Đài Loan chi 62 tỷ USD mua 66 máy bay chiến đấu từ Mỹ (Trithucvn, 15/08/2020)
Sau thông báo hôm thứ Sáu (14/8) của Lầu Năm Góc về việc bán 90 máy bay chiến đấu F-16 tiên tiến từ nhà sản xuất máy bay Lockheed Martin của Mỹ, các phương tiện truyền thông cho rằng Đài Loan là một trong những bên mua với hợp đồng 10 năm trị giá 62 tỷ USD cho 66 chiếc máy bay phản lực.
Máy bay chiến đấu F16 của Mỹ - Ảnh minh họa (Getty Images / Huiton archives USAF)
Lầu Năm Góc không tiết lộ rõ danh tính bên mua vì tính chất nhạy cảm của giao dịch. Tuy nhiên, một số nguồn thạo tin đã xác nhận với AFP và Bloomberg rằng Đài Loan là một trong số các khách hàng.
Bloomberg đưa tin con số 62 tỷ USD do Lầu Năm Góc công bố là bao gồm giá trị của nhiều hợp đồng mua bán trong cả 10 năm. Hợp đồng máy bay chiến đấu phản lực với Đài Loan được cho là đã được ký vào thứ Sáu (14/8).
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt bán 66 máy bay chiến đấu F-16 C/D Block 70 (F-16V) cho Đài Loan với mục đích đáp ứng nhu cầu quốc phòng của đảo quốc.
Vụ mua bán mới này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, theo nhận định từ các chuyên gia.
Hồi tháng 7, Lockheed Martin là nhà thầu chính cho gói nâng cấp các tên lửa đất đối không Patriot của Đài Loan trị giá 620 triệu USD. Đáp trả lại động thái này, Trung Quốc cho biết sẽ áp đặt các chế tài lên Lockheed Martin, tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết cụ thể.
Trung Quốc trước nay vẫn xem Đài Loan là một tỉnh ngoài khơi xa của mình và chế độ Bắc Kinh coi những nỗ lực cung cấp vũ khí cho Đài Loan của Mỹ là nỗ lực gây tổn hại tới chủ quyền và an ninh quốc gia Trung Quốc.
Mặc dù từ năm 1979 Washington đã công nhận chính sách "một Trung Quốc", nhưng họ vẫn tiếp tục ủng hộ Đài Loan dân chủ và giúp hòn đảo này tự vệ chống lại Trung Quốc. Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan.
(theo Bloomberg, Taiwan News)
Lê Vy
*******************
Báo Trung Quốc : Đưa oanh tạc cơ đến Phú Lâm là để ‘ngăn chặn khiêu khích từ Mỹ’ (VOA, 14/08/2020)
Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, nói việc quân đội Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6J mới đến đảo Phú Quốc ở Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền, là để "trấn áp và ngăn chặn các hoạt động quân sự khiêu khích của Mỹ trong khu vực".
Oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc. Dòng oanh tạc cơ H-6J mới được đánh giá là có sức mạnh vượt trội so với các dòng khác.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang về nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề Biển Đông với việc Washington tỏ ra cứng rắn hơn trong việc chống lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời gia tăng sự hiện diện hải quân trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
"Với khả năng của vũ khí này, có thể bao gồm tên lửa đạn đạo chống hạm, sẽ đề ra mối răn đe to lớn đối với hàng không mẫu hạm Mỹ", tờ báo nhà nước Trung Quốc nói hôm 13/8 sau khi báo chí quốc tế đưa tin và hình ảnh về động thái mới của Bắc Kinh một ngày trước.
Máy bay ném bom H-6J là một trong những vũ khí mới nhất của Trung Quốc và chỉ mới được tiết lộ vào tháng Bảy, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết.
Tờ báo dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Nhậm Quốc Cường, trong cuộc họp báo thường kỳ hồi tháng 7 cho hay máy bay ném bom H-6J gần đây tham gia các cuộc tập trận chuyên sâu ở Biển Đông.
Hôm 12/8, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin về việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6J đến đảo Phú Lâm. Có ít nhất một chiếc H-6J đã được nhìn thấy hạ cánh xuống hòn đảo mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung Quốc kiểm soát.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc "quân sự hóa " khu vực tranh chấp ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh luôn khẳng định việc xây dựng chỉ phục vụ cho nhu cầu dân sự.
