Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/04/2021

Điểm báo Pháp - "Đời vẫn đẹp" ở Vũ Hán ?

RFI tiếng Việt

Covid-19 : "Đời vẫn đẹp" ở Vũ Hán ?

"Bốn giai đoạn tháo gỡ phong tỏa cho nước Pháp" cho dù dịch vẫn bị Covid-19 đe dọa ; "Chống bất bình đẳng xã hội, ưu tiên của tổng thống Biden" : đó là hai chủ đề gần như phủ kín các tờ báo Paris ngày 30/04/2021. Nhưng trước hết La Croix đưa độc giả đến Vũ Hán nơi mà "cuộc sống đã trở lại bình thường như trước thời đại dịch".

vuhan1

Một lễ hội ánh sáng tổ chức trong một khu phố mua sắm của Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 23/03/2021. AFP - STR

Vào lúc nhiều nơi trên thế giới quyền tự do đi lại bị giới hạn tránh để virus corona lây lan, bài báo trên tờ La Croix mở đầu bằng câu nói của một phụ nữ 32 tuổi : ở Trung Quốc, "không cần xét nghiệm PCR để được quyền đi lại, người ta không bị hạn chế du lịch".

Là chủ của một phòng tập thể dục ở Thành Đô, tháng trước phụ nữ này đáp máy bay đến Hải Nam về thăm cha mẹ. Nhờ những biện pháp chống dịch "cực kỳ khắt khe" và gần như khóa chặt cửa với người nước ngoài từ nhiều tháng, Trung Quốc đã "thành công khống chế đại dịch". Giờ đây, "dân Trung Quốc cảm thấy an toàn trên đất nước họ và ngỡ ngàng thấy phần còn lại của thế giới tiếp tục chống chọi với dịch bệnh".

Hiệu trưởng một trường học tư tại Hàng Châu, nói với phóng viên Pháp là tại nơi ông cư ngụ "trên đường phố, không ai phải đeo khẩu trang". Hàng ngàn người tụ tập trong những buổi hòa nhạc hay lễ hội. Một trong những tiếng nói đầu tiên tại Vũ Hán ngày này năm 2020 chỉ trích Đảng cộng sản Trung Quốc "đã hy sinh tự do của các công dân, vì sức khỏe cộng đồng", nay nhìn nhận là "chính phủ Trung Quốc có lý" khi áp đặt các biện pháp khắt khe đó.

Vừa dọn về sống ở Thượng Hải từ ba tháng nay với hai con, bà cho biết hàng tháng vẫn được trở về Vũ Hán thăm chồng và song thân. Phụ nữ này tâm sự "Bên cạnh những vết thương quá khứ (…)  giờ đây, đời đang đẹp tại Trung Quốc".

Đọc đến đây, độc giả của báo La Croix hơi ngạc nhiên, nhất là khi biết rằng tác giả bài viết là Dorian Malovic, một cây bút không dễ dành cho Bắc Kinh những lời khen tặng. Ở phần thứ nhì của bài báo, ông thuật lại "cái giá" phải trả để có được cuộc sống tươi đẹp đó : từ tháng 3/2020 đến nay, ngay cả những công dân Trung Quốc sóng ở hải ngoại, khi trở về nước phải trải qua hai đợt cách ly, tối thiểu là 21 ngày. Mười bốn ngày đầu là ở Thượng Hải hay Quảng Đông trước khi được chuyển về đến địa phương nơi có gia đình. Và ở đó lại phải đợi thêm từ 7 đến 14 ngày cách ly giai đoạn hai.

Thế giới bên ngoài chỉ còn là "kỷ niệm"

Đối với người nước ngoài, vào Trung Quốc gần như là "nhiệm vụ bất khả thi" ngoại trừ một số trường hợp rất đặc biệt nếu có thẻ lao động hay thuộc diện nhân viên hoạt động nhân đạo.

