Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/05/2021

Điểm báo Pháp - Thảm họa dịch Covid-19 tại Ấn Độ

Minh Anh

Thảm họa dịch Covid-19 tại Ấn Độ : Narendra Modi trả giá cho sự ngạo nghễ

Le Monde La Croix cùng chạy tít lớn trên trang nhất : "Tại Ấn Độ, Narendra Modi bị ngợp trước quy mô dịch bệnh" và "Ấn Độ bị nhấn chìm trong cơn đại dịch". Le Figaro cho biết mối nghi ngờ "Coronavirus thoát ra từ phòng thí nghiệm lại trỗi dậy". Còn nhật báo kinh tế Les Echos dành tít chính cho việc "Hỗ trợ các doanh nghiệp, một kế hoạch để thoát khủng hoảng".

ando1

Hoa Kỳ khẩn cấp gởi thiết bị y tế và bình dưỡng khí ô-xy đến cứu trợ Ấn Độ.  AP - Prakash Singh

Sóng thần Covid

Như những cơn sóng thần, làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai đổ ập xuống Ấn Độ gây ra một thảm họa dịch tễ nghiêm trọng. Hơn 200 ngàn người chết, riêng trong ngày Chủ nhật 02/5 đã có hơn 3.400 người thiệt mạng. Đất nước với gần 1,4 tỷ dân, mỗi ngày ghi nhận có hơn 300 ngàn ca nhiễm mới, và đỉnh kỷ lục hơn 400 ngàn cũng vừa vượt qua. Làn sóng dịch bệnh đang lan rộng khắp cả nước và dần tiến sang các vùng nông thôn.

Ấn Độ hỗn loạn như đang trong thời chiến. Không còn tiếng còi xe ô tô inh ỏi giành đường, thay vào đó là tiếng còi hụ xe cứu thương suốt ngày đêm. Bệnh viện và người dân chạy đôn chạy đáo tìm bình dưỡng khí ô-xy, thuốc men... Ngoài phố là những dàn hỏa thiêu lộ thiên sắp thành từng chuỗi, bốc lửa ngày đêm, khói đen nghịt trời do lò thiêu bị quá tải. Đó là những thứ âm thanh, hình ảnh thường nhật tại Ấn Độ lúc này.

Thông tín viên Le Monde còn ghi nhận một chi tiết đáng chú ý : Các tờ báo tại Ấn Độ ngày càng mỏng dần. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, khoảng 150 nhà báo đã chết vì Covid-19.

ando2

Một bãi thiêu nạn nhân Covid-19 lộ thiên ở New Dehli, Ấn Độ, ngày 24/04/2021. AP - Altaf Qadri

Lỗi ở Modi ?

Vì đâu nên nỗi ? Trên các trang mạng xã hội, người dân không kiệm lời chỉ trích "sự bất tài tội ác" từ một chính phủ "không phương hướng". Người dân còn kêu gọi "không có ô-xy, thì không có phiếu bầu" hay "Modi từ chức".

Ông Palaniappan Chidambaram, cựu bộ trưởng Nội vụ, nghị sĩ Công Đảng, đối thủ chính trị của đảng BJP cầm quyền hiện nay, liệt kê 4 nguyên nhân chính : Thói kiêu ngạo, tập trung quyền lực thái quá, cố vấn tồi và kế hoạch kém.

Le Monde nhắc lại, vì quá tự tin sau đợt dịch đầu tiên, Narendra Modi đã có những tuyên bố ngạo nghễ như Ấn Độ có đủ khả năng "sản xuất và cung cấp vac-xin cho nhân loại" (Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 26/9/2020).

Tệ hơn nữa tại diễn đàn Davos (tháng Giêng năm 2021) ông còn hùng hồn phát biểu : "Khi đại dịch mới bùng phát, thế giới lo lắng cho Ấn Độ đến mức họ lo ngại một cơn sóng thần lây nhiễm sẽ đổ ập xuống đất nước. Một số chuyên gia còn dự báo là khoảng 700-800 triệu người Ấn Độ sẽ bị nhiễm bệnh và hơn hai triệu người chết vì Covid. Nhưng Ấn Độ không để cho điều đó xảy ra và đã cứu sống cả nhân loại khỏi một thảm họa to lớn. Ngày nay, Ấn Độ gởi vac-xin đến nhiều nước và góp phần phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự thành công một chiến dịch tiêm ngừa, cứu mạng sống công dân nhiều nước khác".

Tham vọng mù quáng

Nhưng theo một số nhà phân tích, được Le Monde trích dẫn, một trong những nguyên nhân chính của thảm họa dịch tễ này là do chính những tham vọng cá nhân của thủ tướng Nadrenra Modi. Ham muốn đi vào lịch sử, có thể sánh vai cùng các bậc hiền triết, những gương mặt chính trị tiêu biểu của đất nước đã làm cho ông mù quáng, bỏ qua những lời khuyên can từ giới khoa học.

