Ấn Độ và Việt Nam họp thượng đỉnh với hợp tác quốc phòng là một trọng tâm
Trọng Nghĩa, RFI, 21/12/2020
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào hôm nay 21/12/2020. Hai nước dự kiến ký các thỏa thuận về quốc phòng, năng lượng và phát triển, đẩy mạnh thỏa thuận cung cấp tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam.
Cuộc họp diễn ra vào thời điểm cả hai nước đều phải đối mặt với các hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực. Ấn Độ đang đọ sức quân sự với Trung Quốc ở khu vực Ladakh thuộc biên giới hai bên trên dãy Himalaya, trong khi Việt Nam đã bị Bắc Kinh lấn lướt tại Biển Đông, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Theo nhật báo Ấn Độ Hindustan Times, trích dẫn những nguồn thạo tin xin giấu tên, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu và dự kiến sẽ đưa ra một "tầm nhìn chung" để định hướng cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương.
Hai bên sẽ đẩy nhanh việc triển khai khoản tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu đô la của Ấn Độ cho Việt Nam để cung cấp với 12 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng biên phòng Việt Nam nhằm tăng cường an ninh ven biển và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp. Năm tàu đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Larsen & Toubro ở Chennai, và phần còn lại sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà ở thành phố cảng Hải Phòng dưới sự giám sát của công ty Ấn Độ.
Ấn Độ cũng đã cung cấp một tín dụng quốc phòng khác trị giá 500 triệu đô la cho Việt Nam.
Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cách đây 4 năm. Ấn Độ là một trong số ít quốc gia mà Việt Nam có quan hệ đối tác như vậy.
Trọng Nghĩa
********************
Việt Nam, Ấn Độ ký kết 7 thỏa thuận trong cuộc họp trực tuyến
VOA, 21/12/2020
Ấn Độ và Việt Nam vừa ký kết 7 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, dầu khí, hạt nhân dân sự, đồng thời cho ra mắt một tầm nhìn chung về hòa bình và thịnh vượng trong bối cảnh hai nước đều quan tâm về các hành động hung hăng của Trung Quốc trên khắp khu vực.
Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ (VOA-Linh Đan)
Tham gia cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 21/12, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả Việt Nam là một "trụ cột quan trọng trong chính sách ‘Hành động Hướng Đông’ của Ấn Độ, và cũng là đồng minh quan trọng của Ấn Độ theo tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của New Dehli.
"Hòa bình, ổn định và thịnh vượng là mục tiêu chung của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quan hệ đối tác Việt Nam-Ấn Độ sẽ đóng góp vào việc duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực", báo Hindustimes dẫn lời Thủ tướng Modi nói.
Tờ báo Ấn Độ dẫn lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói rằng quyết định nâng cấp các quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016 đã tăng cường thêm niềm tin và sự cảm thông giữa hai nước về tầm nhìn và các lợi ích của nước đối tác liên quan tới các vấn đề quốc tế. Ông Phúc nói phía Việt Nam cũng đã đồng ý với các đề nghị của Ấn Độ để triển khai thêm một khoản tín dụng quốc phòng.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ nói rằng 7 thỏa thuận mà hai nước vừa ký kết bao gồm nhiều lĩnh vực như quốc phòng, năng lượng hạt nhân, dấu khí, năng lượng tái tạo và chữa trị bệnh ung thư.
Ông Modi cho biết hai nước còn đề ra những sáng kiến mới trong lĩnh vực tăng cường hợp tác và giao lưu văn hóa. Và theo ông, điều đó cho thấy hai nước tiếp tục phát triển tiềm năng để gia tăng hợp tác song phương.
Hai nhà lãnh đạo đã công bố một tài liệu nêu lên tầm nhìn chung, và một kế hoạch hành động trong giai đoạn 2021-2023.
"Tầm nhìn chung cho hòa bình, ổn định và nhân dân sẽ đánh đi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới về chiều sâu của quan hệ Việt-Ấn", Thủ tướng Modi nói.
Tàu tuần tra của Lực lượng Biên phòng Việt Nam do Xưởng đóng tàu L& T của Ấn Độ đóng. Photo VietnamPlus/VNA
Ấn Độ hiện đang cấp một khoản tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu đôla cho Việt Nam để cung cấp 12 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng biên phòng Việt Nam. Các tàu này đang được đóng tại Xưởng đóng tàu Larsen & Toubro ở Chennai, phần còn lại sẽ được hoàn tất bởi xưởng đóng tàu Hồng Hà tại cảng Hải Phòng dưới sự giám sát của công ty Ấn Độ.
Ấn Độ đã đề nghị thêm một khoản tín dụng quốc phòng nữa trị giá 500 triệu đôla.
Hai nước nâng các quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cách đây 4 năm. Hai bên đã trao đổi các cuộc thăm viếng cấp cao bất chấp đại dịch Covid-19. Hai vị Thủ tướng cũng đã gặp gỡ trực tuyến trong Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ vào tháng trước.
Cả hai nước chia sẻ những lợi ích chung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và Biển Đông. Cuộc họp thượng đỉnh cho phép hai bên xem xét những lĩnh vực hợp tác theo Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ và tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hiện nay, cả Ấn Độ và Việt Nam đều là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ năm 2021, mở ra thêm các cơ hội mới để hai bên hợp tác và phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Cuộc hội đàm cấp cao được tổ chức vào một thời điểm khi mà hai nước đang phải đối phó với những hành động hung hăng của Trung Quốc.
Ấn Độ đối đầu với Trung Quốc tại vùng Ladakh dọc theo Đường Kiểm sóa t Thực tế tại ranh giới hai nước trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, trong khi Việt Nam đang có những bất đồng lớn về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vào giữa tháng 8 năm nay, Việt Nam bày tỏ phẫn nộ khi ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai oanh tạc cơ H-6J tới đảo Phú Lâm. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, nói rằng "hành động đó không những vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam, mà còn phương hại tới hòa bình trong khu vực".
Peter Grossman, một nhà phân tích tại Rand Corporation, một tổ chức nghiên cứu chính sách ở Washington, nói rằng Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố các quan hệ với Ấn Độ để giải quyết các quan tâm chung về các hành động quyết đóa n hơn của Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Báo South China Morning Post dẫn lời ông Grossman nói : "Điều này có nghĩa là hai nước sẽ chia sẻ thông tin, huấn luyện quân sự và có thể, cung cấp vũ khí".
Mohan Malik, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược NESA, một trung tâm ở khu vực của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng Ấn Độ không thể khoanh tay ngồi yên khi mà các hoạt động thương mại trị giá 200 tỉ USD đi ngang qua Biển Đông mỗi năm.
Giáo sư Thayer, chuyên gia về Việt Nam của Đại học New South Wales, nói dưới quyền ông Modi, "Chính sách Hướng Đông" của vị Thủ tướng tiền nhiệm đã trở thành "Hành động Hướng Đông" giữa lúc New Dehli tìm cách tăng cường các nối kết về kinh tế và công nghệ với các nước trong khu vực, và Việt Nam là nước chủ yếu trong chiến lược đó.