Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/01/2021

Điểm báo Pháp - Bắc Kinh ve vãn chính quyền mới của Mỹ

RFI tiếng Việt

Bắc Kinh ve vãn chính quyền mới của Mỹ, nhưng chuẩn bị đối đầu

Để trả thù đòn tấn công cuối của ngoại trưởng Mike Pompeo về Tân Cương và Đài Loan, Trung Quốc cấm 28 viên chức trong nội các Donald Trump nhập cảnh, đồng thời kêu gọi hòa hiếu với chính quyền Biden. Tuy nhiên quan chức mới của dảng Dân chủ vẫn xác định chính sách cứng rắn với Bắc Kinh của ông Trump là đúng đắn.

backinh1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo tại Washington ngày 10/11/2020. Cáo buộc "diệt chủng" của ông khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.  AP – Jacquelyn Martin

Vac-xin chống Covid và tình hình nước Mỹ là hai chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay 22/01/2021. Tựa của Le Monde dành cho câu nói của ông Joe Biden khi nhậm chức tổng thống Mỹ "Nền dân chủ đã chiến thắng". Về dịch bệnh, Le Figaro lo ngại "Vac-xin : Châu Âu trước mối đe dọa thiếu hụt". Nhiều triệu liều đầu tiên được giao không đủ đáp ứng nhu cầu đang tăng vọt, trước mối lo ngại virus biến thể. Libérationnói về "Pfizer, xì-căng-đan liều thứ sáu". Một lọ vac-xin của hãng này trên nguyên tắc chỉ chứa 5 liều, nhưng vẫn có thể rút thêm được liều thứ sáu để chích ngừa cho nhiều người hơn. Nhưng gần đây Pfizer vin vào đó để giao hàng ít hơn cho các nước Châu Âu.

La Croix nhìn sang Châu Á, chạy tựa "Phong tỏa, cả một câu chuyện". Cách đây một năm, Trung Quốc đã phong tỏa 60 triệu người dân Vũ Hán, nhưng biện pháp này thật ra không có gì mới mẻ vì việc cách ly đã được sử dụng từ thời Trung Cổ. Tin tưởng vào tiến bộ khoa học, loài người thế kỷ 20 đã quên mất kinh nghiệm này. Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến việc "Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đối mặt với khủng hoảng kéo dài" do đại dịch.

Cay cú với nhóm Pompeo của chính quyền Donald Trump

Về quan hệ Mỹ-Trung, Le Figaroghi nhận "Bắc Kinh tìm cách ve vãn chính quyền mới của Mỹ như thế nào".

"Tống tiễn !", Bắc Kinh sử dụng một ngôn ngữ không hề ngoại giao qua bài xã luận của Tân Hoa Xã, khi ngoại trưởng Mike Pompeo của chính quyền Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn so sánh vị ngoại trưởng Mỹ với "một chú hề của ngày tận thế". Ông Pompeo cùng với 27 viên chức khác của chính quyền Trump cũng bị Trung Quốc cấm nhập cảnh.

Món quà từ biệt này nhằm trả thù cuộc tấn công cuối cùng của Mike Pompeo : tố cáo Trung Quốc diệt chủng ở Tân Cương và tổ chức cuộc gọi video giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc, bà Kelly Craft.

Ngược lại hôm qua Bắc Kinh đã đổi hẳn giọng điệu, hoan nghênh ông Joe Biden nhậm chức. Hoa Xuân Oánh nói rằng ông Biden nhiều lần nhắc đến từ "đoàn kết", đây chính là điều cần thiết cho quan hệ Mỹ-Trung. Đồng thời kêu gọi "can đảm để thông hiểu nhau", sau bốn năm chiến tranh thương mại và căng thẳng ở Biển Đông, Đài Loan – mà chính Bắc Kinh đã làm trầm trọng tình hình.

Lời kêu gọi này là dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo độc tài nhất kể từ thời Mao, muốn lật sang trang mới sau nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump đầy bất định với những cú đòn trời giáng. Ông Tập tìm kiếm sự ổn định với hy vọng kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2021. Giáo sư Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định Trung Quốc không ảo tưởng về ông Biden, nhưng muốn có những tiến bộ về thương mại và tránh đối đầu trực diện.

Chính phủ mới vẫn tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc

Các nhà chiến lược cộng sản biết rằng chính quyền Dân chủ cũng thuận tình với đường lối cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng còn phải vất vả trước đại dịch Covid trong nhiều tháng trời. Theo chuyên gia Trần Kỳ (Chen Qi) thuộc đại học Thanh Hoa, trong bối cảnh căng thẳng này, khó có thể nhanh chóng có được một cuộc gặp thượng đỉnh. Trong hậu trường, Bắc Kinh đã liên lạc với nhóm của Biden ở Washington để cố sắp xếp một cuộc gặp với Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu ngành ngoại giao.

