Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/02/2021

Điểm báo Pháp - Miến Điện : Nền dân chủ mong manh

RFI tiếng Việt

Miến Điện : Nền dân chủ mong manh trở lại vạch xuất phát

Biến cố xảy ra tại Miến Điện là tin được hầu hết các tờ báo chính của Pháp nhất loạt đăng tải hôm nay (02/02/2021), một ngày sau khi giới quân sự Miến Điện bất ngờ đặt dấu chấm hết cho chính quyền dân sự sau 5 năm tồn tại, bắt giam các lãnh đạo đất nước, ban bố tình trạng khẩn cấp trong một năm.

miendien1

Bà Aung San Suu Kyi tới trụ sở đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, Rangoon, Miến Điện, ngày 02/04/2012.  AP - Khin Maung Win

Nhật báo Le Monde ra từ chiều hôm trước chạy tựa trang nhất : "Tại Miến Điện, quân đội chiếm quyền". Aung San Suu Kyi, cái tên giờ trở lại trung tâm của sự kiện. Giải Nobel Hòa bình 1991, lãnh đạo của chính quyền dân sự Miến Điện trong 5 năm qua, lại một lần nữa bị giới quân sự bắt giữ.

Le Monde cho biết nguyên do là từ cuộc bầu cử Quốc hội Miến Điện hồi tháng 11 năm 2020. Phe quân đội không chấp nhận thất bại, chỉ giành được 33 trên tổng số 476 ghế trong khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành được đến 82% số ghế.

Thất bại cay đắng này là một sự sỉ nhục đối với giới tướng lãnh quân đội. Họ lấy cớ nghi ngờ bầu cử có gian lận và kết cục là cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra ngày hôm qua. Đó là ngày theo dự kiến Quốc hội mới được bầu hồi tháng 11 khai mạc phiên họp đầu tiên, đánh dấu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 2 của bà Aung San Suu Kyi.

Theo Le Monde tương lai số phận của bà Aung San Suu Kyi ra sao đến lúc này chưa có câu trả lời, nhưng có thể thấy ngay lúc này là Miến Điện đang tụt lại phía sau về chính trị.

Nhật báo Le Figaro chạy tựa "Miến Điện trở lại dưới ách tập đoàn quân sự". Cuộc đảo chính quân sự hôm thứ Hai cùng với việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi đánh dấu điểm dừng của nền dân chủ mới ra đời cách đây 10 năm từ sau khi kết thúc chế độ độc tài quân sự.

Tờ báo nhận định : "Quân đội Miến Điện đã phá vỡ quá trình chuyển tiếp dân chủ mong manh, đưa kẻ thù quen thân của mình, bà Aung San Suu Kyi vào tù một lần nữa, đẩy đất nước ở Đông Nam Á này vào bất trắc".

Phe quân sự với sức mạnh trong tay đã thổi còi chấm dứt cuộc dạo chơi dân chủ ở Miến Điện trong 5 năm qua vào đúng lúc "Quý bà Rangoon" chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước thứ 2. Với phe quân sự như thế là quá đủ, họ không thể chịu được thêm 5 năm nữa. Theo như phân tích của giới quan sát chính trị tại Miến Điện.

Tuy nhiên, hầu hết các báo đều ghi nhận tình hình yên ắng ở Miến Điện. Quân đội tiến hành vụ đảo chính tương đối êm đẹp không có tiếng súng. Mặc dù bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi dân chúng biểu tình chống lại cuộc đảo chính, nhưng phóng viên tại chỗ của các báo đều ghi nhận không có những dấu hiệu nào của các cuộc tập hợp ở hai thành phố lớn là thủ đô Naypyidaw và Rangoon.

Aung San Suu Kyi, lận đận với chính trị

Về số phận của bà Aung San Suu Kyi, nhật báo Le Figaro nhận xét : Một lần nữa Aung San Suu Kyi lại bị giới quân nhân đưa vào tù sau khi đã từng bị giam hãm quản thúc 15 năm khi bà còn là lãnh tụ đối lập.

Nhưng lần này, biểu tượng của nền dân chủ Miến Điện đã mất đi hào quang đối với phương Tây vì sự im lặng liên quan đến các vụ truy bức người Rohingya. Aung San Suu Kyi trước khi trở thành lãnh đạo đất nước còn là người được trao giải Nobel Hòa bình 1991.

Vẫn trong dòng sự kiện Miến Điện, Le Figaro có bài viết điểm lại sự nghiệp chính trị thăng trầm của "Aung San Suu Kyi, biểu tượng toàn cầu bị phá vỡ của nền dân chủ", tựa bài báo. Cùng đồng thanh, La Croix cũng như Libération đều ghi nhận, vụ đảo chính quân sự đã đưa Miến Điện trở lại thời kỳ độc tài. Theo La Croix, vừa thoát ra khỏi chính quyền độc tài quân sự kéo dài gần nửa thế kỷ, được chục năm, Miến Điện chìm trở lại trong cơn ác mộng một chế độ độc tài quân sự mới.

Nhân sự kiện này, Les Echos có bài liên quan đến vấn đề kinh tế của đất nước đang trên đường mở cửa với thế giới bên ngoài từ khi tiến hành dân chủ hóa. Nhật báo kinh tế cho hay Miến Điện hiện là điểm đang hấp dẫn các nhà đầu tư Châu Á là chính.

