Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/02/2021

Điểm báo Pháp - Quân đội Miến Điện sẽ đàn áp biểu tình

RFI tiếng Việt

Quân đội Miến Điện sẽ sớm mạnh tay đàn áp biểu tình 

Phải chăng chủ trương gây sợ hãi của tập đoàn quân sự Miến Điện đã thành công ? Hôm qua, số người biểu tình ít hơn những ngày trước, và tối Chủ nhật trước đó vào lúc giới nghiêm, lực lượng an ninh đã được ồ ạt tung ra ở nhiều nơi. Quân đội đe dọa bằng sự hiện diệncủa binh lính vũ trang dày đặc trên đường phố vào ban ngày, và bố ráp trong đêm. Trận bão đàn áp chỉ là vấn đề thời gian, có thể diễn ra trong những ngày gần đây.

miendien1

Các quân nhân và xe quân sự được bố trí gần trụ sở đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Rangoon, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 15/02/2021.  AP

Miến Điện và đại dịch corona là hai chủ đề chính trên trang nhất báo Pháp hôm nay. Le Figarođặt câu hỏi "Quyết định không phong tỏa : Tổng thống Macron đã chiến thắng thử thách ?". La Croixchạy tựa "Mặc cho Covid, vẫn có những cuộc đời với đầy dự án" : Một năm sau đại dịch, một số người đầy nhiệt huyết đã có những định hướng mới để sống. "Xin vui lòng cho xem hộ chiếu vac-xin", đó là tựa đề củaLibérationMở cửa cho du khách nhập cảnh nếu đã được chích ngừa, chủ trương của một số nước có nguồn thu nhập chính là du lịch có vẻ hấp dẫn, nhưng nước Pháp vẫn ngần ngại.Les Echoscho biết "Vac-xin, nghiên cứu : Châu Âu tăng tốc", còn Le Mondequan tâm đến "Miến Điện : Sự nổi dậy của một thế hệ".

Miến Điện : "Thế hệ Z" trên tuyến đầu 

Trong bài "Tại Miến Điện, thế hệ Z trên tuyến đầu chống tập đoàn quân sự", Le Monde nhận xét giới trẻ đi đầu trong cuộc đấu tranh, điểm khác biệt với lớp trước là họ kết nối với thế giới bên ngoài.

"Thế hệ Z" gồm những người từ 17 đến 30 tuổi, lứa tuổi đã chín chắn về chính trị. Quá trẻ để có thể biết được những chế độ quân sự trước đây và các vụ đàn áp đẫm máu năm 1988 rồi 2007, họ lớn lên trong bầu không khí say men dân chủ sau khi tập đoàn quân sự tự giải thể, và nay không sẵn sàng chấp nhận bị trị.

Một thanh niên cho tờ báo Pháp biết đang đứng đầu một nhóm khoảng 30 người, nếu internet bị cắt thì đã dự trù nơi tập họp để tiếp tục chiến đấu. Anh nói : "Cách đây 33 năm, thế hệ trước đấu tranh trong một Miến Điện tách biệt với thế giới, không có internet lẫn điện thoại di động, những vụ đàn áp không được sớm biết đến. Đó không phải là trường hợp của chúng tôi". Một nhà báo ở Rangoon nhận định họ rất kỷ luật, kiểm tra đoàn biểu tình không để trà trộn, thu lượm rác sau đó… nhưng cho rằng nếu phong trào đấu tranh tiếp tục rất cần có thủ lãnh chứ không thể mãi tự phát.

Chủ trương răn đe đã thành công ?

Libérationnói về "Chiến lược gây căng thẳng tại Miến Điện". Sau khi triển khai lực lượng tại nhiều thành phố, quân đội Miến Điện muốn phá vỡ phong trào bất tuân dân sự.

Phải chăng chủ trương gây sợ hãi đã thành công ? Hôm thứ Hai, số người biểu tình ít hơn những ngày trước. Tối Chủ nhật trước đó vào lúc giới nghiêm, lực lượng an ninh đã được ồ ạt tung ra ở nhiều nơi. Tại Myitkyina ở bang Kachin, vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và có thể cả đạn thật đã được sử dụng để giải tán biểu tình. Kịch bản tương tự cũng diễn ra tại Mandalay hôm thứ Hai, ít nhất hai người bị thương và nhiều người bị bắt. Ở Naypyidaw, khoảng mấy chục người bị câu lưu, tại đây vào tuần trước một thiếu nữ bị trúng đạn nguy kịch, đã được gia đình xin bệnh viện "rút ống" đưa về nhà lo hậu sự.

