Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/05/2021

Điểm báo Pháp - Trung Quốc vươn vòi bạch tuộc…

RFI tiếng Việt

Trung Quốc vươn vòi bạch tuộc khắp Thái Bình Dương

Thụy My, RFI, 10/05/2021

Le Mondehôm 10/05/2021 nhận định "Ở Kiribati, Trung Quốc đã đặt chân vào giữa Thái Bình Dương", qua việc tân trang một phi đạo cũ của Mỹ trên đảo Kanton. Hòn đảo nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa Nam Thái Bình Dương mênh mông có vị trí chiến lược, vì ở giữa tuyến đường từ Hawai đến Úc.

bachtuot1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Kiribati, Taneti Maamau tại Đại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 06/01/2020. AP - Mark Schiefelbein

Phi đạo Trung Quốc ở Kiribati, mắt xích Con đường tơ lụa ở Thái Bình Dương

Đảo san hô Kanto được Không quân Mỹ biết rất rõ, vì đã đồn trú tại đây từ 1942 đến 1943 để tấn công quân Nhật tại những hòn đảo lân cận. Hãng tin Reuters hôm 05/05 tiết lộ hòn đảo này sắp tới sẽ trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Kanto hầu như không có người ở và không có nước ngọt, thuộc sở hữu của tiểu quốc Kiribati chỉ có 120.000 dân, nằm trong khu vực được bảo vệ sinh thái. Nhưng Bắc Kinh muốn xây dựng một số cơ sở và tái thiết đường băng quý giá dài 2 kilomet, được thiết lập để tiếp nhiên liệu cho các chuyến bay đường dài và bị bỏ rơi vào thập niên 60 vì các phi cơ thương mại đã tự chủ hơn về xăng dầu. Cả Reuters lẫn Le Monde đều không được chính quyền Kiribati xác nhận chính thức về tin này.

Trong khu vực mang dấu ấn Mỹ, vụ này gây quan ngại vì nằm trong chiến lược tạo ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các tiểu quốc Thái Bình Dương, với việc đầu tư và cho vay. Trong số các dự án Trung Quốc ở Kiribati còn có một cảng container. Với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và tài nguyên biển, Kiribati năm 2019 đã quay sang phía Trung Quốc, tham gia "Con đường tơ lụa mới" của Tập Cận Bình dù cho đến lúc đó vẫn ủng hộ Đài Loan. Quần đảo Salomon cũng hành động tương tự. Còn tại Vanuatu, nằm xa hơn về phía nam, việc xây dựng một cầu cảng để đón các tàu quân sự Trung Quốc gây tranh cãi.

Các tiểu quốc Thái Bình Dương khác hiện thời vẫn có quan hệ ngoại giao và kinh tế ưu tiên với Đài Loan là quần đảo Marshall, Tuvalu, Palau. Tân tổng thống Palau, vừa thắng ứng cử viên thân Bắc Kinh, tuyên bố vẫn ủng hộ Đài Loan vì là nước lâu nay vẫn sát cánh với mình.

Bành trướng từ Đông Nam Á đến Địa Trung Hải

Trung Quốc đã mua một phần hoặc toàn bộ vài chục hải cảng, căn cứ ở vùng duyên hải trên thế giới từ cuối thập niên 90. Ưu tiên là Đông Nam Á với các hải cảng Gwadar ở Pakistan, Hambantota ở Sri Lanka, Kyaukpyu của Miến Điện, Tanjung Priok ở Indonesia. Các đảo Thái Bình Dương nằm trong tầm nhìn dài hạn của Bắc Kinh, nhưng những bước dấn tới của Trung Quốc đã gây lo lắng, nhất là các cơ sơ này đều lưỡng dụng – cả thương mại lẫn quân sự, dù Trung Quốc vẫn không nhìn nhận.

Chuyên gia Hugues Eudeline, cựu sĩ quan Pháp chuyên về hải quân Trung Quốc nhận xét, Bắc Kinh muốn có điểm trung chuyển và tiếp liệu cho các tàu lớn như hàng không mẫu hạm hay chiến hạm đổ bộ. Tướng Stephen Townsend, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Châu Phi bày tỏ lo lắng về cảng Trung Quốc ở Djibouti trước Thượng Viện Hoa Kỳ. Ông cảnh báo : "Họ đã hoàn thành một con đê rất lớn liền kề với căn cứ, có thể neo đậu những chiến hạm lớn nhất kể cả hàng không mẫu hạm và tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc". Theo tướng Townsend, rõ ràng đây là dấu hiệu sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Ông Eudeline nhấn mạnh, Trung Quốc cũng cần chỗ đậu cho các phi cơ của mình ở khắp nơi. Ngoài các hải cảng, những căn cứ như Kanton ở Kiribati cho phép máy bay dân sự lẫn quân sự hạ cánh. Một nguồn tin Pháp khẳng định, Ấn Độ-Thái Bình Dương không chỉ là chủ đề của Hải quân mà Không quân cũng phải quan tâm hàng đầu, do các phi cơ Rafale của Pháp từ tháng Sáu đã bay thẳng đến Tahiti và Hawai.

