Covid-19 : Trung Quốc có bổn phận phải minh bạch thực hư
Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà khoa học nỗ lực truy tìm nguồn cội nhưng Trung Quốc tiếp tục tim lặng một cách đáng ngại, Brexit một tuần trước kỳ hạn, an ninh mạng Tây phương bị tin tặc xuyên thủng là những chủ đề nóng trên báo Pháp ngày 23/12/2020 trước thềm Giáng Sinh đầu tiên thiếu bóng dáng ông già Noel quen thuộc.
Covid-19 : Trung Quốc có bổn phận phải minh bạch thực hư
Tựa lớn các báo thể hiện mối quan hệ nhân quả : Cuộc nổi dậy của nông dân Ấn Độ, tựa của La Croix. Tại Ấn Độ, cách mạng nông nghiệp theo lối thâm canh đã hụt hơi, từ một tháng nay hàng chục triệu nông gia biểu tình phản kháng tại các ngõ vào thủ đô New Delhi.
Alexei Navalny, nạn nhân của một vụ mưu sát, gài bẫy một nhân viên của cảnh sát liên bang Nga FSB trong nhóm sát thủ tự thú, tựa của Le Monde và Les Echos.
Anh Quốc, căng thẳng lương thực. Lo sợ siêu vi Covid biến thể lây lan, hơn bốn mươi nước đình chỉ giao thông với Anh. Không kể Brexit mãi vẫn chưa ngã ngũ làm hàng ngàn xe tải, đi không được, về không được, bị ùn tắc ở hai bờ biển Manche. Giới xe tải Pháp nổi giận, phóng sự của Le Figaro. Bị cô lập vì Covid-19, Anh Quốc lo âu, Le Monde tường trình.
Covid-19 : Bí ẩn cội nguồn
Liên quan trực tiếp đến siêu vi corona, Le Monde dành một trang tìm hiểu về siêu vi biến thể phát hiện tại Anh, ba trang để tổng kết các nỗ lực truy tìm nguồn cội siêu vi corona đã làm hơn 1,5 triệu người tử vong từ khi xuất hiện tại Vũ Hán cũng như thái độ kỳ lạ che giấu thông tin, thậm chí đánh lạc hướng của chính quyền Trung Quốc.
Trong bài "Thật giả về cội nguồn siêu vi", Le Monde xem xét lại mọi giả thuyết kể cả những kịch bản tựa như khoa học giả tưởng như "do bàn tay con người can thiệp" (Luc Montagnier, Nobel Y học Pháp và Li Meng Yan/Lệ Mộng Diêm, siêu vi trùng học Hồng Kông, đào thoát sang Mỹ). Thế nhưng, theo chuyên gia Pháp Etienne Decroly, không thể loại trừ khả năng siêu vi lọt ra từ phòng thí nghiệm. Siêu vi cúm gia cầm H1N1 (1977) xuất phát từ lỗi của con người là một trường hợp.
Dịch viêm phổi cấp tính Sars-CoV-1 cũng bốn lần lọt ra khỏi phòng thí nghiệm nhưng siêu vi này dễ bị khống chế hơn là Sars-CoV-2.
Guillaume Achaz, giáo sư Y khoa Paris cho biết thêm là nhóm nghiên cứu của ông đang tìm hiểu "phần gen" cho phép Sars-CoV-2 lây cho người một cách dễ dàng hơn có phải là do "có sự can thiệp từ ngoài hay không".
Trong khi đó, Trung Quốc lại tìm mọi cách "xóa dấu tích". Phớt lờ các ca lây nhiễm đầu tiên từ năm 2012 tại Thông Quan, tỉnh Vân Nam, ba thợ mỏ từ trần với những triệu chứng tương tự nạn nhân Vũ Hán 8 năm sau đó.
Những điểm tối
Khi đại dịch bùng lên tại Vũ Hán, Phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán công bố siêu vi được đặt tên RaTG3, chữ tắt của dơi móng ngựa phát hiện tại Tong Guan/Thông Quan), có công thức tương tự đến 94% công thức siêu vi Sars-CoV-2 lây bệnh. Một nữ chuyên gia Úc, Rossana Segreto, phát hiện sau đó siêu vi RaTG3 có một "thằng anh song sinh" mà chuyên gia Trung Quốc đã đặt tên là RaBtCov/4991 và công bố vào năm 2016. Bà Rossana Segreto cho biết thêm lấy được từ một mỏ bỏ hoang ở nơi mà vào năm 2012 có sáu công nhân lâm bệnh và ba trong số họ qua đời với triệu chứng Covid-19.
Tháng 7/2020, Thạch Chính Lệ, giám đốc P4 nhìn nhận cả hai siêu vi là một, và lấy từ mỏ bỏ hoang nơi sáu công nhân lâm bệnh nhưng bà vẫn khẳng định các công nhân này bị nhiễm "nấm độc".