Mười lăm ngày sau đảo chính, quân đội tiến vào các thành phố để hỗ trợ cho cảnh sát, và Libération nhận ra một số đơn vị như sư đoàn 77 đã từng đàn áp "cuộc cách mạng áo cà sa" năm 2007. Chính quyền đe dọa rằng những công chức đình công có thể bị khởi tố. Tướng Min Aung Hlaing hôm qua 15/02 nói rằng cố gắng nhẹ nhàng, nhưng sẽ có biện pháp "đối với những ai làm tổn hại đất nước".

Kể từ thứ Bảy 13/02, lực lượng an ninh có thể bắt bớ, khám nhà mà không cần có trát tòa. Chế độ kêu gọi dân chúng tố cáo "những kẻ đang lẩn trốn", trong đó có Min Ko Naing, một khuôn mặt đấu tranh dân chủ thời kỳ 1988 đã từng ở tù hơn một chục năm.

Quân đội có thể đang chuẩn bị đàn áp quy mô 

Theo Le Monde, "Một cuộc đàn áp quân sự quy mô lớn đang được chuẩn bị tại Miến Điện". Những chiếc xe bọc thép tuần tiễu tại Rangoon từ hôm qua, một số trấn giữ tại những ngã tư chiến lược, sau khi tương đối để yên cho biểu tình suốt 9 ngày liên tiếp. Một lần nữa internet lại bị cắt trên toàn quốc và tối Chủ nhật, đến thứ Hai mới mở lại.

Những vụ bắt bớ trong đêm tại Rangoon hay Mandalay đã trở thành thường xuyên trong những ngày gần đây. Những người đấu tranh khẳng định một số cựu tù hình sự vừa được ân xá tuần qua được chế độ sử dụng để gieo rắc hỗn loạn tại các khu phố "nổi dậy". Phóng sự của Libérationdẫn lời một tài xế taxi, tỏ ra ngạc nhiên khi không thấy các quân nhân hành động, nhưng ngay sau đó nhận được video do một người bạn gởi đến : một chiếc xe jeep chở đầy người mang theo cờ xí, hát bài hát quân hành. Anh lo sợ : "Những người này ủng hộ quân đội, họ đến để gây mất trật tự".

Hiện nay quân đội vẫn chưa vượt quá giai đoạn răn đe. Một số nhân viên y tế, công chức… tiếp tục ngưng làm việc. Tại sân bay Rangoon, nơi những chuyến bay tiếp tế hết sức cần thiết cho một đất nước đang phong tỏa vì đại dịch, đang bị rối loạn vì một số nhân viên không lưu đình công. Hôm qua người ta trông thấy binh lính buộc các công nhân đường sắt và nhân viên ngân hàng đến nơi làm việc.

La Croixnhận định "Tại Miến Điện, quân đội khiêu khích để đàn áp". Hơn 400 người, gồm luật sư, giáo viên, nghệ sĩ, bác sĩ, nhà đấu tranh… đã bị bắt kể từ khi nổ ra đảo chính. Một nhà báo ở Mandalay chia sẻ hình ảnh những quân nhân trang bị nhiều loại vũ khí trên đường phố, nhận xét : "Họ hăm dọa bằng sự hiện diện ban ngày, nhưng lại còn gây khủng hoảng cho người dân với việc bố ráp trong bóng tối ban đêm, trong khi vẫn đang giới nghiêm". Trận bão đàn áp quân sự chỉ là vấn đề thời gian, có thể diễn ra trong những ngày gần đây.

"Zéro Covid" có khả thi ?

Bước sang lãnh vực y tế, Le Mondeđặt vấn đề "Liệu có thể ‘Zéro Covid’ tại Pháp hay không ?". Một số nước đã khống chế được con virus nhờ kiểm soát chặt biên giới và kiểm tra theo mục tiêu cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược này có thể áp dụng được.

Nhà vật lý Yaneer Bar-Yam, người đứng đầu một viện nghiên cứu tư nhân ở Massachusetts đã lập trang web endcoronavirus.org, là một trong những chuyên gia từ chối "sống chung với virus". Ông không chấp nhận thái độ thỏa hiệp, mà phải hành động. Nhóm chuyên gia đề nghị phong tỏa ngặt nghèo từ bốn đến sáu tuần lễ, sau đó kiểm tra chặt chẽ các ổ dịch mới theo nguyên tắc "xét nghiệm, truy vết, cách ly" (tester, tracer, isoler, viết tắt là TTI), và mở cửa có điều kiện những khu vực đã sạch virus.

