Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/09/2020

Điểm báo Pháp - Hai chuyến Âu du của Trung Quốc đại bại

RFI tiếng Việt

Hồng Kông, Biển Đông… hai chuyến Âu du của Trung Quốc đại bại

Thăm Châu Âu để tranh thủ cảm tình, hai nhà ngoại giao Trung Quốc lại phải đối mặt với những chất vấn gay gắt về Hồng Kông, Biển Đông, Tân Cương…Tuy thất bại cay đắng do Châu Âu đã thức tỉnh, nhưng Daily China vẫn tuyên truyền là quan hệ EU-Trung Quốc được củng cố.

thatbai1

Nhà đấu tranh Hồng Kông La Quán Thông (Nathan Law) và đông đảo người biểu tình phản đối ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) thăm Berlin, Đức ngày 01/09/2020. © Reuters/Michele Tantussi

Tình trạng bạo lực, quá tải xét nghiệm Covid, hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, làm cách nào thúc đẩy Made in France, đó là các chủ đề thời sự trên trang nhất các báo hôm nay. Về quốc tế, quan hệ Châu Âu-Trung Quốc, phong trào phản kháng ở Belarus được chú ý nhiều nhất.

Hai chuyến công du để khuyến dụ Châu Âu

Trong bài "Châu Âu không còn để bị Bắc Kinh dụ dỗ", Le Monde nhận định vòng công du của hai nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc-trước cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Tập Cận Bình ngày 14/09/2020-đã kết thúc với những thất bại.

Để kéo Châu Âu ra khỏi Mỹ xa hơn nữa, và để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh qua video, Bắc Kinh đã gởi hai nhà lãnh đạo ngành ngoại giao sang Châu Âu. Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) đi Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp, Đức vào cuối tháng Tám, rồi đến Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), chủ nhiệm Ban Đối Ngoại trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, đi thăm Tây Ban Nha và Hy Lạp ngày 03 và 04/09.

Chuyến công du của họ trùng hợp với chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Cộng hòa Czech, Milos Vystrcil, được truyền thông đưa tin rộng rãi. Một sự đối đầu thực sự với Bắc Kinh. Kỳ lạ hơn nữa, cả hai nhà ngoại giao Trung Quốc đều không dừng chân ở Bruxelles.

Có vẻ Bắc Kinh không ưa việc chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm 22/06 tố cáo Trung Quốc tấn công tin học vào các bệnh viện Châu Âu trong đại dịch. Bà còn loan báo việc áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông sẽ có "các hậu quả rất tiêu cực". Tuy nhiên chưa thấy có hành động gì, và Bắc Kinh hiểu rằng quyết định thực sự là từ chính quyền mỗi nước.

Vương Nghị bị tố cáo về Hồng Kông, Dương Khiết Trì há miệng mắc quai với Biển Đông

Nhưng tại từng nước Châu Âu, mọi việc không suôn sẻ như dự kiến. Ở Ý, Vương Nghị muốn gặp thủ tướng Giuseppe Conte, nhưng chỉ được ngoại trưởng Di Maio tiếp, và bị tố cáo tình hình Hồng Kông. Tại Hà Lan, ngoại trưởng Stef Blok nêu ra các vấn đề nhân quyền, Hồng Kông, và sự cần thiết tổ chức bầu cử ở Tây Tạng, Tân Cương. Ở Na Uy, Vương Nghị phạm hai sai lầm về ngoại giao, cho thấy tính cách hung hăng của Bắc Kinh. Ông ta nói rằng con virus corona không hẳn xuất phát từ Trung Quốc, và khuyến cáo Oslo không nên trao giải Nobel Hòa Bình cho người Hồng Kông.

Còn Dương Khiết Trì khi đến Tây Ban Nha, ngoại trưởng Arancha Gonzales vẫn để lơ lửng vấn đề công nghệ 5G của Hoa Vi (Huawei). Thay vào đó, ông nêu ra tình hình Hồng Kông, Tân Cương, nhắc lại tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đông.

Tại Hy Lạp, thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đòi hỏi phản đối "sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ" ở Địa Trung Hải, nói rằng Hy Lạp muốn thảo luận về ranh giới Biển Egée "trên cơ sở luật pháp quốc tế chứ không phải đe dọa". Theo Le Monde, chỉ cần thay thế "Biển Egean" bằng "Biển Đông" sẽ thấy thế khó xử của Bắc Kinh.

Tiếp xúc ngoại giao biến thành đối đầu tại Đức

Nước Đức, nơi Vương Nghị đến thăm ngày 30 và 31/08, là giai đoạn tệ hại nhất trong chuyến công du. Ngay khi đến Berlin, ông Vương đe dọa chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech "sẽ phải trả giá rất đắt" về chuyến thăm Đài Loan. Ngay lập tức, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen (đảng CDU) coi đây là "sự đối đầu về ngoại giao và dân chủ".