Từ nhiều tháng nay, ông nỗ lực xây dựng cho mình hình bóng của một bậc hiền triết, với bộ râu dài bạc phơ khiến nhiều nhà quan sát liên tưởng đến hình ảnh nhà thơ Rabindranath Tagore nổi tiếng. Lời lẽ phát biểu của ông vượt ngoài khuôn khổ chính trị, mang đậm hơi hướm giáo điều – tôn giáo.

Chỉ có điều, hình ảnh của nhà hiền triết, cũng như là một người đầy quyền lực đã không giúp thủ tướng Modi kháng cự được với làn sóng dịch thứ hai, đang tàn phá đất nước từ tháng Ba đến nay, nhấn chìm Ấn Độ trong một tấn bi kịch không hồi kết. Sự việc làm lộ rõ những yếu kém to lớn của Ấn Độ, có nguy cơ phá vỡ những tham vọng chính trị và địa chính trị muốn vươn lên thành siêu cường của đất nước, để cạnh tranh với Trung Quốc. Hệ quả nhãn tiền là thất bại ê chề của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử vùng tại bang Tây Bengali.

Mỉa mai thay, Narendra Modi lại đại bại ngay trên chính mảnh đất từng được ví như là "ánh sáng của Ấn Độ", nơi sinh ra những bậc hiền triết, hiền tài của đất nước và nhất là nơi xuất xứ của ông Syama Prasad Mukherjee (1901 – 1953), nhà sáng lập của Bharatiya Jana Sangh, tiền thân của đảng BJP của ông Modi hiện nay.

Virus corona có thoát ra từ phòng thí nghiệm ?

Câu hỏi này một lần nữa được các nhà khoa học đặt ra. Le Figaro cho biết "Mối ngờ tai nạn từ phòng thí nghiệm mỗi lúc một dầy đặc". Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc đang nuôi dưỡng mối ngờ vực từ nhiều nhà khoa học.

Theo một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập Drastic, chính quyền Trung Quốc đang tạo dựng "một pháo đài, một bức tường thành nhân tạo", gây khó khăn cho công cuộc điều tra nguồn gốc dịch bệnh. Lập luận của Bắc Kinh cho rằng nguồn gốc dịch bệnh xuất phát từ chợ bán động vật hoang dã Vũ Hán chỉ là một chiếc bình phong.

Nỗi ngờ vực còn tăng thêm khi mà Vũ Hán còn có cả một Viện vi trùng học P4, được biết đến như là một trong những trung tâm nghiên cứu về virus corona ở loài dơi nổi tiếng trên thế giới. Các nhà khoa học quốc tế chỉ trích các đồng nghiệp Trung Quốc đã không cung cấp đầy đủ các dữ liệu khoa học về bộ mã gien một chủng virus rất gần với loài Sars-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Nghi vấn còn thêm dầy đặc khi những cơ sở dữ liệu của Viện Vũ Hán đã bị chính quyền rút khỏi Internet. Theo giải thích Shi Zheng Li, những dữ liệu này được rút đi ngay khi dịch bùng phát do bị tin tặc tấn công. Nhưng nhóm các nhà nghiên cứu độc lập khẳng định rằng các dữ liệu về virus corona ở loài dơi không còn ở trên mạng kể từ tháng 9/2019, tức ba tháng trước khi công bố chính thức có dịch bệnh.

Phải chăng một nghiên cứu sinh đã bị nhiễm virus khi đang thực hành lấy mẫu tại viện ? Liệu các nhà khoa học tại Viện vi trùng học Vũ Hán có cho tiến hành biến đổi bộ gien để nghiên cứu khả năng tiến triển của virus khi xâm nhập vào tế bào của một loài vật khác ?... Ngần ấy câu hỏi các nhà khoa học quốc tế muốn có được câu trả lời từ phía Trung Quốc, nhưng đều vô vọng.

Hungary : Ngựa thành "Troy" của Trung Quốc ?

Trong lĩnh vực địa chính trị, nhật báo công giáo La Croix có bài giải thích "Vì sao Viktor Orban mở rộng vòng tay sang phía đông".

Thời gian gần đây, giới quan sát tại Châu Âu không ngừng đặt câu hỏi : "Phải chăng Hungary đã trở thành ngựa thành Troy cho Trung Quốc tại Châu Âu ?". Chính sách "mở rộng sang đông" của Hungary nhằm đáp ứng hai mục tiêu chính là kinh tế và hệ tư tưởng. Thủ tướng Viktor Orban tìm kiếm những nguồn tài trợ và đầu tư thay thế để có thêm rộng đường hành động. Ông không chỉ tìm kiếm đối tác với Trung Quốc, mà cả với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo phân tích của Jacques Rupnik, giám đốc nghiên cứu trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po) với La Croix, "Viktor Orban xem Trung Quốc như là một đối tác kinh tế có lợi và là một mô hình để theo, khi chứng minh rằng người ta không cần phải là một nền dân chủ tự do thì mới thịnh vượng".

