăng cường khả năng chấp pháp của Việt Nam trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền trong Biển Đông, theo Japan Times.
JICA, Cơ quan Hợp tác Quốc tế của chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Việt Nam để chiến đấu chống dịch nCoV. Ảnh minh họa
Thỏa thuận này được ký kết giữa lúc lập trường của Hoa Kỳ trở nên cứng rắn trước những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Washington cho rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là "hoàn toàn bất hợp pháp", và cáo buộc Bắc Kinh ‘bắt nạt’ Việt Nam và các nước láng giềng khác có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc trong Biển Đông.
Nhật Bản chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các khu vực đang trong vòng tranh chấp, và bành trướng hoạt động trong các vùng biển và không phận trên Biển Đông, nói rằng những động thái đó thể hiện âm mưu của Bắc Kinh toan dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng và đặt thế giới trước ‘sự đã rồi’.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản -JICA ký tắt vào thỏa thuận với Việt Nam tại Hà Nội hôm 28/7, cơ quan này cho biết hôm 11/8.
Nhật Bản trước đây từng đề nghị cung cấp tàu cá cho Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên Tokyo cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam, theo lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Tàu của Hải quân Mỹ, Ấn độ, Nhật Bản và Philippines trên biển. Ảnh chụp ngày 9/5/2020 do Lực lượng Tự vệ Hàng Hải Nhật Bản cung cấp.
Quan chức này cho biết "6 tàu tuần tra mới này được thiết kế và đóng tại Nhật Bản".
JICA nói trong một tuyên bố :
"Dự án này sẽ giúp Cảnh sát biển Việt Nam có nguồn tài chính để mua tàu, hỗ trợ và cải thiện các hoạt động cứu nạn trên biển, và tăng cường khả năng chấp pháp của Cảnh sát biển Việt Nam".
JICA nêu bật rằng ngoài ra, dự án này cũng sẽ "củng cố quyền tự do hàng hải", góp phần thiết lập một khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Bản tin của Japan Times đề cập tới các sự cố khi tàu Trung Quốc bắn cảnh cáo vào tàu thuyền các nước láng giềng, và tàu Trung Quốc cản trở các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Theo Japan Times, các vấn đề liên quan tới Biển Đông đã trở thành mối lo ngại không những của Nhật Bản mà còn của cộng đồng quốc tế bởi vì Biển Đông là nơi các tuyến hàng hải thiết yếu cho thương mại quốc tế đi ngang qua, và có liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản công bố hồi tháng Bảy kêu gọi tất cả các bên liên quan, kể cả Trung Quốc hãy "tự chế, không đưa ra các hành động đơn phương có thể tăng căng thẳng và phải hành động dựa trên nguyên tắc của quyền pháp trị".
Sách trắng quốc phòng Nhật cũng nêu lên quan tâm về các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc toan dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng tại quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc đặt tên là Điếu ngư đài và tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ.
*********************
Biển Đông : Hải quân Philippines tố cáo Trung Quốc cố tình khiêu khích (RFI, 11/08/2020)
Tư lệnh lực lượng Hải quân Philippines ngày 10/08/2020, đã kêu gọi chính quyền Manila gởi công hàm phản đối sự hiện diện của hai chiếc tàu khảo sát Trung Quốc gần khu vực Bãi Cỏ Rong hiện do Manila kiểm soát, đồng thời tố cáo Hải quân Trung Quốc cố tình khiêu khích lực lượng Philippines.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, phó đô đốc Hải quân Philippines Giovanni Bacordo xác nhận rằng hai chiếc tàu Trung Quốc đã hoạt động ở vùng biển gần bãi Cỏ Rong (Reed Bank) từ cách nay một tuần. Căn cứ vào tốc độ di chuyển chậm của các chiếc tàu này - khoảng 3 hải lý/giờ - Hải quân Philippines cho rằng phía Trung Quốc đang tiến hành khảo sát.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, tư lệnh Hải quân Philippines khẳng định đã báo cáo vụ việc lên cấp trên và đã yêu cầu chính quyền phản đối chính thức qua đường ngoại giao. Phía Hải quân đã xác minh được là các chiếc tàu Trung Quốc không hề được phép hoạt động trong khu vực đó.
Bãi Cỏ Rong, nằm ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa, hiện do Philippines kiểm soát nhưng bị Trung Quốc gộp vào bên trong đường lưỡi bò của họ nhằm thâu tóm Biển Đông. Đây là khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí khá dồi dào.
Trong cuộc họp báo, phó đô đốc Bacordo còn tố cáo Trung Quốc tiếp tục cho tàu hải quân cũng như hải cảnh và tàu cá "xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", thậm chí còn có hành vi "khiêu khích" để phía Philippines nổ súng trước, điều mà lực lượng Hải Quân Philippines luôn cố tránh để khỏi bị cáo buộc là gây sự trước.
Vị tư lệnh Hải quân vừa nhậm chức không lâu này đã bác bỏ lập luận theo đó việc phản đối Trung Quốc về mặt ngoại giao là một động thái vô ích.
Trong cuộc họp báo, lãnh đạo Hải quân Philippines còn cho biết là phía Manila cũng nêu vấn đề những "vi phạm" của Trung Quốc ở Biển Đông với tư lệnh Hải Quân các nước ASEAN khác, cũng như tại Diễn Đàn Hải Quân khu vực Tây Thái Bình Dương Western Pacific Naval Symposium.
Mai Vân