Trong không khí căng thẳng như vậy, cuộc gặp với đồng nhiệm Heiko Mass (đảng SPD) biến thành cuộc đối đầu. Ngoại trưởng Đức khẳng định cam kết bảo vệ các giá trị Châu Âu "kể cả bên ngoài EU, và ở tất cả mọi hướng" ; đòi tổ chức bầu cử ở Hồng Kông và để Liên Hiệp Quốc điều tra về Tân Cương. Bên ngoài Bộ ngoại giao Đức là mấy trăm người biểu tình, trong đó có cả những nghị sĩ, và nhà hoạt động Hồng Kông La Quán Thông (Nathan Law).

Nhất là ngay từ thứ Tư 02/09, chính phủ Đức đã thông qua "đường hướng chỉ đạo về Ấn Độ-Thái Bình Dương". Đó là thất bại cho Bắc Kinh. Hoàn cầu Thời báo nghi ngờ việc Berlin nêu ra khái niệm do chính quyền Trump sáng tạo là sự nhìn nhận sự đổi hướng chiến lược của Mỹ về Châu Á-Thái Bình Dương và thậm chí của Đức trong tương lai.

Pháp là một ngoại lệ : tổng thống Emmanuel Macron tươi cười tiếp đón Vương Nghị. Tuy nhiên Pháp đồng thời hiện đại hóa các chiến hạm bán cho Đài Loan, và cho phép Đài Bắc mở thêm một văn phòng đại diện thứ hai ở Aix-en-Provence.

Dù vậy China Daily hôm 03/09 vẫn chạy tựa "Quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Âu được tăng cường". Le Monde kết luận, nếu Tập Cận Bình tin vào tuyên truyền của chính Trung Quốc, ông ta có nguy cơ sẽ "ngã ngửa" vào ngày 14/09 tới.

Đã đến lúc Châu Âu ý thức được sức mạnh của mình trước Trung Quốc

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz nhận xét trên La Croix, Liên Hiệp Châu Âu EU không ý thức được sức mạnh của chính mình, và đánh giá Trung Quốc quá cao.

Theo ông, cú sốc đầu tiên là về kinh tế, khi Trung Quốc mua lại công ty công nghệ robot cao cấp của Đức là Kuka năm 2018, dẫn đến việc thành lập một cơ chế giám sát của EU về đầu tư nước ngoài vào những lãnh vực chiến lược, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Tiếp đến là ý thức về chính trị khi coi Bắc Kinh là "đối thủ mang tính hệ thống" năm 2019.

Đại dịch virus corona đầu năm 2020 là ngòi nổ cho những lãnh vực khác ngoài kinh tế : Châu Âu nhận ra thói quen bóp méo thông tin, sự lệ thuộc vào Trung Quốc nhất là về y tế, cung cách xử lý dịch bệnh của Bắc Kinh tạo ấn tượng rất tiêu cực đối với dư luận. Xã hội dân sự và chính khách tỏ ra gay gắt hơn về 5G của Hoa Vi, Tân Cương, Hồng Kông.

Nhưng ý thức còn phải biến thành hành động, trong bối cảnh EU vừa chịu áp lực của Mỹ vừa bị Bắc Kinh ra sức chia rẽ. Antoine Bondaz nhắc nhở rằng EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Cần chấm dứt việc đòi hỏi "có qua có lại" với Bắc Kinh vốn không giữ lời hứa, mà phải áp đặt : nếu không đối xử tương đồng thì Trung Quốc sẽ gánh hậu quả. Châu Âu tự đánh giá mình quá thấp, và điều này cần phải thay đổi. Như tân quốc phụ khanh phụ trách Châu Âu Clément Beaune đã nói, không chỉ là "Châu Âu của hòa bình" mà còn phải là "Châu Âu hùng mạnh".

Vụ đầu độc Navalny ảnh hưởng đến dự án Nord Stream 2

Cũng tại Châu Âu, La Croix giải thích vì sao Berlin ra tối hậu thư cho Moskva trong vụ nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc.

Đức đang là chủ tịch luân phiên EU, quan tâm đến tất cả vấn đề từ xung đột Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ đến quan hệ EU-Trung Quốc, cuộc khủng hoảng Belarus. Riêng vụ Navalny, nhà đối lập Nga nhập viện khẩn cấp tại Berlin và chính phủ của bà Angela Merkel phát hiện ông bị đầu độc bằng Novitchok, chất độc của quân đội Liên Xô cũ.

Ngoại trưởng Đức Heiko Mass hôm Chủ nhật 06/09 tuyên bố rất rõ : "Nếu trong những ngày tới Nga không đóng góp vào việc làm rõ những gì đã diễn ra, chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác về cách đáp trả". Có nghĩa là Berlin đã có được sự ủng hộ của 26 nước thành viên. Paris và Berlin chủ yếu muốn kiện lên Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OIAC).