Nhưng ngay trong trường hợp này, một hành khách từ Tunis, đến Thượng Hải phải trải qua ba đợt xét nghiệm PCR và sau 14 ngày bị cách ly ở khách sạn tại Thượng Hải, thì hành khách phải thanh toán hóa đơn 2.000 euro. Khi rời khách sạn, hành khách người ngoại quốc này lại phải tự cách ly thêm 7 ngày nữa trước khi được hòa mình vào cuộc sống của những người chung quanh.

Dorian Malovic bình luận : "Nếu như cả thế giới vẫn phải đương đầu với những làn sóng dịch, với những chiến dịch tiêm chủng thì về mặt y tế, Trung Quốc sống trong một quả bóng an toàn, hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Một ốc đảo ngoài vòng kềm tỏa của virus corona ở giữa đại dương, nơi mà giông bão vẫn dồn dập đe dọa". Đó là một nước Trung Hoa bị "cô lập" và co cụm. Nhà văn Alexandre Labruffe sống nhiều năm tại Vũ Hán ví von "với những người dân Trung Quốc, thế giới bên ngoài đang xa dần và chỉ còn là một kỷ niệm xa vời trong ký ức". Với những biến thể của siêu vi corona không chắc Trung Quốc sớm mở lại các đường biên giới.   

Thâm Quyến, thung lũng công nghệ Silicon Valley của Trung Quốc

Liệu Thâm Quyến và vịnh Đại Bằng có thể thay thế Silicon Valley trong vùng vịnh San Francisco để trở thành thung lũng công nghệ của thế giới ?

Trong bài thời luận của Le Monde mang tựa đề "Quốc gia công ty khởi nghiệp của Tập Cận Bình", Alain Frachon mở đầu một cách hóm hỉnh : "Ngay cả khi ngủ, ông Tập cũng nằm mơ thấy Trung Quốc trở thành nền kinh tế tân tiến nhất thế giới. Ông âu yếm ngắm nhìn vịnh Đại Bằng liên tưởng nơi này sẽ qua mặt vịnh San Francisco của Mỹ. Thâm Quyến là bàn đạp cho một thung lũng công nghệ Trung Quốc", tương tự như Silicon Valley của Mỹ. Đây không chỉ là một tính toán thuần túy về kinh tế mà còn là một vấn đề mang tính "chiến lược và chính trị" trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ.

Về mặt chiến lược, với Tập Cận Bình, tên lửa không là công cụ duy nhất để thống lĩnh thế giới mà giờ đây cuộc đọ sức để chiếm đoạt cương vị hàng đầu đã chuyển sang cả lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra đây còn là một bài toán chính trị khi mà Bắc Kinh muốn chứng minh rằng một chế độ độc đoán và mô hình tư bản theo kiểu Trung Quốc có thể đồng hành : "chưa một quốc gia nào tạo ra nhiều của cải trong trong một thời gian ngắn như Trung Quốc đã làm" như ghi nhận của giáo sư Jean-Pierre Landau, trường Khoa học Chính trị Paris.

Trong thời điểm này, chủ tịch Tập Cận Bình đủ tự tin để tuyên bố "mô hình xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Quốc" đã chứng minh "tràn đầy nhựa sống" và là môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo. Nói cách khác, theo Le Monde, lãnh đạo Bắc Kinh hoàn toàn tin tưởng rồi đây Thâm Quyến sẽ thay thế San Francisco.

Câu hỏi đặt ra là môi trường chính trị Trung Quốc có thuận lợi cho sự sáng tạo hay không ? Làm thế nào để những đầu óc sáng tạo có chỗ đứng trong một chế độ không chấp nhận bất kỳ một tiếng nói bất đồng nào và tất cả phải tuân theo ý Đảng ? Kinh tế gia Philippe Aghion trường Collège de France khẳng định "sự sáng tạo cần một nền dân chủ (…) cần quyền lực đối trọng", cần một hệ thống tư pháp độc lập, và một "xã hội dân sự cảnh giác và năng động".

