Myanmar đang trên bờ vực sụp đổ
The Economist, VNTB, 24/04/2021
Phải mất nhiều giờ trước khi Hla Hla Win cảm thấy đau đớn. Đó là vào buổi sáng ngày 27 tháng 3 và hơn một nghìn người, cô Hla Hla Win, nằm trong số đó, đã tập trung tại Yangon để phản đối cuộc đảo chính của quân đội. Khi lực lượng an ninh bắt đầu bắn bằng vũ khí tự động vào đám đông, cô bỏ chạy khỏi hiện trường, nhưng không đủ nhanh và bị bắn vào tay. Cha cô, đang đợi gần đó trên chiếc xe máy của ông, chở cô đến trạm y tế gần nhất. Nhưng khi họ đến gần, họ thấy nó được bao quanh bởi những người lính có vũ trang.
Các tướng lĩnh không thể áp đặt ý chí của họ lên người dân
Cô Hla Hla Win, một học sinh 17 tuổi, tên thật đã được tờ The Economist thay đổi vì sự an toàn của cô, về nhà chăm sóc vết thương trên bàn tay của mình. Cô đã không được điều trị cho đến giữa buổi chiều, tại một tu viện nơi các bác sĩ trung thành với quân kháng chiến đã thiết lập một trạm y tế di động. Nhưng thiếu thiết bị thích hợp, họ không thể xếp các khúc xương gãy. Khi cơn đau cuối cùng cũng đến, mẹ cô ấy nói, cô đã khóc và khóc. Phải sau bốn ngày cô ấy mới được phẫu thuật.
Tháng 11 năm ngoái, Myanmar đã tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để đưa bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, và chính phủ của bà lên nắm quyền. Vào ngày 1 tháng 2, quân đội đã giành chính quyền trong một cuộc đảo chính, tuyên bố rằng cuộc bầu cử mà đảng của họ đã thất bại thê thảm, đã bị hủy hoại do gian lận mà không đưa ra bằng chứng. Công chúng không đồng tình, và hàng trăm nghìn người Miến Điện đã biểu tình khắp các đường phố. Nhưng sau hai tuần, với các cuộc biểu tình không có dấu hiệu lắng xuống, vị tổng tư lệnh, Min Aung Hlaing, đã ra tín hiệu rằng ông sẽ không nhân nhượng.
Kể từ đó, ông đã chủ trì một triều đại khủng bố. Vào ban đêm, binh lính la hét khi vào các khu dân cư, khám xét từng nhà, bắn đạn thật bừa bãi vào các tòa nhà, đánh đập và bắt giữ những người bị tình nghi chống đảo chính. Hơn 3.000 người đã bị bỏ tù ; một số đã bị tra tấn. Vào ban ngày, các lực lượng an ninh tấn công những người biểu tình và những người qua đường ngẫu nhiên bằng vũ khí tấn công và lựu đạn ; nhiều người đã bị bắn vào đầu. Nhân viên y tế và bác sĩ đã bị đánh đập, bắt giữ và giết không thương tiếc. Vào ngày 9 tháng 4, quân đội đã tàn sát 82 người ở Bago, một thị trấn ở trung tâm nước này. Các nhà hoạt động địa phương cho biết Tatmadaw, như quân đội Miến được gọi, đang thu của các gia đình 120.000 kyat (85 USD) nếu họ muốn chuộc thi thể. Số người chết hiện đã vượt quá 700 người.
Chính quyền cho rằng họ có thể đè bẹp các cuộc biểu tình bằng cách sử dụng các chiến thuật mà họ đã triển khai chống lại các cuộc nổi dậy sắc tộc đã âm ỉ ở các vùng biên giới xa xôi trong nhiều thập niên. Để đạt được mục tiêu đó, nó đã gửi một lượng lớn quân đội thiện chiến đến các thành phố lớn nhất của đất nước này, bao gồm cả các sư đoàn được cho là chịu trách nhiệm về các hành động tàn bạo vào năm 2017 chống lại người Rohingya, một dân tộc thiểu số.
Từ đầu tháng 3, quân đội đã thiết lập các căn cứ tại các trường học, đại học và tu viện. Những nơi như vậy không chỉ là các doanh trại tạm thời tiện lợi, mà việc chiếm giữ chúng khiến đối thủ của nó mất đi nơi tụ họp. Bệnh viện là mục tiêu đặc biệt mềm. Lực lượng an ninh đang truy bắt những người biểu tình bị thương, những người đi chữa bệnh. Cô Hla Hla Win đã có thể bị cảnh sát bắt tại bệnh viện nơi cô được phẫu thuật, nếu các y tá xui xẻo không đưa cô đến nơi an toàn kịp thời.
Tatmadaw đang tàn bạo với chính những người mà nó thề sẽ bảo vệ. Tuy nhiên, người dân Miến Điện không chịu lùi bước. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục ở các thành phốdù nhỏ hơn so với hồi tháng Hai. Nhiều người biểu tình đang dốc toàn lực để bảo vệ khu dân cư của họ bằng cách xây dựng các rào chắn để khiến binh lính khó tiến vào hơn. Một số đang tấn công quân đội bằng đá, pháo và bom xăng và thậm chí gây thương vong cho chính họ. Vào ngày 10 tháng 4, tại Tamu, một thị trấn gần biên giới với Ấn Độ, người dân địa phương đã ném lựu đạn vào một đoàn xe quân sự, giết chết ít nhất 18 binh sĩ.
