Miến Điện : Thống tướng Min Aung Hlaing bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt
Thu Hằng, RFI, 23/03/2021
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu cuộc đảo chính ngày 01/02/2021 tại Miến Điện, nằm trong danh sách 11 quan chức Miến Điện bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt ngày 22/03. Cùng ngày, Hoa Kỳ thông báo trừng phạt thêm hai sĩ quan thuộc lực lượng an ninh Miến Điện.
Tướng Min Aung Hlaing, cùng với 9 sĩ quan cấp cao khác và chủ tịch ủy ban bầu cử, bị cấm đến hoặc trung chuyển qua lãnh thổ của Liên Hiệp Châu Âu và bị bị phong tỏa tài sản có ở Liên Âu. Theo tuyên bố của 27 ngoại trưởng, đây là phản ứng đối với “việc lật đổ bất hợp pháp chính quyền được bầu lên một cách dân chủ, cũng như việc tập đoàn quân sự trấn áp thô bạo các cuộc biểu tình ôn hòa".
Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu cũng đã thông qua một điểm sửa đổi về chế độ trừng phạt, được lập ra năm 1996 cho trường hợp Miến Điện, để có thể trừng phạt các thực thể kinh tế. Theo một nguồn tin của AFP, những biện pháp này có thể sẽ được quyết định vào tháng Tư.
Ngoài thống tướng Min Aung Hlaing đã bị trừng phạt, Hoa Kỳ quyết định trừng phạt thêm ông Than Hlaing, người đứng đầu ngành cảnh sát Miến Điện và ông Aung Soe, một quan chức quân đội, vì tham gia “chiến dịch bạo lực và hăm dọa nhắm vào người biểu tình ôn hòa và xã hội dân sự". Theo thông cáo ngày 22/03 của ngoại trưởng Anthony Blinken, các quan chức Miến Điện nằm trong danh sách trừng phạt bị cấm tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và duy trì quan hệ giao thương với Hoa Kỳ, đồng thời bị phong tỏa tài sản ở Mỹ nếu có. Ngoài ra, Washington cũng trừng phạt hai sư đoàn bộ binh 33 và 77 của quân đội Miến Điện vì “sát hại người biểu tình".
Tập đoàn quân sự cáo buộc người biểu tình gây hỗn loạn
Bất chấp nguy hiểm, người dân Miến Điện vẫn tiếp tục biểu tình cả ngày lẫn đêm. Hơn 260 người đã bị thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính, theo Hội Trợ giúp Tù nhân Chính trị (AAPP) nhưng đến ngày 23/03, tập đoàn quân sự mới lên tiếng chia buồn với gia đình của 164 nạn nhân. Trong buổi họp báo tại Naypyidaw, ông Zaw Min Tun, phát ngôn viên của tập đoàn quân sự, còn cáo buộc những người này là “nguồn gốc tình trạng hỗn loạn đang làm đảo lộn đất nước" và họ không phải là “những người biểu tình ôn hòa" khi dẫn chứng một đoạn video quay lại cảnh một nhà máy bị cháy.
Vẫn theo phát ngôn viên của tập đoàn quân sự, mạng internet sẽ tiếp tục bị hạn chế thêm một thời gian vì vẫn còn nhiều lời kêu gọi bạo lực trên mạng. Hiện chỉ có các cơ quan truyền thông Nhà nước Miến Điện có thể hoạt động bình thường. Báo chí độc lập và phóng viên nước ngoài tiếp tục bị trấn áp. Theo thống kê vào đầu tháng Ba của Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 37 nhà báo bị bắt kể từ cuộc đảo chính và vẫn còn 19 người bị giam giữ bất hợp pháp. Ngày 22/03, hai tổ chức phi chính phủ - Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ) - đã kêu gọi quân đội Miến Điện thả các nhà báo bị bỏ tù một cách tùy tiện và cho phép họ làm việc mà không bị sách nhiễu hay truy tố.
Thu Hằng
**********************
Miến Điện : Châu Âu trừng phạt 11 sĩ quan đảo chính, dân biểu tình cả ban đêm
Thụy My, RFI, 22/03/2021
Người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu (EU), ông Josep Borrell hôm 22/03/2021 loan báo châu Âu sẽ trừng phạt 11 nhân vật Miến Điện liên quan đến vụ đảo chính đầu tháng Hai. Trong khi đó tại Miến Điện, người dân chuyển sang biểu tình ban đêm và sáng sớm để đối phó với nạn đàn áp.