Nhìn từ Bắc Kinh, Hungary là một phần trong chiến lược Châu Âu rộng hơn, bao gồm cả những nước như Hy Lạp, Ý và Serbia. Nhiều nước Trung Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech, vốn dĩ trông đợi nhiều vào nguồn đầu tư từ Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng và trao đổi mậu dịch, lại tỏ ra thất vọng vì kết quả không được như mong đợi.

Tờ báo lưu ý, hơn ¾ trao đổi mậu dịch của Hungary là với các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Phần lớn đầu tư nước ngoài ở Hungary là từ Châu Âu, nhiều nhất là Đức.

Bởi vì, cũng giống như Trung Quốc, ông Viktor Orban muốn biến đất nước là một thị trường đầu tư hấp dẫn có giá nhân công rẻ, bằng chứng hiển nhiên là việc "bãi bỏ quy định về giờ phụ trội", như nhận định của ông Paul Gradvohl, giáo sư lịch sử về Trung Âu đương đại, trường đại học Paris 1. Theo vị giáo sư này, đây cũng chính là "điểm yếu có tổ chức của Liên Hiệp Châu Âu trong việc tạo dựng một không gian thật sự về các quyền con người."

Joe Biden : Chính sách ngoại giao vì tầng lớp trung lưu Mỹ

Nhìn sang nước Mỹ, Donald Trump khi cầm quyền đã chọn cho mình khẩu hiệu "Make America Great Again !" (Nước Mỹ vĩ đại trở lại !) như là lá bùa hộ mệnh. Nay với Joe Biden, khẩu hiệu mới về cơ bản sẽ là "Make the American Middle Class Happy Again !" (Hãy làm cho tầng lớp trung lưu Mỹ sung sướng trở lại !).

Theo nhận định của nhà báo Renaud Girard trên tờ Le Figaro, khi đề ra khẩu hiệu này, tổng thống Joe Biden đang nhắm đến cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 12/2022, nhằm thu hút lá phiếu của những cử tri thuộc tầng lớp trung lưu từng bỏ rơi Trump.

Tuy nhiên, mục tiêu bảo vệ tầng lớp trung lưu của ông Biden không khác gì với chính sách bảo hộ của người tiền nhiệm, nghĩa là, ông muốn hồi hương những ngành công nghiệp về nước Mỹ. Cũng giống Donald Trump, ông tìm cách chống thế bá quyền thương mại của Trung Quốc tại Châu Á và Châu Âu. Và giống như Trump, ông tìm cách cản đường Hoa Vi thâm nhập các thị trường mạng 5G tại các nước đồng minh của Mỹ.

Để cản đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á, nguyên thủ Mỹ muốn biến nhóm G7 (khối bảy nước công nghiệp hàng đầu gồm Pháp, Ý, Anh, Đức, Mỹ, Canada và Nhật Bản) thành G10 khi gia nhập thêm Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc. Khác với ông Trump là G11, khi muốn có cả nước Nga.

Và tại thượng đỉnh NATO sắp tới (14/06/2021) ở Bruxelles, Joe Biden cũng sẽ không yêu cầu các đồng minh tăng thêm chi phí đóng góp nhưng đổi lại, ông sẽ yêu cầu những nước này đi theo đường lối chống Trung Quốc của Washington. Và nhất là sẽ không còn ý tưởng chiến tranh phòng ngừa thảm họa nhân đạo.

Chỉ có điều, vì tầng lớp trung lưu này, nước Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm tham chiến, tiêu tốn hết 1.500 tỷ đô la. Hoa Kỳ sẽ để mặc các nước đồng minh đối mặt với việc Kabul lại trở thành pháo đài cho quân thánh chiến, Afghanistan là trung tâm cung cấp thuốc phiện cho thế giới và làn sóng người tị nạn chạy trốn Taliban tràn vào Tây Âu qua ngả Iran – Thổ Nhĩ Kỳ – Balkan.

Bảo hộ mậu dịch nhiều hơn, bảo vệ nhân quyền ít hơn và không phiêu lưu quân sự nữa, chính sách đối ngoại này đương nhiên sẽ làm hài lòng tầng lớp trung Mỹ. Nhưng liệu đó có sẽ là một nền ngoại giao lớn hay không ? Nhà báo Renaud Girard khẳng định lịch sử chứng minh rằng một nền đối ngoại mà phải cân nhắc các chính sách đối nội hiếm khi là một nền ngoại giao lớn !

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)