Hàng trăm người Bamar, dân tộc lớn nhất ở trung tâm Miến Điện đã đến lãnh thổ của 5 nhóm dân quân dân tộc thiểu số khác nhau để học về chiến tranh. Richard Horsey thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, một tổ chức ngăn ngừa xung đột có trụ sở tại Brussels, nói với Hội đồng Bảo an hôm 9/4 : "Myanmar đang đứng trước bờ vực của sự thất bại của nhà nước.
Đình công, phản công
Chiến thuật hiệu quả nhất của cuộc kháng chiến là tổng đình công. Chính quyền tìm kiếm tính hợp pháp bằng cách tự phong cho mình là một nhà quản lý nhà nước và nền kinh tế hiệu quả. Bằng cách ở nhà, hàng chục nghìn công nhân – từ công chức, tài xế xe tải đến giáo viên và bác sĩ – đã khiến các tướng lĩnh bị tách khỏi bộ máy quản lý dân sự. Các trường học và bệnh viện công đều đóng cửa. Hầu hết các chi nhánh ngân hàng đã bị đóng cửa kể từ sau cuộc đảo chính không lâu. Điều này đã có một ảnh hưởng rất lớn : hầu như không thể thực hiện các chức cơ bản, bao gồm trả lương và chuyển khoản liên ngân hàng. Kim Jolliffe, một nhà phân tích cho biết, những người đình công đã vô hiệu hóa của sự khống chế của các tướng lĩnh đối với chính phủ và nền kinh tế, khiến chính quyền không thể hoạt động.
Các tướng lĩnh đã cố gắng buộc các ngân hàng mở cửa trở lại, đe dọa mọi thứ từ phạt tiền đến quốc hữu hóa. Nhưng nhiều nhân viên chỉ đơn giản là quá sợ hãi và không dám ra khỏi nhà để đi làm. Theo ước tính riêng của quân đội, chỉ 10% các chi nhánh ngân hàng đang hoạt động trở lại. Lo lắng về việc rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng, chế độ đã đặt giới hạn rút tiền. "Các tướng lĩnh dường như không biết rằng họ đã phá hủy hai mặt hàng kinh tế quan trọng nhất : lòng tin và sự tự tin", Nhóm Khủng Hoảng Quốc Tế lưu ý.
Có thể dễ dàng dự đoán rằng nền kinh tế đang tê liệt dần. Ngân hàng Thế giới cho rằng kinh tế sẽ giảm 10% trong năm nay. Trong một báo cáo có tiêu đề "Sự sụp đổ kinh tế đang chờ đợi Myanmar", Fitch Solutions, chi nhánh nghiên cứu của Fitch Group, công ty sở hữu một công ty xếp hạng tài chính, dự đoán mức sụt giảm lớn gấp đôi. Chuỗi cung ứng đang bị phá vỡ do các cuộc đình công của hải quan, công nhân bến tàu, tài xế xe tải và công nhân đường sắt. Hàng hóa vào cảng đang đổ đống ở đó. Nhiều cảng bị tê liệt đến nỗi một số hãng tàu đã tạm dừng các dịch vụ đến nước này. Fitch Solutions tính toán, xuất khẩu hàng hóa có thể sẽ giảm hơn 60% trong năm tài chính này. Việc làm gián đoạn internet làm cho vấn đề trở nên tệ hơn.
Để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn hoàn toàn, các nhà hoạt động đã gia tăng các hoạt động tổ chức. Đói đã là một vấn đề ở Myanmar, nơi một phần tư dân số sống với mức dưới 1,15 đô la một ngày. Khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc. Các nhà vận động và các tổ chức từ thiện đang mở ngân hàng lương thực và quyên góp tiền cho những người đình công. Philipp Annawitt, người từng là cố vấn của Pyidaungsu Hluttaw, quốc hội Myanmar, cho biết tại một số quận nơi hầu hết công chức tham gia phong trào bất tuân dân sự, họ đang cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở mức tối thiểu và duy trì việc cung cấp điện và nước.
Đây là những biện pháp ngắn hạn. Phong trào phản kháng đang đặt hy vọng có được một giải pháp lâu dài từ Ủy ban đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), một nhóm các nghị sĩ bị phế truất đã thành lập chính phủ lâm thời. Tự tin rằng mình có được sự ủng hộ của đa số người Bamar, ủy ban này đang tìm kiếm tính chính đáng và sự giúp đỡ trên trường quốc tế, đồng thời nhiệt tình lôi kéo sự ủng hộ các dân tộc thiểu số. Họ không có súng, nhưng 20 lực lượng dân quân dân tộc sống rải rác quanh vùng biên giới thì có rất nhiều. Họ sẽ cần sự hỗ trợ của các lực lượng này nếu muốn có cơ hội giành ưu thế trước Tatmadaw.