China Daily khi nêu ra tình hình hỗn loạn về chính trị và dịch bệnh ở Mỹ, nói rằng chính quyền Biden "tốt nhất là lo quét dọn nhà mình trước đã, để không trở thành đề tài bị chế giễu". Nhưng lời cảnh báo này không thể dọa được Anthony Blinken, người được đề cử làm tân ngoại trưởng Hoa Kỳ. Ông Blinken trong cuộc điều trần trước Thượng Viện đã khẳng định ông Trump "có lý" khi áp dụng "đường lối cứng rắn trước Trung Quốc", hứa sẽ giữ nguyên mục tiêu, chỉ thay đổi về mặt "chiến thuật", dựa vào các đồng minh. Anthony Blinken cũng sử dụng từ "diệt chủng" của Mike Pompeo về hồ sơ Tân Cương.

Theo Le Figaro, thời gian thăm dò sẽ không kéo dài đối với một chính quyền của đảng Dân chủ sẽ cứng rắn hơn về nhân quyền, từ Tân Cương đến Hồng Kông. Phía sau lời ngon lẽ ngọt công khai, Bắc Kinh chuẩn bị một cuộc so găng lâu dài và kịch liệt, bày tỏ sự tự tin về một nước Mỹ đã yếu đi, và ngọn gió lịch sử được cho là đang thuận chiều với mình.

Tiến trình truất phế cựu tổng thống Trump gây chia rẽ lớn

Về nội tình Mỹ quốc, Les Echos nhận định sự đoàn kết mà ông Joe Biden nhấn mạnh đang bị đặt dấu hỏi. Đại dịch, tái thúc đẩy, bổ nhiệm, truất phế ông Trump… sự tìm kiếm đồng thuận đối mặt với rất nhiều cạm bẫy.

Tổng giám đốc cơ quan tình báo quốc gia DNI đã được phê duyệt, bà Avril Haines là phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Nhưng đối với các vị trí khác thì phải chờ đợi lâu. Trong nhiệm kỳ Donald Trump, trung bình phải đợi đến 37 ngày. Kế hoạch tái thúc đẩy kinh tế 1.900 đô la bị kẹt giữa áp lực của phe tả và sự chống đối của đảng Cộng hòa. Chẳng hạn dân biểu cực tả Alexandria Ocasio-Cortez ngay trước khi ông Biden nhậm chức đã nhấn mạnh về tấm séc dành cho người Mỹ "2.000 đô la là 2.000 đô la chứ không phải 1.400".

Khẩn cấp nhất là đại dịch : trong số những sắc lệnh đầu tiên ký tại Phòng Bầu Dục, Joe Biden áp đặt mang khẩu trang tại những địa điểm liên bang. Ông cũng hủy quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Donald Trump trước đây.

Nhưng tiến trình truất phế ông Trump có nguy cơ gây chia rẽ sâu sắc nhất. Người đứng đầu phe Cộng hòa ở Thượng Viện, Mitch McConnell thúc đẩy đảng Cộng hòa tách rời khỏi ông Trump, nhưng các chính khách không thống nhất về chiến lược cho cuộc bầu cử giữa kỳ 2022. Về phía đảng Dân chủ cũng đánh cược rất lớn. Phía Cộng hòa cho rằng đây là một sự trả thù, còn những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành luôn tin rằng Dân chủ đã đánh cắp cuộc bầu cử.

Bác bỏ tính chính danh của Trump dẫn đến Biden bị chối từ

Le Figarophân tích "Nền dân chủ Mỹ trong vùng nước nguy hiểm của thời kỳ cách mạng". Một tiến trình đã âm ỉ từ nhiều năm qua, nhưng chỉ mới bộc lộ gần đây.

Christian Science Monitor cảnh báo "sẽ bùng nổ bạo lực vô chính phủ tại những bang có truyền thống dân quân như Michigan, nếu không đạt được hòa giải", nêu ra khả năng một kịch bản Bắc Ireland. Về phía Dân chủ vừa lên nắm quyền và báo chí thiên tả như New York Times coi sự kiện hôm 06/01 đã được ông Donald Trump "lập trình" ngay từ đầu. Nhiều nhà quan sát nhất là ở Pháp cũng thuận theo cách diễn dịch này.