Trong số hàng chục điểm tối được Le Monde tổng kết còn có trường hợp những nhà khoa học, trong Tổ chức Y tế Thế giới, định hướng công luận làm cho giới chuyên gia lo ngại. Trong số các nhân vật này có một người Mỹ làm việc cho phòng thí nghiệm P4 mà không khai thật và còn là tác giả bài phân tích định hướng công luận được đăng trên tạp chí uy tín The Lancet.
Trung Quốc chừng nào minh bạch ?
Trong bài xã luận, Le Monde kêu gọi Trung Quốc, nếu muốn xứng đáng là một đại cường quốc thì phải có bổn phận minh bạch trong cách hành xử, ít ra là trong lãnh vực khoa học và y tế.
Với nhận định sau một năm đại dịch, thuốc ngừa được chế tạo trong thời gia kỷ lục, trái lại, nguồn cội siêu vi vẫn mịt mù.
Khi đại dịch bùng lên, chỉ có vài hôm là một chuyên gia Trung Quốc đã phổ biến trên internet toàn bộ hệ thống gen của siêu vi. Để rồi, cũng một cách nhanh chóng, chính quyền Trung Quốc gây sức ép lên viện nghiên cứu, ngăn chận chuyên gia Trung Quốc phổ biến thông tin quan trọng, không cho chuyên gia quốc tế đến tận nơi, hù dọa hay trừng phạt những người báo động thảm họa. Phóng viên thụ động trước thái đội im lặng lạ thường của chính quyền Hoa lục.
Phải chăng siêu vi thoát ra từ phòng thí nghiệm ?
Đại dịch hiện nay có liên quan gì đến các trường hợp công nhân bị lây nhiễm năm 2012 ?
Phải mất một năm sau, Tổ chức Y tế Thế giới mới thành lập phái bộ điều tra nhưng Bắc Kinh giành quyền giám sát : Chuyên gia quốc tế chỉ được nghiên cứu theo giả thuyết được chính quyền Trung Quốc soạn thảo.
Thái độ thọc gậy bánh xe, cản trở các nghiên cứu khoa học không thể chấp nhận được. Nhìn số nạn nhân tử vong và thiệt hại không thể đo lường do đại dịch gây ra, Trung Quốc có bổn phận phải minh bạch với cộng đồng quốc tế.
Khoa học của Trung Quốc tiến triển nhanh, trong vòng vài năm đã trở thành quốc gia có nền khoa học thuộc hạng nhất nhì. Thế nhưng chế độ Trung Quốc không có khả năng bảo đảm tính độc lập cho ngành nghiên cứu, và qua đó, là uy tín mà Bắc Kinh muốn có để giành vị thế đại cường.
Lạnh nhạt với Úc, Trung Quốc thiếu than sưởi ấm
Đặc phái viên Le Monde đưa độc giả đến Nghĩa Ô, một quận cách Thượng Hải 300 cây số, nơi chính quyền địa phương thi hành biện pháp tiết kiệm năng lượng triệt để.
Bài phóng sự chuyển tải thông điệp trớ trêu : nhân viên tiếp tân khách sạn trùm kín trong áo bông chống lạnh, xin lỗi vì lý do tiết kiệm, nhiệt độ trong khách sạn bị giới hạn ở 17°C trong mùa đông lạnh cóng. Công an đến khách sạn tìm hiểu phóng viên nước ngoài đến đây để làm gì cũng than phiền : "Không khí văn phòng của chúng tôi lạnh cóng, có 3°C, thế mà cũng không có quyền bật lò sưởi".
Nghĩa Ô, cũng như các thành phố tình nguyện hạn chế nhiên liệu của tỉnh Chiết Giang và ba tỉnh khác, yêu cầu các nhà máy ngưng hoạt động cho đến hết tháng 12 và tất cả cơ quan công quyền không dùng lò sưởi. Ở Trường Sa, nhân viên phải đi bộ thay vì lấy thang máy.
Lý do chính bắt buộc phải tiết kiệm điện là thiếu than đá. Một phần vì các mỏ than địa phương phải đóng cửa sau tai nạn làm thiệt mạng 23 công nhân ở Trùng Khánh nhưng phần lớn nhất là do Trung Quốc ra lệnh cho doanh nhân không nhập than của Úc. Ít nhất 5,7 triệu tấn đang nằm chờ trong các hải cảng.
