Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/01/2021

Điểm báo Pháp - Bắc Kinh ve vãn chính quyền mới của Mỹ

RFI tiếng Việt

Putin-Navalny : Nhìn từ Moskva, ai sẽ thắng ?

Joe Biden, người vực dậy kinh tế Mỹ theo mô hình California. Không khí chiến tranh lạnh ở Baltic. Putin phải cứng rắn với Navalny. Bao vây nhà đối lập, phương pháp đàn áp mới ở Nicaragua. Nhật Bản hy vọng chế tạo được thuốc chống lão hóa là những chủ đề đa dạng trên các tạp chí Pháp cuối tuần.

putin1

Mặt nạ các nhân vật nổi tiếng bày bán tại một cửa hàng ở Saint-Petersbourg, Nga, ngày 17/01/2021.  AP – Dmitri Lovetsky

Một trang sử mới vừa mở ra tại Hoa Kỳ, sau bốn năm sôi động, và hai tháng cuối căng thẳng, Donald Trump buộc nhường ghế tổng thống cho Joe Biden. Courrier International, trở lại hai tuần lễ cuối của nhiệm kỳ Trump, tổng kết các ý kiến về thái độ "tự tung tự tác" của các mạng xã hội kiểm duyệt tổng thống Mỹ thứ 45.

Nhìn về tương lai, Courrier International giới thiệu một bài phân tích của Los Angles Times dự báo với Joe Biden và Kamala Harris, kinh tế liên bang sẽ theo mô hình "thiên tả" của bang California, con gà đẻ trứng vàng của Mỹ mà Donald Trump rất ghét, từ luật lao động đến luật môi trường. Chính quyền mới cho biết sẽ lấy ý của bang California bảo vệ người lao động, chống thái độ ngược đãi nhân viên, kỳ thị sắc tộc và nhũng nhiễu tình dục. Về môi trường, chỉ tiêu 2045 không dùng nhiệt điện của California, sẽ là nguồn cảm hứng.

Dân biểu đảng Dân chủ ở Thung lũng Silicon, Bo Khanna nhận định phấn chấn : "Chúng tôi đã chứng minh vừa có một chính sách xã hội cấp tiến vừa đạt được tăng trưởng kinh tế. Để California vĩ đại trở lại".

Không lạc quan như đồng nghiệp Mỹ, tuần báo L’Obs lo ngại không biết Joe Biden có đủ tài ba để đối đầu với hàng loạt khó khăn, thử thách trước mắt hay không, để thực hiện lời hứa "trong một trăm ngày cứu nước Mỹ". Tuy nhiên, cơ may của tân tổng thống là được công luận Mỹ tin tưởng. 100 ngày là mốc thời gian đầu tiên, sau đó tính tiếp bởi vì chính quyền mới biết rõ hơn ai hết, nước Mỹ đang mất phương hướng.

Cũng không rõ đảng Cộng Hòa sẽ tỉnh thức, thoát ra xu hướng mị dân để hợp tác tái thiết nước Mỹ hay trở thành cực đoan hơn ? Thế mà con đường trước mặt lắm chông gai : phục hưng nền dân chủ, thu ngắn bất bình đẳng xã hội trong khi phe ủng hộ Trump không mất tinh thần mà còn tự tin hơn sau cuộc "đột kích" vào Quốc hội.

Không khí chiến tranh lạnh ở Baltic

Hồ sơ Châu Âu cũng lắm chủ đề mang màu sắc xung đột Đông-Tây. Không khí chiến tranh lạnh tại Baltic và tin tặc (Nga) tự tung tự tác là hai bài phóng sự của L’Express.

Chuyện tin tặc Nga và dư luận viên Nga đã được báo chí phương Tây tường thuật khác nhiều. L’Express ghi lại một số trường hợp cụ thể và nhân chứng bỏ hàng ngũ.

Về quân sự, trước mối đe dọa của đại cường Nga láng giềng, Thụy Điển thay đổi chiến lược quốc phòng, gia tăng ngân sách quân sự ngoạn mục : 47% từ nay đến 2025, theo đạo luật ngân sách thông qua hồi giữa tháng 12/2020.