Tuy nhiên theo tờ báo, nếu buộc ông Trump phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ xâm nhập điện Capitol, là thấy cây mà chẳng thấy rừng, gieo rắc mầm mống cho một thảm họa tương lai. Bởi vì nếu Donald Trump tin rằng ông đã bị đánh cắp cuộc bầu cử, do suốt bốn năm qua phe Dân chủ đối lập hành xử cứ như ông là một tổng thống không chính danh, một con rối của điện Kremlin.

Bà Hillary Clinton đến năm 2019 vẫn cho rằng bà đã bị tước mất chiến thắng. Ngược lại có đến 73% cử tri Cộng hòa (40% dân số) khẳng định việc ông Trump kiện ra Tối cao Pháp viện trong cuộc bầu cử vừa rồi là đúng đắn. Tạp chí Tabletở New York đánh giá "Việc bác bỏ tính chính danh của Donald Trump khi ông đắc cử tổng thống năm 2016 đã dọn đường cho sự chối từ một cách bạo lực việc ông Biden được bầu lên năm 2020".

Nếu bị truất phế, ông Trump mất quyền lợi dành cho cựu tổng thống

Les Echos cho biết cụ thể về những quyền lợi như trợ cấp, bảo vệ an ninh… dành cho tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Cho đến cuối thập niên 50, các cựu tổng thống Mỹ khi rời Nhà Trắng không được hưởng trợ cấp. Quốc hội đã điều chỉnh lại tình hình trước hoàn cảnh khó khăn của cựu tổng thống Harry Truman. Đạo luật "Former Presidents Act" ban hành năm 1958 ấn định 25.000 đô la/năm, nhưng hiện nay được nâng lên bằng mức lương bộ trưởng là 221.400 đô la mỗi năm.

Ông Donald Trump là tỉ phú, nhưng sắp tới sẽ cần đến số tiền này vì các công ty của ông lần lượt bị mất hợp đồng do bị tẩy chay, trong khi số nợ sắp đến hạn lên đến nhiều trăm triệu đô la. Luật cũng quy định các cựu tổng thống chỉ tại vị một nhiệm kỳ được tài trợ chi phí cho một văn phòng và ban trợ lý thu gọn, với 150.000 đô la/năm trong 30 tháng đầu, sau đó chỉ còn 96.000 đô la. Và nếu ông mất trước phu nhân, bà Melania được lãnh 20.000 đô la/năm với điều kiện không tái giá trước 60 tuổi.

Đơn vị USSS thuộc Bộ An ninh Nội địa sẽ bảo vệ, còn nếu không muốn thì cựu tổng thống có thể nhận được đến 1 triệu đô la mỗi năm cho chi phí an ninh. Và theo thông lệ, cựu tổng thống cũng được báo cáo nhanh về tình báo. Nhưng với những lấn cấn với chính quyền hiện nay thì khó thể suôn sẻ, và nếu tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ bị truất phế, ông sẽ bị mất quyền lợi.

Đòn sát thủ của Navalny : Tố cáo về lâu đài tráng lệ của tổng thống Putin

Nhìn sang Châu Âu, các báo đều đề cập đến cú đòn mới nhất mà nhà đối lập Alexei Navalny - vừa bị bắt vào tù - đã tặng cho tổng thống Nga, đó là tiết lộ chấn động về tòa lâu đài bí mật trị giá trên 1,2 tỉ euro của ông Vladimir Putin bên bờ Hắc Hải.

Libération nhận định, "cung điện" gồm ba tầng với gần 18.000 mét vuông là địa điểm được bảo vệ cẩn mật nhất nước Nga. Hàng ngàn công nhân làm việc tại đây phải bỏ lại điện thoại dù là loại cổ lỗ sỉ nhất, và bị theo dõi bằng camera. Mỗi chiếc xe chạy vào đều bị lục soát toàn bộ, tàu bè ven biển phải tránh xa hai kilomet.

Alexei Navalny gọi dinh cơ tráng lệ này là "món hoa hồng lớn nhất lịch sử". Từ đầu những năm 2000, ông Putin đã lập ra một hệ thống "cống nộp" đối với các đại gia Nga. Le Monde cho biết video của Navalny dù dài đến 1 giờ 52 phút, chỉ vài ngày qua đã thu hút trên 53 triệu lượt xem.

Trên mạng xã hội đặc biệt là TikTok được giới trẻ ưa chuộng, lời kêu gọi biểu tình ngày thứ Bảy 23/01 nở rộ với câu tâm niệm "Đừng sợ hãi". Hôm 21/01 nhà cầm quyền cảnh cáo sẽ trừng phạt các mạng xã hội nào không chịu chặn tất cả "những lời kêu gọi biểu tình bất hợp pháp".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)