Từ năm 2017, Canberra tỉnh thức trước ảnh hưởng ngày càng mạnh của Bắc Kinh trên chính sách đối ngoại của Úc nên cấm các chính đảng nhạn tài trợ từ các nguồn bên ngoài nhất là từ Trung Quốc. Tiếp theo là loại Hoa Vi không cho tham gia vào hệ thống 5G. Năm 2019, căng thẳng tăng thêm sau khi Trung Quốc bắt giam một nhà trí thức gốc Hoa quốc tịch Úc. Sau đó Canberra trở thành tiếng nói chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ nhất từ hồ sơ nhân quyền Hồng Kông, Tân Cương… Danh sách xung khắc dài ra thêm với vụ Úc là chính phủ đầu tiên đòi điều tra tìm căn nguyên đại dịch Covid-19. Rồi Trung Quốc bắt nhà báo Thành Lôi và trục xuất nhiều phóng viên Úc hoạt động tại Hoa lục.
Brexit : ngày N-10
Bất đồng vẫn tồn tại giữa Bruxelles và Luân Đôn, tựa một bài tổng kết đàm phán Brexit trên Le Monde. Les Echos chú ý yếu tố tích cực : lập trường đôi bên đã gần nhau hơn.
Le Figaro nói tới thái độ "bực mình" : 27 thành viên Châu Âu bực mình vì đàm phán chậm chạp, giới chuyên chở đường bộ tức giận vì giao thông đình trệ ở hai bờ biển Manche. Chỉ có một chuyện không ùn tắc đó là "Châu Âu không đóng cánh cửa quan hệ với Anh, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán sau ngày 01 tháng Giêng 2021", theo nhận định của một nhà ngoại giao.
Về tình hình Pháp, Libération tập trung vào lực lượng cảnh sát đang đứng trước những lời cáo buộc bạo lực, kỳ thị và tuyển mộ nhân viên lỏng lẻo, đào tạo quá nhanh.
Nhật báo thiên tả, cũng như các đồng nghiệp khác, không quên "chiến tích" của nhà đối lập Nga Alexei Navalny, sau khi thoát chết trong vụ mưu sát đã thành công gài bẫy một trong những nhân viên tham gia vụ mưu sát, khai thật.
Báo chí thiên tả Mỹ thiên vị ?
Trang ý kiến của Le Figaro dành cho ngòi bút của Gilles-William Golnadel. Luật sư, nhà hoạt động xã hội công dân tỏ ra rất nghiêm khắc đối với báo chí thiên tả tại Mỹ bất công và thiên vị. Ý kiến có thể gây sốc.
Với tựa "Khi báo Mỹ áp dụng cách diễn đạt về kỳ thị đối với nước Pháp", tác giả nhân sự kiện báo Time vinh danh bà Assa Traoré như một anh thư chống kỳ thị, chỉ trích truyền thông thiên tả Mỹ xuất khẩu ý thức hệ thiên vị sang Pháp.
Trên thực tế, gia đình của Traoré "khá phức tạp" cho dù cái chết của người anh trai có thể do cảnh sát hay bệnh mãn tính gây ra.
Luật sư Gilles-William Golnadel kể ra một loạt sự kiện mà ông gọi là truyền thông Mỹ ngày càng sai lầm nghiêm trọng. Sử gia Pháp Georges Ayache vừa ra mắt quyển sách "Thất bại của Richard Nixon" đã mô tả báo chí Mỹ đã bất công với vị tổng thống này như thế nào. Ngày nay, dù muốn nghĩ gì về Donald Trump cũng được, nhưng sử dụng thước đo đạo đức có lựa chọn của truyền thông Mỹ cũng không khác gì cách họ cư xử với Richard Nixon.
Có điều trước đây, báo chí Mỹ bị ảnh hưởng xu thế tự do vì lý do ý thức hệ còn ngày nay là vì xã hội Mỹ.
Ngày trước, phóng viên Mỹ xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Ngày nay, nhà báo xuất thân từ các thành phần khá giả, học đại học nổi danh và không ngần ngại phán xét và lên án, bảo vệ không mặc cảm những chính nghĩa mà họ cho là tự do, rất thời thượng trong giới trí thức.
Họ không ngần ngại viết về người da đen để làm cho người da màu được vinh danh và viết về dân da trắng để hạ thấp xuống. Vẫn theo luật sư Gilles-William Golnadel.
Do vậy, New York Times mới chạy tựa cảnh sát Pháp "bắn một thanh niên và giết anh ta sau một vụ tấn công bằng dao" mà không nói kẻ bị cảnh sát Pháp truy nã là hung thủ cắt cổ một nhà giáo. Ngày 19/11, Karen Attiah của Washington Post còn đưa tin vịt "Pháp muốn cấp cho mỗi hoc sinh theo đạo Hồi một con số để đi học". Bài báo này được bộ trưởng Nhân quyền Pakistan sử dụng để so sánh chính phủ Pháp với chế độ Hitler.
Đối với nạn nhân khủng bố Hồi giáo tại Pháp, báo chí Mỹ không hiểu gì về nước Pháp thế tục.
Tú Anh