Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/04/2021

Điểm báo Pháp - Ấn Độ trong thảm họa Covid

RFI tiếng Việt

Ấn Độ trong thảm họa Covid, tòa án yêu cầu "đi xin, đi ăn cắp ô-xy"

Đại dịch hoành hành ở Ấn Độ, sản xuất vac-xin chống Covid đạt 1 tỉ liều, mối lo khi học sinh đến trường trở lại trong khi dịch chưa giảm tại Pháp, chính sách nhập cư của Pháp trước nạn khủng bố Hồi giáo, đó là những chủ đề chính được các báo Paris đề cập hôm 26/04/2021.

ando1

Hỏa táng hàng loạt nạn nhân chết vì đại dịch Covid tại New Delhi, Ấn Độ ngày 26/04/2021.  Reuters – Adnan Abidi

Les Echosbáo động "Thiếu ô-xy, các bệnh viện Ấn Độ cầu cứu". Làn sóng bệnh nhân Covid tràn ngập khiến nhu cầu ô-xy dùng cho y tế bùng nổ, Ấn Độ ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng.

Tòa án Tối cao New Delhi : "Hãy đi xin, đi mượn, đi ăn cắp ô-xy !"

"SOS, ô-xy dự trữ chỉ còn chưa đầy một giờ, cần được hỗ trợ lập tức" - Bệnh viện Max Heathcare viết trên Twitter hôm thứ Sáu 23/04. Suốt bảy ngày liên tiếp, những lời kêu gọi cứu Viện liên tục được các Bệnh viện đưa ra trên mạng xã hội hay truyền hình địa phương. Hôm nay 26/04 Ấn Độ ghi nhận gần 353.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ - một kỷ lục thế giới mới, và trên 2.800 người chết. Tổng cộng con virus corona đã làm trên 195.000 người Ấn thiệt mạng.

Từ hôm thứ Năm 22/04, chính phủ Ấn đã cấm cung cấp ô-xy cho các kỹ nghệ không thiết yếu. Khoảng 90% trong số 7.500 tấn ô-xy sản xuất mỗi ngày được dành cho y tế, tuy nhiên nhu cầu mỗi ngày một tăng vọt và thảm kịch tiếp diễn. Một bác sĩ ở New Delhi than thở, các bệnh nhân đang hấp hối ngay trước Bệnh viện mà không cứu được vì không có ô-xy. Tòa án Tối cao của Delhi hôm thứ Tư yêu cầu chính phủ Modi hành động : "Hãy đi xin, đi mượn, đi ăn cắp hoặc nhập cảng !" để đáp ứng nhu cầu ô-xy của thủ đô.

Giữa tháng Tư, Ấn Độ đã gọi thầu nhập khẩu 50.000 tấn ô-xy, các phái bộ ở nước ngoài lao vào tìm kiếm nguồn cung. Tuần tới quân y sẽ vận chuyển về nước 23 nhà máy ô-xy và các container từ Đức. Trước thảm trạng, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Pháp, Anh, Canada loan báo Viện trợ khẩn cấp, ngay cả kẻ thù truyền thống Pakistan cũng đề nghị gởi sang thiết bị y tế.

Vị thế của thủ tướng Modi bị lung lay

Tại đất nước rộng lớn này, bản thân việc vận chuyển ô-xy đã là một vấn đề. Ấn Độ không đủ xe bồn và bình chứa để vận tải và tồn trữ ô-xy. Các chuyến tàu "Ô-xy Express" được huy động, và hôm thứ Bảy khi tàu đến Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh, phải có lực lượng vũ trang hỗ trợ để phân phối cho các bệnh Viện. Nhưng đối với một số bệnh nhân thì đã quá muộn. Tối thứ Sáu, có 25 bệnh nhân khoa hồi sức đã tử vong tại Jaipur Golden Hospital ở New Delhi vì không còn ô-xy, và trước đó trong tuần, 25 bệnh nhân của một Bệnh viện khác đã chết vì lý do tương tự.

