Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/02/2021

Điểm báo Pháp - Quân phiệt Miến chưa bao giờ từ bỏ quyền lực

RFI tiếng Việt

Giới quân sự Miến Điện chưa bao giờ từ bỏ quyền lực

Những biến động chính trị tại Miến Điện vẫn là mối quan tâm chính của các báo Pháp ra hôm 17/02/2021. Nhật báo công giáo La Croix dành hồ sơ lớn với tựa đề "Quân đội Miến Điện đẳng cấp bài ngoại đầy quyền lực" để cho thấy trên thực tế từ năm 1962, giới quân nhân Miến Điện chưa bao giờ rời khỏi quyền lực.

quanphiet1

Xe bọc thép của quân đội Miến Điện trên đường phố sau đảo chính, ngày 03/02/2021.  Reuters – Stringer

La Croix trích dẫn nhiều nhà quan sát chuyên về Miến Điện. Tất cả đều có chung nhận định : Vụ đảo chính hôm 01/02 vừa qua là một bằng chứng cho thấy không bao giờ giới quân sự Miến Điện lại có thể nghĩ họ sẽ nhường quyền cho một chính phủ dân sự. Điều này đã ăn sâu vào suy nghĩ của giới quân nhân từ khi Miến Điện giành được độc lập từ thực dân Anh năm 1948.

Khi đó đất nước Miến Điện - cũng như bây giờ - đang bị chia rẽ sắc tộc sâu sắc. Ba chính phủ dân sự đầu tiên từ 1948-1957 đều phải nhờ cậy vào quân đội để đàn áp các cuộc nổi dậy của các sắc tộc thiểu số ở biên giới. Chính trong giai đoạn đó, quân đội đóng vai trò bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn chủ quyền chống lại những thế lực ly khai trong nước. Các tướng lĩnh được coi như những vị công thần bảo vệ sự toàn vẹn đất nước, bảo vệ sắc dân đa số trước những sắc tộc thiểu số.

Bởi thế mới thấy một nghịch lý là người biểu tình chống lại quân đội khi họ thấy bị giới quân nhân chiếm đoạt mất dân chủ, thế nhưng có thể sẵn sàng chấp nhận và bênh vực việc quân đội đàn áp người Rohingya hay các sắc dân thiểu số khác ở miền bắc đất nước.

Quyền thường vẫn gắn với lợi. La Croix cho biết, các tướng lĩnh sĩ quan và gia đình họ đa số đều nắm các công ty lớn trong mọi lĩnh vực kinh tế. Gia đình tướng Min Aung Hlaing vừa làm đảo chính, đều đứng sau hai tập đoàn kinh tế lớn nhất Miến Điện. Ngoài ra còn có rất nhiều hoạt động mờ ám của gia đình người thân giới tướng lĩnh thao túng, thâu tóm các ngành kinh tế chủ chốt.

Các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội giờ đây luôn coi mình là lực lượng duy nhất có thể quản lý đất nước một cách chuẩn mực. Trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2020, giới quân nhân không lường trước được việc họ bị thua đau như thế. Với quyền lực có trong tay và lợi ích cần phải bảo vệ, quân đội đã ra tay. Họ không thể chấp nhận sự phân chia quyền hành bằng những lá phiếu của thế hệ cử tri mới thời đại công nghệ thông tin.

La Croix kết luận, "không có gì chắc chắn cuộc nổi dậy 2.0 lần này có thể địch nổi với nòng súng của giới quân nhân".

Nhật – Miến Điện : Quan hệ truyền thống đặc biệt

Nhật báo Le Monde có bài "Tokyo bảo vệ mối quan hệ đặc biệt với Miến Điện" để lý giải vì sao sau cuộc chính biến vừa qua tại Miến Điện, Nhật Bản lại tỏ thái độ được cho là thận trọng với chính quyền quân sự.

Theo Le Monde, quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản-Miến Điện có một lịch sử lâu đời. Khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự vừa rồi, Tokyo bày tỏ lập trường quan ngại chung chung. Nhật lo ngại việc phương Tây trừng phạt Miến Điện sẽ đẩy chính quyền quân sự ngả về phía láng giềng Trung Quốc.

