Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì hung hăng trên Biển Đông
Thụy My, RFI, 15/01/2021
Hoa Kỳ hôm 14/01/2021 đã ban hành các biện pháp trừng phạt mới với Trung Quốc vì đã hung hăng đe dọa các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố : "Hoa Kỳ ủng hộ các nước Đông Nam Á muốn bảo vệ lợi ích và chủ quyền của họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi nào Bắc Kinh chấm dứt thái độ cưỡng bức trên Biển Đông".
Washington tố cáo Bắc Kinh tìm cách đe dọa các nước ven biển như Việt Nam, Philippines ; trong khi Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ gây bất ổn tại khu vực. Tổng thống Donald Trump trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ đã liên tiếp tấn công Trung Quốc nhằm củng cố đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh, trước khi ông Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/01.
Các nhà quản lý tập đoàn quốc doanh Trung Quốc, quan chức đảng Cộng Sản và sĩ quan hải quân là đối tượng bị trừng phạt lần này, chủ yếu là cấm nhập cảnh vào Mỹ. Tập đoàn dầu khí CNOOC Trung Quốc còn bị cho vào danh sách đen của bộ Thương Mại Hoa Kỳ, vì đã quấy nhiễu, đe dọa các hoạt động khai thác dầu khí tại Biển Đông. Từ nay tập đoàn này phải xin giấy phép đặc biệt khi muốn nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ.
Bộ Thương Mại Mỹ tuyên bố : "CNOOC đã nhiều lần đe dọa việc khai thác dầu khí ở Biển Đông, nhằm gia tăng nguy cơ chính trị đối với các đối tác nước ngoài liên quan, trong đó có Việt Nam".
CNOOC chính là tập đoàn hồi năm 2014 đã đưa giàn khoan khổng lồ Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) 981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974. Vụ này gây căng thẳng suốt hai tháng trời với các vụ đối đầu giữa các tàu hải cảnh và lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, làm nổ ra nhiều vụ biểu tình chống Trung Quốc trên toàn quốc và của người Việt ở nhiều nước trên thế giới.
Gần đây, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã cho vào danh sách đen 9 công ty được cho là có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Trong đó có tập đoàn Xiaomi, năm 2020 đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone thứ ba thế giới. Cổ phiếu Xiaomi lập tức sụt mất 10% vào hôm nay trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Thụy My
***********************
Kinh tế Trung Quốc "đại thắng" nhờ Covid-19
Minh Anh, RFI, 15/01/2021
Dịch bệnh Covid-19 có xu hướng quay trở lại tại Trung Quốc. Số ca nhiễm mới thường nhật tiếp tục tăng, 144 người theo số liệu mới nhất. Lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại vào dịp Tết, chính quyền Bắc Kinh ngày 15/01/2021 khuyến nghị các lao động di dân không nên về nhà ăn Tết.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 không là cản lực, kềm hãm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng như nhiều nước lớn khác. Thống kê số liệu hải quan công bố ngày 14/01/2021 cho thấy, bất chấp các biện pháp áp thuế của tổng thống Mỹ mãn nhiệm Donald Trump, xuất khẩu Trung Quốc tăng vọt nhờ đại dịch Covid-19.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài RFI, Stéphane Lagarde cho biết thêm :
"Kinh tế Trung Quốc là bên thắng lớn trong cuộc khủng hoảng dịch tễ. Đầu tiên, các dây chuyển lắp ráp đã hoạt động lại vào mùa xuân 2020. Đầu tháng Tư, Trung Quốc lại trở thành "công xưởng của thế giới". Các nhà máy của Trung Quốc đưa xe ca đến đón công nhân bị kẹt lại ở các tỉnh do dịch virus, vào lúc mà dịch bệnh viêm phổi ngăn cản việc di dời nhà xưởng sang các nước Đông Nam và Nam Á, có giá nhân công rẻ hơn.
Vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu cũng được mở rộng hơn, thể hiện qua những con số thống kê do hải quan Trung Quốc cung cấp ngày thứ Năm 14/01/2021. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các nước, như "Hãy ở trong nhà", giãn cách xã hội, "hãy tự bảo vệ mình" đã giúp cho xuất khẩu Trung Quốc tăng vọt. Xuất khẩu khẩu trang, thiết bị phòng hộ y tế đã tăng 31% trong vòng một năm, các sản phẩm điện tử phục vụ người tiêu dùng bị phong tỏa trên toàn thế giới cũng tăng. Kết quả là thặng dư mậu dịch của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 62 tỷ euro trong tháng 11/2020.
Kinh tế Trung Quốc đại thắng trên mọi lĩnh vực, bất chấp hàng rào thuế quan của Donald Trump. Hơn bao giờ hết, tăng trưởng kinh tế thế giới hiện giờ vẫn lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc".
**********************
Quốc hội Mỹ : Trung Quốc có thể đã phạm tội "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ
Thụy My, RFI, 15/01/2021
Trung Quốc có thể đã phạm tội "diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân Hồi giáo khác tại Tân Cương, theo báo cáo của một ủy ban lưỡng đảng Quốc hội Hoa Kỳ hôm 14/01/2021.
Ủy ban về Trung Quốc (CECC), một ủy ban độc lập có nhiệm vụ giám sát nhân quyền và phát triển pháp trị ở Trung Quốc, trực thuộc Quốc hội Hoa Kỳ cho biết đã có những bằng chứng mới trong năm 2020 về các "tội ác chống nhân loại, và có thể là tội diệt chủng" đã diễn ra tại Tân Cương. Ủy ban cũng tố cáo Trung Quốc quấy nhiễu người Duy Ngô Nhĩ sinh sống tại Mỹ. Báo cáo kêu gọi Hoa Kỳ ra nghị quyết về vấn đề này.
Ngoại trưởng Mike Pompeo trong những ngày cuối còn tại vị tỏ ra kiên quyết trong hồ sơ trên, nhưng bối cảnh lộn xộn tại Washington khiến khả năng loan báo một nghị quyết đã bị dời lại. Dân biểu Dân chủ Jim McGovern, đồng chủ tịch CECC coi các hành động chà đạp nhân quyền của Trung Quốc là "gây sốc, chưa từng thấy", cổ vũ Quốc hội và chính quyền sắp tới của Joe Biden buộc Bắc Kinh phải trả giá.
Giới chuyên gia nhận xét một nghị quyết về diệt chủng có thể gây khó khăn nghiêm trọng cho Trung Quốc, ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đồng thời làm phức tạp thêm quan hệ của chính quyền Biden với Bắc Kinh. Nếu Mỹ ra tuyên bố này, các nước sẽ phải cân nhắc khi cho phép làm ăn với Tân Cương, nhà cung cấp bông vải hàng đầu thế giới, và có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt mới của Washington. Hôm thứ Tư 13/01, Hải quan Mỹ cho biết đã cấm nhập sợi bông và sản phẩm từ cà chua ở Tân Cương vì nghi ngờ do lao động cưỡng bức.
Hôm 14/01/2021 đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói rằng CECC "bị ám ảnh bởi đủ thứ dối trá nhằm bôi nhọ", "cái gọi là diệt chủng chỉ là tin đồn từ một số lực lượng chống Trung Quốc và là trò hề để làm mất uy tín" Bắc Kinh.
Hồi tháng 10, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien tuyên bố Trung Quốc đã có những hành động "gần với diệt chủng". Ngoại trưởng Pompeo nêu ra báo cáo của nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz, khẳng định có những bằng chứng xác đáng cho thấy Bắc Kinh cưỡng bức triệt sản người Duy Ngô Nhĩ, một trong những tiêu chí hình thành tội diệt chủng.
Theo Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương mà Bắc Kinh gọi là trường dạy nghề. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức nhân quyền cũng tố cáo tội ác chống nhân loại tại vùng đất có dân cư hầu hết theo đạo Hồi.
Thụy My