Cầm quyền tại đất nước 1,3 tỉ dân từ năm 2014, thủ tướng Narendra Modi nay phải đối mặt với một thách thức khổng lồ. Có đến 140 triệu dân Bombay và New Delhi đã bị nhiễm con virus xuất phát từ Vũ Hán, Bệnh viện không còn giường, các lò thiêu xác quá tải. Từ 13.000 ca nhiễm mới hàng ngày vào đầu tháng Ba nay lên đến trên 300.000/ngày, đến lượt giới trẻ dưới 20 tuổi bị con virus tấn công. Điều nghịch lý : Ấn Độ là nhà sản xuất vac-xin lớn nhất thế giới, nhưng chỉ mới có 1% dân số được tiêm chủng.

Ngay cả những người ủng hộ Modi cũng không hiểu được vì sao ông lại không hạn chế các cuộc hành hương, hội họp đảng phái mà còn khuyến khích, tạo ra những ổ dịch hàng triệu người. Hồi năm 2019, nhà lãnh đạo bảo thủ đã dễ dàng chiến thắng và tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai, nhưng nay theo Les Echos, một làn sóng thứ ba cho Modi khó thể hình dung. Le Monde cũng có nhận xét tương tự : lần đầu tiên kể từ khi trở thành thủ tướng năm 2014, nhân vật quyền lực của Ấn Độ lâm vào cảnh khó khăn : hashtag #resign xuất hiện trên mạng xã hội, đòi ông Modi từ chức.

Hun Sen : Cam Bốt đang trên bờ vực tử thần

Tại Đông Nam Á, La Croix nhận thấy trước làn sóng dịch đầu tiên Covid ở Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen đã đổi giọng. Ông tuyên bố : "Chúng ta đang bên bờ vực tử thần. Nếu không đoàn kết, sẽ dẫn đến cái chết thực sự".

Tờ báo nhắc lại, hồi tháng 2/2020 Hun Sen không đeo khẩu trang, đích thân ra cảng tiếp đón một tàu du lịch bị các nước khác từ chối. Nay ngay trong dịp năm mới của người Khmer, ông ra lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmau kế cận trong hai tuần : doanh nghiệp và cơ sở thương mại không thiết yếu bị đóng cửa, hai triệu dân chỉ được ra ngoài để mua thuốc hoặc thực phẩm. Hồi tháng Ba, một luật được thông qua với mức phạt đến 20 năm tù và 4.000 euro cho những ai vi phạm. Năm người đã bị bắt trong đó có một công nhân bị cáo buộc lan truyền tin giả, vì đã đăng lên Facebook một video về cái chết của một người Cam Bốt vì vac-xin Trung Quốc.

Hiện nay tại nước Cam Bốt 16 triệu dân có khoảng 8.200 ca dương tính và 59 người chết vì Covid, tương đối thấp, nhưng virus đang lây lan rất nhanh trong hai tuần qua. Nguyên nhân là từ bốn công dân Trung Quốc hồi tháng Hai đã trốn khỏi khách sạn đang cách ly. Một người trong số đó chính là "bệnh nhân số 0" mang trong người virus biến thể Anh, gieo rắc biến chủng này tại Phnom Penh và Sihanoukville, nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Cam Bốt cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế vốn nghèo nàn, sẽ quá tải.

Trước nguy cơ nạn đói, Bình Nhưỡng mở lại biên giới Trung-Triều

Ở Bắc Á, Le Mondecho biết "Bắc Triều Tiên mở lại biên giới với Trung Quốc" để tránh nguy cơ lại xảy ra nạn đói, sau 15 tháng đóng chặt cửa vì lo sợ trước đại dịch.

Từ tháng Giêng 2020, trao đổi thương mại với Trung Quốc chỉ là số 0. Một số giao dịch nhỏ và buôn lậu đã giúp Bắc Triều Tiên khỏi sụp đổ, nhưng việc đóng cửa biên giới cộng với trừng phạt của quốc tế khiến dân chúng thiếu thực phẩm trầm trọng. Viện trợ nhân đạo dành cho người nghèo khổ (40% dân số) bị thiếu ăn thường xuyên cũng đành dừng lại ở bên kia biên giới. Tình trạng khan hiếm thuốc chữa bệnh đã được đại sứ quán Nga ở Bình Nhưỡng lên tiếng trên Facebook. Hàng nhập về trong những tuần qua chủ yếu là phân bón cho nông nghiệp.