Trước cuộc họp các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, ông Borrell tuyên bố sẽ trừng phạt 11 người liên can đến đảo chính và đàn áp người biểu tình.
Về phía tập đoàn điện lực Pháp EDF loan báo ngưng dự án đập thủy điện Shweli-3 trị giá 1,51 tỉ đô la ở bang Shan liên doanh với Nhật Bản và Miến Điện. EDF khẳng định "tôn trọng các quyền căn bản của con người là điều kiện tiên quyết cho mỗi dự án".
Tại Miến Điện, người dân ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của nước này đã biểu tình vào sáng sớm hôm nay, sau cái chết của tám người biểu tình hôm Chủ nhật. Hôm qua, có khoảng 50 người khác bị thương, cho đến 23 giờ vẫn vang nhiều tiếng súng. Người dân ở một số khu phố Rangoon cũng xuống đường vào rạng sáng hôm nay.
Một số cuộc biểu tình khác đã được tổ chức tại miền bắc và miền trung Miến Điện trong đêm qua, để cố gắng tránh bị lực lượng an ninh đàn áp đẫm máu. Họ thắp hàng trăm ngọn nến, kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp.
Tổng cộng đến nay có khoảng 250 người biểu tình thiệt mạng và hơn 2.600 người bị bắt, hàng trăm người bị bắt vào tuần trước vẫn chưa có tin tức - theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP). AFP ghi nhận số người xuống đường đã ít hơn.
Tại Rangoon, tình hình rất căng thẳng từ khi 2 triệu người trong số 5 triệu dân bị đặt dưới lệnh thiết quân luật. Một số khu phố rơi vào hỗn loạn, người biểu tình quăng gạch đá và bom xăng, cảnh sát bắn trả bằng đạn thật. Nhiều người phải chạy trốn bạo lực, bến xe hôm qua chật ních người mang hành lý về quê. Số khác cố chạy khỏi Miến Điện, Ấn Độ đã tiếp nhận hàng trăm người và Thái Lan đang chuẩn bị đón làn sóng người tị nạn từ Miến Điện.
Thụy My
*********************
Miến Điện : Biểu tình tiếp diễn, ASEAN và EU rắn giọng với tập đoàn quân sự
Minh Anh, RFI, 21/03/2021
Làn sóng đòi dân chủ tại Miến Điện tiếp tục thách thức giới quân sự. Trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật 21/03/2021, người dân tại nhiều nơi ở Miến Điện lại xuống đường phản đối quân đội đảo chính. Trước các hành động trấn áp đẫm máu làm gần 250 người chết, nhiều nước ASEAN và Liên Hiệp Châu Âu đã có những lời lẽ cứng rắn hơn với giới quân nhân Miến Điện.
Ngoài con số hàng trăm người thiệt mạng, tính đến hôm nay đã có 2.500 người bị bắt và nhiều nhiều bị mất tích. Tại Mandalay, những người phản đối giương cao biểu ngữ đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, đang bị quân đội giam giữ tại một nơi bí mật từ 49 ngày qua. Còn tại bang Kachin, những người biểu tình tụ tập thắp sáng hàng trăm ngọn nến.
Theo AFP, các cuộc đình công từ giới bác sĩ, giáo viên, nhân viên ngân hàng hay đường sắt từ 6 tuần qua nhằm phản đối chế độ quân sự, làm tê liệt nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.
Trước hành động trấn áp đẫm máu nhắm vào phong trào đấu tranh dân sự, áp lực quốc tế đang gia tăng. Nhiều nước láng giềng trong khối ASEAN cũng như nhiều đại sứ trong khối Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu rắn giọng.
Thông tín viên đài RFI, Carol Isoux, từ Bangkok tường thuật :
"Chúng tôi phản đối hành động bạo lực được sử dụng nhắm vào người dân nước láng giềng Miến Điện của chúng tôi", đất nước "rơi vào bất ổn do việc một nhóm thiểu số hành động chỉ vì những lợi ích riêng của mình". Những lời lẽ cứng rắn này là từ thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin. Cùng với Indonesia, ông kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp các nước khối ASEAN về tình hình Miến Điện.
