Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/11/2020

ASEAN : Bộ trưởng Phạm Bình Minh chủ trì những phiên họp cuối nhiệm kỳ

RFI, RFA

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN : Đoàn kết để đối phó với tình hình Biển Đông

Thu Hằng, RFI, 11/11/2020

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/11/2020 trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra từ 12-15/11. Ông Phạm Bình Minh cho rằng ASEAN đang trải qua giai đoạn "lửa thử vàng, gian nan thử sức" trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung và Hoa Kỳ sắp có chính quyền mới.

pbm1

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi khai mạc hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ngày 09/11/2020. Ảnh chụp từ màn ảnh truyền hình.  AP

Tại hội nghị, vấn đề Biển Đông được nêu lên với nhận định "nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung". Không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng ngoại trưởng các nước ASEAN kêu gọi "thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố DOC""đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, vai trò của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS". 

Theo trang ASEAN2020, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh đến đoàn kết của ASEAN, vì đó là "nhân tố then chốt trong bảo đảm ASEAN hòa bình, ổn định, đọc lập và tự chủ trong môi trường thế giới có nhiều bất ổn, bất định hiện nay".

Đây cũng là nhận định của ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein, được trang The Malaysia Reserve trích dẫn ngày 11/11. Theo ngoại trưởng Malaysia, toàn khối ASEAN phải có được tiếng nói chung về Biển Đông trước khi đối mặt với các cường quốc (Trung Quốc và Hoa Kỳ), trong đó việc đầu tiên là các nước thành viên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần đàm phán với nhau để giải quyết các yêu sách chồng lấn nhau.

Liên quan đến dự luật của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài ở những vùng biển tranh chấp, trong đó có Biển Đông, ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ quan ngại ngày 10/11, với "hy vọng dự luật của Trung Quốc không ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông". Trước đó, ngày 05/11, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã có phản ứng quan ngại về vấn đề này.

Cũng trong ngày 10/11, tại Hội nghị lần thứ 28 Hội đồng Điều phối ASEAN, các ngoại trưởng ASEAN đã dự lễ ký Văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) thâu nhận thêm 3 nước Colombia, Nam Phi và Cuba. Hiện có 43 nước và tổ chức trên thế giới tham gia TAC.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 11/11/2020

**************************

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và các đồng nhiệm ASEAN trao đổi về Biển Đông

RFA, 10/11/2020

Vấn đề Biển Đông là một nội dung được Phó thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh và bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thảo luận vào ngày 10 tháng 11. Các vị bộ trưởng thảo luận vấn đề này trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan.

pbm2

Tấm biển quảng cáo cho sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 37 ở Hà Nội hôm 09/11/2020

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin cho biết ông Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN cho rằng Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên khi nhiều hành động đơn phương, kể cả quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại cho hòa bình, ổn định tại Biển Đông nói riêng và cả khu vực nói chung.

Theo những người đứng đầu ngành ngoại giao của khối các nước ASEAN thì năm 2020 là một năm đầy thách thức, khó khăn và bất ổn. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 bùng phát rồi lây lan trên diện rộng ; tình trạng cạnh tranh giữa các cường quốc chiến lược ngày càng gia tăng cùng vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Theo các Bộ trưởng Ngoại giao khối ASEAN thì cần tiếp tục thúc đẩy những nội dung hợp tác trong quá trình phục hồi và khôi phục tăng trưởng sau đại dịch. Đó là cần bảo đảm sự liền mạch của chuỗi cung cứng, khôi phục giao thương an toàn giữa các quốc gia ; kết thúc đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương Mại Thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn Diện Khu vực (RCEP) ; tăng cường hợp tác trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong khối ASEAN thông qua nâng tầm các hoạt động hợp tác giữa các tiểu vùng thuộc khu vực này.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI, RFA
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)