Trả lời phỏng vấn của Tass, đại sứ Nga tại Bắc Triều Tiên nói rằng nước này chưa lâm vào nạn đói, đã có một số mặt hàng xuất hiện tại Bình Nhưỡng. Nhưng còn ở các tỉnh thì sao ? Do đại diện các tổ chức quốc tế vắng mặt, không ai biết được thực trạng. Bình Nhưỡng khẳng định chỉ có mỗi một ca Covid – một điều khó tin. Nhưng kinh tế suy sụp đến nỗi Bắc Triều Tiên phải chấm dứt tình trạng tự cô lập. Một trung tâm khử trung sắp xây xong tại biên giới Trung-Triều, tàu bè qua lại trên sông Áp Lục (Yalu) lại nhộn nhịp, trường học được mở lại. Cả Bắc Kinh và Moskva đều không muốn đồng minh Bình Nhưỡng sụp đổ vì thảm họa nhân đạo, trong lúc chưa có tia hy vọng nào trong quan hệ với Washington.

ASEAN gây sức ép để làm giảm đàn áp thường dân tại Miến Điện

Quay lại với Đông Nam Á nhưng về ngoại giao, "ASEAN cố gắng làm giảm nạn đàn áp đẫm máu ở Miến Điện". Les Echos ghi nhận ba tháng sau vụ đảo chính, các quốc gia Đông Nam Á cuối tuần qua đã có hoạt động hòa giải đầu tiên nhằm làm dịu bớt cuộc khủng hoảng đang làm cả khu vực quan ngại.

Trong hội nghị thượng đỉnh đột xuất tại Jakarta hôm thứ Bảy 24/04, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận với tướng Min Aung Hlaing suốt ba tiếng đồng hồ. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu tập đoàn quân sự Miến Điện xuất ngoại để biện minh với các đối tác Châu Á.

Trước khi tướng Min đến Jakarta, "Chính phủ Đoàn kết Quốc gia" (NUG) do các cựu dân biểu Miến Điện thành lập đã cố gắng đòi Interpol bắt giữ ông vì quy trách nhiệm về số người biểu tình bị sát hại. Tướng Min Aung Hlaing tuy chẳng phải lo lắng gì về yêu cầu này, nhưng vào cuối hội nghị ông đã phải ký vào thông cáo chung ASEAN kêu gọi chấm dứt bạo lực. Văn bản cũng dự kiến mở ra cuộc đối thoại với tất cả các bên liên quan và Viện trợ nhân đạo, nhưng không nói gì đến số phận các tù nhân chính trị. Tuy vậy các đại diện NUG cũng hoan nghênh sự can thiệp của ASEAN, còn báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Miến Điện đòi hỏi phải có kết quả cụ thể thay vì chỉ trên giấy tờ.

Các chuyên gia lo ngại về khả năng gây áp lực thực sự của các nước láng giềng đối với tập đoàn quân sự. Tất cả các nhà lãnh đạo trong khu vực đều không muốn ASEAN can dự nhiều theo nguyên tắc "không can thiệp" Một số nhân vật bị chỉ trích trong nước không tham gia hội nghị, chỉ gởi ngoại trưởng sang, đó là trường hợp của thủ tướng Thái Lan, tướng Prayut Chan O Cha, hay tổng thống Philipppines Duterte.

Biển Đông : Tàu chở trực thăng Trung Quốc là mối đe dọa cho láng giềng

Về mặt quân sự, trang web của Les Echosnhận xét "Bắc Kinh tăng cường lực lượng can thiệp trên Biển Đông". Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tham dự lễ hạ thủy ba chiếc tàu, trong đó có một tàu chở trực thăng hiện đại, gây lo ngại cho Mỹ và các láng giềng Châu Á.