Để đạt được mục đích đó, họ nói về việc thu hút các lực lượng dân quân để thành lập một "quân đội liên bang". Một lực lượng như vậy sẽ có rất ít cơ hội đánh bại Tatmadaw trong thế trận trực diện. Quân đội chính quy, với số lượng khoảng 350.000 người, so với lực lượng dân quân 75.000 người. Và phong cách chiến tranh của du kích không phù hợp với các vùng đất thấp, nơi họ chắc chắn sẽ bị lôi kéo vào trận chiến mở với Tatmadaw. Nhưng nếu quân nổi dậy bắt đầu đẩy mạnh tấn công quân đội, thì "điều đó sẽ khiến quân đội bị dàn rất mỏng", Zachary Abuza thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington cho biết.
CRPH đang cố gắng thu phục các nhóm thiểu số bằng cách hứa hiện thực hóa giấc mơ biến Myanmar thành một liên bang. Tuy nhiên, các đảng chính trị sắc tộc vẫn còn băn khoăn về việc có nên tham gia hay không. Đa số các thành viên của CRPH là các chính trị gia Bamar, những người có lịch sử gạt các nhóm thiểu số ra ngoài lề. Các chính trị gia thuộc các dân tộc thiểu số có xu hướng không tin tưởng những người đồng cấp Bamar của họ hoặc lẫn nhau. Một số nhóm dân quân đã xung đột với nhau về lãnh thổ và tiền bạc. Việc khiến họ gạt bỏ sự khác biệt giữa họ sang một bên có thể khó khăn.
Tham gia ủy ban
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy các nỗ lực thuyết phục của CRPH đang thu hút được một số. Mười nhóm dân quân dân tộc đã ký thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc với chính phủ quân sự vào năm 2015 đã từ bỏ thỏa thuận này và cùng nhau bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với CRPH. Hai nhóm lớn nhất, Liên minh Quốc gia Karen (KNU) và Hội đồng Phục hồi của Bang Shan, từng có các cuộc họp với CRPH. KNU đã cung cấp lực lượng vũ trang bảo vệ các cuộc biểu tình trên lãnh thổ của mình và cấp quyền tị nạn cho các thành viên của CRPH chạy trốn khỏi các khu vực do Tatmadaw kiểm soát. Quân đội có thể đã ở vào tình thế khó khăn. Ông Jolliffe nói, ngay cả khi không có sự đồng thuận giữa các dân quân với CRPH, họ hầu như đều ở thế "phản đối thụ động" với quân đội.
Tatmadaw là định chế bền vững nhất ở Myanmar. Binh lính và gia đình của họ sống trong các doanh trại, tách biệt với xã hội. Họ tin rằng Tatmadaw là thiết yếu cho sự tồn vong của đất nước. Hầu như không có trường hợp đào ngũ nào và thậm chí nếu một số người muốn đào tẩu gia đình họ có thể bị trả thù. Các tướng lĩnh có thể chịu được thương vong lớn và nhờ tham gia vào buôn bán các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Myanmar, họ có thể vượt qua sự sụp đổ của nền kinh tế. Ông Abuza nói : "Tôi nghĩ rằng họ có thể duy trì tình trạng này trong một thời gian dài.
Những gì họ không thể làm là sửa chữa thanh danh bị tai tiếng. Các dân tộc thiểu số, bị áp bức từ lâu, không bao giờ có ảo tưởng về quân đội. Nhưng nhiều người Bamar đã coi Quân đội Tatmadaw như thần hộ mệnh của một quốc gia luôn có nguy cơ tan rã. Bây giờ quân đội đã tấn công sắc tộc Bamar, họ có thể nhìn thấy bản chất thực sự của những vị tướng : họ không bảo vệ đất nước, mà bảo vệ lợi ích riêng.
The Economist
Nguyên tác : Myanmar is on the brink of collapse,
The Economist, 17/04/2021
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 24/04/2021
*********************
Khủng hoảng Myanmar : Khi tướng lĩnh sợ con của ‘cha già dân tộc’
Nguyễn Hùng, VOA, 23/04/2021
Giữa lúc cuộc khủng hoảng chính trị gây nhiều chết chóc xảy ra ở Myanmar, một bộ phim về mối quan hệ giữa giới tướng lĩnh và bà Aung San Suu Kyi, con gái của tướng Aung San, người có thể coi là cha già dân tộc của nước từng được gọi là Miến Điện, được chiếu lại cho khán giả Anh xem.
Biểu tình ủng hộ bà Aung San Suu Kyi tại Yangon, Miến Điện, 8 tháng Tư, 2021.
Bộ phimBên trong nền độc tài quân đội do đạo diễn người Đan Mạch Karen Stokkendal Poulsen quay trong nhiều năm kể từ khi Myanmar bắt đầu mở cửa từ năm 2011 tới năm 2016 và đượchoàn thành trong năm 2019. Bà Poulsen, người tốt nghiệp thạc sĩ ngành phim tài liệu ở chính trường Goldsmiths, University London nơi tôi đang dạy báo chí, đã có cơ hội phỏng vấn nhiều tướng lĩnh và nhân vật đối lập với họ, bà Suu Kyi.