Khi Liên Xô tan rã, hai nước bên kia bờ biển Baltic không nằm trong NATO là Thụy Điển và Phần Lan thở phào nhẹ nhõm, cắt giảm ngân sách quốc phòng, chuyển hướng nhiệm vụ quân đội làm công tác viễn chinh, ổn định hòa bình. Thụy Điển, gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 1995, hủy bỏ hàng rào lửa pháo binh phòng thủ bờ biển và rút đơn vị trấn đóng trên đảo chiến lược Gotland.

Nhưng vào đêm 29/03/2013, tất cả quân nhân Thụy Điển đều nhớ, một ngày trước tuần lễ Phục Sinh, hai oanh tạc cơ Tupolev có khả năng mang bom hạt nhân của Nga cùng bốn chiến đấu cơ Sukhoi yểm trợ, diễn tập một cuộc tấn công vào các mục tiêu gần thủ đô Stockholm. Vương quốc không có máy bay nghênh chiến nên phải cầu cứu Đan Mạch. Một phi đoàn F-16 của Đan Mạch trấn đóng ở Litva trong lực lượng NATO, lên đuổi máy bay Nga.

Sự kiện này là một ám ảnh đối với công luận Thụy Điển, nhất là ba tháng trước đó, tư lệnh quân đội Hoàng gia lúc đó (tướng Sverker Gorenson) tuyên bố quân đội chỉ đủ sức chiến đấu bảo vệ đất nước "trong vòng một tuần lễ" và với điều kiện là chỉ có một số mục tiêu giới hạn bị tấn công.

Nhưng trong thời gian những năm gần đây, trước các hành động ngày càng nguy hiểm của Nga, Thụy Điển phải phản ứng và thay đổi chiến lược. Trong cuộc trao đổi với L’Express, bộ trưởng quốc phòng Peter Hultqvist liệt kê cuộc tấn công xâm lược của Nga vào Gruzia (Georgia) năm 2008, xáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine, những sự kiện gần đây tại Belarus đó là chưa kể các hoạt động quân sự của Nga ở biển Baltic và Bắc cực.

Theo tài liệu giải mật, Thụy Điển có hiệp định với Mỹ, được chiếc ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ. Từ cuối năm 2014, Thụy Điển đặt mua 60 chiến đấu cơ Gripen và thêm hai tàu ngầm, tất cả do công ty nội địa chế tạo. Binh sĩ trở lại đảo Gotland và giới thanh niên, một phần, được lệnh tòng quân.

Cũng như Phần Lan, giới lãnh đạo Thụy Điển chuẩn bị kế hoạch "xin gia nhập NATO" để khi cần thiết không mất thời giờ. Và cũng như trong thời chiến tranh lạnh, dưới quy chế trung lập, Thụy Điển hợp tác kín đáo với Lầu Năm Góc.

Chủ nhân điện Kremlin và "bệnh nhân Berlin"

Nhà đối lập Nga Alexei Navalny được Châu Âu kính phục nhưng đối với chính quyền Nga thì sao ? Courrier International mời độc giả theo dõi bài phân tích "Putin bắt buộc phải cứng rắn" của báo Moskoski Komsomolets.

Theo tờ báo bình dân của đoàn thanh niên cộng sản có số phát hành lớn nhất tại Nga, bệnh nhân ở Berlin nay trở thành tù nhân của Nga để chờ ngày ra tòa.

Trước đây, quan hệ giữa Alexei Navalny với giới lãnh đạo Nga và bộ máy an ninh rất mập mờ. Thủ thuật tranh đấu, can thiệp vào cuộc tương tranh trong nội bộ thượng tầng chính trị của Nga tạo cho Alexei Navalny một lớp hào quang bất khả xâm phạm. Mỗi lần tình thế gần như tuyệt vọng thì "phép lạ" xảy ra.

Nhưng từ sáu tháng nay, tình hình dường như đổi khác. Từ khi liên kết với phương Tây, Alexei Navalny cũng như các đại gia Boris Berezovski, Mikhail Khodorkovski trước đây, bị chính quyền Nga xem là kẻ thù phải truy bức cho đến khi đầu hàng vĩnh viễn.

Sau khi phục hồi sức khỏe, "bệnh nhân Berlin" (theo cách gọi của Putin) có hai lựa chọn : trở về nước chắc chắn sẽ ngồi tù hoặc phải ở nước ngoài, trở thành một nhân vật chính trị chỉ có ảnh hưởng giới hạn đối với chính trị quốc nội.

