Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/03/2021

Đông Á và Biển Đông : Mặt trận quân sự chống Trung Quốc đang hình thành

RFI tổng hợp

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du Ấn Độ để tăng cường hợp tác đối phó với Bắc Kinh

Trọng Thành, RFI, 21/03/2021

Hôm 21/03/2021, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin kết thúc chuyến công du Ấn Độ ba ngày, nhằm siết chặt quan hệ giữa Washington và New Delhi, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, trong bối cảnh tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực khiến hai nước lo ngại.

donga01

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Đô Rajnath Singh và đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin sau lễ đón tiếp tại New Delhi, ngày 20/03/2021.  Reuters – Adnan Abidi

Đây là chuyến công du Ấn Độ đầu tiên của một lãnh đạo cao cấp trong tân chính quyền Joe Biden. Bộ trưởng Quốc phòng Llyod Austin tới New Delhi sau chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ tại châu Á.

Hôm 20/03, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã có buổi làm việc với bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh. Phát biểu trước báo giới sau buổi làm việc nói trên, lãnh đạo bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Ấn Độ là "trụ cột" trong chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, với việc "chia sẻ các giá trị và lợi ích chiến lược". Khẳng định các hợp tác song phương vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, dựa trên luật pháp quốc tế, là thông điệp chung của lãnh đạo hai bên.

Truyền thông Ấn Độ cho hay, phát biểu trước báo giới sau buổi làm việc với phái đoàn Mỹ, bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết là "hội đàm tập trung vào hợp tác quốc phòng trên diện rộng, tăng cường các hoạt động tập trận chung, chia sẻ tin tức tình báo, hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng mới xuất hiện, cũng như tăng cường hợp tác về cơ sở hậu cần".

Lãnh đạo quân đội hai bên thỏa thuận siết chặt quan hệ giữa Quân đội Ấn Độ với Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh Trung tâm (phụ trách vùng Trung Đông và Vịnh Ba Tư) và Bộ Chỉ Huy châu Phi của Mỹ. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cũng thông báo hai bên đã thảo luận về "các bước đi cụ thể" để thúc đẩy thực hiện ba thỏa thuận về an ninh quốc phòng, được ký kết trong 5 năm trở lại đây, đã trở thành nền tảng cho quan hệ hợp tác Mỹ - Ấn trong lĩnh vực này. Ba thỏa thuận trên bao gồm một thỏa thuận về hậu cần (LEMOA) và hai thỏa thuận liên quan đến trao đổi thông tin tình báo (COMCASA và BECA).

Nhân quyền là trọng tâm

Tăng cường hợp tác về an ninh, quốc phòng với Ấn Độ, đồng thời với việc đặt vấn đề dân chủ, nhân quyền ở trọng tâm, là điểm mới trong chính sách của tân chính quyền Mỹ được giới quan sát ghi nhận. Thông tín viên Sébastian Farcis tường trình từ New Delhi :

"Chúng tôi đến đây là nhằm để củng cố mối quan hệ đồng minh với Ấn Độ. Đây là thông điệp chính của bộ trưởng Quốc phòng Llyod Austin trong chuyến công du này. Trong chuyến đi ba ngày, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gặp bộ trưởng Quốc phòng, cố vấn an ninh quốc gia và thủ tướng Ấn Độ.

Dĩ nhiên là Washington muốn dựa vào New Delhi để giúp Hoa Kỳ kiềm chế đà bành trướng hung hãn của Trung Quốc tại khu vực chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng tân chính quyền Mỹ muốn làm việc này trong quan hệ hợp tác với các đồng minh, chứ không phải hành động đơn phương như trước. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không tiếc lời ca ngợi đồng minh, mô tả Ấn Độ như "quốc gia lãnh đạo khu vực", và quan hệ liên minh Mỹ - Ấn là "một trong những quan hệ đối tác quan trọng nhất của thế kỷ 21". 

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng không ngần ngại đề cập với các lãnh đạo Ấn Độ vấn đề nhân quyền, quyền của người Hồi Giáo, bị chà đạp từ 6 năm nay dưới chính quyền theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tại Ấn Độ.

Đây là một thay đổi lớn so với thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, vốn chỉ quan tâm đến các hợp đồng vũ khí và trao đổi thương mại".

Trọng Thành

******************

Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp tác quân sự về Đài Loan và tập trận chung ở Senkaku ?

Minh Anh, RFI, 21/03/2021

Truyền thông Nhật Bản ngày 21/03/2021 lần lượt thông báo Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng hợp tác chặt chẽ trong hồ sơ Đài Loan, và bắt đầu đàm phán khả năng tập trận tại quần đảo Senkaku đang có tranh chấp. Chính quyền Đài Bắc đồng thời thông báo tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đối phó Trung Quốc.

donga02

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) duyệt đội binh danh dự trước cuộc họp với dồng nhiệm Nhật Kishi Nobuo. Ảnh ngày 16/03/2021.tại Tokyo.  Reuters - Pool

Hãng tin Kyodo News hôm nay dẫn nhiều nguồn tin chính phủ cho biết trong cuộc họp 2+2 vừa qua giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, bộ trưởng Quốc phòng hai nước bày tỏ đồng tình hợp tác chặt chẽ hơn trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Đề nghị này do chính bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin đề xuất nhân cuộc gặp đồng cấp Nhật Bản, Nobuo Kishi hôm thứ Ba 16/3, dù chưa có một cuộc thảo luận chi tiết làm thế nào hai nước phối hợp hành động để đáp trả một tình huống khẩn cấp như vậy.