Hồi cuối tháng Bảy, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper chỉ trích "thái độ xấu" gần đây của quân đội Trung Quốc làm gia tăng những lo ngại trên toàn khu vực.
Ông Esper chỉ đích danh Trung Quốc "thường xuyên không tôn trọng quyền của các nước khác". Ông chỉ ra cuộc tập trận tấn công quy mô lớn gần đây của Trung Quốc mô phỏng cảnh chiếm một đảo của Đài Loan như là "một hành động gây bất ổn làm gia tăng một cách đáng kể nguy cơ tính toán sai lầm".
Hồi 2015, Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ J-11B đến đảo Phú Lâm, và năm 2018 đưa máy bay ném bom H-6K tới đây.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn triển khai một loạt các vũ khí tối tân cho cả phòng không và chống hạm đến một số tiền đồn trên đảo như hệ thống phòng không HQ-9B và tên lửa chống hạm YJ-12.
Tuy nhiên, cả truyền thông Trung Quốc lẫn quốc tế đều cho rằng H-6J có "sức mạnh vượt trội", với khả năng chống lại tàu của đối phương.
Tờ báo Trung Quốc nói quân đội Mỹ gần đây "khuấy động rắc rối trong khu vực" bằng các cuộc tập trận kép hàng không mẫu hạm vào tháng 7 và sử dụng máy bay trinh sát cỡ lớn trinh sát cận cảnh thường xuyên các vùng ven biển phía Nam Trung Quốc từ hướng Biển Đông trong vài tháng qua.
Hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ đã được điều tới Biển Đông hai lần trong tháng Bảy. Thời gian này, Hoa Kỳ tiến hành hai cuộc diễn tập quân sự cùng lúc ở hai vùng biển Châu Á với sự tham gia của các đồng minh như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
Hồi đầu tháng Tám, Mỹ và các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, lên tiếng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình và theo luật quốc tế.
Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nói rằng Hoa Kỳ "tái khẳng định cam kết làm việc với ASEAN nhằm bảo đảm một khu vực dựa trên các luật lệ minh bạch và rõ ràng…".
Trước đó, Úc gửi tuyên bố chính thức lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Bắc Kinh đối với Biển Đông, một động thái cho thấy nước này liên kết chặt chẽ hơn với Washington trong cuộc tranh cãi đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về vùng biển.
Phát biểu hồi cuối tháng Bảy của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Esper, có nội dung chỉ trích Trung Quốc về việc lấy đất lấp biển và tiếp tục tập trận xung quanh các thực thể tranh chấp trên biển, gọi những nỗ lực này "rõ ràng không phù hợp" với luật quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời thúc đẩy các nước khác trên toàn cầu giúp đứng lên chống thái độ của Trung Quốc.
Hiện Việt Nam chưa có phản ứng hay lên tiếng bình luận gì về thông tin động thái mới này của Trung Quốc. Nhưng trong một cuộc họp báo hồi tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng "Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này (Hoàng Sa, Trường Sa) mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị".
*********************
Đài Loan tuyên bố không bao giờ nhượng bộ Trung Quốc (RFA, 14/08/2020)
Chính phủ Đài Loan tuyên bố sẽ không bao giờ nhượng bộ trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Các kỹ thuật viên, thuộc binh chủng Không quân Đài Loan, trong một cuộc diễn tập quân sự, diễn ra ngày 15/1/2020. AFP
Phát ngôn nhân Hội đồng Sự vụ Hoa lục của Đài Loan, ông Khâu Thùy Chánh tuyên bố như vừa nêu tại một cuộc họp báo, vào hôm thứ Năm, ngày 13/8. Đồng thời, ông Khâu Thùy Chánh còn kêu gọi Bắc Kinh không nên hành động hấp tấp vì bất kỳ lời đe dọa nào cũng sẽ bị phản đối mạnh mẽ.