Lịch sử đang lặp lại tại Myanmar khi các tướng lĩnh quân đội lại xả súng vào người dân như họ từng làm hồi mùa hè năm 1988 khi người dân nổi dậy phản đối nền độc tài của phe quân đội.
Hãy nghe cựu tướng Thein Sein, người sau thành Tổng thống đầu tiên của Myanmar, nói về biến cố 1988 trong phim : "Nhìn lại cuộc phản kháng hồi năm 1988, chúng tôi có thể thấy rằng người dân muốn có dân chủ. Nhưng lúc đó quân đội chưa sẵn sàng cải tổ để có dân chủ. [Quân đội] vẫn chưa xây dựng nền móng cho dân chủ".
Nhưng các vị tướng vẫn nghĩ rằng họ có thể biện minh cho việc giết hại hàng trăm người dân theo thống kê của chính họ hay hàng ngàn người dân theo các thống kê độc lập. Một cựu tướng khác, Soe Thane, nói với bà Poulsen : "Nếu quân đội không kiểm soát tình hình hồi năm 1988, đất nước sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn".
Chính cựu tướng Thein Sein thừa nhận phe quân đội không có kiến thức để chuyển đổi thành công sang thể chế dân chủ khi bản thân ông trở thành tổng thống hồi năm 2011 : "Kể cả họ [các bộ trưởng nội các] lẫn tôi đều không hiểu phải chuyển sang chế độ dân chủ như thế nào. Chúng tôi sống không có dân chủ trong hơn 50 năm".
Và chỉ vài năm mò mẫm để thoát khỏi hố độc tài, bánh xe lịch sử ở Myanmar lại tuột xích lúc đang lên dốc. Không phải giới quân đội vẫn chưa hiểu dân chủ là gì vì chính Tướng Aung Min, người phụ trách cải cách chính trị từ năm 2011, tuyên bố trong phim : "Dân chủ là sự quản trị bởi người dân và vì người dân. Và chính quyền phải làm theo mong muốn của người dân dù [mong muốn đó] có đúng hay không".
Trong cuộc bầu cử mới nhất mà phe quân đội không công nhận kết quả vì cho rằng có gian lận, đa số người dân muốn đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi tiếp tục điều hành đất nước. Nhưng các tướng lĩnh quân đội, đứng đầu là Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing cảm thấy bất an trước chiến thắng vang dội của đảng đối lập.
Đạo diễn phimBên trong nền độc tài quân đội, bà Poulsen nói bà Suu Kyi luôn có mối quan hệ đầy khó khăn với giới tướng lĩnh, những người ghi rõ trong hiến pháp rằng bà sẽ không bao giờ có thể trở thành tổng thống ở Miến Điện. Họ cũng đảm bảo cho phe quân đội luôn có 25% ghế trong quốc hội mà không cần qua bầu cử.
Phim của bà Poulsen nói một trong những cảnh báo đầu tiên của phe quân đội đối với bà Suu Kyi được đưa ra khi một luật sư của bà bị bắn chết hồi năm 2016 sau khi tìm cách lách hiến pháp để tạo ra chức Quốc vụ Khanh cho bà. Nhờ luật sư Ko Ni, người bị bắn khi đang ôm từ biệt cháu của ông trước sân bay quốc tế Yangon, bà Suu Kyi đã trở thành người "trên cả tổng thống" trong vai Quốc vụ Khanh. Có lẽ chính tham vọng có thực quyền của bà Suu Kyi đã khiến phe quân đội lo sợ.
Phim Bên trong nền độc tài quân đội cũng nói bà Suu Kyi đã chọn đứng về phe quân đội trong cuộc thảm sát người hồi giáo thiểu số Rohingya vốn diễn ra từ cuối năm 2016 tới đầu năm 2017. Hành động của phe quân đội khiến bà Suu Kyi vô cùng khó xử và đã mất mặt với thế giới khi ngậm miệng để giữ liên minh với các "ác quỷ" trong quân đội Myanmar.
Hành động của giới tướng lĩnh trong cuộc đảo chính đầu tháng Hai cho thấy họ không tin quyền lợi và sự an toàn của họ được đảm bảo khi bà Suu Kyi và đảng NLD ngày càng mạnh lên.
Bản thân bà Suu Kyi cũng nói trong phim : "Không ai tin ai cả. Đây là hậu quả của rất nhiều năm độc tài. Người ta luôn phải cẩn thận ; không ai biết ai theo dõi ai. Sự thiếu tin cậy này ở góc độ nào đó đã ngấm vào xương tuỷ chúng tôi".
Còn cựu tướng Thein Sein từng than phiền cách đây 10 năm điều mà có lẽ các tướng lĩnh hiện nay cũng đang có cùng cách suy nghĩ : "[Đảng] NLD tìm quá nhiều cách để tạo xung đột với chúng tôi tới mức chúng tôi nghĩ sẽ không bao giờ có ổn định chính trị. Vì thế có sự ổn định chính trị là ưu tiên".