Đức cho biết sẵn sàng ngưng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 Trong khi đó tại Nga, nhóm cộng sự của Navalny nỗ lực vận động bầu cho các ứng cử viên nào có nhiều khả năng đánh bại phe Putin trong cuộc bầu cử địa phương ngày 13/09.

Le Monde nhắc lại, Nord Stream 2 là dự án quan trọng về mặt địa chính trị. Dài 1.200 km, đường ống do Gazprom vận hành sẽ cung cấp cho Châu Âu 55 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, chi phí xây dựng 9,5 tỉ euro do 5 tập đoàn Châu Âu đóng góp. Công trình đã tiến hành được 94% nhưng đến tháng 12/2019 bị ngưng lại vì Mỹ trừng phạt, và nay thì xảy ra vụ đầu độc.

Ngay trong đảng CDU của bà Merkel, hai ứng viên kế nhiệm bà đều kêu gọi không tiếp tục dự án. Norbert Röttgen tuyên bố nếu hoàn tất Nord Stream 2 coi như để cho Putin vẫn tiếp tục chính sách đàn áp, còn Friedrich Merz cũng cho rằng đây là cách duy nhất để Putin chịu lắng nghe. Về phía Pháp, tổng thống Emmanuel Macron cũng tỏ ra do dự.

Kinh tế "định hướng xã hội chủ nghĩa" của Belarus có nguy cơ sụp đổ

Về Belarus, Châu Âu cũng chưa dứt khoát trong việc trừng phạt cá nhân tổng thống Lukashenko. Pháp, Đức, Ý muốn duy trì đối thoại, còn các nước Baltic tỏ ra cứng rắn với "nhà độc tài Châu Âu cuối cùng". Trong khi đó, kinh tế Belarus đang gặp khủng hoảng nặng nề.

La Croix cho biết đồng tiền quốc gia liên tục mất giá khiến người dân đua nhau đổi sang đô la và euro để tích trữ. Có những người còn đóng luôn tài khoản ngân hàng, như một động thái mang tính chính trị. Hiện chưa thể biết được con số này là bao nhiêu, nhưng nếu chỉ 5% cũng khiến các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Nhà nước có dự trữ ngoại hối khoảng một tháng rưỡi, đành để yên cho đồng tiền sụt giá, nhưng nếu tiếp tục sẽ làm tăng số nợ công mà 90% gắn với đồng đô la.

Từ nay đến cuối năm, chính quyền phải xoay sở cho được 1,25 tỉ euro, và trước nguy cơ vỡ nợ, Lukashenko đành kêu gọi sự trợ giúp của Putin. Tuy nhiên theo chuyên gia Dimitri Kruk, chỉ có đầu tư nước ngoài mới cứu vãn được, vì Moskva có thể cho vay, nhưng sẽ không bảo vệ khối quốc doanh của Belarus vốn kém hiệu quả. Các công ty kỹ thuật số, thành công hiếm hoi của chế độ, còn đe dọa sẽ rời khỏi Belarus nếu công an tiếp tục đàn áp người biểu tình.

Về lâu về dài, "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" theo kiểu Belarus, trong đó lãnh vực quốc doanh chiếm 70% GDP, có nguy cơ sụp đổ. Nhà báo Alexandre Papko cảnh báo, sau các cuộc biểu tình chính trị, sẽ đến lượt biểu tình về các vấn đề xã hội.

Nhật Bản : Yoshihide Suga, người kế nhiệm thủ tướng Shinzo Abe ?

Liên quan đến Châu Á, Le Figaro cho biết chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hầu như chắc chắn sẽ lên kế nhiệm thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 17/09, sau cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LPD).

Nếu đa số chính khách Nhật đều có gốc gác thượng lưu, ông Suga xuất thân từ một gia đình nghèo ở nông thôn, hiểu được những khó khăn của cuộc sống. Ông làm nhiều công việc lặt vặt để có chi phí theo học trường đại học Hosei, giành được chức vụ dân cử đầu tiên ở Kanagawa, ngoại ô Tokyo năm 1996, và cuối cùng được thủ tướng Shinzo Abe đỡ đầu. Từ tám năm qua là phát ngôn viên chính phủ, trả lời báo chí ngày hai lần, ông được nhận xét là một người rất cởi mở.

Trong hậu trường, Yoshihide Suga tác động đến những cải cách quan trọng như chính sách cấp visa ngắn hạn, lập cơ quan nhập cư, giảm thuế cho việc mua sản phẩm địa phương… Bên ngoài camera, ông tiếp xúc riêng với đủ loại người : những người quen biết, nhân vật quan trọng, người ủng hộ lẫn chỉ trích… Nhà chính trị học Michael Cucek kể lại, có lần bất ngờ gặp ông Suga và một trợ lý trẻ trong métro Tokyo, mà không hề có cận vệ. Nhưng một khi lên làm thủ tướng, Yoshihide Suga sẽ mất đi sự tự do này.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 535 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)