Thế mà, đương sự đã đặt cược thêm lên, leo thang xung khắc với chính quyền Nga.

Theo công thức của nhà phân tích Piotr Romanov, điện Kremlin đứng trước vấn nạn không giải pháp : "Cho dù trọng lượng không đáng kể qua các cuộc bầu cử nhưng Alexei Navalny đã thành công đặt chính quyền vào thế khó xử : Mạnh tay biến Alexei Navalny thành thánh tử đạo thì không tốt cho chính quyền. Nhẹ tay sẽ bị xem là yếu, cũng là chuyện không hay cho chính quyền".

Moskoski Komsomolets bồi thêm :Đâu chỉ có "xấu" mà thôi, nếu để lộ yếu đuối thì cái chế độ này "sẽ tự sát chính trị". Lịch sử Nga nhiều lần cho thấy, người Nga sẵn sàng tha thứ chính quyền nhưng không tha cho tội "yếu". Nicolas đệ nhị và Gorbatchev là hai trường hợp.

Tờ báo của đoàn thanh niên cộng sản lý luận : Trong ván cờ này, phương Tây sẽ ủng hộ triệt để Alexei Navalny nhưng cũng biết những lời kêu gọi trả tự do sẽ vô hiệu. Cho nên họ dùng vấn đề này để gây sức ép và gây bất ổn cho nước Nga.

Putin xem Alexei Navalny là "nhân viên của phương Tây". Nếu Châu Âu quyết định trừng phạt Nga thì càng củng cố giả thuyết Alexei Navalny là "đặc vụ".

Để kết luận, tác giả cho là chiến lược hai bên đã rõ ràng : Nhà đối lập muốn trở thành Mandela còn chính quyền thì muốn chứng minh đương sự là "đặc vụ của ngoại bang". Điều quan trọng là công luận Nga nghĩ gì ? Vladimir Putin hay Alexei Navalny, ai sẽ là người chiếm thượng phong trong cuộc chiến truyền thông ? Điều chắc chắn là sẽ có màn đấu thể thao trong chính trị Nga, tờ báo kết luận thận trọng.

Nói đến "thể thao và đối lập Nga", tuần báo L’Obs giúp độc giả "10 điều cần biết" về Alexei Navalny, từ một số hoạt động chống tham ô nổi bật cho đến những bản án đang chờ. Điều thứ nhất "Nhà ly khai" : Putin không bao giờ nhắc tên nhân vật mà theo Wall Street là người làm Putin "sợ nhất". Gần đây, trong cúp Bóng đá Thế giới 2018 tại Moskva, một bình luận gia thể thao của đài truyền hình vô tình nói tên "Navalny". Ngay lập tức, nhà báo này bị mất việc.

Nicaragua : Chế độ cảnh sát trị vây nhà của người đối lập

Trong loạt bài đàn áp đối lập, chế độ Nicaragua bước qua một thủ đoạn mới : Sách nhiễu, bao vây, lục soát nhà cửa những người bất đồng chính kiến một cách tùy tiện. Tạp chí Confidential ở Managua thu thập lời kể của nhiều nhân chứng.

Martha Alvarado nhận được tin sẽ được trao giải thưởng nhân Ngày Phụ nữ Quốc tế 08/03/2020. Nhưng niềm vui biến thành căm tức : Một ngày trước, nhiều toán cảnh sát đột nhiên xuất hiện quanh nhà. 6 giờ sáng, an ninh xâm nhập vào nhà của thành viên Liên minh Công dân và Công lý và Dân chủ, không cho bất kỳ ai ra hay vào. Trước đó, bà và một số phụ nữ đấu tranh tuyệt thực, bị bao vây đến 9 ngày trong một nhà thờ.

Vợ chồng tổng thống và phó tổng thống độc tài Ortega (Daniel et Rosario) duy trì sức ép lên các nhà đối lập từ khi một phong trào xã hội bùng lên vào năm 2018 với hơn 300 người chết vì đàn áp. Thế nhưng, từ giữa năm 2020, nhà nước cảnh sát trị thay đổi phương pháp, cố ý nhốt người đối kháng ngay trong nhà, khủng bố tinh thần và đề phòng đối lập động viên cử tri tham gia bầu cử.