Được đặt tên là Hải Nam, chiến hạm Type 075 có trọng tải 40.000 tấn có thể mang theo khoảng 30 trực thăng và 100 binh lính. Cùng ra mắt với tàu chở trực thăng này là khu trục hạm Đại Liên và tàu ngầm nguyên tử Trường Chinh 18 có khả năng phóng hỏa tiễn đạn đạo. Bắc Kinh dự kiến tung ra thêm hai chiến hạm Type 075 trong những năm tới, bổ sung cho sáu tàu đổ bộ mà hải quân Trung Quốc đang có.

Đối với các chuyên gia quân sự, khu trục hạm Đại Liên không mấy xa lạ vì một chiếc tương tự đã đi vào hoạt động từ tháng 1/2020, còn Trường Chinh 18 là chiếc tàu ngầm thứ sáu hoặc thứ bảy được đóng kể từ 2007. Nhưng chiếc Hải Nam gây chú ý nhiều nhất vì đây là chiến hạm tấn công lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, và năng lực của nó vẫn chưa được biết rõ. Chiếc tàu chở trực thăng này làm gia tăng đáng kể năng lực can thiệp nhanh của quân đội Trung Quốc trên Biển Đông, đối với Đài Loan, Philipppines hay cả Việt Nam.

Bàn tay Bắc Kinh lũng đoạn chính trường Nepal

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài điều tra dài nói về việc Bắc Kinh can thiệp vào chính trường Nepal, nước láng giềng nhỏ bé nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc áp đặt mô hình của mình lên chính phủ cộng sản đang cầm quyền, nhằm đẩy lùi ảnh hưởng Ấn Độ, bóp nghẹt phong trào phản kháng Tây Tạng.

Bà đại sứ Trung Quốc tại Nepal Hầu Diễm Kỳ (Hou Yanqi) có mặt khắp nơi : chụp ảnh quảng bá cho chiến dịch du lịch Visit Nepal 2020, phân phát học bổng, vac-xin, dự lễ khởi công các công trình, tổ chức hội thảo về mô hình Trung Quốc, các chuyến tham quan Hoa lục cho chính khách Nepal… Việc kết hợp phong trào cộng sản gồm đảng mác-xít của thủ tướng Khadga Prasad Sharma Oli và phe mao-ít của ông Pushpa Kamal Dahal (thường gọi là Prachanda) thành đảng cộng sản Nepal (NCP) năm 2018 có bàn tay sắp xếp của Bắc Kinh. Cho dù những người cộng sản Nepal trở nên ôn hòa và chấp nhận đa đảng, Trung Quốc vẫn muốn áp đặt ý thức hệ.

Sau khi đàn áp biểu tình Tây Tạng tháng 3/2008 và làn sóng tự thiêu diễn ra sau đó, Bắc Kinh nhanh chóng đòi hỏi Nepal phải vô hiệu hóa mọi phong trào phản kháng trên lãnh thổ mình, nơi có 20.000 người tị nạn Tây Tạng. Tháng 10/2019, thủ đô Katmandou tiếp đón Tập Cận Bình với cổng chào khổng lồ mang dòng chữ "Tình hữu nghị giữa Nepal và Trung Quốc cao hơn đỉnh Everest". Trước chuyến công du này, một cuộc "hội thảo về tư tưởng Tập Cận Bình" đã được tổ chức cho các cán bộ đảng cộng sản Nepal.

Tháng 3/2021, thủ tướng Oli và đại sứ Trung Quốc cùng khai trương một khu công nghiệp tại quê nhà ông Oli là Jhapa, được cho là sẽ có 192 nhà máy, tạo ra 45.000 việc làm, nhưng đến nay mới chỉ là… quảng cáo. Hàng ngàn nhân vật quan trọng, đại biểu dân cử, nhà báo mỗi năm được mời sang thăm Hoa lục. Đặc biệt các nhà báo Nepal thường xuyên là khách mời, được tiếp đãi như những ông hoàng, chỉ cần viết ít nhất một bài báo mang tính tích cực về Trung Quốc, và họ thường không làm Bắc Kinh thất vọng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 443 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)