Trung Quốc là nước bao trùm khắp các dự án đầu tư ở Miến Điện. Đứng thứ 2 là Singapore, nhưng phần đông các đầu tư của Singapore đều núp bóng người Trung Quốc. Bắc Kinh nhìn nhận Miến Điện và Pakistan là hai điểm chiến lược trong hành lang kinh tế đi ra Ấn Độ Dương.

Trung Quốc đã đổ nhiều tỷ đô la dưới dạng đầu tư trực tiếp hay cung cấp tín dụng cho các đối tác trong nước. Theo bài viết thì người Trung Quốc không lo lắng với cuộc đảo chính lần này. Họ vốn đã có quan hệ tốt với giới quân sự ở nước này từ trước khi có chuyện quân đội chia sẻ quyền lực cho dân sự.

Khi làm đảo chính có thể phe quân sự cũng đã tính toán khả năng bị quốc tế trừng phạt, các nhà đầu tư phương Tây rút khỏi Miến Điện, nhưng các vị trí trống đó sẽ nhanh chóng được thay thế bằng các nhà đầu tư Châu Á.

Ngoài Trung Quốc còn có Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ cũng đầu tư rất mạnh vào Miến Điện. Năm nay dự kiến kinh tế sẽ tăng trưởng 8%, sau khi năm 2020 đất nước này đã tránh được suy thoái vì trận đại dịch.

Nga : Navalny đọ sức đến cùng với chế độ

Chuyển qua nhật báo Libération. Trang nhất của tờ báo dành cho gương mặt phản kháng nổi tiếng người Nga, Alexei Navalny với hàng tựa lớn : "Navalny, Putin, không sợ hãi".

Là người lâu nay đã dấn thân chống lại trực tiếp tổng thống Nga, nhà hoạt động chống tham nhũng này là mối đe dọa không nhỏ đối với chế độ. Navalny không biết lùi bước trước bất kỳ một mưu đồ nào của chính quyền nhằm khóa miệng ông.

Hôm 02/02, nhà hoạt động đối lập bị đưa ra tòa để xét xử. Nhưng theo Libération, những phiên tòa như thế cũng không thay đổi được gì ở Navalny đã xác định sẵn sàng đối mặt đến cùng với chế độ Putin.

Libération dành bài viết dài điểm lại tiểu sử và hành trình đấu tranh của Alexei Navalny, từ một người viết blog phản biện các vấn đề xã hội đến khi trở thành kẻ thù số 1 của chế độ. Trên quãng đường đấu tranh chưa phải là dài, nhà đối lập nổi tiếng này đã bị chính quyền không biết bao nhiêu lần tìm mọi cách vô hiệu hóa, nhưng mỗi lần như vậy chỉ càng làm cho Navalny trở nên nổi tiếng.

Giờ đây Alexei Navalny, từ trong tù vẫn có thể kêu gọi được hàng ngàn người biểu tình ủng hộ ông trên khắp cả nước Nga, làm dấy lên một phong trào chống chính quyền rộng lớn. Ở bên ngoài số phận của Navalny được các nước phương Tây quan tâm theo dõi và can thiệp với Kremlin.

Các nhật báo Le Figaro La Croix đã đề cập đến việc dự án Nord Stream 2 xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga về Đức, gần hoàn thành đang bị một số nước Châu Âu trong đó dẫn đầu là Pháp kêu gọi ngừng lại vì do những hành xử của chính quyền Moskva với Alexei Navalny.

Trong khi đó "đối mặt với làn sóng phảng kháng, Kremlin chọn cách leo thang trấn áp", thẳng tay bắt bớ người biểu tình, đưa ra tòa những người thân cận của Navalny… theo ghi nhận của nhật báo Le Monde.

Covid-19 hạ gục ngành hàng không

Trở lại với chủ đề liên quan đến Covid 19. Thế giới cũng như Châu Âu vẫn đang lao đao chống đỡ với trận dịch kéo dài và dữ dội đẩy cả thế giới vào trong khủng hoảng y tế và kinh tế cùng lúc.

Le Figaro đặc biệt chú ý đến thiệt hại kinh tế của ngành hàng không thế giới với hàng tựa lớn trang nhất : "Vận tải hàng không lún sâu vào khủng hoảng lịch sử". Tờ báo ghi nhận, với khủng hoảng Covid kéo dài, các hãng hàng không bị thiệt hại nặng nhất.

Từ hơn một năm qua, ngành vận tải hàng không trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, vừa le lói có chút ánh sáng cuối đường hầm thì dịch lại bùng lên. Tình hình dịch bệnh kéo dài, chiến dịch tiêm chủng mới chỉ bắt đầu còn phải đợi nhiều tháng nữa mới thấy hiệu quả…

Trong bối cảnh như vậy ngành vận tải hàng không đang thực sự lo lắng cho tương lai. Le Figaro cho hay, năm 2020, đã có 14 hãng hàng không trên thế giới tuyên bố phá sản. Nhưng khoản thất thu lớn, lên đến nhiều tỷ đô la đang chờ đợi các hãng hàng không. Theo nhận định của tờ báo, "vận tải hàng không đang bị cuốn vào vòng xoáy địa ngục".

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 544 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)