Sự bành trướng của Trung Quốc mang lại những hệ quả địa chính trị. Trên toàn bộ chu vi Châu Phi, Bắc Kinh đã đầu tư vào khoảng 15 cảng biển từ 10 năm qua. Tại Địa Trung Hải, nay dự án cảng nước sâu El Hamdania ở Algeria khiến các chiến lược gia phương Tây quan ngại. Ở Đại Tây Dương, cảng Sines ở Bồ Đào Nha đang tìm kiếm nhà đầu tư khác ngoài Trung Quốc vì áp lực từ Mỹ.

Châu Âu và Ấn Độ liên kết chống Con đường tơ lụa Trung Quốc

Le Figaronhận xét "Châu Âu và Ấn Độ đoàn kết chống lại Trung Quốc", trong bối cảnh hai khu vực tạo thành một thị trường 1,8 tỉ dân sẽ đàm phán một hiệp định thương mại.

Loan báo được đưa ra hôm thứ Bảy 08/05 tại Porto, bên lề hội nghị thượng đỉnh. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hoan nghênh việc mở ra "một chương quan trọng mới" trong ba lãnh vực thương mại, bảo vệ đầu tư và chỉ dẫn địa lý. Thêm vào đó là các chủ đề từ trao đổi sinh viên, vận chuyển hàng không cho đến y tế - trong lúc Ấn Độ đang bị con virus corona hoành hành, làm gần 4.200 người chết trong ngày thứ Bảy hôm ấy.

Minh chứng cho tầm quan trọng của quan hệ đối tác tương lai, là sự hiện diện của các lãnh đạo cả 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU). Trong kỳ họp lần trước, chỉ có chủ tịch Hội Đồng Châu Âu và Ủy Ban Châu Âu đại diện tham dự. Do đại dịch và các khó khăn chính trị, thủ tướng Narendra Modi chỉ thảo luận với các nhà lãnh đạo EU qua cầu truyền hình. Nghị Viện Châu Âu - đang chống đối thỏa thuận đầu tư ký kết với Trung Quốc cuối năm 2020 - theo dõi chặt chẽ tình hình.

EU và Ấn Độ hợp thành một thị trường 1,8 tỉ dân với GDP 16.500 tỉ euro với nhiều triển vọng, cho dù việc đàm phán không dễ dàng vì Ấn Độ vốn rất bảo thủ. Tuy nhiên nếu thành công, đôi bên sẽ cùng có lợi.

Ấn Độ-Thái Bình Dương trước thách thức Trung Quốc

Châu Âu nhất thiết phải nối lại các liên minh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương - mà Hoa Kỳ rất quan tâm, trước một Trung Quốc nay được coi là "đối thủ mang tính hệ thống", và đối thoại về thỏa thuận đầu tư đang bị ngưng lại. Trong khi đó quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng vì các vụ đụng độ ở vùng biên giới : tháng 6/2020, khoảng 20 binh lính Ấn Độ đã bị quân Trung Quốc sát hại dã man. Người đứng đầu ngành ngoại giao EU, Josep Borrell nhận xét : "Ấn Độ đã chọn lựa đầu tư vào quan hệ với EU vì Trung Quốc, và Brexit đã buộc New Delhi không còn coi Luân Đôn và ngõ vào Châu Âu duy nhất".

Một bằng chứng nữa cho ý định xây dựng quan hệ đối tác vững chắc, là thỏa thuận về kết nối được loan báo hôm thứ Bảy. Đôi bên sẽ hợp tác xung quanh các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên toàn thế giới trong nhiều lãnh vực : kỹ thuật số, năng lượng, giao thông… Mục tiêu là chống lại Trung Quốc và "Con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh.

Trong cuộc họp thượng đỉnh EU-Ấn Độ, một vấn đề khác cũng được đặt ra là việc hủy bỏ bằng sáng chế về vac-xin chống Covid mà Ấn Độ và Nam Phi đòi hỏi từ nhiều tháng qua, nay được Hoa Kỳ và Đức giáo hoàng ủng hộ. Tuy nhiên Châu Âu tỏ ra nghi ngại vì tin rằng việc này trước mắt không giúp tăng sản lượng vac-xin trên thế giới.

Bằng sáng chế vac-xin chống Covid : Biden đóng vai người hùng với giá rẻ

Nhìn sang nước Mỹ, xã luận của Le Mondephê phán "Vac-xin và bằng sáng chế : Biden làm anh hùng với rất ít chi phí". Hôm thứ Tư 05/05, ông Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc tạm thời bỏ các bằng sáng chế các vac-xin chống Covid của các phòng thí nghiệm những nước giàu, để giúp các nước nghèo tăng cường tiêm chủng. Theo Le Monde, tổng thống Mỹ đã giành lấy hình ảnh tương trợ hàng đầu thế giới của Châu Âu, với cái giá rất rẻ.