Tướng Aung San, cha của bà Suu Kyi, khi bị ám sát lúc 32 tuổi hồi năm 1947 đã kịp giành độc lập cho Myanmar, lập ra quân đội và sinh ra bốn người con trong đó có người con gái từng bị các tướng lĩnh quản thúc tại gia trong 20 năm và nay lại tạm giam bà để phòng trừ hậu họa. Và để đảm bảo quyền lợi cho bản thân, các tướng lĩnh lại ra tay ám sát nền dân chủ đang thành hình ở Myanmar thêm một lần nữa.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 23/04/2021
***********************
Lãnh đạo 7 nước ASEAN cùng tướng Hlaing dự thượng đỉnh về khủng hoảng Miến Điện
Trọng Thành, RFI, 23/04/2021
Thượng đỉnh ASEAN tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện sẽ diễn ra ngày mai, 24/04/2021, tại Jakarta. Lãnh đạo 7 quốc gia ASEAN sẽ dự thượng đỉnh, cùng với tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự. Nhân dịp này, hôm nay 23/04, 45 tổ chức phi chính phủ thuộc các nước ASEAN gửi thư ngỏ, phản đối thượng đỉnh ASEAN mời lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện.
Reuters, hôm 23/04, dẫn các nguồn tin ngoại giao ở Jakarta, cho hay, tổng cộng có bảy lãnh đạo ASEAN tham dự thượng đỉnh về khủng hoảng Miến Điện. Ngoài lãnh đạo nước chủ nhà Indonesia, còn có lãnh đạo các nước Brunei, Cam Bốt, Lào, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Riêng hai nước Philippines và Thái Lan cử ngoại trưởng tham dự.
Thượng đỉnh ASEAN được coi là "nỗ lực phối hợp quốc tế đầu tiên" để thúc đẩy tháo gỡ khủng hoảng Miến Điện, bùng lên kể từ khi quân đội đảo chính lật đổ Quốc Hội và chính phủ dân cử. Các đàn áp của quân đội nhắm vào người biểu tình chống đảo chính khiến ít nhất 739 người chết cho đến nay. Cộng đồng quốc tế lo ngại nội chiến bùng nổ tại Miến Điện.
Theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, dự kiến đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Christine Schraner Burgener sẽ có mặt ngày mai, tại Jakarta, bên lề hội nghị ASEAN, để phối hợp với các lãnh đạo ASEAN tìm lối thoát chính trị cho cuộc khủng hoảng. Đây sẽ là một trắc nghiệm quan trọng đối với khối ASEAN, vốn có truyền thống không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên, và hoạt động thông qua cơ chế đồng thuận.
Dự án cứu trợ nhân đạo
Vẫn Reuters cho hay, Malaysia và Philippines cho biết ủng hộ một kế hoạch để chủ tịch ASEAN (Brunei) và tổng thư ký của khối, hoặc các đại diện của họ, đến Miến Điện. Một số nhà ngoại giao cho biết, ASEAN cũng đang xem xét đề xuất cử một phái đoàn cứu trợ nhân đạo đến Miến Điện, để cung cấp các phương tiện y tế giúp cho cuộc chiến chống Covid-19 và một số bệnh khác, cũng như thực phẩm cần thiết. Đây có thể là bước đi đầu tiên cho một kế hoạch lâu dài, "tạo môi giới cho đối thoại giữa tập đoàn quân sự và phong trào phản kháng".
Hôm qua, tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (PAM) cảnh báo, trong khoảng từ 3 đến 6 tháng tới, sẽ có thêm gần 3,4 triệu người lâm vào cảnh đói ăn tại Miến Điện, đặc biệt tại nhiều khu vực đô thị, do tác động cùng lúc của ba yếu tố, nạn nghèo đói sẵn có, đại dịch Covid-19 và khủng hoảng chính trị hiện nay.
45 tổ chức dân sự phản đối mời tướng Hlaing
Về thượng đỉnh ASEAN liên quan đến Miến Điện, 45 tổ chức dân sự thuộc các nước ASEAN gửi thư ngỏ, cực lực phản đối việc mời lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing tham dự hội nghị, bởi việc này sẽ khẳng định"tính hợp pháp của các cuộc tàn sát, diệt chủng do tập đoàn quân sự thực hiện chống lại chính công dân và nhân dân mình".
45 tổ chức NGO ASEAN cũng kêu gọi khối mời đại diện của chính phủ lâm thời chống tập đoàn quân sự tham gia hội nghị. Theo nhóm NGO này, "các lãnh đạo ASEAN sẽ không thể đạt được bất cứ điều gì tại hội nghị thượng đỉnh này để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại, nếu không tham vấn và đàm phán với các đại diện hợp pháp của các dân tộc Miến Điện".
Riêng tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, hôm nay, kêu gọi điều tra lãnh đạo tập đoàn quân sự, vì "tội ác chống nhân loại".