Lời tuyên bố của phát ngôn nhân Khâu Thùy Chánh được đưa ra ngay rsau khi có các thông tin cho biết Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần đây ở eo biển Đài Loan và các vùng biển trong khu vực.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Hoa Luc. Truyền thông Trung Quốc dẫn lời của một sĩ quan quân đội Trung Quốc cho hay cuộc diễn tập, với sự tham gia của nhiều đơn vị, nhằm tăng cường khả năng phối hợp chung và ứng phó "tình hình an ninh hiện nay" ở eo biển Đài Loan,
Kể từ tháng 2 đến nay, các máy bay phản lực của Trung Quốc đã nhiều lần đến khu vực eo biển Đài Loan, và lần xâm nhập không phận Đài Loan mới nhất xảy ra vào ngày 10/8.
*********************
Đài Loan tăng chi quốc phòng, mua hỏa tiễn Mỹ chống Trung Quốc đổ bộ (RFI, 13/08/2020)
Chi tiêu quốc phòng của Đài Loan sẽ tăng 10,2% vào năm tới, theo tính toán của Reuters, do lo ngại trước áp lực của Bắc Kinh. Đại diện Đài Loan hôm qua 12/08/2020 cho biết đang đàm phán với Hoa Kỳ để mua mìn chống tàu ngầm và hỏa tiễn hành trình nhằm đối phó nếu quân Trung Quốc đổ bộ chiếm đảo.
Theo Reuters, văn phòng tổng thống Thái Anh Văn đề nghị dành ngân sách quốc phòng 15,42 tỉ đô la từ tháng Giêng năm tới. Từ khi tái đắc cử, nữ tổng thống luôn coi việc tăng cường quân đội và tăng chi tiêu quân sự là ưu tiên hàng đầu.
Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi Khim) thuộc đảng Dân Tiến, được coi như đại sứ không chính thức của Đài Loan tại Hoa Kỳ, khi nói chuyện với Viện Hudson (nghiên cứu, tư vấn) ở Washington hôm qua nhận định, Đài Loan đang đối mặt với vấn đề sống còn, trước sự đe dọa ngày càng cao của quân đội Trung Quốc.
Bà cho biết Đài Bắc đang đàm phán với Washington để mua mìn chống tàu ngầm nhằm đối phó với quân Trung Quốc đổ bộ, và hỏa tiễn hành trình để phối hợp với loại hỏa tiễn siêu thanh chống hạm Hùng Phong (Hsiung Feng) do Đài Loan sản xuất, bảo vệ vùng duyên hải.
Theo bà Tiêu Mỹ Cầm, tuy lực lượng đôi bên cách biệt một trời một vực, nhưng Trung Quốc nếu xâm lăng Đài Loan sẽ phải trả một cái giá rất đắt.
Thụy My
************************
Đài Loan mua tên lửa, thủy lôi của Mỹ để đối phó với Trung Quốc (BBC, 13/08/2020)
Đài Loan đang hợp tác với Hoa Kỳ để tăng cường khả năng tác chiến bằng cách mua tên lửa hành trình và thủy lôi để ngăn chặn tốt hơn cuộc xâm lược của quân đội Trung Quốc, Đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ Hsiao Bi-khim thông báo hôm thứ Tư (12/8), theo Taiwan News.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong chuyến thăm một căn cứ quân sự ở Đài Nam, miền nam Đài Loan, ngày 9/4/2020
Trong một hội nghị truyền hình do Viện Hudson và Trung tâm vì Tiến bộ của Mỹ tổ chức hôm thứ Tư, bà Hsiao được yêu cầu trình bày chi tiết về kế hoạch của Đài Loan nhằm phát triển khả năng tác chiến để chặn sự tấn công của cộng sản Trung Quốc.
Bà Hsiao nói rằng Đài Loan hiện đang phối hợp với Mỹ để mua các tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển được thiết kế để bổ sung cho hệ thống tên lửa Hsiung Feng được chế tạo trong nước của Đài Loan.
Bà cho biết quân đội Đài Loan cũng đang nghiên cứu việc mua các loại mìn dưới biển để tự vệ tốt hơn trước các cuộc đổ bộ của Trung Quốc.
Con đường binh nghiệp được cho đã bắt đầu trở nên "hấp dẫn hơn đối với những người tài năng trong xã hội" Đài Loan
Bà Hsiao sau đó nói rằng ngoài phần cứng, nước này cần hiện đại hóa quân đội, bao gồm tăng cường lực lượng dự bị. Bà cho biết lực lượng dự bị sẽ không chỉ tham gia cứu trợ nhân đạo trong thảm họa mà còn tăng cường khả năng tác chiến như một "biện pháp phòng thủ cuối cùng ở quê hương của chúng tôi".