Đây là một quyết định quay ngoặt 180° so với quan điểm của Washington lâu nay trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hồi tháng 10/2020, khi Ấn Độ và Nam Phi đề nghị bỏ qua bằng sáng chế vac-xin ARN thông tin như của Pfizer và Moderna, Hoa Kỳ, EU, Anh, Thụy Sĩ, Nhật Bản đã phản đối nhân danh bảo vệ sáng tạo.

Tuy khía cạnh đạo đức là không thể bàn cãi, vấn đề này phức tạp hơn người ta tưởng. Theo tổng giám đốc Moderna vốn đã mở cửa cho bằng sáng chế của mình, việc hủy bỏ "không giúp cải thiện cung cấp vac-xin ARN thông tin trên thế giới năm 2021 và cả 2022". Thực tế là sự hạn chế trong năng lực sản xuất của các nước đang phát triển, việc chuyển giao công nghệ và kỹ năng để làm ra các vac-xin tiên tiến này. Chẳng hạn Ấn Độ tuy có kỹ nghệ dược phẩm hùng hậu và sản xuất được vac-xin AstraZeneca, nhưng lại không có công nghệ để làm ra vac-xin ARN thông tin.

Châu Âu, đặc biệt là Pháp nhấn mạnh, sự khẩn cấp nằm ở điểm khác chứ không phải một loan báo gây ấn tượng, từ một quốc gia đã chờ đến khi tiêm chủng được một nửa dân số mới ra tuyên bố mang vẻ hào hiệp, và nhất là không chịu xuất khẩu vac-xin. Bà Von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhắc nhở : "Trong khi những nước khác giữ lại sản lượng cho mình, Châu Âu là nhà xuất khẩu vac-xin chính cho thế giới". Sau động thái phô trương của Biden, Hoa Kỳ cần phải chứng tỏ thiện chí bằng cách giao cho cơ chế Covax hàng trăm triệu liều vac-xin đang đươc tồn trữ.

Chống Donald Trump, sự nghiệp bà Liz Cheney đang vào hồi kết

Cũng về nước Mỹ, trang nhất 20 Minutes đăng ảnh cựu tổng thống Donald Trump đang vung hai nắm đấm với dòng tựa "Nốc-ao ở đảng Cộng hòa". Ông Trump áp đặt luật lệ của mình trong đảng, với mục tiêu quay lại Nhà Trắng. Tuy vẫn không được sử dụng Facebook và Twitter, nhưng ảnh hưởng của Donald Trump không hề sút giảm nơi đảng Cộng hòa. Ông đang vận động để hạ bệ Liz Cheney, người đang giữ vị trí thứ ba trong đảng và từng bỏ phiếu truất phế ông.

Sự nghiệp con gái cựu phó tổng thống Dick Cheney sắp đến hồi kết, trong cuộc bỏ phiếu của nhóm Cộng hòa nhằm hất bà Liz Cheney ra khỏi vị trí hiện nay ở Hạ Viện tuần này. Donald Trump tung ra những thông cáo báo chí "chết người" như "Liz Cheney là một kẻ ngốc hung hăng, chẳng có gì để làm trong hệ thống đảng Cộng hòa". Cựu tổng thống kêu gọi bầu cho đại diện New York, Elise Stefanik, một người trung thành với ông Trump.

Các dân biểu Cộng hòa không có sự chọn lựa : Donald Trump vẫn là nhân vật được cử tri yêu mến nhất, nên những ai không ủng hộ ông coi như chống lại ông. Các thủ lãnh Cộng hòa ở Hạ Viện, Kevin McKathy (nhân vật số 1) và Steve Scalise (số 2) khẳng định Liz Cheney không còn được người nào trong nhóm ủng hộ. Bà không chịu hạ vũ khí, nhưng hầu như chỉ còn có thượng nghị sĩ Mitt Romney - bản thân ông này cũng bị cử tri Cộng hòa ở bang Utah phản đối - hoan nghênh "sự can đảm" của bà.

Trang nhất báo Pháp

Trong bối cảnh nước Pháp đang dỡ bỏ dần phong tỏa, nhật báo kinh tế Les Echos dành trang bìa hôm nay cho sự tỉnh giấc của ngành du lịch. Le Figaronói về "Một thế hệ bị hy sinh" và những lo ngại của giới trẻ. Le Monde nhận xét việc loan báo lịch trình dỡ bỏ phong tỏa cũng có thể coi như bước khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống 2022.

La Croix quan tâm đến việc nước Pháp kỷ niệm 20 năm đạo luật coi chế độ nô lệ là tội ác chống nhân loại.Libération chạy tựa "Cánh tả, cuộc khủng hoảng tuổi bốn mươi" với hình vẽ cố tổng thống Mitterrand trong chiếc áo choàng đỏ của nhà vua. Tờ báo đặt vấn đề, đúng 40 năm sau khi ông Mitterrand đắc cử tổng thống ngày 10/05/1981, liệu cánh tả có hy vọng giành được chiến thắng trong năm 2022 hay không.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 466 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)