Thêm một khác biệt nữa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc : đó là ở Mỹ các trường đại học như Stanford hay Berkeley ở California được tự do bao nhiêu thì các trường đại học của Trung Quốc lại trong vòng kềm tỏa của chế độ bấy nhiêu. Đảng cộng sản nước này vừa ra lệnh đóng một trường cao đẳng thương mại được ví như một "Harvard của Trung Quốc" chỉ vì sáng lập viên và chủ tịch của trường là ông chủ Alibaba vừa bị thất sủng. Cách nay hai năm, đại học Phúc Đán (Fudan) danh tiếng của Thượng Hải đã phải xóa bỏ cam kết "tự do tư duy" trong chương trình đào tạo sinh viên !

Mỹ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa ?

Nhìn đến các bài báo nói về diễn văn của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trước Quốc hội lưỡng viện cách nay hai hôm, độc giả có cảm tưởng các cây bút bình luận vẫn còn choáng váng với kế hoạch kinh tế mang nặng màu sắc của cánh tả : Le Monde nghi nhận "Joe Biden muốn tăng thuế đánh vào những thành phần giàu có nhất", "dẹp bỏ những khoản ưu đãi thuế khóa cho người giàu". Tờ Le Figaro thiên hữu chạy tựa lớn : "Chống bất công xã hội, ưu tiên của Joe Biden". Libération nhấn mạnh đến các biện pháp "giảm thuế cho giới trung lưu" đầu tư hàng cả ngàn tỷ đô la vào các hệ thống giáo dục và y tế, miễn phí cho học sinh mẫu giáo, cho hai năm đầu ở cấp đại học, đầu tư thêm 2.300 tỷ để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng thuế doanh nghiệp… Báo kinh tế Les Echos nói đến mục tiêu "giảm 50% số trẻ em sống trong cảnh nghèo khó" vào cuối năm 2021.

Khó có thể hình dung một vị tổng thống Hoa Kỳ trăn trở khi thấy "tài sản của 650 nhà tỷ phú Mỹ đã tăng thêm 1.000 tỷ đô la nhờ đại dịch, trong lúc 20 triệu dân Hoa Kỳ mất việc" vì siêu vi corona.

Nước Mỹ trên hết với phong cách Biden

Cũng Les Echos trong bài xã luận cảnh báo, công luận quốc tế chớ có nhầm về chính sách của tổng thống Biden : đành rằng ông muốn tiến trình phục hồi kinh tế càng lan rộng đến nhiều người Mỹ chừng nào thì tốt chừng nấy, nhưng "tinh thần liên đới đó không thoát ra ngoài biên giới của Hoa Kỳ". Nói cách khác, chính sách kinh tế của Joe Biden không hơn không kém khẩu hiểu "America First" của người tiền nhiệm là ông Donald Trump.

Điều đó có nghĩa là nước Mỹ tiếp tục ngăn cản Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 toàn cầu. Nhà Trắng trong tay vị tổng thống đảng Dân chủ này tuy mạnh mẽ tuyên bố dành ưu tiên cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng Châu Âu chớ vội cho rằng Mỹ sẽ chấp nhận đóng thuế carbon. Nhìn đến phản ứng của Washington trước thảm cảnh y tế và nhân đạo của Ấn Độ đang phải đối mặt với Covid-19, Châu Âu cũng chớ hy vọng hão huyền vào một sự liên đới nào đó của chính quyền Biden trên phương diện này khi mà Biden từng từ chối xuất khẩu vac-xin Pfizer-Moderna sang Châu Âu !  