Quân đội truy nã các thành viên "chính phủ đoàn kết dân tộc"
Về phần mình, chính quyền quân sự Miến Điện, hôm nay, đã ra quyết định truy nã 26 nhà hoạt động, bao gồm những người tham gia vào nội các của "chính quyền đoàn kết dân tộc" (GUN), vừa ra mắt hôm 16/04. Theo báo Nhật NHK, quân đội Miến Điện tìm cách khẳng định tính chính đáng của mình trước thềm thượng đỉnh ASEAN, bằng việc có thêm biện pháp tấn công giới lãnh đạo phong trào phản kháng.
Trọng Thành
************************
Myanmar là 'thách thức chung' cho tân Thủ tướng Việt Nam và Asean ?
BBC, 23/04/2021
Tân Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính lần đầu công du nước ngoài, tham dự thượng đỉnh Asean trong hai ngày 23 và 24/4/2021 tại Indonesia.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (thứ hai, từ trái) đặt chân tới Indonesia dự thượng đỉnh Asean
Liệu khủng hoảng chính trị Myanmar có được thảo luận thẳng thắn, dưới hình thức nào, thái độ của các bên ra sao... được giới quan sát đặt ra câu hỏi.
Có nhiều ý kiến hội tụ cho rằng đây là 'phép thử chung' với cả tân Thủ tướng Việt Nam, lẫn Asean.
Hôm 23/4/2021, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas - Singapore) cho rằng đây là chuyến công du 'không nằm trong' kế hoạch ban đầu.
"Đây là chuyến công du không nằm trong kế hoạch, nó là chuyến đi để đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo về chuyện tổ chức cuộc họp khẩn cấp về Myanmar.
"Thế nhưng cũng nhân việc đi họp, đây cũng là chuyện ông Thủ tướng mới của Việt Nam ra mắt các nhà lãnh đạo trong khối Asean. Về mặt hình thức, đây để thể hiện ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Asean".
Trước câu hỏi, Thủ tướng Việt Nam có thể sẽ phát biểu gì về Myanmar, ông Hà Hoàng Hợp nói :
"Chủ yếu, chỉ có thể phát biểu trực tiếp dựa trên Hiến chương của Asean.
"Mà như đã biết, Hiến chương của Asean không quy định và cũng không cho phép những can thiệp của nước thành viên này vào tình hình nội bộ của một nước thành viên khác.
"Cho nên dựa trên cái đó, khó lòng có được các phát biểu hay hành động mà có tính chất can thiệp vào tình hình nội bộ của Myanmar.
"Tuy nhiên, thời gian vừa rồi đã thấy khá rõ rằng Việt Nam cũng đã đồng tình với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đồng tình với nhiều nước trong Asean lên án phe đảo chính quân sự ở Myanmar giết hại thường dân.
"Và dựa trên tinh thần này, yêu cầu chính quyền đảo chính ở Myanmar chấm dứt việc giết dân thường, tái lập trật tự như trước cuộc đảo chính. Cụ thể, tức là phải thả những người bị bắt, trong đó có các chính trị gia bị bắt ra, rồi họp Quốc hội cũ chứ không phải là bầu Quốc hội mới theo sự tổ chức của phe đảo chính quân sự, và đáp ứng các điều kiện cụ thể khác".
'Thách thức với Thủ tướng Việt Nam và cả Asean'
Người dân Myanmar hôm 23/4/2021 tiếp tục xuống đường phản đối chính quyền quân sự và cuộc đảo chính
Cũng hôm thứ Sáu, từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, người có nhiều năm hoạt động trong ngành ngoại giao của Chính phủ Việt Nam bình luận :
"Tôi nghĩ Hội nghị cấp cao Asean lần này được triệu tập, như ngay từ đầu người ta nói rằng triệu tập vì vấn đề Myanmar và tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar.
"Tôi cho đây là một thách thức không chỉ đối với Asean mà đối với cả Việt Nam. Với Asean, tôi nghĩ rằng khối này không thể dễ dàng tìm ra ngay giải pháp, bởi vì khối này đang bị chia rẽ và phân liệt trong vấn đề này.
"Vì vậy, thách thức của Asean cũng là thách thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhất là đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông.
"Ở đây, ông phải xử lý một vấn đề là cấp cao lần này không chỉ để giải quyết vấn đề quan hệ ngoại giao của Asean, những đường hướng lớn của Asean, mà họ tập trung vào vấn đề liệu Asean có thể đưa ra được giải pháp gì trước vấn đề đang hóc búa này của Myanmar".
Trước đó, hôm 22/4, tại một thảo luận Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt, một số nhà hoạt động và bất đồng chính kiến từ Việt Nam và hải ngoại cũng đưa ra các bình luận :
"Tôi cho rằng vấn đề Myanmar hiện nay không chỉ là một thử thách bình thường, mà là một thách thức rất lớn đối với Asean", từ Hà Nội, nhà báo tự do, blogger Nguyễn Hữu Vinh nói.
"Thách thức ngoài Biển Đông cho thấy rất rõ rằng khối này là rất yếu, việc các nước thành viên của khối tự đặt cho mình nguyên tắc mọi thứ phải đạt được sự thống nhất, thì đó là một điểm yếu. Bây giờ, khi vấn đề đảo chính xảy ra ở Myanmar, thì đây tiếp tục là một điểm yếu nữa...