Trong chính sách sách nhiễu thường nhật này, có người bị phơi nắng suốt ngày Giáng sinh, có người bị cấm đi mua thức ăn thăm nuôi thân nhân ngồi tù, có người tự nhiên bị ép lên xe đò đi từ thủ đô Managua đến một thành phố khác cách đó 30 km để cảnh sát chụp ảnh rồi về…

Phản ứng của các nạn nhân ra sao ? "Tôi không sợ " người phụ nữ bị phơi nắng xác quyết.

Corona sẽ "hiền"từ từ ?

Trong lãnh vực y học, L’Obs giải mã hiện tượng và khả năng biến thể của siêu vi đại dịch Covid-19.

Đó là một tiến trình bình thường như mọi loài siêu vi khác, cần cơ thể con người để sinh tồn bởi lẽ siêu vi không ăn, không lớn mà chỉ cần có vật chủ (hôte) để sinh sản theo lối "nhân bản".

Từ đó, có thể dự báo con người sẽ tiếp tục sống chung với SARS-CoV-2 tiến hóa từng ngày. Siêu vi biến thể phát hiện tại Anh, Nam Phi, Brazil lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn đồng chủng ở Vũ Hán. Nhưng theo dự đoán của một số chuyên gia Mỹ, sau này nó có thể trở thành siêu vi cúm mùa đông thông thường.

Nhật Bản chế thuốc cải lão hoàn đồng ?

Nhật Bản trên đường nghiên cứu thuốc cải lão kéo dài tuổi thọ. Kết quả đã đến đâu ? Đó là nội dung bài "Trị lão hóa" của Asahi Shimbum.

Nghĩ ra phương pháp chống lão hóa và sống thọ với sức khỏe dồi dào không còn là chuyện khoa học giả tưởng nữa. Yoichi Nabeshima, giám đốc Viện Nghiên cứu về Tuổi già năng động (IRPA), đại học Tokyo, xác quyết. Thành lập mới đây, vào năm 2019, theo mô hình một trung tâm tư nhân cùng mục tiêu của Hoa Kỳ, IRPA tìm hiểu cơ chế làm cho già nua và trường thọ để chống lại hiện tượng lão hóa.

Năm 2020, Viện nghiên cứu đã thực hiện được một số tiến bộ cụ thể : tìm ra phân tử chống cholesterol tăng trong máu và làm loãng xương.

Bước kế tiếp đang thực hiện là tìm ra thuốc nhận diện và loại trừ tế bào già để phòng ngừa bệnh tật.

Thật ra, mục tiêu của chương trình này không phải để dân Nhật sống cho thật lâu. Người Nhật có tiếng trường thọ và chính may mắn này làm cho dân số ngày càng già. Tìm thuốc bảo vệ sức khỏe cho người già, giúp thành phần này sống khỏe và năng động, trở thành nhu cầu cấp bách cho xã hội Nhật Bản. Theo dự báo, vào năm 2040, cứ ba người Nhật thì có một người trên 65 tuổi.

Paris, thành phố xe đạp lên ngôi

Cuối cùng, xin dành phần kết của mục điểm tuần báo hôm nay cho nước Pháp, hay chính xác hơn là mời độc giả đến thủ đô của xe đạp, qua ngòi bút của một nữ phóng viên thường trú của báo New York Times, Pamela Druckerman, sống tại Paris từ 17 năm.

Từ quyết tâm chính trị của nữ đô trưởng Anna Hidalgo mà Paris từ hạng đèn đỏ đứng sau Amsterdam hay Copenhagen, những "thủ đô xe đạp" đúng nghĩa, nay cũng được gọi là thành phố xe đạp lên ngôi.

Hầu hết các con đường thủ đô đều có lối riêng cho xe đạp. Bản thân tác giả, có ba con nhỏ, nên lúc đầu cũng ngại phương tiện giao thông nhiều rủi ro này nhưng giờ đây Pamela Druckerman nóng lòng chờ Thế Vận Hội 2024, để dùng xe đạp đến làng Thế Vận như lời hứa hẹn của đô trưởng "Paris 100% xe đạp" trước khi Olympic 2024 khai mạc.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 470 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)