Những người ủng hộ chiến lược "Zéro Covid" nêu gương của khoảng 20 nước đang chiến đấu chống con virus corona : Úc, New Zealand, Đài Loan, Việt Nam… Và ngược lại, nhiều nước Châu Âu đã bỏ lỡ cơ hội, sau khi phong tỏa chặt từ tháng Ba đến tháng Năm 2020 bèn mở cửa biên giới, không nhận ra nguy cơ của một đợt dịch thứ hai. Còn cái giá phải trả cho "lockdown" ? Ông Bar-Yam cho rằng phong tỏa cục bộ trong thời gian ngắn vẫn tốt hơn tình trạng hiện nay. Vậy thì tại sao một số nước phương Tây không muốn áp dụng "Zéro Covid" ? Đó là do vấn đề tâm lý hơn là kỹ thuật.

"Hộ chiếu vac-xin" và những bất bình đẳng

Một vấn đề khác cùng được Libération và Les Echosđặt ra : "hộ chiếu vac-xin". Đó là một cuốn "y bạ" được số hóa, chứng nhận đã tiêm phòng Covid.

Ireland và Israel đã ban hành loại hộ chiếu này, Hy Lạp, Đan Mạch, Thụy Điển cũng sẽ theo chân. Tại Mỹ, ông Joe Biden đòi hỏi khẩn cấp xem xét, và IBM đã trả lời là khả thi. Ba hãng hàng không loan báo sẽ không cho lên máy bay nếu không có loại passport này. Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới cho rằng sáng kiến này giúp người ta không chỉ du hành được mà còn tránh bị cách ly khi đến nơi, "hộ chiếu vac-xin" sẽ cứu vãn được các nhà hàng, khách sạn vào mùa hè tới.

Tuy nhiên hộ chiếu sinh trắc đã mất đến 10 năm mới thuyết phục được, nên khó thể hình dung hộ chiếu vac-xin có thể sẵn sàng vào tháng Tám. Tại Pháp, tất cả ý kiến phía chính phủ đều tiêu cực, cho rằng vấn đề này hãy còn quá sớm. Theo Libération, hai triệu người lao động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến du lịch chắc sẽ không đồng ý với Nhà nước.

Les Echos cho rằng mục đích ngầm của "hộ chiếu vac-xin" là kích thích người dân đi chích ngừa, nhưng không thể bảo đảm được sẽ không lây lan. Một giấy chứng nhận miễn dịch sẽ hiệu quả hơn để đối phó với đại dịch. Nhật báo kinh tế đòi hỏi đừng đặt cái cày trước con trâu. Vào lúc người Pháp gặp nhiều khó khăn khi chích ngừa, sẽ khó chấp nhận việc chỉ một thiểu số được đi xi-nê, đi spa hoặc du ngoạn xa. Giới trẻ là những người được tiêm chủng sau cùng cũng có nhu cầu giải trí như người lớn tuổi, passport này chỉ có ý nghĩa khi toàn bộ dân số được chích ngừa.

Pháp : Cúm mùa biến mất nhờ các biện pháp chống Covid

Còn về virus cúm thông thường, Le Figaro cho biết các biện pháp giới nghiêm, mang khẩu trang và giãn cách xã hội đã giúp nạn dịch không diễn ra tại Pháp vào cuối tháng 12 hay đầu tháng Giêng như thường lệ.

Báo cáo hàng tuần của cơ quan y tế Pháp chỉ ghi nhận khoảng 20 ca, trong đó có ít nhất 2 ca nhập cảnh. Không có bệnh nhân nào phải nhập viện vì biến chứng của cúm mùa, trong khi hàng năm vẫn có hàng ngàn trường hợp tử vong. Viêm phổi nơi trẻ em cũng giảm, chỉ có bệnh sởi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn như bình thường.

Thái độ của người dân Pháp đã thay đổi hẳn từ khi con virus từ Vũ Hán tấn công. Một bài báo trên tạp chí Frontiers in Psychology ước tính có đến 95% dân Pháp tuân thủ các khuyến cáo của chính phủ ngay từ những tuần lễ đầu, quy trình vệ sinh áp đặt tại các trường học đã mang lại tác động tốt. Rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, thông khí… đã giúp cứu được nhiều mạng sống, làm nhẹ bớt gánh nặng ở các bệnh viện. Giáo sư Antoine Flahault của trường đại học Genève bày tỏ hy vọng sẽ trở thành thói quen lâu dài mỗi khi xảy ra những đợt cúm mùa, "như là di sản của đại dịch Covid".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)