"Tôi cho rằng nếu Asean mà không có một động thái cương quyết hơn và sớm, chắc chắn họ sẽ mất điểm rất nhiều trước cộng đồng quốc tế và từng quốc gia thành viên trong đó sẽ mất điểm rất nhiều".
Người dân Myanmar biểu tình hôm 23/4/2021 ở Yangon
Từ Berlin, Cộng hòa liên bang Đức, nhà văn Võ Thị Hảo nêu quan điểm :
"Ông Phạm Minh Chính đi dự hội nghị, nhìn chung theo tôi ông sẽ không lên tiếng gì mạnh mẽ về trường hợp Myanmar đã giết thường dân như vậy. Và khối Asean thực sự là một khối yếu, trong đó trình độ dân chủ cũng như sức mạnh kinh tế của các nước này còn rất yếu...
"Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam về vấn đề Myanmar, phải lên tiếng, bởi vì đó là một vấn đề hoàn toàn phi nhân đạo, trái với những cam kết của quốc tế và chính quyền quân sự của Myanmar đã vi ph rất nhiều.
"Nó cũng như một vụ Thiên An Môn nhỏ trước đây mà Việt Nam đã không lên tiếng, thì rất mất danh dự ở trên trường quốc tế, cũng như với khối Asean cũng vậy, cần phải lên tiếng mạnh mẽ để chính quyền quân sự ở Myanmar không được làm điều đó".
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, bình luận :
"Thứ nhất, tôi nghĩ, ông Thủ tướng mới của Việt Nam đi dự thượng đỉnh Asean đợt này là một thách thức rất lớn, khi Việt Nam đồng thời là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng Tư này...
"Tôi không nghĩ rằng Asean sẽ dám lên tiếng, nhưng thực sự Việt Nam cần phải lên tiếng mạnh mẽ để chống lại chế độ hiện nay ở Myanmar. Đây là chế độ độc tài quân sự đảo chính chống lại chính quyền của người dân đã bầu ra.
"Tôi chưa nói đến việc họ đàn áp, giết người ở trong khắp cả đất nước Myanmar và ở một quy mô rất rộng, số nạn nhân bị giết hại bây giờ đã lên gần cả một nghìn rồi, thì thực sự đây không phải là một 'Thiên An môn nhỏ'.
"Vụ đàn áp Thiên An môn xảy ra cách đây hơn ba chục năm, và bây giờ việc đàn áp xảy ra ở Myanmar, thì việc lên tiếng chống lại tập đoàn quân sự Myanmar mà vốn đã đàn áp chính quyền do người dân của chính Myanmar bầu ra là phải rất mạnh mẽ.
"Và Asean mà không lên tiếng, gây sức ép rất mạnh mẽ để vãn hồi hòa bình, dân chủ, để việc chính quyền được bầu cử bởi người dân Myanmar vốn bị đảo chính bởi thế lực quân sự ở nước này được giải quyết một cách êm thấm, thì tôi nghĩ là Asean chắc phải sửa đổi lại quy tắc của mình.
"Cái quy tắc được gọi là đồng thuận ấy có thể làm bế tắc mọi thứ, mọi hoạt động, tất nhiên là Asean vẫn là một tổ chức rất quan trọng, nhưng để quy tắc đồng thuận ấy làm cho bế tắc mọi hoạt động của Asean, thì hoàn toàn không nên.
"Tức là phải bãi bỏ quy tắc ấy, trong trường hợp như thế có thể có quyết định đa số và có thể phải có chuyện trừng trị những tổ chức phạm tội như là quân đội Myanmar, thì lúc đó mới có thể vãn hồi được chính quyền do chính người dân Myanmar bầu ra", theo ông Nguyễn Quang A.
Nguồn : BBC, 23/04/2021
*********************
Miến Điện : Các công ty gỗ và ngọc của nhà nước bị Mỹ cho vào danh sách đen
Thụy My, RFI, 22/04/2021
Bộ Tài Chính Hoa Kỳ hôm 21/04/2021 thông báo trừng phạt các công ty công Miến Điện kiểm soát việc xuất khẩu gỗ và ngọc trai, vì mang lại lợi nhuận cho tập đoàn quân sự cầm quyền. Trong khi đó Liên Hiệp Quốc báo động nguy cơ nạn đói tại Miến Điện.
AFP cho biết từ nay các công ty Myanmar Timber Enterprise và Myanmar Pearl Enterprise không thể tham gia hệ thống tài chính quốc tế, tất cả công dân và doanh nghiệp Mỹ không được giao dịch với hai công ty trên, kể cả các ngân hàng có chi nhánh ở Hoa Kỳ. Tài sản các công ty này tại Mỹ cũng bị phong tỏa.