Đài Loan tăng cường năng lực răn đe chống Trung Quốc

Nhật báo Nhật Bản lưu ý là Tokyo rất hạn chế bình luận về tình hình khẩn cấp tại Đài Loan do có liên quan đến Trung Quốc. Lập trường nhất quán của chính phủ Nhật Bản từ trước đến giờ là "khuyến khích đối thoại cho một giải pháp hòa bình giữa đôi bờ eo biển Đài Loan".

Về phần mình, bộ Quốc phòng Đài Loan vừa công bố những đường nét chính trong chính sách quốc phòng, nêu rõ những ưu tiên hàng đầu cho bốn năm sắp tới. Theo đó, Đài Loan chú trọng vào việc cải thiện khả năng tấn công tầm xa.

Một kế hoạch răn đe được thiết lập ở nhiều cấp độ, với việc gia tăng số lượng lớn tên lửa tầm xa và tên lửa hành trình. Chương trình phòng thủ này này nhằm răn đe Trung Quốc trước mọi ý đồ xâm lược hòn đảo, bằng cách củng cố khả năng gây tổn hại cho các căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Mỹ - Nhật tập trận tại quần đảo Senkaku có tranh chấp ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc, tờ Nikkei Asia cho biết Hoa Kỳ và Nhật Bản bắt đầu đàm phán mở một cuộc tập trận quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát nhưng Trung Quốc có đòi hỏi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Kế hoạch này đã được hai bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản cùng xác nhận nhân cuộc họp 2+2 Quốc phòng và Ngoại giao hôm thứ Ba. Theo dự kiến, cuộc tập trận quy tụ sự tham gia của các lực lượng phòng vệ Nhật Bản như Bộ binh, Hải quân, Không quân và Lực lượng Thủy quân Lục chiến và Không quân Mỹ.

Hiện ngày giờ chưa được nêu cụ thể. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chương trình này được đưa ra vào lúc Bắc Kinh thông qua đạo luật cho phép lực lượng hải cảnh và tuần duyên được phép nổ súng vào các tầu nước ngoài. Và Bắc Kinh ngày càng có thái độ hung hăng gia tăng tần suất thâm nhập vùng lãnh hải do Nhật Bản quản lý.

Minh Anh

**********************

Biển Đông : Manila báo động vụ 220 tàu dân quân Trung Quốc tập trung ở Trường Sa

Trọng Nghĩa, RFI, 21/03/2021

Philippines vào hôm qua, 20/03/2021 đã bày tỏ thái độ quan ngại về vụ hơn 200 tàu dân quân biển Trung Quốc bị phát hiện neo đậu ở một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn vùng quần đảo Trường Sa, trong một khu vực mà Philippines coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

donga03

Tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu tại Whitsun Reef. Ảnh chụp ngày 07/03/2021, được Tuần Duyên Philippines công bố ngày 21/03/2021.  AP

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một thông cáo công bố khuya hôm qua, lực lượng đặc nhiệm liên ngành của chính quyền Philippines cho biết là tuần duyên nước này đã phát hiện khoảng 220 chiếc tàu được cho là của lực lượng dân quân biển Trung Quốc neo đậu thành hàng ngũ vào hôm 07/03 vừa qua tại một bãi đá ngầm ở vùng quần đảo Trường Sa. Nhiều ảnh chụp cũng đồng thời được công bố.

Thông cáo cho biết địa điểm cụ thể là Đá Ba Đầu - tức Whitsun Reef theo tên quốc tế và Juan Felipe theo cách gọi của Philippines - rạn san hộ lớn nhất thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa, đồng thời khẳng định nơi đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đá Ba Đầu hiện là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan.

Lực lượng đặc nhiệm Philippines tố cáo : "Bất chấp thời tiết thuận lợi vào thời điểm đó, tàu Trung Quốc tập trung ở rạn san hô không có bất kỳ hoạt động đánh bắt nào và đã bật đèn sáng trắng suốt đêm".

Lực lượng này cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng đánh bắt quá mức và hủy hoại môi trường, cũng như các đe dọa đối với tự do hàng hải.

Khi được hỏi là liệu Manila có gởi công hàm phản đối sự hiện diện của tàu Trung Quốc hay không, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết ông sẽ làm như vậy "nếu giới tướng lĩnh yêu cầu".

Theo hãng tin Anh Reuters, vụ tàu dân quân biển Trung Quốc tràn ngập Đá Ba Đầu là ví dụ mới nhất phản ánh tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Reuters nhắc lại rằng Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vào năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên khoảng 90% Biển Đông, một phán quyết đã bị Bắc Kinh phủ nhận.

Hoa Kỳ đã nhiều lần lên án các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có các hành vi "bắt nạt" các láng giềng Đông Nam Á.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Minh Anh, Trọng Nghĩa
Read 654 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)