Giọng điệu mà các nước láng giềng của Miến Điện sử dụng giờ đây đã tỏ ra dứt khoát hơn so với thái độ trung lập thường thấy và luôn lo lắng tránh can dự vào chuyện nội bộ của các nước thành viên. Nhưng cuộc thảm sát thường nhật nhắm vào người biểu tình tay không vũ khí, những vụ bắt bớ ồ ạt và tùy tiện đã buộc những nước Đông Nam Á này phải giũ bỏ sự dè dặt quen thuộc.
Cuộc họp khẩn cấp sẽ phải xem xét các biện pháp trừng phạt có thể nhắm vào tập đoàn quân sự. Singapore, thành viên của ASEAN là quốc gia nước ngoài mà giới tướng lĩnh Miến Điện có nhiều tài khoản ngân hàng và những lợi ích tài chính nhất. Thế nên, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt phần lớn dựa vào đảo quốc nhỏ này".
Ngày 22/03/2021, Liên Hiệp Châu Âu thông báo trừng phạt 11 sĩ quan Miến Điện có tham gia trấn áp. Bruxelles đang hoàn tất các biện pháp cưỡng chế nhắm vào các lợi ích kinh tế của nhiều thành viên tập đoàn quân sự.
Minh Anh
***********************
Quân đội Miến Điện và những "đồng tiền máu"
Thụy My, RFI, 21/03/2021
The Economist tuần này trong bài "Đồng tiền máu" đã nhận định, áp lực kinh tế khó thể làm tập đoàn quân sự Miến Điện lùi bước trước phong trào phản kháng, nhưng sự bất tài của quân đội có thể khiến nền kinh tế suy sụp.
Từ sau vụ đảo chính đến nay, đã có hơn 200 người Miến Điện thiệt mạng. Nhiều nạn nhân bị các tay súng thiện xạ bắn vào đầu khi họ xuống đường, số khác bị lãnh đạn một cách hú họa. Người dân vẫn tiếp tục biểu tình, nhưng trước sự kiên quyết của quân đội, nhiều người đặt hy vọng vào phong trào tẩy chay, bất tuân dân sự.
Một số dấu hiệu cho thấy tập đoàn quân sự đang thiếu tiền mặt. Vài ngày sau đảo chính, ngân hàng trung ương cố gắng chuyển 1 tỉ đô la từ Federal Reserve Bank ở New York về, nhưng bị chính phủ Mỹ chận lại. Hôm 15/02, chính quyền định bán 200 tỉ kyat (142 triệu đô la) trái phiếu kỳ hạn 5 năm, nhưng không thành công.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước lượng dự trữ ngoại hối của Miến Điện là 6,7 tỉ đô la, kể cả 1 tỉ đô đang nằm ở New York, tương đương 5 tháng nhập khẩu. Miến Điện phải nhập nhiều loại hàng thiết yếu.
Đầu tư nước ngoài đã bỏ đi không ít trong cơn lốc, các vụ đốt nhà máy Trung Quốc mới đây càng gây thêm lo ngại. Trước đảo chính, Ngân hàng Thế giới đã dự báo Miến Điện thâm hụt 8,1% GDP trong năm nay, và phong trào đình công càng làm nền kinh tế tê liệt.
Đối với mọi chính quyền bình thường, các con số báo động trên đây sẽ khiến phải thay đổi. Nhưng tập đoàn quân sự không phải là chính quyền bình thường.
Họ có thể tiếp tục với thu nhập khiêm tốn hơn từ nguồn lợi thiên nhiên. Tatmadaw (quân đội) từ lâu đã có liên can đến các vụ buôn lậu đá quý, gỗ, "bảo kê" các băng nhóm ma túy tổng hợp và có khi còn "trấn lột" cả đồng đội, như buộc quân nhân dùng một phần lương mua cổ phiếu. Tuần báo Anh nhắc lại rằng trong quá khứ, Tatmadaw đã nhiều lần làm kinh tế Miến Điện xuống dốc.
Thụy My