Trước đó chính quyền Mỹ cũng đã trừng phạt các tướng lãnh Miến Điện đã tổ chức đảo chính và đàn áp biểu tình và đến đầu tháng Tư đã cho một công ty nhà nước chuyên sản xuất đá quý vào danh sách đen.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố : "Biện pháp của chúng tôi nhằm củng cố thông điệp gởi đến các tướng lãnh : Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nhắm vào các nguồn tài chính đặc thù, buộc họ phải trả giá cho vụ đảo chính và bạo lực". Ông cũng khẳng định sự ủng hộ đối với nỗ lực của người dân, đồng thời kêu gọi quân đội chấm dứt dùng vũ lực, trả tự do cho những người bị bắt tùy tiện, đưa Miến Điện trở lại con đường dân chủ.
Về mặt xã hội, tình trạng thiếu ăn đang tăng nhanh sau vụ đảo chính ngày 01/02 cùng với khủng hoảng tài chính, khiến hàng triệu người có nguy cơ lâm vào cảnh đói kém trong những tháng tới. Reuters dẫn phân tích của Chương trình Lương thực Thế giới (PAM), theo đó sẽ có thêm 3,4 triệu người thiếu ăn trong 3 đến 6 tháng sắp tới. Khu vực thành thị bị ảnh hưởng nhiều nhất vì thất nghiệp trong lãnh vực kỹ nghệ, xây dựng và giá thực phẩm gia tăng.
Tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc báo động ngày càng có nhiều người nghèo bị mất việc không có tiền mua lương thực. PAM dự kiến sẽ tăng số người được viện trợ lên 3,3 triệu, và kêu gọi quốc tế đóng góp 106 triệu đô la. Trước vụ đảo chính, đã có khoảng 2,8 triệu người thiếu ăn tại Miến Điện, theo con số của PAM. Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Miến Điện sụt giảm 10% trong năm 2021.
Thụy My
*********************
Đảo chính Miến Điện : Liên Âu ban hành thêm lệnh trừng phạt
Thụy My, RFI, 20/04/2021
Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm 19/04/2021 trừng phạt thêm 10 nhân vật trong tập đoàn quân sự Miến Điện và hai doanh nghiệp là nguồn cung tài chính cho quân đội, vì có dính líu đến các vụ đàn áp những cuộc biểu tình phản đối đảo chính. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và người tiền nhiệm Ban Ki Moon kêu gọi ASEAN hỗ trợ tìm ra một giải pháp cho Miến Điện.
Liên Hiệp Châu Âu cho thêm vào danh sách đen 10 nhân vật được cho là có liên quan trực tiếp đến các quyết định làm ảnh hưởng đến Nhà nước pháp quyền tại Miến Điện. Hai công ty mới bị trừng phạt là Myanmar Economic Holdings Ltd (MEHL) và Myanmar Economic Corporation (MEC). Trước đó hôm 22/03, EU đã trừng phạt 11 tướng lãnh trong đó có người đứng đầu tập đoàn quân sự là tướng Min Aung Hlaing.
Tuần trước, cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet đã cổ vũ các Nhà nước "có những biện pháp tức thời, mang tính quyết định và hiệu quả" để buộc các tướng lãnh chấm dứt đàn áp.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres trong cuộc họp qua video với lãnh đạo các nước trong Hội Đồng Bảo An, kêu gọi ASEAN nhân hội nghị thượng đỉnh tại Indonesia thứ Bảy tới "có những hành động phối hợp tức khắc" nhằm tìm ra lối thoát cho Miến Điện. Ông nói rằng vai trò của ASEAN hiện quan trọng hơn bao giờ hết đối với cuộc khủng hoảng, hy vọng các nhân tố trong khu vực dùng ảnh hưởng của mình để tránh tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Cuộc họp của Hội Đồng Bảo An được tân chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tổ chức, với sự hiện diện của ông Dato Erywan Pehin Yusof, ngoại trưởng Brunei, nước đang làm chủ tịch luân phiên ASEAN.
Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon khẩn thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN "kết hợp với Liên Hiệp Quốc để giúp đỡ nhân dân và đất nước Miến Điện". Ông lấy làm tiếc về sự chia rẽ trong ASEAN. Theo ông, nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước không thể là cái cớ để làm ngơ, và đòi hỏi Hội Đồng Bảo An, nơi Trung Quốc và Nga luôn cản trở, phải có hành động cụ thể. Ban Ki Moon cho biết đề nghị thăm Miến Điện của ông đã bị quân đội từ chối.
Tại Miến Điện, các cuộc biểu tình chống tập đoàn quân sự vẫn tiếp tục dù bị đàn áp. Ở Myingyan, hai ngày vừa qua xảy ra những vụ đụng độ giữa cư dân thành phố với quân đội, ít nhất 4 người bị thương, 6 người bị bắt.
Báo chí cũng là mục tiêu bị lực lượng an ninh nhắm đến, nhằm kiểm soát thông tin. Có ít nhất 65 nhà báo đã bị câu lưu trong đó 34 người vẫn đang bị giam giữ, theo tổ chức Reporting ASEAN. Hôm qua Tokyo đã yêu cầu trả tự do cho nhà báo Nhật Yuki Kitazumi bị bắt hôm Chủ nhật và đang bị giam tại nhà tù Insein dành cho tù nhân chính trị.
Thụy My