Bà Hsiao tuyên bố rằng một phần quan trọng khác trong quá trình tái cơ cấu quân đội của Đài Loan là tăng cường khả năng an ninh mạng và tác chiến mạng.
Bà cho biết một khía cạnh quan trọng của vấn đề này là việc tuyển dụng, đào tạo và duy trì "chuyên gia điều khiển mạng".
Bà Hsiao cũng cho hay Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang đặt trọng tâm vào việc hiện đại hóa quản lý quân đội và bà nhấn mạnh những cải tiến trong việc tuyển dụng nhân tài chuyên nghiệp.
Bà khẳng định rằng con đường binh nghiệp đã bắt đầu trở nên "hấp dẫn hơn đối với những người tài năng trong xã hội của chúng ta".
*********************
Báo chí Trung Quốc tố cáo phi cơ do thám Mỹ gây nguy hiểm cho hàng không (RFI, 13/08/2020)
Trong lúc Biển Đông căng thẳng, nguy cơ đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, hôm nay 13/08/2020, lên tiếng cảnh báo nguy cơ máy bay trinh sát Mỹ giả dạng phi cơ dân sự có thể đe dọa an toàn hàng không, nếu xảy ra "đụng độ vũ trang" ngoài ý muốn.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đại biểu cho quan điểm cứng rắn trong chính quyền Trung Quốc, dẫn lại nguồn tin từ báo Hồng Kông, South China Morning Post, hôm qua, 12/08, theo đó "lần đầu tiên" một máy bay trinh sát Mỹ (phi cơ E/8C) được nhận diện như một máy bay dân sự, trong một chuyến bay đêm tại Biển Đông.
Hoàn Cầu Thời Báo cũng dẫn lời một số chuyên gia, nhấn mạnh là nếu hiện tượng này là có thật, thì đây sẽ là một động thái "rất nguy hiểm", khiến các chuyến bay dân sự gặp nguy hiểm, nếu bùng nổ đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ.
Báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn một nguồn tin gần gũi với Quân Đội Trung Quốc, cho biết máy bay trinh sát E/8C của Mỹ đã được cơ quan kiểm soát không lưu nhận dạng như một máy bay thương mại, bay ở độ cao hơn 9.000 mét, tại khu vực Biển Đông. Tiếp theo đó, chiếc phi cơ này, được xác nhận là máy bay quân sự, khi bay gần thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Theo chuyên gia Trung Quốc Wang Yanan, tổng biên tập một tạp chí về hàng không, tạp chí Aerospace Knowledge, nếu một máy bay quân sự giả dạng dân sự để đánh lừa hệ thống giám sát bị phát hiện, thì lực lượng phòng không của nước sở tại có thể sẽ buộc phải nổ súng. Hoàn Cầu Thời Báo cảnh báo là việc máy bay trinh sát Mỹ giả dạng phi cơ dân sự tại khu vực Biển Đông, nơi hoạt động của rất nhiều tuyến bay thương mại gây khó khăn cho hệ thống phòng thủ của Trung Quốc, có thể dẫn đến các phán đoán sai lầm, gây nguy hiểm cho các máy bay dân sự.
Cảnh báo nói trên của tờ báo theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn của Trung Quốc được đưa đúng vào lúc Bắc Kinh tiến hành hàng loạt cuộc tập trận từ eo biển Đài Loan đến khu vực Biển Đông. Theo ghi nhận của kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 11/08/2020, Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa tập trận bắn đạn thật ngay gần đảo Guam của Mỹ ở miền Tây Thái Bình Dương, sát Philippines.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, về mặt ngoại giao và truyền thông, trước một chính quyền Donald Trump đang trong thế không khoan nhượng với Trung Quốc, trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020, Bắc Kinh tỏ ra là bên kiềm chế. Hôm 11/08, cũng báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết chính quyền Trung Quốc bằng nhiều kênh khác nhau bắn tiếng với Washington là đã ra lệnh cho các lực lượng Không quân và Hải quân "không bao giờ được là bên khai hỏa đầu tiên", trong một vụ đụng độ.
Trọng Thành