2.000 tỷ đô la chi tiêu quân sự

Nước Mỹ và thế giới có bị khủng hoảng kinh tế hay không thì chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2020 vẫn đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Cũng báo Les Echos lưu ý độc giả, trong 26 năm liên tiếp, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng và "hầu hết các nước láng giềng" của ông khổng lồ Châu Á này cũng chưa bao giờ hào phóng như trong năm vừa qua. GDP toàn cầu giảm 4,4 % trong năm 2020 dưới tác động của dịch Covid-19, nhưng chi phí quân sự của thế giới tăng 2,6 % trong cùng thời kỳ, đạt gần 2.000 tỷ đô la.

Theo báo cáo của viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố hôm 26/04/2020, hơn một nửa khoản chi tiêu nói trên xuất phát từ "Mỹ và Trung Quốc". Năm quốc gia hào phóng nhất chiếm 62% doanh thu của các nhà sản xuất. Hoa Kỳ dẫn đầu bảng với gần 780 tỷ đô la, Trung Quốc đứng thứ nhì với 252 tỷ, Ấn Độ đứng hạng 3, Nga hạng tư và Anh Quốc hạng thứ 5.

Báo cáo của SIPRI lần này lưu ý "trong 26 năm liên tiếp" Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự. Nhưng điểm mới của năm 2020 là tham vọng của Bắc Kinh khiến các nước Châu Á lo ngại. Từ Thái Lan đến Philippines, Úc, Nhật Bản hay Malaysia đều chưa bao giờ có ngân sách quốc phòng "lớn" như trong năm qua. Riêng trong trường hợp của Việt Nam, SIPRI không có đủ số liệu nhưng theo viện nghiên cứu này, Việt Nam "không là một ngoại lệ" so với các quốc gia vừa nêu.  

Pháp - Covid-19 : Bốn giai đoạn dỡ bỏ phong tỏa

Về thời sự Pháp, hay nói đúng hơn về quyết định được công luận Pháp mong đợi nhất đó là thông báo của tổng thống Emmanuel Macron về lịch trình từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa chống Covid-19, các tờ báo Paris chạy tựa gần giống nhau : "Bốn giai đoạn" hay "Bốn chặng" thoát khỏi phong tỏa.

Nhưng phần bình luận về quyết định này lại thuộc về các tờ báo địa phương vì nguyên thủ Pháp dành ưu tiên cho các tờ báo này và đã nêu rõ bốn cột mốc quan trọng : đầu tuần tới dân chúng không còn bị giới hạn đi lại. Hai tuần sau đó, tức là đến giữa tháng Năm, hàng quán được mở cửa trở lại, lệnh giới nghiêm được dời lại đến 9 giờ tối. Đến đầu tháng Sáu, giới thích sống về đêm sẽ "được tự do thêm hai tiếng đồng hồ nữa" tức là đến 11 giờ khuya mới phải quay về nhà. Nhà hàng, quán cà phê được tiếp khách "ở bên trong" và người Pháp sẽ gần như được "hoàn toàn giải phóng" vào ngày 30 tháng 6. Đương nhiên đó là lộ trình được hoạch định một cách "hành chính", nhưng tất cả còn tùy thuộc vào một con siêu vi.

Do tổng thống Macron trả lời phỏng vấn của các tờ báo địa phương như Le Dauphiné Libéré, Le ProgrèsLe Bien PublicLe Journal de Saône-et-LoireLes Dernières Nouvelles d'Alsace hay L'Est Républicain, các tờ báo này bình luận "đây chẳng qua là bước chuẩn bị để Macron tái tranh cử tổng thống vào năm tới". Điện Elysée chọn các tờ báo địa phương thay vì những cái tên quen thuộc với độc giả Paris như Le Figaro, Les Echos, Le Monde hay La Croix Libération… do tổng thống Pháp muốn là "lời nói của ông" đi sâu vào được từng nhà kể cả ở những vùng xa xôi. Về hình thức, trả lời báo giấy có vẻ thân mật, gần gũi với người dân hơn là các buổi nói chuyện trịnh trọng trên đài truyền hình như những lần trước.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 508 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)