Quan hệ Miến Điện-Nhật Bản đã được vun đắp từ thời cha của bà Aung San Suu Kyi, tướng Aung San (1915-1947), được giới quân phiệt Nhật hậu thuẫn trong cuộc kháng chiến giành độc lập từ thực dân Anh. Về sau, các chế độ quân sự khác ở Miến Điện đều rất gần gũi với Nhật. Đến khi Miến Điện bước vào tiến trình dân chủ hóa năm 2011 thì hợp tác song phương lại càng được đẩy mạnh, nhất là khi chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe nhìn thấy Miến Điện có thể đóng vai trò ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Ukraine : Vất vả nói tiếng mẹ đẻ

Nhìn sang Ukraine, Le Monde có bài "Tại Ukraine, cuộc chiến ngôn ngữ", đề cập đến chuyện trước mối đe dọa từ Nga, Kiev đang thúc đẩy mở rộng việc sử dụng ngôn ngữ Ukraine, coi đó như một thách thức của an ninh quốc gia.

Từ giờ trở đi, khu vực dịch vụ buộc phải sử dụng tiếng Ukraine để giao tiếp với khách. Chuyện bắt người Ukraine nói tiếng mẹ đẻ của mình có vẻ khôi hài, nhưng đó là một thực tế rất đặc thù của nước này. Ngôn ngữ Ukraine mới chỉ được quy định chính thức là ngôn ngữ chính của nước này từ năm 1989. Suốt hơn 30 năm qua, tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ chính, bao trùm khắp mọi lĩnh vực công ở các thành phố lớn.

Theo Le Monde, trong các quán ăn, người ta vẫn thường thấy thực đơn viết bằng tiếng Nga hay tiếng Anh chứ không có tiếng Ukraine. Ở các cửa hàng, người ta vẫn bắt gặp cảnh người bán hàng cứ nói tiếng Nga, người mua nói bằng tiếng Ukraine, mỗi người nói một thứ tiếng mà không có vấn đề gì. Từ năm 1992 đến 2018, số dân sử dụng thường xuyên tiếng Ukraine hơn tiếng Nga chỉ tăng thêm 9%, theo một thống kê ở Ukraine.

Le Monde cho biết, giờ đây trước mối đe dọa của Nga, chính quyền muốn đẩy nhanh việc sử dụng ngôn ngữ của người Ukraine bằng cách luật hóa việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong các ngành dịch vụ của đất nước, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng (khoảng 200 euro). Luật có hiệu lực từ ngày 16 tháng Giêng vừa qua.

Theo Kiev, việc phát triển sử dụng tiếng Ukraine không chỉ nhằm tăng cường bản sắc của đất nước đang cố gắng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Nga để hướng về Liên Hiệp Châu Âu mà đó còn là thách thức về an ninh quốc gia nhất là từ sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Ở một đất nước đã có hơn nửa thế kỷ nằm trong Liên Xô, với những đặc thù về văn hóa xã hội, lịch sử, việc sử dụng tiếng mẹ đẻ là một cuộc đấu tranh không hề đơn giản. Đến tận năm 2017, tiếng Ukraine mới được bắt buộc trong trường học. 2 năm sau một bộ luật về ngôn ngữ chính mới được thông qua. Theo một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 11/2020, gần 62% người Ukraine ủng hộ bắt buộc sử dụng tiếng mẹ đẻ và vẫn còn 34% chống tức là vẫn muốn dùng tiếng Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ : Bùng phát làn sóng sinh viên phản kháng Erdogan

Một thời sự quốc tế khác được Le Figaro dành chú ý nhiều liên quan đến những biến động chính trị xã hội tại Thổ Nhĩ Kỳ với hàng tựa trang nhất : "Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giới trẻ đứng dậy chống lại Erdogan".

Tờ báo cho biết, bất chấp đàn áp không ngừng, giới sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ đang huy động đông đảo đấu tranh chống lại sự áp chế thao túng của chính quyền đối với hệ thống đại học. Khởi phát từ đại học Bosphore, Istanbul, làn sóng phản kháng của sinh viên đang lan rộng khắp các thành phố lớn như Ankara, Izmir, Anada từ hơn một tháng nay.

Từng tin tưởng vào giới trẻ như là một thế hệ sùng đạo với tinh thần dân tộc chủ nghĩa để xây dựng lên đế chế Ottoman mới, giờ đây ông Erdogan gọi những sinh viên đấu tranh là những kẻ "khủng bố", "phá phách" và những kẻ "lầm lạc". Xã luận Le Figaro bình luận : "Erdogan giờ chỉ là một ông vua chân đất sét. Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập trên trường quốc tế, đầu tư nước ngoài giảm khiến nền kinh tế bị suy sụp. Ở trong nước, các thành công về quân sự đã nhanh chóng bị lãng quên" nhường chỗ cho làn sóng phản kháng của dân chúng, bắt đầu từ thế hệ trẻ đầy kỳ vọng của tổng thống Erdogan.

Khi các ông lớn chơi tiền ảo

Chuyển qua với Libération. Trang kinh tế của tờ báo đề cập đến đồng tiền ảo qua bài viết : "Bitcoin, đầu cơ nhỏ của những người khổng lồ công nghệ".

Libération cho hay, đầu tháng Hai vừa qua, thông qua công ty Tesla của mình, tỷ phú Elon Musk đã đầu tư tới 1,5 tỷ đô la vào đồng tiền ảo, khiến cho giá trị của đồng Bitcoin tăng chóng mặt. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính khắp nơi vì đại dịch, đầu tư vào tiền ảo đang có xu hướng phát triển mạnh.

Hãng chế tạo xe hơi điện Tesla của Elon Musk còn thông báo chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo. Thông báo của Tesla đã làm bùng nổ giá trị của đồng Bitcoin, hôm qua đã vượt qua ngưỡng 50 nghìn đô la một Bitcoin.

Tờ báo cho hay, Elon Musk không phải là người duy nhất mê tiền ảo. Những tháng qua, đồng Bitcoin đã khiến cả thế giới phát sốt. Một loạt các tác nhân kinh tế nổi tiếng như BlackRock, Paypal hay Visa cũng lao vào chơi tiền ảo. Trong khi đó các chính phủ và giới ngân hàng vẫn còn dè chừng.

Theo Libération, mối quan tâm đến tiền ảo gia tăng như vậy có liên quan đến đại dịch với lo ngại một cuộc khủng hoảng tài chính lớn trong tương lai. Tờ báo đặt câu hỏi : Liệu 2021 này sẽ có phải là năm Bitcoin làm đảo lộn kinh tế thế giới ?

Tin tặc thách thức lớn của thời đại thông tin

Cũng liên quan đến thời đại công nghệ tin học và số hóa, báo chí trở lại với sự kiện từ hôm qua, nhiều cơ sở bệnh viện Pháp bị tấn công tin học làm tê liệt hoạt động.

Nhật báo công giáo La Croix có bài : "An ninh mạng, một thách thức ngày càng mang tính chiến lược". Tờ báo cho biết, theo một nghiên cứu của Câu lạc bộ của các chuyên gia về an ninh tin học và kỳ thuật số (Cesin), trong năm 2020 ở Pháp có 1/5 các công ty là nạn nhân của tin tặc đòi tiền chuộc. Giờ đây các bệnh viện cũng không phải là ngoại lệ, bị làm tê liệt ngay giữa cuộc chiến chống đại dịch.

Các cuộc tấn công tin tặc ngày càng đáng lo ngại khi cùng ngày với các cuộc tấn công ồ ạt vào Pháp hôm 16/02, Hàn Quốc tố cáo nước láng giềng miền Bắc đã dùng tin tặc xâm nhập hệ thống tin học của hãng dược Mỹ Pfizer để tìm kiếm thông tin chế vac-xin ngừa Covid-19. An ninh tin học đang đặt ra vấn đề đau đầu cho cả các công ty cũng như Nhà nước.

Xã luận La Croix viết : Những tiến bộ kinh ngạc mà công nghệ thông tin và viên thông đạt được trong vài thập kỷ qua đã làm một cuộc cách mạng trong đời sống của chúng ta… nhưng chúng ta cũng bị đặt trước rất nhiều nguy hiểm. Cần phải luôn đề cao cảnh giác.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 429 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)